Tham thoại hồi đáp từ chối

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghi thức lời nói thể hiện hành vi mời trong tiếng việt (Trang 62 - 78)

6. Cấu trúc của luận văn

3.3. Tham thoại hồi đáp từ chối

Như đã nêu ở trên, không phải lời mời nào cũng nhận được sự chấp thuận của người hồi đáp. Cũng theo Đỗ Hữu Châu “khi tham tham thoại hồi

đáp đi ngược lại với đích của tham thoại dẫn nhập” thì khi đó hồi đáp từ chối

đã xảy ra. Theo đó, nếu người hồi đáp có thái độ miễn cưỡng, không vui vẻ, không thoải mái, không chấp nhận, không thực hiện đồng nghĩa với việc sử dụng hồi đáp từ chối.

Ví dụ:

(160) Tập vé số chìa vô mặt ông khách ngồi trong quán:

SP1: - Mua vé số anh, còn có mười một tấm anh mua giùm.

SP2: - Sao chỉ có mười một tấm…

SP1: - Chú, chú mua giùm con đi mà.

SP2: - Tao đã nói không là không.

(Cái nợ đồng lần – Nguyễn Đức Thiện)

(161) SP1: - Cố nhiên thi hỏng ai cũng phải tức, huống chi đã lẽo đẽo vào đến tam trường. Tôi cũng cay đắng trong ruột, có lẽ còn hơn ngài nữa. Vì vậy, tôi muốn mời ngài đi chơi cho khuây.

SP2: - Thôi cậu miễn cho! Từ sáng đến giờ tôi thấy trong mình hơi mệt. Nếu lại thức đêm, tất nhiên sẽ thành ốm nặng…

(Lều chõng – Ngô Tất Tố)

(162) SP1: - Bà ơi! Đằng nào bà cũng đi sơ tán. Hay là bà sang bên ấy với cháu. Bà nhé!...

SP2: - Sang bên ấy với cô thì lấy gì mà ăn. Còn công việc hợp tác, còn nhà cửa, hoa màu, bỏ đi thế nào được,…

(Bà mẹ Cẩn – Kim Lân)

Những cặp thoại trên đây có nội dung biểu thị hành vi từ chối lời mời. Cũng giống như việc chấp nhận lời mời thì việc từ chối lời mời cũng có hai kiểu đó là từ chối trực tiếp và từ chối gián tiếp.

Vì hành vi mời là hành vi hướng đến phép lịch sự, do đó việc từ chối lời mời cũng theo nguyên tắc ấy để giữ thể diện cho cả hai bên tham thoại. Tuy nhiên, trong đời sống có rất nhiều tình huống giao tiếp xảy ra, đôi khi người đối thoại sẽ không khống chế được ngôn ngữ mà thốt ra những phát ngôn thể hiện sự nóng giận, gắt gỏng, làm mất thể diện của SP2, chúng ta có thể xem những lời hồi đáp không theo nguyên tắc lịch sự đó là hồi đáp tiêu cực. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về hai loại hồi đáp từ chối trực tiếp và hồi đáp từ chối gián tiếp.

a) Hồi đáp từ chối trực tiếp:

Mô hình hồi đáp từ chối trực tiếp có dạng chung nhất như sau:

Ví dụ:

(163) SP1: - Ông có muốn dùng thêm món này không?

SP2: - Không.

(164) SP1: - Anh hút một điếu nhé?

SP2: - Xin lỗi, tôi không hút thuốc.

(165) SP1: - Anh ở lại thêm lát nữa rồi hẵng về.

SP2: - Đã muộn rồi, tôi không thể ở lại thêm nữa.

Vì tuân theo nguyên tắc lịch sự của hành vi mời, nên việc từ chối lời mời nguyên gốc bản thân nó đã không cho người mời thể diện, vì vậy việc đi kèm thêm những lời như “cảm ơn”, “rất cảm ơn”, sẽ giúp tôn lại ít nhiều thể diện của người mời, không làm cho hai bên khó xử.

Ví dụ:

(166) SP1: – Anh ở lại chơi thêm chút nữa rồi về.

SP2: - Cảm ơn anh, nhưng chắc là không được rồi, tôi xin phép về trước nhé.

(167) SP1: - Mời anh đi chung với chúng tôi cho vui nhé.

SP2: - Cảm ơn anh, tôi có hẹn mất rồi không đi chung với anh được, hẹn khi khác vậy.

(168) SP1: - Thưa ông, mời ông dùng cơm.

SP2: - Cảm ơn chú, nhưng tôi không dùng được đâu, tôi ăn chay.

Ngoài ra, để giữ thể diện cho cả người nói và tạo cho mình phép lịch sự, không bị hiểu nhầm là không nhận thành ý của người khác, người đáp còn có thể từ chối, kèm theo lời xin lỗi và đưa ra lý do thuyết phục vì sao mình từ chối, sau đó hẹn một thời điểm khác.

Ví dụ:

(169) SP1: - Ngày mai tớ qua chở cậu đi cà phê mua sắm nhé.

SP2: - Xin lỗi cậu, nhưng chắc không được rồi, ngày mai tớ có cuộc họp rất quan trọng, hẹn cậu khi khác nhé.

(170) SP1: - Chú ăn cơm với gia đình tôi luôn.

SP2: - Không ạ, cảm ơn cô. Tôi mà chưa ăn thì tôi sẽ không khách

(171) SP1: - Ông ăn thêm đi chứ, ông ăn ít thế ạ.

SP2: - Thôi, ông no rồi, ông nhường cho cháu ngoan của ông ăn mau lớn nhá, đây là món cháu thích còn gì.

(172) SP1: - Anh có thể mời em ngày mai đi ăn được không?

SP2: - Xin lỗi anh, ngày mai không được rồi, em có hẹn, thế ngày mốt được không?

Những ví dụ trên đây cho thấy tình huống ứng xử được đặt giữa những người thân quen với nhau. Vì vậy, người đáp không muốn gây mất thiện cảm và phụ ý tốt của người mời do đó đã sử dụng cách xin lỗi kèm theo lý do từ chối, để lời từ chối trở nên thuyết phục và dễ thông cảm hơn. Từ đây, cuộc hội thoại sẽ trở nên thoải mái và cả hai bên tham thoại đều sẽ không rơi vào tình huống khó xử. Vậy mới nói, việc sử dụng thành thạo hành vi ngôn ngữ sẽ giúp mối quan hệ giữa con người trở nên dễ dàng và tốt đẹp hơn.

Dù lời từ chối đã thêm đầy đủ những lý do để người mời có thể thông cảm, tránh mất lòng cho người mời. Nhưng trên thực tế, văn hóa giao tiếp của người Việt là một văn hóa hướng đến phép lịch sự, do đó, lời từ chối trong ứng xử giao tiếp hằng ngày sẽ tránh việc từ chối thẳng, từ đó chúng ta có cách từ chối gián tiếp.

b) Hồi đáp từ chối gián tiếp:

Như đã nói ở trên, dù cho lời hồi đáp từ chối trực tiếp đã kèm theo lý do đi kèm lời hẹn dịp khác nhưng tốt nhất vẫn nên hạn chế sử dụng vì nó ít nhiều cũng ảnh hưởng tới thể diện của người mời (tùy vào điều kiện hoàn cảnh giao tiếp). Vậy nên, việc từ chối lời mời bằng một cách diễn đạt khác nhưng vẫn khiến người nói hiểu được ý mình được ưa chuộng và khuyên dùng hơn, sử dụng cách từ chối này sẽ có phần mềm mỏng và khôn khéo hơn ứng với câu tục ngữ của ông bà ta ngày xưa:

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

Quả thật, người ta đánh giá sự khôn khéo, hiểu biết của một con người trước tiên qua lời ăn tiếng nói. Dù là lời từ chối, nhưng nếu trả lời khôn khéo, thì vẫn có thể nhận được thiện cảm với người mời. Hồi đáp từ chối gián tiếp cũng có rất nhiều cách thức thực hiện, đầu tiên, người đáp trả lời bằng việc cảm ơn và có thể hẹn khi khác.

Ví dụ:

(173) SP1: - Hôm nay anh phải ở lại chơi tới bến với chúng tôi đấy nhé.

SP2: - Cảm ơn ý tốt của anh, nhưng vợ tôi đang chờ tôi ở nhà, tôi chỉ ngồi với các anh một lát nữa thôi nhé, hẹn các anh dịp khác.

(174) SP1: - Cô xơi cho em chiếc bánh giò nhé! Bánh còn nóng nguyên, ngon lắm cô ạ.

SP2: - Tôi cảm ơn cô, tôi vừa ăn cơm.

(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)

(175) SP1: - Thầy muốn tìm chỗ phải không? Mời thầy ngồi đây, còn rộng chán.

SP2: - Thưa cụ, tôi cảm ơn cụ, tôi đi tìm người bán hàng mua gói thuốc lá.

(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)

(176) SP1: - Thưa ông, nay ông hãy xơi tạm. Nếu mai ông muốn dùng cơm mặn, xin bảo bà Hộ làm riêng để ông xơi.

SP2: - Cảm ơn chú, nhưng tôi thích ăn cơm mặn.

(Hồn bướm mơ tiên – Khái Hưng)

Với những hồi đáp ở ví dụ (173), (174), (175), (176), dù cho là lời từ chối, nhưng lời từ chối này được thực hiện bằng các ngôn từ rất lịch sự, nhẹ nhàng không làm cho người mời khó chịu. Vì thế, cách này hay được sử dụng trong giao tiếp.

Để thể hiện sự tiếc nuối của mình khi không thể chấp nhận lời mời, người đáp còn có thể dùng các cụm từ như “rất xin lỗi, thành thật xin lỗi, rất

Ví dụ:

(177) SP1: - Tuần sau tôi tổ chức buổi họp lớp đại học, mời anh đến tham dự nhé.

SP2: - Thật đáng tiếc, tôi đã chờ để gặp lại các cậu ấy lâu lắm rồi, nhưng tuần sau tôi có chuyến công tác nước ngoài, chắc sẽ không về kịp.

(178) SP1: - Này tối nay ngoài gò đất trống lại hát tuồng đấy, ông đi xem với tôi nhé.

SP2: - Thật? Tiếc nhỉ, tối nay tôi phải ở nhà chơi với thằng con tôi vừa ở Sài Gòn về.

(179) SP1: - Câu lạc bộ dạy nhảy tổ chức bữa tiệc cuối năm, em nhớ phải đi đấy.

SP2: - Thành thật xin lỗi, em cũng muốn đi lắm, nhưng hôm ấy nhà em lại có giỗ.

Sử dụng hồi đáp bằng việc thêm những cụm từ xin lỗi, rất tiếc,… này làm cho người mời hiểu được rằng người đáp cũng rất muốn chấp nhận lời mời nhưng vì lý do ngoài ý muốn mà không thể đồng ý. Điều này sẽ giúp cho người mời dễ cảm thông hơn với lời từ chối.

Lối nói khéo qua vấn đề khác hoặc bằng những lý do mà người mời cũng biết tới, như vậy sẽ khiến người mời dễ tiếp nhận hơn sự từ chối:

Ví dụ:

(180) SP1: - Ngày mai chị đến nhà em ăn giỗ nhé.

SP2: - Em cũng thấy rồi mà, ngày hôm nay sếp đã nhắc chị hoàn thành công việc cho kịp tiến độ. Ngày mai là hạn cuối rồi.

(181) SP1: - Ngày mai có thể mời chị đi ăn để chúc mừng chị vừa thăng chức không nhỉ?

SP2: - Em cũng biết ba mẹ chị đã mong kết quả hôm nay đến thế nào mà, chị muốn cùng ba mẹ chúc mừng trước, sau đó thì chúng ta sẽ cùng đi ăn nhé.

(182) SP1: - Gặp bữa vào ăn cơm với cô chú cho vui.

SP2: - Dạ cháu đến tìm Hoàng có việc gấp một tí, cô chú cứ ăn ngon miệng ạ, cháu xin phép.

Ngoài ra, còn có thể dùng những cụm từ “thôi ạ”, “không dám” theo cách thức:

Thôi ạ/Không dám + SP2 + C

Ví dụ:

(183) SP1: - Cô vào chơi một lát.

SP2: - Thôi ạ, chả dám phiền cậu… Bà ở ngoài ao, vậy cháu cứ đi hái dâu trước đã. Lúc nào bà về, cháu hãy thưa chuyện với bà.

SP1: - Thế thì mời cô ra vườn hái. Tôi đánh chó.

SP2: - Dạ… thôi ạ. Đã vào nhà rồi chắc chó không cắn nữa.

(Một truyện Xuvơnia – Nam Cao)

(184) SP1: - Mời cô xơi nước.

SP2: - Bẩm quan, tôi không dám.

(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)

(185) SP1: - Mời cô ngồi.

SP2: - Bẩm bà lớn, con không dám.

(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)

Có thể thấy ở các ví dụ trên, người đáp dùng thái độ rất kính trọng, lễ độ đối với người mời. Cách trả lời này thường thấy trong các tác phẩm văn học về thời xưa, khi phân chia giai cấp rõ rệt, những người có địa vị xã hội thấp hơn luôn hạ thấp bản thân và nhún nhường trước những người có vị thế cao hơn.

Ngày nay, những cách trả lời như vậy vẫn còn xảy ra ở những nơi coi trọng phong tục như miền Bắc Việt Nam, những người có địa vị trong làng

xã, hoặc lớn tuổi, hoặc ở một vị trí đứng đầu trong gia tộc cũng được mọi người kính trọng.

Không phải lời mời nào cũng mang mục đích tốt mà có thể ảnh hưởng đến cả người mời và người được mời. Trong trường hợp này, ngoài việc từ chối thẳng thừng thì nếu đối phương là người thân có quan hệ thân thiết, gần gũi, lời hồi đáp còn có thể kèm theo lời khuyên nhủ ngược lại cho người mời hãy từ bỏ suy nghĩ, đích đến đó.

Ví dụ:

(186) SP1: - Làm việc mệt mỏi cả ngày nay rồi, ra làm cốc bia cho tỉnh người anh nhé?

SP2: - Không, tôi đang bị đau đường ruột. Cậu cũng uống ít lại thôi, kẻo lại dậy đi làm không nổi, ngày mai có cuộc họp quan trọng đấy.

(187) SP1: - Ngày mai hai chúng mình đi mua sắm nhé, tớ trả tiền.

SP2: - Thôi, ngày mai tớ có hẹn rồi, cậu cũng nên để dành tiền đi, chuẩn bị đóng học phí rồi đấy.

(188) SP1: - Hay chúng mình vào quán ăn kia thêm lát nữa rồi về.

SP2: - Về đi, tớ thấy sắp mưa to rồi đấy, mau lên kẻo lại

không về được.

Người hồi đáp dù từ chối lời mời nhưng có mục đích tốt cho người mời, vậy nên người mời không những không bị mất thể diện mà còn có thiện cảm hơn nữa đối với người đáp. Cuối cùng đối với những trường hợp lời mời khiếm nhã, không có mục đích tốt, ảnh hưởng đến trực tiếp bản thân thì cần phải trả lời thẳng thừng, dứt khoác, tránh lằng nhằng để gây hiểu nhầm nhưng nên cố gắng giữ được phép lịch sự tối thiểu.

Ví dụ:

(189) SP1: - Anh ở bàn bên thấy em dễ thương quá nên muốn mời em một ly bia, em uống với anh nhé.

SP2: Không, cảm ơn anh, em bị dị ứng với cồn.

(190) SP1: - Em có thể mời anh đi ăn cùng với em không, hôm nay em đang buồn.

SP2: - Xin lỗi em nhưng anh không nghĩ đó là một ý hay, anh là người đã có gia đình.

(191) SP1: - Tôi có thể mời cô ở lại thêm một lát nữa không?

SP2: - Chắc là không được rồi, bạn trai tôi đang chờ.

Cũng giống như hành vi chấp nhận lời mời thì từ chối lời mời cũng có thể đi kèm hành động bằng ngôn ngữ cơ thể, hoặc chỉ sử dụng ngôn ngữ cơ thể để hồi đáp.

Tình huống này thường gặp khi ngồi ở một nơi công cộng, chúng ta sẽ gặp rất nhiều lời mời mua hàng, có người sẽ hồi đáp bằng lời nói cũng có người sẽ chỉ mỉm cười và lắc đầu. Hành động này không xem là hành động thiếu lịch sự, bởi vì phải đặt nó trong ngữ cảnh nhất định nhìn nhận đến lợi ích và thể diện của cả người hồi đáp.

Lời mời diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, việc chấp nhận hay từ chối nằm ở sự lựa chọn của người đáp, nhưng dù lựa chọn thế nào, cũng hãy thật khéo léo và thông minh, không vi phạm quy tắc lịch sự khi giao tiếp.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

Ở chương 3, chúng tôi đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình về tham thoại hồi đáp của hành vi “mời” trong tiếng Việt. Có thể chia thành hai loại là hồi đáp chấp nhận và hồi đáp từ chối.

Nhóm hồi đáp chấp nhận sẽ gồm hai loại đó là: Chấp nhận trực tiếp và chấp nhận gián tiếp. Chấp nhận trực tiếp với mô hình chung là SP2 + Động từ mang ý chấp nhận + C, được thể hiện dưới các hình thức như lời hồi đáp

chấp nhận là lẽ đương nhiên, hồi đáp chấp nhận kèm điều theo điều kiện với công thức Lời hồi đáp chấp nhận + SP2 + Điều kiện và hình thức B để “mặc” A, B “xin” A, hồi đáp chấp nhận miễn cưỡng.

Nhóm hồi đáp từ chối cũng chia ra thành hai loại trực tiếp và gián tiếp. Hồi đáp trực tiếp với công thức chung nhất là SP2 + Từ phủ định + C, dùng

“xin lỗi” để biểu hiện sự áy náy của mình và kèm theo cuộc hẹn khác ở một

thời điểm nào đó, điều này giúp người mời chấp nhận thoải mái và cảm thông hơn với lời từ chối.

Lời mời là một hành vi ngôn ngữ phổ biến trong văn hóa giao tiếp hằng ngày của người Việt. Hành vi này cùng với nhiều hành vi khác như hành vi cầu khiến, hành vi chào hỏi, hành vi tạm tạm biệt, hành vi xin lỗi,… đều nằm trong khuôn phép lịch sự mà xã hội chúng ta đặt ra. Tất cả những hành vi này đều hỗ trợ và đan xen nhau trong ngôn ngữ lời nói.

Hành vi hồi đáp từ chối cũng phải tuân thủ nguyên tắc lịch sự này. Nghiên cứu chương này chúng tôi đã đi kèm mỗi vấn đề ít nhất 3 ví dụ, phân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghi thức lời nói thể hiện hành vi mời trong tiếng việt (Trang 62 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)