Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức về phòng té ngã cho người bệnh của sinh viên điều dưỡng trường cao đẳng y tế hà nam sau can thiệp năm 2019 (Trang 53 - 58)

* Giới tính

Bảng 3.1 cho thấy tỷ lệ sinh viên nữ là (70%) cao hơn tỷ lệ sinh viên nam (30%), gần tương tự với một số nghiên cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh khác như nghiên cứu của Sharon SL tỷ lệ nữ là 67%, nam 33% [42]. Tuy nhiên có sự khác biệt so với các nghiên cứu khác: Nghiên cứu của Kim Myoung Hee thực hiện trên sinh viên điều dưỡng các trường đại học ở Chungbuk Hàn Quốc với tỷ lệ sinh viên nữ/sinh viên nam là 92,6% /7,4% [29]. Nghiên cứu của Debra K tại đại học Monash - Australia tỷ lệ nữ/nam là 82%/18% [18], tuy nhiên sự khác biệt này không làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

* Kinh nghiệm lâm sàng

Kinh nghiệm lâm sàng là một yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên kiến thức về phòng té ngã của sinh viên. Trong nghiên cứu này tất cả các sinh viên đã được đi lâm sàng bệnh viện và 90,0% sinh viên đã đi lâm sàng bệnh viện trên 6 tháng, 10% sinh viên có thời gian lâm sàng từ 2-4 tháng. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Kim Myoung Hee trên 404 sinh viên điều dưỡng, thời gian trung bình thực hành lâm sàng của sinh viên là 6,4 tháng [29].

Nghiên cứu của tác giả Jae WH và Yang SK tại Hàn Quốc cho thấy thời gian thực hành lâm sàng của sinh viên trên 1 năm chiếm 69,2%, dưới 1 năm là 30,8%. Kết quả này cho thấy thời gian đi lâm sàng của sinh viên trong nghiên cứu của tác giả Jae WH là lâu hơn so với nghiên cứu của chúng tôi, điều này là phù hợp, bởi đối tượng nghiên cứu của tác giả Jae WH là sinh viên

điều dưỡng năm thứ tư trường Đại học Khoa học và Sức khỏe Chungbuk, Hàn Quốc [25].

* Chứng kiến người bệnh ngã

Nghiên cứu cho thấy có 22,9% sinh viên đã chứng kiến người bệnh bị té ngã. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Kim Myoung Hee là 21% sinh viên đã chứng kiến người bệnh bị té ngã [29]. Nghiên cứu trên các đối tượng là điều dưỡng được thực hiện bởi Sang Hee Kim cho thấy tỷ lệ là 77,5% [41], nghiên cứu của Lee In kyung là 45.8% [31]. Sự khác nhau này là phù hợp với thực tế bởi do thời gian làm việc tại bệnh viện của các điều dưỡng là lâu hơn so với các sinh viên (Sang Hee Kim là 8,19 năm, Lee In Kyung là 6,32 năm).

* Mong muốn được tham gia một chương trình đào tạo về phòng té ngã

Có 88,6% sinh viên mong muốn được tham gia một chương trình đào tạo về phòng té ngã. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Kim Myoung Hee cho thấy 84,9% biết về sự cần thiết và mong muốn được tham gia giáo dục phòng chống té ngã [29]. Kết quả này có sự khác biệt so với nghiên cứu của Sang Hee Kim trên các đối tượng là điều dưỡng; Mong muốn nhận được chương trình giáo dục về phòng chống ngã là 72,5% [41]. Sự khác biệt này có thể là do sinh viên còn rất trẻ họ luôn muốn tìm tòi, học hỏi và khám phá những điều mình chưa biết. Tuy nhiên kết quả này cũng cho thấy sinh viên rất quan tâm đến việc học tập và tích lũy kiến thức nói chung và kiến thức phòng té ngã cho người bệnh nói riêng.

4.2. Thực trạng kiến thức về té ngã của sinh viên

4.2.1. Kiến thức về nhận biết yếu tố nguy cơ té ngã của sinh viên

Theo bảng 3.8 cho thấy kiến thứcnhận biết yếu tố nguy cơ té ngã của sinh viên điều dưỡng trước can thiệp giáo dục là chưa cao có 37,1% sinh viên

có kiến thức tốt, 62,9% sinh viên có kiến thức trung bình về nhận biết về yếu tố nguy cơ té ngã. Điểm trung bình đạt 7,1 ± 1,1 trên tổng số 10 điểm tương đương 71,1% số câu trả lời đúng.

Kết quả của chúng tôi là tương đồng với nghiên cứu của tác giả Yu M và cộng sự. Theo nghiên cứu của Yu M và cộng sự trên 30 sinh viên điều dưỡng tại một trường cao đẳng điều dưỡng Hàn Quốc cho thấy kiến thức của sinh viên về các yếu tố nguy cơ té ngã đạt 19,2 điểm trên 27 điểm tương đương 71,1% số câu trả lời đúng [52]. Điều này là phù hợp bởi đối tượng trong cả 2 nghiên cứu đều là những sinh viên cao đẳng điều dưỡng năm cuối.

Nghiên cứu của chúng tôi có kết quả cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Jamehl LD.

Theo nghiên cứu của Jamehl LD và cộng sự (2014) trên 63 sinh viên y khoa đại học Wake Forest, Winston-Salem, North Carolina, Hoa Kỳ. Kết quả trước can thiệp kiến thức của sinh viên về các yếu tố nguy cơ té ngã đạt 44,5% đúng [26]. Kết quả này thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi có thể do sự khác nhau về công cụ nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu của Jamehl LD ngoài sinh viên điều dưỡng còn có đối tượng là dược và sinh viên khoa sức khỏe đồng minh.

Theo nghiên cứu của tác giả Jae WH và Yang SK (2015) trên187 sinh viên điều dưỡng trường Đại học Khoa học và Sức khỏe Chungbuk, Hàn Quốc. Kết quả kiến thức của sinh viên về các yếu tố nguy cơ té ngã ở người bệnh đạt 87,6% câu trả lời đúng [25]. Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của chúng tôi, điều này là phù hợp, bởi đối tượng nghiên cứu của Jae WH là sinh viên năm thứ tư và có thời gian đi lâm sàng lâu hơn so với đối tượng nghiên cứu của chúng tôi (thời gian đi lâm sàng trên 1 năm chiếm 69,2%).

4.2.2. Kiến thức về các biện pháp phòng té ngã của sinh viên điều dưỡng

Theo bảng 3.9 cho thấy có 40% sinh viên có kiến thức tốt, 58,6% có kiến thức trung bình, và có 1 sinh viên có kiến thức kém về các biện pháp dự phòng té ngã cho người bệnh. Điểm trung bình đạt 13,0 ± 1,9 trên tổng số 18 điểm tương đương 72% số câu trả lời đúng.

Kết quả này thấp hơn so với một số tác giả nghiên cứu tại Hàn Quốc: Theo tác giả Hye JK (2017) nghiên cứu trên trên 220 sinh viên điều dưỡng năm thứ 3 và thứ 4 của khoa Điều dưỡng Đại học Y tế Đông Á, Hàn Quốc kiến thức về các biện pháp phòng té ngã của sinh viên đạt 94,1% câu trả lời đúng [22].

Theo tác giả Choi SH and Lee HY (2015) trên 426 sinh viên điều dưỡng từ 7 trường đại học ở Hàn Quốc cho thấy kiến thức về các biện pháp phòng té ngã đạt 91,1% đúng [13]. Sự khác biệt về kết quả này có thể do đối tượng nghiên cứu của họ là sinh viên từ những trường đại hoc lớn tại Hàn Quốc, tuy nhiên kiến thức về phòng té ngã cho người bệnh của đối tượng nghiên cứu của chúng tôi vẫn còn hạn chế, điều này cho thấy sự cần thiết phải phát triển một chương trình giảng dạy trong nhà trường để cải thiện nền tảng kiến thức của sinh viên liên quan đến té ngã ở người bệnh, để sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể áp dụng các kiến thức vào phòng ngừa té ngã cho người bệnh.

Theo nghiên cứu của Debra K (2019) trên 178 sinh viên y khoa đại học Monash, Melbourne,Victoria Australia. Cho thấy trước can thiệp kiến thức của sinh viên đạt 29,7% số câu trả lời đúng [18]. Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi, sự khác nhau này có thể do bộ công cụ của tác giả Debra K là khác so với nghiên cứu của tôi, và đối tượng nghiên cứu của Debra K ngoài 85% là sinh viên điều dưỡng còn lại 25% là sinh viên dược và sinh viên khoa sức khỏe đồng minh [18].

4.2.3. Kiến thức chung về phòng té ngã của sinh viên điều dưỡng

Kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như các biện pháp dự phòng té ngã là vấn đề rất quan trọng đối với sinh viên điều dưỡng nói riêng và nhân viên y tế cũng như người bệnh nói chung. Sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần phải có kiến thức tốt để sau này khi trở thành một cán bộ y tế mới có thể có thái độ, hành vi tốt trong công tác phòng ngừa té ngã cho người bệnh, từ đó góp phần làm giảm chấn thương và tử vong liên quan đến ngã, cho phép mọi người duy trì cuộc sống độc lập và chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể, giảm gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên kiến thức về phòng té ngã của sinh viên điều dưỡng trước can thiệp giáo dục là chưa cao.

Kiến thức chung về dự phòng té ngã của sinh viên điều dưỡng trước can thiệp giáo dục có 41,4% có kiến thức tốt, 57,2% có kiến thức trung bình, thậm chí có 1 sinh viên có kiến thức kém về phòng té ngã cho người bệnh chiếm 1,4%. Trước can thiệp giáo dục điểm trung bình kiến thức của sinh viên đạt 20,1 ± 2,4 trên tổng 28 điểm tương đương 71,8% số câu trả lời đúng.

Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Daina L và cộng sự. Theo nghiên cứu của tác giả Daina L và cộng sự thực hiện trên 566 sinh viên thuộc bảy trường đại học của Australia, kiến thức của sinh viên về phòng ngừa té ngã được đánh giá bằng tỷ lệ phần trăm trả lời đúng các câu hỏi. Kết quả cho thấy điểm kiến thức trung bình trong nghiên cứu này là 60,1%. Tác giả cho rằng kiến thức của sinh viên về phòng té ngã không đáp ứng dược mức năng lực mong muốn là trên 70% đúng [17]. Sự khác biệt này có thể do đối tượng nghiên cứu của tác giả Daina L bao gồm cả sinh viên năm thứ hai. Việc mới là sinh viên năm thứ 2 của trường đại học có thể họ chưa được tiếp cận nhiều với kiến thức về té ngã trong các môn học vì vậy dẫn đến kết quả chung là chưa cao.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với một số nghiên cứu: Theo nghiên cứu của Chul-Gyu Kim kiến thức về an toàn người bệnh của sinh viên điều dưỡng Đại học Quốc gia Chungbuk - Hàn Quốc là rất cao trong đó kiến thức về phòng chống té ngã cho người bệnh có tỷ lệ câu trả lời đúng là 94,7% [14].

Theo nghiên cứu của Jeong HP và Myong HP (2014) trên 932 sinh viên điều dưỡng tại các trường đại học Hàn Quốc cho thấy kiến thức về phòng chống té ngã có câu trả lời đúng đạt 90,0% [27].

Nghiên cứu của Kim Myoung Hee trên 404 sinh viên của 4 trường đại học tại Hàn Quốc cho thấy kiến thức của sinh viên điều dưỡng về té ngã là khá cao, điểm kiến thức trung bình đạt 12,86 ± 2,08 trên 15 điểm, tương đương mức 85,7% đúng. Tuy nhiên tác giả vẫn cho rằng một chương trình giáo dục phòng ngừa té ngã nên được phát triển và cung cấp cho sinh viên điều dưỡng để đảm bảo kiến thức chính xác về té ngã [29].

Sự khác biệt này có thể do đối tượng nghiên cứu của Kim Myoung Hee, Chul GK và Jeong HP là sinh viên đại học điều dưỡng năm thứ 4. Còn đối tượng của chúng tôi là sinh viên cao đẳng điều dưỡng năm thứ 3, thời gian đi lâm dàng còn ít và chương trình giáo dục về phòng té ngã cho sinh viên cao đẳng điều dưỡng của Việt Nam hiện nay có thời lượng còn hạn chế, nội dung phòng té ngã cho người bệnh được lồng ghép giảng dạy trong 04 tiết của bài an toàn người bệnh tín chỉ Kiểm soát nhiễm khuẩn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức về phòng té ngã cho người bệnh của sinh viên điều dưỡng trường cao đẳng y tế hà nam sau can thiệp năm 2019 (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)