I- Vai trò trách nhiệm của hiệu trưởng trong trường học
1.1 Năng lực Xác định tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu chiến lược của trường
“Người lãnh đạo là nhà phát minh, ông ta làm những việc người khác chưa làm hoặc không làm. Ông ta tạo nên những điều mới và làm những điều cũ trở thành mới. Ông ta sống ở hiện tại với một mắt ở tương lai” Warren Bennis.
Hiệu trưởng phải có năng lực hình thành và tổ chức thực hiện tầm nhìn của nhà trường. Giống như một đạo diễn, hiệu trưởng phải hình dung ra được hình ảnh tương lai của nhà trường trong bức tranh tổng thể chung (trường ta sẽ phát triển để có hình ảnh như thế nào?) và khắc họa được mức độ thành quả của trường (trường ta có thể đào tạo được các học sinh như thế nào?). Tầm nhìn của nhà trường phải được thể hiện bằng ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ cảm nhận, tương xứng với tầm vóc, uy tín của trường, có khả năng thực hiện được, và phải được thấu hiểu, đồng thuận bởi toàn thể tập thể cán bộ trong toàn trường. Một tầm nhìn như vậy sẽ chính là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy đơn vị tiến lên, hướng tới kết quả xuất sắc và thành công lâu dài.
Tầm nhìn luôn đòi hỏi người đứng đầu nhà trường phải cố gắng liên tục, vượt bậc mới có thể hoàn thành. Để có thể xác định được tầm nhìn của nhà trường, Hiệu trưởng phải căn cứ vào các giá trị sẵn có của trường mình (tên trường, biểu tượng, khẩu hiệu, nghi thức, truyền thống của nhà trường, truyền thống của địa phương), với mục tiêu vì năng lực học tập và sự tiến bộ của học sinh; tìm hiểu những mong đợi của cha mẹ học sinh và nhu cầu của cộng đồng tại địa phương. Hiệu trưởng cần biết sử dụng năng lực ngoại giao của mình để thu hút sức mạnh tổng lực của giáo viên, cha mẹ học sinh, các nhà quản lý, nhân dân và các cơ quan, tổ chức trong cộng đồng và chính bản thân học sinh vào việc xây dựng và thực hiện tầm nhìn của nhà trường. Điều này là hết sức cần thiết bởi những người chịu trách nhiệm tạo ra kết quả rất cần được tham gia vào việc đề ra phương hướng và mục tiêu chiến lược cho kết quả đó.
Các biểu tượng, nghi thức và truyền thống của nhà trường cần được sử dụng như một phần không thể thiếu được của quá trình xây dựng tầm nhìn (ví dụ như tên gọi của nhà trường, ví dụ các sự kiện lịch sử của trường, các danh hiệu trường đã đạt được trong quá khứ..). Hiệu trưởng phải hiểu được niềm tin và động cơ của học sinh và các thành viên trong nhà trường để giúp họ hiểu rõ tầm nhìn của nhà trường. Chỉ đạo thực hiện những nỗ lực này đòi hỏi Hiệu trưởng phải có tầm nhìn vượt ra ngoài phạm vi nhà trường, ra ngoài các hoạt động và kết quả hiện tại để hướng tới những gì có thể đạt được trong tương lai. Hiệu trưởng cần hiểu sự khác biệt giữa tầm nhìn, sứ mạng, những đích đến và kế hoạch thực hiện chúng.
Trong hệ thống giáo dục, sự phát triển tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu sẽ ở cấp hệ thống, tuy nhiên, Hiệu trưởng không thể bỏ qua các quy trình tương tự ở cấp trường bởi mỗi trường sẽ phải đại diện cho một cộng đồng học tập của một địa phương, nơi cần có tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu của riêng mình trên cơ sở phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu của cả hệ thống. Tuyên truyền về tầm nhìn đòi hỏi Hiệu trưởng phải có năng lực tuyên truyền giỏi, cả về nói lẫn viết.
Việc xác định tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu chiến lược của trường có ý ngĩa đặc biệt quan trọng cần được sự quan tâm không chỉ của hiệu trưởng và ban giám hiệu nhà trường mà còn phải được quán triệt tới toàn thể cán bộ giáo viên trong toàn đơn vị.
Sự sẵn sàng, tinh thần dám nghĩ của hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường, dám vượt qua những động cơ cá nhân và những chuẩn mực hiện hành để hình dung ra một tương lai thành công của đơn vị là yếu tố quyết định cho việc biến mục tiêu thành hiện thực.
Sau khi đã xác định được tầm nhìn, hiệu trưởng cần suy nghĩ về tuyên bố sứ mạng của nhà trường. Tuyên bố sứ mạng của nhà trường giải thích tại sao nhà trường tồn tại, nêu rõ nhà trường phải làm việc gì, và mô tả cách làm việc đó như thế nào. Một tuyên bố sứ mạng được khắc họa tốt sẽ thúc đẩy sự cống hiến và sức sáng tạo, đồng thời giúp tránh phân tán nỗ lực vào những hoạt động không thích hợp hoặc vô ích.
Ví dụ về tầm nhìn và sứ mạng
(xin tham khảo phụ lục về tầm nhìn của một số trường học ở Singapor tại phần Phụ
lục cuốn sách này).