Hành vi mời hàm ẩn gián tiếp qua các hành vi ngôn ngữ khác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghi thức lời nói thể hiện hành vi mời trong tiếng việt (Trang 50 - 55)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Hành vi mời hàm ẩn gián tiếp qua các hành vi ngôn ngữ khác

Hành vi mời hàm ẩn có thể được thực hiện gián tiếp thông qua các hành vi cầu khiến khác như hành vi rủ, hành vi hỏi, hành vi mệnh lệnh, hành vi thúc giục…

+ Hành vi mời thể hiện thông qua hành vi rủ: Trong thực tế, hành vi mời được sử dụng thông qua hành vi rủ này cũng rất phổ biến, dùng cho các trường hợp đôi bên là người thân quen, bạn bè, nên muốn lời mời được thoải mái, tránh khách sáo.

Ví dụ:

(115) SP1: - Cậu đi đâu vậy?

SP2: - Tớ qua rủ cậu đi ăn nè.

SP1: - Được thôi, chờ tớ thay đồ đã nhé.

(116) SP1: - Này em, qua đây ngồi chung bàn với chị cho dễ nói chuyện.

SP2: - Vâng, cảm ơn chị.

Việc thể hiện hành vi mời hàm ẩn thông qua hình thức rủ này vừa khiến cho người nhận được lời mời cảm thấy gần gũi thân thiết vừa tạo nên mối quan hệ tốt đẹp hơn cho cả hai bên tham thoại.

+ Hành vi mời thể hiện thông qua hành vi hỏi: Khi mời dưới hình thức hỏi đồng nghĩa với việc người mời cho người đáp hai sự lựa chọn là có hoặc không.

Ví dụ:

(117) SP1: - Em có muốn đi ăn cùng anh không? Dù gì cũng sắp đến giờ cơm tối rồi.

SP2: - Vâng, như vậy cũng được.

(118) SP1: - Anh uống nước ép nhé? Em làm hai ly luôn rồi này.

SP2: - Cảm ơn em, nhưng anh cũng vừa uống một ly rồi.

Dù là cho người đáp có sự lựa chọn nhưng người mời vẫn hướng câu trả lời của người đáp theo mong muốn của mình. Vì vậy, đối với hành vi mời theo hướng sử dụng hình thức hỏi ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thể diện của người được mời, nên chỉ dùng cho các trường hợp là người có quan hệ thân thiết hoặc gần gũi, bạn bè để tránh làm mất thể diện cho người đáp.

+ Hành vi mời thể hiện thông qua hành vi cầu khiến: Ví dụ:

(119) SP1: - Chả mấy khi cụ lên chơi, thế nào cũng xin cụ chiếu cố xơi với chị em cháu một bữa cơm xoàng.

SP2: - Tôi cảm ơn mợ. Nhưng quả thực tôi no lắm. Tôi không làm khách đâu.

(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)

(120) SP1: - Bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào… Thế là sướng.

SP2: - Vâng! Ông giáo dạy phải!

SP1: - Vậy cụ ngồi xuống đây, tôi đi luộc khoai nấu nước.

SP2: - Nói đùa thế, chứ ông giáo để cho khi khác…

SP1: - Cụ cứ ngồi xuống đây! Tôi làm nhanh lắm…

SP2: - Đã biết, nhưng tôi còn muốn nhờ ông một việc…

(Lão Hạc – Nam Cao)

Dưới hình thức biểu đạt mời bằng hành vi cầu khiến, lời mời trở nên tha thiết, khẩn cầu người nhận lời mời thực hiện mong muốn của người mời hơn, có sức nặng hơn. Thường những lời mời cầu khiến này được thực hiện ở những trường hợp người nhận lời mời có vị trí cao hơn người mời, như tuổi

tác, cấp bậc, địa vị xã hội (ví dụ (119),(120)). Người mời ở những trường hợp này luôn tỏ ra khiêm nhường và kính trọng người được mời, do đó sẽ nâng vị trí và thể diện của người mời lên.

+ Hành vi mời thể hiện thông qua hành vi thúc giục: Ví dụ:

(121) SP1: - Anh ngồi xuống đây, vừa uống nước vừa nghỉ ngơi, đi đâu mà vội. Đi làm thuê, tiền nào của nấy, cũng chẳng tội gì tham việc lắm, khổ thân mình mà lại ai thương.

SP1: - Kìa sao anh không ngồi xuống?

(Nam Cao – Nửa đêm)

(122) SP1: - Cô ăn đi này. Mít mật ăn không đầy như mít dai đâu. Ăn thật tlực đi… Hồi thằng em Phúc còn ở nhà, cứ đến mùa mít chín là nó kéo hàng lũ đến ăn no, ăn chán thìthôi.

SP2: - Bà cũng ăn với cháu đi.

SP1: - Ừ, cô ăn đi, tôi cũng ăn đây.

SP1: - Ăn đi chứ cô. Nghĩ gì thế?

SP1: - Ô kìa, cô Ninh ăn đi chứ. Nghĩ gì mà cứ ngồi ngẩn người ra thế.

(Bà mẹ Cẩn – Kim Lân)

(123) SP1: – U ăn đi, để lấy sữa cho em nó bú. Từ sáng đến giờ, u chưa ăn gì, đói quá chịu làm sao được?

SP1: - Này u ăn đi! Để mãi! U có ăn thì con mới ăn. U không ăn con cũng không muốn ăn nữa.

(Tắt đèn – Ngô Tất Tố)

(124) SP1: - Mời chị vào xem loại kem dưỡng da bên em mới về.

SP1: - Chị vào xem thử đi ạ, loại kem này dùng rất tốt đó ạ, có các thành phần làm trắng da cũng như xóa các vết nám tàn nhang, được làm từ ngọc trai đó ạ.

Xét những ví dụ (121), (122), (123), (124) trên, có thể nhận biết hành vi mời thúc giục sẽ được lập đi lập lại từ hai lần trở lên. Hành động mời thông qua hành vi thúc giục diễn ra trong mối quan hệ thân quen giữa hai bên tham thoại. Lời mời được lặp lại vài lần cho thấy thái độ thành khẩn của người nói và mong muốn cao người được mời sẽ hành động theo mục đích của mình.

+ Hành vi mời là một hiệu lực tại lời của hành vi mệnh lệnh Ví dụ:

(125) SP1: - Mời anh/chị hợp tác để chúng tôi lấy lời khai.

SP2: - Vâng, thưa cán bộ.

(126) SP1: - Mời anh vui lòng giữ trật tự để không ảnh hưởng tới mọi người.

SP2: - Xin lỗi anh.

(127) SP1: – Thưa ông, may mà sự việc xảy ra trong nhà tôi và tôi không muốn động thủ, tôi không muốn phiền phức! chắc ông biết ở ta mạng người rất rẻ, cho dù ông có là nhà văn danh tiếng bậc nhất thì cũng không khác gì con chó! Xin mời ông xéo khỏi đây ngay lập tức!

( Bài học tiếng Việt – Nguyễn Huy Thiệp)

Từ những ví dụ trên, ta có thể thấy khi hành vi mời được dùng theo hình thức mệnh lệnh thường mang khuynh hướng đe dọa và không giữ thể diện cho SP2, người mời có thái độ không còn vui vẻ mà là nghiêm túc, tức giận, nhưng vẫn muốn giữ lại ý tứ mang theo phần lịch sự. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy những kiểu mời như thế này thường là khi người được mời có vị trí đặt trong ngữ cảnh thấp hơn người đưa ra lời mời.

Chúng tôi vừa khảo sát qua một vài hành vi mời hàm ẩn gián tiếp thông qua các hành vi khác như “cầu khiến, hỏi, mệnh lệnh, thúc giục, rủ,…” qua những khảo sát này ta thấy được để thực hiện lời mời hàm ẩn có rất nhiều cách thể hiện khác nhau và mỗi cách sẽ cho ra những hiệu quả khác nhau.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Ở chương này, chúng tôi đã đi sâu hơn tìm hiểu về hành vi mời thông qua phân tích hành vi mời tường minh và hành vi mời hàm ẩn. Từ đó thấy được sự khác nhau giữa hai hành vi này và công thức chung của chúng. Ngoài ra, chúng tôi còn đề cập đến việc hành vi mời còn có thể thông qua những hành vi ngôn ngữ khác để thực hiện mục đích. Qua nhiều ngữ liệu khảo sát, có thể thấy được hành vi mời diễn ra rất phổ biến trong đời sống chúng ta. Hành vi mời gắn bó với đời sống văn hóa người Việt, rất được chú trọng, sau khi đọc xong những lý thuyết mà chúng tôi cung cấp, hy vọng có thể sử dụng được vào trong đời sống sao cho phát huy được tốt nhất mục đích của lời mời, đẹp lòng mọi người và tôn lên thể diện của cả hai bên tham thoại.

Chương 3

THOẠI ĐÁP CỦA NGHI THỨC LỜI NÓI THỂ HIỆN HÀNH VI MỜI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghi thức lời nói thể hiện hành vi mời trong tiếng việt (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)