Bên cạnh giọng tâm tình, xót xa cái duyên của tập truyện còn thể hiện ở giọng nồng nàn, đắm say thiết tha với thiên nhiên và cuộc sống của nhà văn. Trước sau, Xuân Diệu là kẻ mê đời, khát sống, ham yêu. Nhà văn luôn muốn được khăng khít, quấn riết với nhân gian. Có thể nói chính lòng ham sống, ham yêu đến mức vắt kiệt mình là điểm cốt yếu trong nên chất lửa nồng nàn, đắm say trong giọng điệu Xuân Diệu.
Giọng điệu nồng nàn, đắm say trong truyện ngắn của Xuân Diệu đặc biệt hiện lên rõ nét trong hệ từ vựng và lời văn. Đã yêu phải yêu đến “điên
dại”, đã mê phải “lăn vào”. Thèm khát được sống, đó không chỉ là khát vọng tinh thần mà còn là khát vọng giao cảm trực tiếp. Không phải chỉ Xuân Diệu mới nói về sự sống, nhưng chỉ có Xuân Diệu mới mang đến nguồn cảm xúc mới mẻ trước cuộc sống, trước tình yêu, trước thiên nhiên vạn vật. Là một người sinh ra để được sống, được yêu, được hòa nhập, Xuân Diệu say sưa ca ngợi mọi vẻ đẹp của sự sống, của tình yêu, của thiên nhiên. Đó là niềm giao cảm chính trong nhiều trang truyện ngắn của ông, luôn bừng lên vẻ thắm tươi của cuộc sống. Với một ý thức như thế, Xuân Diệu không chỉ dừng lại ở hình tướng sự vật mà ông cố gắng đi vào thần tướng của đối tượng. Bởi thế Xuân Diệu cảm nhận rất tinh sự vận động của thế giới. Vận động là biểu hiện của sự sống. Xuân Diệu khi nhìn về sự vật bao giờ cũng nhìn thấy chúng nương vào nhau, giao nhau.
Xuân Diệu thiết tha giao cảm với đời, với mọi khía cạnh cuộc sống và thiên nhiên là một phần không thể thiếu trong cái nền giao cảm ấy. Nhà văn cảm nhận thiên nhiên bằng lối riêng của mình, ông nhìn thiên nhiên qua lăng kính ái ân. Thiên nhiên trong sáng tác Xuân Diệu tươi mơn mởn, tràn trề nhựa sống đến ngon lành. Những câu văn miêu tả thiên nhiên rất trong sáng, tươi xanh, được viết với bao rung động tinh tế. Thiên nhiên đối với ông luôn trào dâng sức sống, chói chang màu sắc “Nhị vàng của thông (...) Tình yêu của thông (...) gió hơi se, rừng thông rún rẩy, tiếng ngân hữu ý, khí trời thành một sự trao đổi: muôn cây chắc đương khoái lạc vì đương sống việc ái tình, đó là nhị thông thoát hoa đực bay tìm hoa cái. Rừng thông sung sướng, ái tình tản mạn ôm ấp không gian: ấy là rừng thông đang yêu” [1, tr.18], dưới con mắt xanh non của một tâm hồn nhạy cảm, thiên nhiên rực vàng đầy hương sắc. Để “giao cảm”, trong ông luôn có sự kết hợp giữa hơi thở và nhịp điệu cuộc sống với nhịp đập con tim và những lắng nghe tinh tế, sâu kín của tâm hồn.
Lòng ham sống được gởi cả vào niềm khao khát vô biên tình yêu và tuổi trẻ. Tình yêu trong những trang truyện ngắn Xuân Diệu là tình yêu của những người đang yêu. Cái rạo rực, thiết tha, nồng cháy trong Sợ “anh yêu đứt ruột, yêu quặn lòng, điên dại, ghê gớm, yêu tưởng giết được người, yêu tưởng chết” [1, tr.89]. Cái da diết, đằm thắm trong Cái giây không đứt “Anh yêu dở, vì không hiểu lòng người; em cũng vụng yêu, vì không thấu ái tình. Mà chúng ta đã cốt “yêu nhau”, thì chúng ta phải yêu nhau theo ái tình chứ!” [1, tr.59]. Tình yêu trong truyện ngắn Xuân Diệu vừa có sự tinh túy, thiêng liêng của “hồn”, của sự giao cảm “không lời” nhưng mặt khác rất trần thế, đậm chất nhục cảm. Nói khác đi, nó là sự hòa nhập tuyệt đối giữa hồn và xác. Cái say mê, cuồng nhiệt của Xuân Diệu vì thế không phải là những lời suông mà có thân xác, luôn vận động, biến hóa. Tất cả các giác quan được huy động đến mức cao nhất để cảm nhận hương vị của yêu đương. Bởi vậy, nhìn vào đâu nhà văn cũng nhận thấy khí vị ái tình. Những trang văn tình yêu của Xuân Diệu trước hết “nói” về tình, nhưng thông qua tình yêu “nói” lên cảm xúc sâu thẳm về cuộc sống, về đời người.
Giọng điệu nồng nàn, đắm say Xuân Diệu thể hiện rõ qua lời văn ở các khía cạnh chủ yếu: sử dụng các từ gây cảm giác mạnh, đó là những hành động riết róng và mạnh mẽ: “hấp tấp lăn vào bụi đời”, “dúi vào thú vui”, “mãnh liệt mê điên”, “thèm thuồng”, “khát”... Đây là mảnh đất cho sự xuất hiện của các từ láy và sự chuyển đổi cảm giác bằng các ẩn dụ bổ sung: “mưa bay mảnh khảnh dịu dàng”, “sắc vàng phảng phất âm thanh”... Kiến trúc câu văn Xuân Diệu cũng là một “kiến trúc đầy âm vang” với nhịp điệu mạnh. Đó là âm vang của một nỗi đam mê, hóa thành những tiết tấu nhanh, hơi văn dồn dập. Các kiểu câu mệnh lệnh thức, tạo nhạc để diễn tả sự “quấn quýt”, “giao hòa” của con tim và cuộc sống. Đọc những trang truyện ngắn Xuân Diệu chúng tôi
nhận thấy hợp âm rạo rực, run rẩy là yếu tố cơ bản nhất nổi lên chất giọng nồng nàn, đắm say tha thiết trong truyện ngắn Xuân Diệu.
KẾT LUẬN
1. Là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng của nước ta, Xuân Diệu để lại cả một kho tài sản quí giá cho văn học dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp thơ, văn, nghiên cứu phê bình của Xuân Diệu đã trở thành những đề tài nghiên cứu văn học của nhiều thế hệ yêu thích văn chương Xuân Diệu. Ngay từ những năm mới bước vào nghề, dù tuổi đời còn trẻ, Xuân Diệu đã tỏ ra là người có tâm hồn nghệ sĩ, có tài năng và bản lĩnh nghề nghiệp. Dù thơ
hay văn xuôi, Xuân Diệu đều để lại dấu ấn nghệ thuật của mình, trong việc khám phá chiều sâu tâm hồn.
2. Xuân Diệu là nhà thơ viết truyện ngắn, là nhà thơ của niềm khát khao giao cảm, gắn bó với sự sống, với đời. Truyện ngắn Xuân Diệu chứa đầy chất thơ và có ưu thế giãi bày, bộc bạch giống như thơ. Bằng tất cả tài năng và tư chất của người cầm bút, Xuân Diệu dệt cho đời những áng văn giàu chất thơ. Việc Xuân Diệu đưa yếu tố trữ tình vào sáng tác văn xuôi thể hiện phong cách sáng tạo riêng của Xuân Diệu. Đóng góp này của Xuân Diệu khiến cho những sáng tác truyện ngắn của ông vừa mang tính chất lãng mạn, vừa mang tính chất hiện thực. So với thơ trữ tình, truyện ngắn có nhiều ưu thế trong trong việc khám phá và thể hiện cuộc sống, con người trong mọi chiều kích của nó. Xuân Diệu luôn thể hiện “cái tôi” tự do, độc đáo của mình. Quan niệm của Xuân Diệu trong việc thể hiện cuộc sống, con người là đi tìm cái đẹp, hướng về cái đẹp, ca ngợi cái đẹp, cái tiến bộ, cái mới. Đọc truyện ngắn Xuân Diệu, chúng tôi nhận thấy cái tâm của người nghệ sĩ - cái tâm hướng thiện. Từ một người làm thơ trữ tình, Xuân Diệu trở thành nhà văn, truyện ngắn của ông thấm đượm chất thơ, thơ trong cách cảm, thơ trong cách thể hiện nghệ thuật. Đóng góp ấy của ông tạo nên sự đa dạng, phong phú cho văn học Việt Nam hiện đại.
3. Luận văn đi sâu phân tích giá trị tập truyện ngắn trên phương diện kết cấu, cốt truyện và nhân vật. Với kết cấu tâm trạng, tập truyện ngắn của ông đưa người đọc miên man trong xúc cảm để tìm đến với những hồi ức tuổi thơ cùng với những suy tưởng bất ngờ thú vị. Phấn thông vàng là tập truyện “truyện ý tưởng”, truyện của cảm xúc, của tâm hồn, cốt truyện thể hiện rõ chức năng bộc lộ trạng thái tâm lý của nhân vật. Với sự xuất hiện của kiểu cốt truyện tâm lý, những dòng cảm xúc, nội tâm của con người được trải rộng ra trên những trang văn của Xuân Diệu. Bên cạnh đó, thế giới nhân vật cũng
phong phú, đa dạng, nhân vật có tên cụ thể hoặc không tên; nhân vật tự xưng tên - nhân vật tôi. Đặc điểm kiểu nhân vật trong tập truyện ngắn Phấn thông vàng là nhân vật tâm lý, nhân vật không có hình dáng bên ngoài, chỉ có dòng suy nghĩ bên trong và đó cũng chính là “cái tôi” nội tâm của tác giả, là tâm sự, là tấm lòng của ông đối với cuộc đời.
4. Nói đến nghệ thuật viết truyện ngắn của Xuân Diệu, người ta thường nói đến ngôn ngữ và giọng điệu văn chương của ông. Đó là ngôn ngữ trữ tình giàu chất thơ và một giọng văn: tâm tình chia sẻ, nồng nàn, thiết tha. Xuân Diệu thường sử dụng những lớp từ ngữ đa dạng của văn chương bác học, của cuộc đời thường và của chính mình tạo ra. Điều này góp phần tạo cho văn ông một vẻ duyên dáng riêng, và cũng chứng tỏ Xuân Diệu dày công đi tìm một sự thể hiện cho riêng mình. Là nhà thơ viết truyện ngắn, những sáng tác truyện ngắn của Xuân Diệu thường tập trung miêu tả đời sống nội tâm, đời sống tình cảm của vạn vật và coi đó như là một hướng tìm tòi chính yếu - hướng tiếp cận đời sống và các vấn đề nhân sinh thông qua nội tâm, cảm xúc, cảm giác đậm màu sắc trữ tình và tấm lòng nhân hậu. Truyện ngắn của Xuân Diệu rất gần với thơ. Nhà văn sử dụng thành công những biện pháp nghệ thuật tu từ như: so sánh, phép lặp, ẩn dụ, nhân hóa, phép biểu cảm dưới những dạng câu hỏi tu từ, câu cảm thán, với mục đích nghệ thuật là cụ thể hoá những cảm xúc, ấn tượng của mình. Sự cố gắng của Xuân Diệu tạo nên những câu văn xuôi giàu nhạc điệu; những trang văn mà ở đó ranh giới giữa thơ và văn xuôi có phần bị xoá nhòa.
5. Xuân Diệu luôn thành thật với lòng mình - tấm lòng yêu đời, say với đời. Có lẽ Xuân Diệu quan niệm văn chương là những áng văn “đẹp”, đúng nghĩa, giống như viên ngọc không có vết xước! Văn chương phải giúp người ta yêu đời, thiết tha với đời. Cái đáng ca ngợi là những đóng góp không mệt mỏi của Xuân Diệu đối với văn học Việt Nam nói riêng, và với cuộc sống,
con người Việt Nam nói chung. Truyện ngắn của Xuân Diệu giúp người ta yêu đời, xích lại gần nhau, sống có nhân cách, có ích cho đời. Cùng với Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh; Xuân Diệu để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị, và góp phần làm phong phú thêm nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Trong tiến trình định hình các thể loại văn học, Xuân Diệu mạnh dạn làm những thử nghiệm mới về viết “truyện ý tưởng”. Với tập truyện ngắn Phấn thông vàng, Xuân Diệu khẳng định một hướng đi mới, một phong cách riêng trong sáng tác văn chương nghệ thuật. Cùng với thời gian, ngòi bút của Xuân Diệu dù ở lĩnh vực nào (làm thơ, sáng tác văn xuôi, nghiên cứu - phê bình văn học), cũng thể hiện được tài năng sáng tạo riêng của mình.