Tình hình kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình phát triển của thị trấn bình dương, huyện phù mỹ, tỉnh bình định từ năm 2002 đến năm 2020 (Trang 27 - 30)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.2. Tình hình kinh tế

Những năm đầu thế kỷ XXI là thời kỳ nền kinh tế đất nước đang có những bước phát triển khởi sắc bởi thành công bước đầu của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, tại một số địa phương trong cả nước tình hình kinh tế vẫn còn đang trong tình trạng khó khăn, yếu kém. Thị trấn Bình Dương cũng nằm trong hoàn cảnh chung đó. Khi mới thành lập, cơ cấu kinh tế của thị trấn Bình Dương bao gồm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Nền kinh tế thị trấn Bình Dương lúc này gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, cụm công nghiệp Bình Dương chưa thể đi vào hoạt động do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành. Nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Hoạt động thương mại và dịch vụ còn khá đơn điệu. Tình hình này đặt ra cho chính quyền những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, nhờ có đường lối đổi mới của Đảng cùng với tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, chính quyền thị trấn Bình Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục mọi khó khăn, tập trung phát triển sản xuất nên bước đầu kinh tế có sự khởi sắc đáng kể.

Về sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp lại không màu mỡ nên chỉ trồng tập trung cây lúa và hoa màu như đậu, khoai, bắp, mì... ngoài ra còn một phần lớn diện tích trồng dừa. Tổng diện tích gieo trồng năm 2002 là 244,2 ha, năng suất bình quân đạt 42 tạ/ha. Ngoài diện tích gieo trồng cây lương thực thị trấn còn có 38 ha trồng các loại cây hoa màu. Đàn bò có 577 con, trong đó có 250 con bò lai, chiếm tỷ lệ 43,3%. Thị trấn đã thành lập 1 hợp tác xã nông nghiệp nhằm phục vụ tốt hơn công tác sản xuất cho nhân dân. Tính chung giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2002 đạt 4.841.028.000 đồng [39].

Ngoài nông nghiệp là chủ yếu, Bình Dương còn là địa phương có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời như mây tre, gốm sứ, bún mì, đường đen, bao bì...Đặc biệt, nghề chế biến dầu dừa, làm dây dừa, thảm xơ dừa và các sản phẩn khác từ cây dừa đã có truyền thống lâu đời ngày càng phát triển mạnh, cho đến nay nhân dân trong vùng còn truyền cho nhau câu ca dao:

“Lấy chồng xứ Vạn ăn dưa

Lấy chồng Dương Liễu đập xơ dừa mỏi tay”[22].

Sản phẩm làm từ dừa của Bình Dương như dầu dừa, thảm xơ dừa, dây dừa, gàu dừa, kẹo dừa...khá nổi tiếng và được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài các ngành nghề thủ công truyền thống, trên địa bàn thị trấn còn có các cơ sở hàn tiện, gia công cơ khí, sửa chữa máy nổ, xe máy, máy nông nghiệp, nghề rèn .... Lúc này, thị trấn đã có hai cơ sở cưa, xẻ gỗ phục vụ sản xuất và tiêu dùng, có 1 xưởng nhựa tái sinh gần cầu Bà Hàn chuyên sản xuất dây dừa phục vụ nhu cầu trong và ngoài địa phương; một kho lương thực nằm trên đường Tỉnh lộ ĐT 632.

Về thương mại - dịch vụ, nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi cùng với chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, hoạt động thương mại - dịch vụ sớm phát triển. Chợ Bình Dương trở thành trung tâm giao lưu, buôn bán hàng hóa lớn nhất của cả vùng bắc Phù Mỹ. Ngoài họp thường ngày, chợ còn họp theo phiên, vào những ngày chợ phiên hoạt động trao đổi mua bán diễn ra khá nhộn nhịp với nhiều mặt hàng lâm thổ sản phong phú tại địa phương cũng như các nơi khác chuyển về. Trên địa bàn còn có các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán dọc theo Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ DT632. Trong đó, lớn nhất là cửa hàng xăng dầu tư nhân nằm trên Quốc lộ 1A. Để phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa thị trấn cũng đã thành lập 1 hợp tác xã thương nghiệp. Các loại hình dịch vụ như vận tải, hàng thương phẩm, ăn uống giải khát bắt đầu hình thành. Trong đó, nổi bật là dịch vụ vận tải; trên địa bàn đã có 25 chiếc xe khách, 32 chiếc xe tải phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa đi các địa phương. Tuy nhiên, thời điểm mới thành lập thị trấn chưa có bến xe để phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải.

Từ năm 2002 trở đi, nhờ sự quan tâm khuyến khích của chính quyền tình hình sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn bắt đầu chuyển biến khá rõ rệt, tạo được ưu thế cho sự phát triển kinh tế địa phương. Các mặt hàng thương

mại - dịch vụ phát triển tương đối mạnh, nhất là dịch vụ vận tải, dịch vụ hàng thương phẩm, ăn uống giải khát. Đến năm 2002 trên địa bàn thị trấn có 249 hộ với 327 lao động chuyên sản xuất kinh doanh dịch vụ gồm mộc dân dụng, xẻ gỗ gia công, hàn, gò, tiện, khắc, sản xuất nhựa tái sinh, thùng, gàu, đánh dây neo, dây thừng, đan lát… Giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ năm 2002 đạt 27,297 tỷ đồng [39].

Với những định hướng đúng đắn, kinh tế Bình Dương bắt đầu có những chuyển biến rõ nét. Trong năm đầu tiên thành lập (2002), cơ cấu kinh tế bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Nông nghiệp chiếm 15,06%, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chiếm 84,94%, thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 8,608 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh, vượt chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, năm 2002 tổng thu đạt 496 triệu đồng vượt 50,8% chỉ tiêu kế hoạch nhà nước.

Các con số nêu trên cho thấy tín hiệu tích cực của một thị trấn năng động đang trên đà phát triển. Mặc dầu vậy, những khởi sắc ban đầu của nền kinh tế thị trấn cũng đặt ra cho chính quyền những khó khăn, thử thách không hề nhỏ. Việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn trong khi nội lực thị trấn chưa có. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và một số dịch vụ phát triển chậm, các ngành nghề truyền thống ở địa phương còn theo hộ gia đình, chưa mở rộng thị trường tiêu thụ. Do đó, hiệu quả kinh tế còn thấp, chưa mang tính đột phá, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế thị trường; năng suất, sản lượng các loại cây trồng tuy đạt chỉ tiêu đề ra nhưng ở mức độ thấp. Việc áp dụng khoa học, đổi mới giống cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa áp dụng quy hoạch sản xuất giống lúa lai 838 vào sản xuất 2 vụ. Chưa chuyển đổi diện tích đất trồng lúa ở những vùng chân ruộng cạn sang sản xuất các loại hoa màu, rau xanh, để nâng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác; dịch bệnh trên một số loại cây trồng vật nuôi chưa khống chế hiệu quả, bệnh sâu bọ cánh cứng hại dừa, dịch lở mồm long móng, dịch

cúm gia cầm vẫn thường xuyên diễn ra. Tỷ lệ bò lai, heo hướng nạc trên tổng đàn còn thấp, hạn hán, lũ lụt kéo dài. Việc thu ngân sách tăng nhưng chưa bền vững, một số chỉ tiêu pháp lệnh thu chưa đạt mức đề ra như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiến độ xây dựng một số công trình còn chậm, việc nâng cấp và xây dựng chợ Bình Dương gặp vướng mắc. Tất cả những khó khăn đó đã trở thành bài toán đặt ra đòi hỏi chính quyền thị trấn phải đi tìm lời giải cho những năm sắp tới nhằm đưa thị trấn vững bước đi lên trên con đường đã chọn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình phát triển của thị trấn bình dương, huyện phù mỹ, tỉnh bình định từ năm 2002 đến năm 2020 (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)