Kết cấu theo dòng hồi tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn xuân diệu trước năm 1945 từ góc nhìn thể loại (Trang 35 - 38)

Là một người thường xuyên hoài niệm về quê hương, về tuổi thơ; Xuân Diệu cả trong thơ lẫn văn luôn trở đi trở lại với ký ức, ký ức của những kỷ niệm vừa ngọt ngào tươi đẹp, vừa pha ý vị xót xa. Đó có thể là quá khứ của

một miền quê, một gia đình, hay đơn giản là một con người, một lát cắt mỏng manh của một đoạn đời. Rất nhiều truyện ngắn Xuân Diệu gắn liền với nỗi nhớ, niềm thương về những điều đã cũ, đã qua, đã xưa – Phấn thông vàng,

Sợ, Cái hỏa lò, Đứa ăn mày, Thương vay, Tỏa nhị kiều,...

Dòng hoài niệm đưa con người về với miền ký ức tuổi thơ gắn liền với những kỷ niệm bên gia đình, trong tình thân xóm giềng, trong tình cảm bạn bè, cùng với những ngày tháng cắp sách đến trường, với những ông giáo làng và những món ăn quen thuộc. Trong những ngày tháng ấy, con người được tận hưởng tuổi thơ ngọt ngào nhưng pha chút xót xa.

Ký ức về những bữa cơm gia đình gắn liền với miền quê nghèo. Trong

Tỏa nhị kiều, ấn tượng của nhân vật “tôi” về những bữa cơm chiều thường mang đến con người cảm giác buồn bã, ngao ngán “cơm mai rồi cơm chiều, rút cục mỗi ngày hai bữa cơm”. Khung cảnh buổi chiều ở miền quê nghèo hiện về rất rõ trong ký ức của “tôi” “những khi xế trưa, nắng ngả vào bếp nhà tôi. Lửa tắt, than lạnh, chỉ đôi con ruồi lơ thơ đậu dưới đất thỉnh thoảng bay lên kêu vo vo. Nắng vàng phai lặng, chán nản làm sao!” [1, tr.165]. Một bức họa đồng quê quen thuộc, bình dị, thơ mộng, gợi cảm, mang cốt cách Việt Nam. Nhịp điệu chậm, giàu hình ảnh và nhạc điệu gợi khung cảnh thiên nhiên đượm buồn. Bức tranh miền quê nghèo lúc ngả về chiều mang vẻ trầm buồn hiu hắt, con người luôn quẩn quanh, tẻ nhạt “nỗi nhạt nhẽo của ngày này tiếp theo ngày nọ”.

Ký ức về “má” như một phần đời không thể thiếu trong dòng hoài niệm về tuổi thơ. Trong Cái hỏa lò, hình ảnh về “má” được nhà văn khắc họa bằng những chi tiết chân thực, cảm động. “Má” với cuộc sống gia đình không hạnh phúc, tuy có chồng, có con nhưng phải ăn nhờ, ở đậu nhà ngoại. Để rồi khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của má ở bên nhà ngoại, Siêu mới thấy hết sự khổ cực của má “Thức ăn là một chén muối vừng (...) chắc mặn muối lắm, vì

nhiều màu trắng, ít màu vàng” [1, tr.94-95], Siêu thấy thương má “cổ Siêu lại phồng lên lại, nước mắt góp mau thêm (...) lệ đã lăn vài giọt xuống má” [1, tr.101]. Với những dòng hồi ức ấy, người đọc như đang cùng chiêm nghiệm, cùng thấm thía và chia sẻ với số phận đau khổ của những người mẹ, những người đàn bà lam lũ đáng thương, tội nghiệp. Đồng thời, cũng thấy được một tuổi thơ đầy cơ cực, túng quẫn sống trong sự hắt hủi của người mẹ ghẻ, một tuổi thơ thiếu thốn tình yêu, tình thương của “má” và có lẽ điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới phong cách thơ của ông sau này, luôn rạo rực, mãnh liệt, vội vàng với cuộc sống.

Truyện ngắn Đứa ăn mày là dòng ký ức về gia đình, về đứa em đáng thương, tội nghiệp“Thằng Miêng cũng chỉ là một con chó hoang hay một con mèo hoang (....). Mỗi lần thấy dáng bộ thất thơ không cửa không nhà của một con mèo hay con chó, Sơn lại thương thằng Miêng, đứa em xấu số, bị nhà bỏ và cũng bỏ nhà đi hoang” [1, tr.149].

Với Thương vay, ký ức tuổi thơ con người còn được đánh thức bởi hình ảnh quen thuộc của những ông giáo làng. Trong dòng hoài niệm, hình ảnh những ông giáo làng hiện lên rất “buồn cười” nhưng cũng rất đáng thương , “Ông Viên, cái trán cao như cái lầu, xương xao như một tấm đá; ông Bích miệng cười như khóc, méo một cái méo hãi hùng; ông Thinh chốc chốc lại kéo cái quần tây, như sợ tụt; ông Lịch sau vài tiếng nói lại, “hơ!”, “hớ!”” [1, tr.30] còn bọn học trò “cảm nghe cái không khí thẩn thơ ở trong lớp học, ở giữ cuộc đời” [1, tr.30]. Âm thanh, hình ảnh, không khí quen thuộc ấy khơi dậy trong lòng người đọc bao nhiêu cảm xúc về một thời cặp sách đến trường, một thời tinh nghịch, hồn nhiên.

Dòng hoài niệm đưa tác giả về hình ảnh của một miền quê nghèo với những gì bình dị mà đậm sâu, tha thiết như máu thịt. Trong Cái hỏa lò, quê hương của ngày xưa lưu lại trong ký ức của ông là hình ảnh của một cái quán

nước nho nhỏ của bà Gồng, với bao nhiêu món hàng nào khoai lang, nào xôi đậu đen,... như “dấu ấn văn hóa” của một thời chân quê, mộc mạc mà ấm áp yêu thương, làm thức dậy ở độc giả một miền tuổi thơ xa lắc mà gần giũi, thân thuộc làm sao.

Cảm xúc nhớ thương ấy đưa tác giả về với những mối tình đã qua đẹp nhưng buồn trong Phấn thông vàng. “Lần đầu, người chàng yêu chỉ coi chàng như một người bạn, (...), như một người anh. Lần thứ hai người ta lãnh đạm hẳn với chàng (...) Lần thứ ba (...) Người yêu mới cũng yêu chàng (...) chàng họa sĩ phải ngậm ngùi rời nàng” [1, tr.15 ]. Tình yêu là nơi Xuân Diệu bộc lộ rõ nhất niềm khát khao giao cảm với đời. Trái tim tha thiết yêu đương của nhà văn luôn khao khát được sống, được ăn, được cắn vào tình yêu, vào thời tươi, yêu từ khi chưa có tuổi đến hết tuổi. Ông vồ vập, níu kéo tình yêu, sợ li biệt, tan vỡ, cô đơn, nuối tiếc vì tuổi trẻ và tình yêu qua đi rất nhanh. Trong tình yêu có lúc Xuân Diệu cảm thấy thất vọng, mất mát đau buồn nhưng không vì thế, ông có thái độ phũ phàng, khinh bạc và thôi khao khát yêu.

Hiện tại, quá khứ trong tập truyện ngắn Phấn thông vàng được kết cấu vừa đan xen vừa đối nghịch. Nhà văn thường bắt đầu bằng thực tại rồi chuồi đi trong hoài niệm, tạo hai chiều hiện tại – quá khứ trong thế đối lập và cả sự gián cách về không gian – thời gian. Nhờ đó, người đọc được làm một cuộc viễn du bằng tưởng tượng về với những không gian, bối cảnh, con người của những ngày đã qua.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn xuân diệu trước năm 1945 từ góc nhìn thể loại (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)