6. Cấu trúc của luận văn
1.3.2. Hành vi mời
1.3.2.1. Khái niệm hành vi mời
Mời là một nghi thức phổ biến mà tất cả các dân tộc trên thế giới đều sử dụng đến. Theo Từ điển tiếng Việt “mời là tỏ ý mong muốn, yêu cầu người
khác làm việc gì một cách lịch sự, trân trọng”. Mời bày tỏ thái độ cầu khiến
của người nói đối với người nghe, thúc giục người nghe thực hiện một hành vi nào đó nhằm thỏa mãn cả hai bên tham thoại. Lời mời thể hiện thái độ lịch sự, kính trọng, thân thiện và xuất phát từ lợi ích giữa người nói lẫn người nghe. Đây được xem như nét nghĩa chính của một lời mời.
Theo bảng phân loại tại lời của Austin (1962) hành vi mời thuộc nhóm hành vi Hành sử còn theo Searle thì mời thuộc nhóm hành vi Điều khiển. Searle xác định nhóm hành vi điều khiển theo bốn tiêu chí phân loại:
1. Đích ở lời: Đặt người nghe vào trách nhiệm thực hiện một hành động trong tương lai.
2. Hướng khớp ghép: Là sự ăn khớp giữa lời nói và hiện thực theo hai chiều từ ngôn ngữ đến hiện thực và từ hiện thực đến ngôn ngữ.
3. Trạng thái tâm lý: Là điều kiện chân thành của hành vi tại lời. Khi thực hiện một hành vi nào đó, người ta có thể biểu hiện lòng tin, sự mong muốn, sự hối tiếc, ăn năn,…
4. Nội dung mệnh đề: Hành động tương lai của người tiếp nhận nội dung.
Điểm thống nhất giữa hai ông trong quan niệm về hành vi mời là đặt người nghe vào trách nhiệm thực hiện một hành động nào đó trong tương lai mà phát ngôn mở đầu đã đặt ra.
Ngoài ra, lời mời còn một nét nghĩa khác được sử dụng trong một vài trường hợp đặc biệt. Ở những trường hợp này, mời mang nét nghĩa là muốn
“đuổi” khéo người nghe đi, cũng là để nhằm thỏa mãn mong muốn của
mình nhưng ở nét nghĩa này lời mời không mang tính chất thân thiện nữa mà thay vào đó là sự dứt khoác, bất bình, phẫn nộ. Nét nghĩa này của lời mời chỉ được sử dụng trong một vài trường hợp cá biệt, khi người nói dù đang rất bất bình nhưng vẫn muốn thể hiện được phép lịch sự tối thiểu đối với người nghe. Chẳng hạn “Tôi mời anh ra khỏi nhà tôi ngày lập tức”. Vì vậy, khi sử dụng lời mời mang nét nghĩa này cần phải chú ý hoàn cảnh giao tiếp, vị trí giao tiếp,…
Từ đây, chúng tôi thử nêu định nghĩa của lời mời dựa theo nét nghĩa chính của nó: Mời là hành vi của người nói cầu khiến người nghe thực hiện một mong muốn nào đó của mình xuất phát từ lợi ích của chính người nói hoặc của đôi bên.
1.3.2.2. Phân biệt “Mời” và một số vị từ cùng nghĩa
Mời là hành vi cầu khiến tiếng Việt trên thực tế mang nét nghĩa gần giống với một số hành vi cầu khiến khác như ra lệnh, yêu cầu, đề nghị,… vì vậy cần phân biệt để tránh dẫn đến lỗi ứng xử đáng tiếc.
Mời, yêu cầu, ra lệnh, đề nghị,… đều có mục đích chung là muốn người nghe thực hiện một việc gì đó theo mong muốn của người nói. Tuy nhiên, đối với yêu cầu, ra lệnh, đề nghị,… thường mang tính ép buộc người nghe. Để xét những hành vi cầu khiến này trong một cuộc tham thoại có thể hiện tính lịch
sự hay không phải nhìn nhận thêm vào ngữ cảnh, con người. Ít nhiều những hành động cầu khiến ra lệnh, yêu cầu, đề nghị,… này đều có chút đụng chạm đến người nghe như lợi ích, phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình và người nghe phải thực hiện như mệnh lệnh. Trong khi đó, mời mang nét nghĩa chung thiên về lịch sự nhiều hơn, người đưa ra lời mời dành cho người nghe nhiều tình cảm thân thiện, về nguyên tắc thì người thực hiện sẽ có lợi ích và được tôn trọng.
Nghi thức mời dựa trên mối quan hệ thân mật giữa người nói và người nghe, vai vế tôn ti và hoàn cảnh mà hành vi này diễn ra, ở nghi thức này, người nghe hoàn toàn nắm quyền tự do chủ động có thể hay không từ chối lời mời. Còn đối với ra lệnh, yêu cầu hay đề nghị giống như bắt người nghe nhất định phải làm theo như một mệnh lệnh. Chẳng hạn:
(22) - Mời anh đến gặp tôi tại văn phòng vào 9 giờ sáng mai được không nhỉ?
(23) - Yêu cầu anh đến văn phòng gặp tôi vào 9 giờ sáng mai!
Ở ví dụ (22) có thể thấy người nói đưa ra quyền chủ động trả lời câu hỏi cho người nghe, suy nghĩ đến lợi ích của người nghe và người nghe có thể có hai câu trả lời. Một là đồng ý và sẽ đến gặp người nói vào 9 giờ sáng mai, hoặc có thể trả lời bận một công việc gì đó (hợp tình hợp lí) và hẹn lại thời gian thích hợp. Còn với ví dụ (23), hành động cầu khiến này giống như một mệnh lệnh giữa cấp trên đối với cấp dưới hoặc giữa hai người có vị trí xã hội hoặc vai vế chênh lệch nhau. Ở ví dụ này, người nói không hề để ý đến lợi ích của người nghe, mà muốn người nghe nhất định phải thực hiện lời cầu khiến của mình. Tương tự như vậy, người nghe trong hoàn cảnh này cũng chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là thực hiện theo yêu cầu của người nói.
Hành vi cầu khiến mời và ra lệnh, yêu cầu, đề nghị,… có những nét khác biệt rất rõ ràng của hiệu lực tại lời. Tiếp đến, lời mời có thể đóng vai trò là phát ngôn mở đầu, vừa có thể là phát ngôn hồi đáp trong cuộc tham thoại.
(24) SP1: - Chai rượu này là loại rượu ngon và hiếm lắm. Tớ mời cậu một ly nhé?
SP2: - Được thôi, mời cậu.
(25) SP1: Đến giờ rồi, chúng ta cùng vào thôi.
SP2: Mời anh.
Còn các hành vi cầu khiến yêu cầu, ra lệnh, đề nghị thường đảm nhiệm chức năng mở thoại.
1.3.2.3. Các động từ biểu thị hành vi mời
Trong quá trình nghiên cứu tài liệu, chúng tôi nhận thấy có một số động từ biểu thị hành vi mời như: Mời, rước,… với dạng:
Những động từ ngữ vi này biểu thị hành vi mời ở các mức độ, các phạm trù khác nhau, tùy thuộc vào ngữ cảnh mà lựa chọn sử dụng chúng để đạt hiệu quả giao tiếp tốt nhất.
Động từ mời là động từ được xem như biểu thị chính cho hành vi mời vì có số lần xuất hiện cũng như được sử dụng nhiều nhất. Chẳng hạn như:
(26)
- Mời chị vào nhà em chơi.
- Con mời ba mẹ dùng cơm ạ.
- Mời anh dùng bữa cơm với chúng tôi cho vui. - Mời bác vào lựa rau, rau hôm nay tươi lắm bác ạ.
Ngoài ra, còn có các động từ như xin mời, kính mời. Chẳng hạn như: (27)
- Xin mời quý khách!
- Bây giờ, xin mời các bạn đặt câu hỏi cho tôi. - Xin mời bà xơi trầu ạ.
- Trân trọng kính mời ông/bà/cô/bác đến chung vui cùng gia đình chúng cháu.
Động từ “kính mời” còn xuất hiện trong những bài văn khấn, cúng,... Vì động từ này thể hiện sự bày tỏ lòng thành kính cao hơn mời, xin mời, dùng cho các bậc bề trên, những đối tượng ở thế giới vô hình. Chẳng hạn bài văn khấn về văn phòng cơ quan mới:
(28)… Hôm nay là ngày… tháng… năm…, tín chủ con thành tâm sắm sửa lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án , lòng thành tâu rằng: tín chủ con chuyển văn phòng mới tại xử này (địa chỉ)…(nếu là cơ quan, công xưởng thì khấn là tín chủ con là Giám đốc hay Thủ trưởng của toàn thể công ty), nay muốn khởi đầu việc kinh doanh (hoặc sản xuất) phục vụ nhân sinh, phục vụ sinh hoạt. Do đó chúng con chọn được ngày lành tháng tốt sắm sanh lễ vật cáo yết Tôn thần dâng cùng Bách linh,… cúi mong soi sét.
Chúng con xin kính mời các ngài quan Đương niên quan, Đương cảnh, quan Thần linh Thổ địa, Định phúc Táo quân cùng các ngài Địa chùa Long mạch cùng tất cả các Thần linh cai quản khu vực này phù hộ linh thiêng giáng hiện trước hương án, thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành. Cúi xin các vị phù hộ cho chúng con buôn bán hanh thông làm ăn thuận lợi, lộc tài vượng tiến, cần gì được nấy, nguyện gì cũng thành.
Tín chủ con lại mời các vị Tiền chủ, hậu chủ cùng chư hương linh y thảo phụ mộc ngụ trong khu vực này, xin hãy tới đây hưởng thụ lễ vật, phụng trị cho tín chủ con làm ăn buôn bán gặp nhiều may mắn.
Chúng con lễ bạc tâm thành trước ăn kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
(Văn khấn về văn phòng, cơ quan mới)
Ngoài động từ mời thì động từ “rước” cũng được sử dụng trong lời mời. Rước trong từ điển tiếng Việt nghĩa là đón về một cách trang trọng, theo lễ
nghi. Động từ rước nhằm thể hiện sự tôn kính đối với người nghe, thường là người có vị trí cao hơn và hay được sử dụng ở miền Bắc Việt Nam. Kèm theo lời mời phía sau thường có từ “ạ” thể hiện sự nhún nhường và thân phận thấp hơn của người mời.
Ví dụ: (29)
- Con xin rước các cụ vào mâm cỗ ạ.
- Xin rước bà cả ngồi chơi ạ.
- Dạ, con xin rước quan vào nhà con ạ.
- Rước ông vào chơi! (Một huyện ăn Tết – Vũ Trọng Phụng) - Rước ông lên đây, ta kéo vài điếu chơi.
(Một huyện ăn Tết – Vũ Trọng Phụng)
Ngày nay, động từ rước ít được dùng hơn vì ngữ cảnh sử dụng hạn chế và quá mang tính nghi thức. Trong một số nghi lễ cưới hỏi của Việt Nam, cụm từ “rước dâu” vẫn còn được sử dụng.
Các động từ mời, xin mời, rước, xin rước được thể hiện linh hoạt tùy theo ngữ cảnh để phù hợp với vị trí người phát ngôn.
Trong lời nói của người dân Nam Trung Bộ còn tồn tại từ “thưa”, “xin”
thay cho từ “mời” mang hơi hướng tính lễ nghi với cú pháp:
Ví dụ: (30)
- Dạ thưa ông lên xơi cơm.
- Dạ thưa bà, bà vào nhà con chơi ạ.
- Thưa bà, ngoài trời nắng to, bà vào nhà con nghỉ ngơi xơi nước cho khỏe ạ.
- Xin ông cứ vào chơi… Và có việc gì ông cứ bảo tôi cũng được ạ.
(Vỡ đê - Vũ Trọng Phụng)
- Xin mời cậu Tú sang bên tòa nhà trái kia ạ.
(Giông tố - Vũ Trọng Phụng)
Trong văn hóa giao tiếp của người Việt, ngoài yếu tố lịch sự thì yếu tố khiêm tốn cũng là một yếu tố thường xuyên xuất hiện. Trong một tình huống mời khách đến nhà dùng bữa, người mời bao giờ cũng tỏ thái độ khiên tốn, đánh giá phần mình chuẩn bị không đáng là bao, chưa đủ chu đáo.
Ví dụ: (31)
- Mời bà xơi tạm miếng trầu.
- Mời anh vào dùng bữa cơm đạm bạc này cùng chúng tôi. - Mời cụ ngồi tạm đây. Cháu vào rót cho cụ ấm trà.
- Bữa cơm chẳng đáng là bao nên anh đừng khách sáo, cứ dùng tự nhiên nhé.
Ngoài ra sự khiêm tốn còn được thể hiện trong lối nói nói giảm “bữa
cơm xoàng, chén rượt nhạt, bữa cơm đạm bạc, miếng trầu,…”. Tất cả những
ý nói khiêm tốn này đều hướng đến lối văn hóa giao tiếp lịch sự, nhã nhặn, không khoe khoang.
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã một lần từng thể hiện hành vi mời với người khác, hành vi mời rất phổ biến trong đời sống và được thể hiện đa dạng, có khi mời tường minh, khi thì mời hàm ẩn, mời bằng lời nói, mời bằng văn bản,… đương nhiên mỗi loại sẽ tạo những hiệu quả khác nhau. Chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn những khía cạnh của hành vi mời trong chương 2 của luận văn.
1.3.2.4. Giá trị dụng học của hành vi mời
Không chỉ riêng Việt Nam mà thế giới cũng đều coi trọng văn hóa giao tiếp. Mỗi một đất nước sẽ có mỗi bản sắc văn hóa riêng, cùng với đó quy tắc ứng xử, những định ước về lời ăn tiếng nói cũng sẽ khác nhau. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều tác giả đã nghiên cứu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có tác giả Trần Ngọc Thêm đã khái quát những đặc trưng cơ bản về
văn hóa giao tiếp của người Việt qua cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt
Nam” như sau:
+ Trước hết, so sánh thái độ giao tiếp của người Việt Nam và người nước ngoài, chúng ta có thể thấy được người Việt luôn có mong muốn được giao tiếp nhưng lại bị tính rụt rè, ngại tiếp xúc với người lạ cản trở. Việc này được thể hiện rõ trong mong muốn giao lưu ngôn ngữ với người nước ngoài. Ở thời đại bây giờ tiếng Anh là một thứ tiếng phổ biến trên thế giới mà ai cũng nên tiếp cận để phát triển bản thân.Có rất nhiều học sinh hiện nay học rất giỏi về ngữ pháp, từ vựng của môn tiếng Anh nhưng phát âm lại ở mức trung bình. Cách tốt nhất để phát âm chuẩn là thường xuyên trò chuyện cùng với người bản xứ để thuần thục trong cách phát âm, Việt Nam là đất nước đang phát triển du lịch, vì vậy cơ hội trò chuyện với người nước ngoài đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc rụt rè, sợ sai, khiến các em khó hoàn chỉnh được cách phát âm.
Chỉ khách khí, rụt rè với người lạ còn đối với người thân quen thì người Việt Nam lại có tính cộng đồng rất cao, họ rất thích thăm viếng. Thăm viếng vừa là để thỏa mãn nhu cầu công việc vừa để gắn kết tình cảm giữa những người thân quen. Ngoài ra, họ còn rất hiếu khách, người Việt luôn cố gắng tiếp đãi khách khứa một cách chu đáo nhất khi khách đến chơi nhà.
+ Xét về quan hệ giao tiếp thì Việt Nam vốn là một đất nước đi lên từ ngành nông nghiệp. Cùng nhau làm làm ruộng, làm nông, gặt lúa, thành quả làm ra có nhiều thì cùng hưởng nhiều, có ít thì cùng hưởng ít, quan hệ có qua có lại, quan tâm lâm lẫn nhau dù thân hay sơ gắn với câu “Hàng xóm tối lửa tắt
đèn có nhau” hay “Bán anh em xa mua láng giềng gần” khiến người Việt rất
xem trọng tình cảm, vì thế lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp. + Về đối tượng giao tiếp: Sự quan tâm đối với người khác do tính cộng đồng tạo thành khiến người Việt hình thành thói quen tìm hiểu, quan sát, đánh
giá thông tin… của đối tượng giao tiếp. Mặc khác để có thể giao tiếp đúng mực với đối tượng đó. Nhờ đặc tính này, người Việt có kinh nghiệm phân loại đối tượng mà mình giao tiếp rất phong phú, ông bà thời xưa còn để lại một kho tàng kinh nghiệm xem tướng số vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
+ Về chủ thể giao tiếp thì người Việt rất xem trọng danh dự và thể diện, sự tôn trọng của mọi người. Vì thế họ luôn cố gắng khéo léo trong những tình huống giao tiếp để tránh bị hiểu nhầm và làm ảnh hưởng đến người khác.
+ Về cách thức giao tiếp thì người Việt ưa sự tế nhị, hướng đến những lối nói văn minh để giữ thể diện cho cả bản thân và người đối thoại. Do đó, thói quen cân nhắc và lựa chọn kỹ lời nói trước khi phát ngôn được hình thành. “Lời nói – gói vàng” là điều người Việt luôn nhắc nhở bản thân.
Hành vi mời cũng nằm trong nghi thức lời nói theo nguyên tắc lịch sự của người Việt. Cùng là nghi thức lời nói biểu hiện sự cầu khiến nhưng nếu thay lời mời bằng hành vi yêu cầu thì giá trị của câu nói sẽ bị thay đổi ngay lập tức, người nghe có thể hiểu lầm và bị ảnh hưởng đến thể diện. Từ đấy, hành vi mời đã ra đời giúp thêm một nét đẹp trong cách ứng xử. Lời mời không chỉ thể hiện tính hiếu khách của chủ thể mà còn bao gồm tình cảm của chủ thể đối với người nhận lời mời. Mỗi vùng miền đều có những nét riêng trong văn hóa mời và đều là những văn hóa đáng trân trọng.