6. Cấu trúc của luận văn
2.1.3. Các thành tố của mô hình mời tường minh
Xét theo dạng đầy đủ, mô hình mời tường minh gồm có bốn thành tố: - SP1: Người mời.
- SP2: Người được mời.
- Động từ ngữ vi có nội dung biểu thị hành vi mời. - Nội dung mệnh đề.
a) Người mời (SP1):
Người mời (SP1) là chủ thể của hành vi mời, thường đứng ở ngôi thứ nhất số ít.
Ví dụ: (64)
- Mời bác sang nhà tôi chơi.
– Mời chị dùng thử sản phẩm bên em.
Trong một số trường hợp, chủ thể của hành vi mời cũng có thể là ngôi thứ nhất số nhiều.
Ví dụ: (65)
- Chúng em mời các bác ở lại dùng bữa cơm cho vui.
- Trời cũng tối rồi, hay anh chị ở lại với chúng tôi luôn cho vui. - Lớp chúng em xin mời thầy cô vào tham quan trại ạ.
- Chúng tôi xin mời bà con vào để bắt đầu buổi họp.
Người mời SP1 là người tạo ra sự kiện để mời SP2 tham dự và thường chịu trách nhiệm về vật chất, tài chính. Chẳng hạn, trong một tiệc tân gia, thôi nôi, hội họp,… thì người mời SP1 sẽ là người chịu trách nhiệm tài chính để tổ chức sự kiện mời SP2 tới dự.
Chủ ngữ SP1 có thể xuất hiện trực tiếp hoặc bị ẩn đi: Ví dụ:
(66) - Con mời ba mẹ ăn cơm. (Chủ thể xuất hiện trực tiếp) (67) - Mời ông vào đây lát đã! (Chủ thể bị ẩn đi)
Khi chủ thể vắng mặt trong hành vi mời, có thể thấy chủ thể phải ngang bằng hoặc có vị thế cao hơn SP2 mới dùng cách này, vì nếu không sẽ vi phạm quy tắc về lịch sự. Ở một vài trường hợp vì quan hệ thân quen, có thể sử dụng ẩn đi chủ thể.
Ví dụ:
(68) - Này ông, đi đâu vội thế, vào đây làm chén trà đã.
(69) – Mời chị ăn trái cây, vừa mới mua ngon lắm
(70) – Vào đây ăn bánh với tớ luôn này, mẹ tớ vừa làm đấy.
Qua cách xưng hô xác định SP1 trong trường hợp này có thể là bạn, hàng xóm, họ hàng thân thiết của SP2.
b) Người tiếp nhận lời mời (SP2):
Dù SP1 có thể xuất hiện trực tiếp hoặc ẩn đi thì SP2 là đối tượng bắt buộc phải có mặt ở hành vi mời, vì nó là điều kiện mà SP1 hướng tới để thực hiện hành vi. SP2 là bổ ngữ của động từ ngữ vi và đi sau nó sẽ là nội dung mệnh đề mà SP1 đưa ra.
Ví dụ:
(71) - Ngày mai, mời các cậu đi dã ngoại với mình nhé.
(72) - Xin mời tất cả mọi người đứng lên.
(73) - Mời em phát biểu.
(74) – Con mời bà xơi trầu ạ.
Xét hai ví dụ, có thể thấy SP2 cũng có thể là số ít hoặc số nhiều.Trong trường hợp (71), (72) SP2 là số nhiều, còn trường hợp (73), (74) thì là số ít.
+ Có quan hệ gần gũi, thân quen với SP1 (người trong gia đình, họ hàng,…)
Ví dụ:
(75) - Con mời ba mẹ ăn cơm ạ.
(76) - Em mời chị vào chơi.
(77) - Cháu mời ông uống trà.
(78) - Mời các quý anh đi theo lối kia!
(Rỗng – Tạ Duy Anh)
(79)- Mời quý anh xuống nhà dùng trà!
(Rỗng – Tạ Duy Anh)
+ Có quan hệ ngang bằng hoặc thấp hơn SP1 (bạn bè, vị trí, tuổi tác nhỏ hơn,…). Đối với trường hợp này, lời mời thường thêm những yếu tố giúp người được mời tự nhiên, gần gũi hơn.
Ví dụ: (80)
– Cậu vào nhà tớ chơi đi, mẹ tớ nhắc cậu mãi đấy.
- Cháu ăn món này thêm đi, cứ dùng tự nhiên như ở nhà nhé. - Tớ qua chở cậu đi mua sắm cho vui nhé.
+ SP2 có vị trí cao hơn SP1 (cấp trên, địa vị cao, vai vế lớn hơn trong gia đình,…). Ở trường hợp này, ngoài động từ “mời” tường minh hay xuất hiện, thì còn có thêm các từ biểu thị mức độ cao hơn sự kính trọng đối với SP2 như
“rước, xin rước”.
Ví dụ:
(81) - Bẩm, mời quan lớn vào, cụ lớn còn thức đấy ạ.
( Giông tố – Vũ trọng Phụng)
(82) - Xin rước quan về nhà nghỉ cho đỡ nắng.
(Thịt người chết – Nguyễn Công Hoan)
(83) - Xin rước bà lớn ngồi chơi ạ.
(84) - Em kính mời sếp ly rượu chúc mừng thành công cho dự án của công ty chúng ta.
+ SP2 có thể là những đối tượng vô hình xuất hiện trong những bài văn khấn, tế.
Ví dụ:
(85) “Chúng con xin kính mời các ngài quan Đương niên quan Đương cảnh, quan Thần linh Thổ địa, Định phúc Táo quân cùng các ngài Địa chùa Long mạch cùng tất cả các Thần linh cai quản khu vực này phù hộ linh thiêng giáng hiện trước hương án, thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành…”.
(Văn khấn về văn phòng cơ quan)
(86)“Kính mời hai hàng bộ hạ, các cận vệ bên trái, bên phải, ở xa, ở
gần, ông cầm búa sắc giữ gìn trật tự trong quân, các vị coi sóc đội ngũ ở các doanh trại: trại trước, trại sau, trại trong, trại ngoài, trại giữa… chào sau chào trước, hầu nước hầu tăm, hầu khăn hầu bát, hầu chuối hầu dâu, hầu sau hầu trước”.
( Văn tế Đình Trung)
+ SP2 có thể là số ít, cũng có thể là số nhiều. Ví dụ:
(87) - Bây giờ, xin kính mời quý thầy cô cùng tham gia bữa tiệc liên hoan mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
- Mời Ban lãnh đạo công ty vào dự cuộc họp lúc 13g30.
- Mời gia đình anh chị ở lại dùng bữa cơm với chúng tôi cho vui.
Chẳng mấy khi gặp dịp.
c) Động từ ngữ vi có nội dung biểu thị hành vi mời:
Động từ ngữ vi mời cũng là một yếu tố không thể thiếu trong mô hình mời tường minh vì nó đóng vai trò quyết định tạo lập ra nội dung mong muốn của SP1 đem tới cho SP2. Nói cách khác, để thực hiện hành vi cầu khiến mời của mình, SP1 phải sử dụng động từ ngữ vi có nội dung mời để thỏa mãn nội
dung mình muốn truyền tải.
Động từ ngữ vi mời chỉ có hiệu lực khi nó ở ngôi thứ nhất, phát ra ở thời điểm hiện tại và có hiệu lực ngay lập tức, vì nếu đi kèm với những từ tình thái như đã, sẽ, vẫn, cũng,… thì chức năng hành vi sẽ bị thay đổi.
Ví dụ:
(88) - Tôi nhất định sẽ gửi thư mời cậu đi dự sinh nhật của tôi vào vài ngày tới.
(89) - Tôi đã mời cô ấy vào hôm qua. (90) SP1: - Anh cả chị dâu đâu rồi em?
SP2: - Em vừa mời anh chị vào nhà mình ngồi chơi rồi.
Xét ví dụ (88), động từ ngữ vi mời ở trường hợp này đã chuyển thành hành vi hứa hẹn, còn ở ví dụ (89), (90) động từ mời chỉ có chức năng miêu tả, kể lại hành vi đã xảy ra ở quá khứ.
Những động từ ngữ vi có số lần xuất hiện cao nhất trong hành vi mời mang nội dung mời tường minh là “mời, rước”, ngoài ra chúng còn có thể đi kèm theo những từ mang yếu tố biểu thị sắc thái tình cảm như: xin, kính, trân trọng, thân,… để làm tăng hiệu quả của hành vi mời, tuy nhiên phải sử dụng linh hoạt và tùy vào ngữ cảnh để phù hợp giao tiếp và tuân thủ quy tắc lịch sự của người Việt.
d) Nội dung mệnh đề:
Nội dung mệnh đề sẽ bao gồm vị từ và tham thể đứng sau nó. Một trong hai điều kiện này có thể hoặc không xuất hiện cùng lúc, và đóng vai trò quan trọng để tạo lập nên mô hình ngữ vi mời đầy đủ.
Trong đó, vị từ chỉ các hoạt động nhất định của con người, nhưng cũng có khi vắng mặt trong nội dung mệnh đề:
+ Vị từ có mặt trong nội dung mệnh đề: Ví dụ:
(91) - Mời cậu ngồi xuống em thưa chuyện. Em cũng tưởng về đây, xa cái “chốn ấy” đi thì em khuây khỏa quên đi được. Nhưng mà không cậu ạ… Em làm khổ cậu nhiều lắm rồi. Em còn ở nhà ngày nào cậu còn khổ sở ngày ấy. Em đã nghĩ kỹ: em đi cho khuất là tốt hơn….”
(Nửa đêm – Nam Cao)
(92) -Anh dừng tay vào uống nước đã.
(Nửa đêm – Nam Cao)
(93) - Mời anh vào nhà chơi.
Xét những ví dụ trên, có các vị từ chỉ hành động như “ngồi
xuống”,“vào”, biểu thị hành động của người được mời.
+ Vị từ không có mặt trong nội dung mệnh đề: Ví dụ:
(94) - Hôm nay là ngày đầu tiên em vào nhóm nghiên cứu của chúng ta. Cho phép em mời mọi người một bữa cà phê nhé.
(95) SP1: - Hôm nay em vừa được thưởng, em mời các chị món hambuger nhé.
(96) SP1: - Này, ông đi đâu mà vội thế?
SP2: - Tôi đang có việc gấp.
SP1: - Thì cứ hãy khoan đã, mời ông vào đây góp với tôi một ly cho nóng rồi về.
Ở ví dụ (94), không có vị từ mà chỉ có tham thể là “một bữa cà phê”, dù vậy người nghe vẫn có thể xác định vị từ được lược bỏ là “uống” một bữa cà phê. Tương tự ở trường hợp (95) và (96) không có vị từ chỉ có tham thể là
“món hambuger”,“một ly (rượu)”, nhưng vẫn có thể xác định được vị từ
được lược bỏ là“ăn” và“uống”.
Vì vậy, trong một mô hình, dù vị từ có thể xuất hiện hoặc không thì vẫn phải đảm bảo cho nội dung của hành vi được thể hiện rõ ràng.
Đứng sau vị từ là một tham thể. Tham thể là những sự vật, hiện tượng, sự việc được nói đến trong câu. Tùy thuộc vào ý nghĩa và sự chi phối của vị từ, tham thể có thể là đối tượng của hoạt động hoặc là một địa điểm, nơi chốn nào đó, đứng sau vị từ chỉ hoạt động.
Ví dụ:
(97) - Cuối tháng này là thôi nôi con chị, hai em sắp xếp ra nhà chị chơi nhé.
(98) - Mời chị ngày mai đến văn phòng tôi để bàn bạc rõ hơn về chuyện này nhé.
(99) - Thưa ông, không có ai mua, xin mời ông lên nhà ngồi chơi.
(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)
Tham thể trong các ví dụ (97), (98), (99) đều chỉ địa điểm như “nhà
chị”, “văn phòng”,“nhà”.
Tham thể thường đứng sau vị từ nhưng trong một số trường hợp khi vị từ là động từ không đòi hỏi có đối thể, khi đó tham thể không cần xuất hiện.
Ví dụ:
(100) - Thưa thầy, cô cháu không dám, mời thầy xơi nước.
(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)
(101) - Mời ông hãy ngồi chơi.
(102) - Mời chị vào.
(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)
(103) – Mời cô mua mở hàng giúp tôi với.
Trong những phát ngôn trên, tham thể đã bị lược bỏ vì ngữ cảnh và bản thân của những vị từ đã hoàn chỉnh về mặt nội dung, tuy nhiên người nghe vẫn hiểu được đầy đủ nội dung phát ngôn. Ngoài ra, các tham thể đôi khi còn là sự kiện do SP1 tổ chức và chịu trách nhiệm về mặt tài chính.
- Mời chị sắp xếp thời gian tuần sau đến chung vui cùng gia đình em nhé.
- Ngày mai, mời các bạn đến dùng bữa cơm thân mật với gia đình mình nha. - Tối mai anh mời em đi ăn nhé.
- Mời cậu tối mai đến dự sinh nhật của mình ở nhà hàng Biển Ngọc nhé.
Nội dung mệnh đề trong biểu thức ngữ vi mời thuộc nhiều khía cạnh, thể hiện nhiều lĩnh vực trong đời sống và thường mang nội dung vui chơi, tham dự sự kiện nào đó do SP1 tổ chức, hưởng thụ về vật chất và tinh thần. Nội dung mời đem lại lợi ích cho SP2 và tôn vinh thể diện cho SP2.
Như vậy, một mô hình của hành vi mời tường minh sẽ đầy đủ các thành tố tạo nên. Các thành tố này đều giữ những chức năng trong mô hình và xuất hiện linh hoạt.