Nghiên cứu đánh giá TTĐT của người bệnh THA điều trị ngoại trú tại bệnh viện C tỉnh Thái Nguyên (2012) của tác giả Trần Thị Loan kết quả cho thấy tỷ lệ NB tuân thủ thuốc là 51,4%; tuân thủ thay đổi lối sống 47,1%; TTĐT THA chung chỉ đạt 35,7%; NB có kiến thức đạt về bệnh và chế độ điều trị là 57,6%; Kết quả phân tích hồi quy đa biến cho thấy một số yếu tố quan trọng được xác định có liên quan đến các loại tuân thủ chế độ điều trị THA là giới tính, trình độ học vấn, được cán bộ y tế (CBYT) hướng dẫn chế độ điều trị, mức độ được CBYT nhắc về TTĐT, biến chứng của bệnh THA, mức độ THA [15].
Một nghiên cứu khác của tác giả Nguyễn Hữu Đức (2012) về thực trạng tuân thủ điều trị và các yếu tố liên quan của 194 hội viên Câu lạc bộ NB THA, bệnh viện Bạch Mai đã cho kết quả: nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam (63,4% và 36,6%), nhóm tuổi trên 60 chiếm đa số (72,27%); đối tượng nghiên cứu đa số đã nghỉ hưu (86,6%); 77,8% NB THA vừa và nặng; NB có biến chứng chiếm tỷ lệ 80,4%; tỷ lệ NB đạt kiến thức về bệnh và TTĐT đạt 84,5%, trong đó các kiến thức về chế độ ăn, tập luyện thể lực, dùng thuốc HA đều đạt trên 90%; tuy nhiên có tới 33% NB hiểu sai kiến thức về bệnh THA là bệnh có thể chữa khỏi; người bệnh TTĐT THA là 85,6, trong đó tỷ lệ tuân thủ dùng thuốc, tuân thủ chế độ ăn nhạt và tuân thủ không hút thuốc lá lần lượt là 75,8%; 92,8% và 97,45 [4].
Qua khảo sát sự TTĐT THA và các yếu tố liên quan của NB THA điều trị tại Khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang của Nguyễn Tuấn Khanh (2013): NB uống thuốc mỗi ngày (86,9%), uống thuốc theo toa của bác sĩ chiếm tỷ lệ 87,4%; 78,1% là tỷ lệ NB tái khám đều đặn theo hẹn và có thực hành hạn chế ăn mặn trong điều trị bệnh THA; tỷ lệ bỏ hút thuốc là 73,2% và hạn chế uống rượu 71%. Lý do dẫn đến NB không tuân thủ điều trị có tỷ lệ nhiều nhất là do NB sợ hạ huyết áp (65%), sợ tác dụng phụ của thuốc (53%), không đủ điều kiện kinh tế (48,6%), lý do quên uống thuốc có tỷ lệ thấp nhất (19,7%). Tỷ lệ NB tuân thủ điều trị THA là 26,3% [13].
Tỷ lệ tuân thủ với điều trị thuốc, chế độ ăn, không hút thuốc, hạn chế uống rượu/bia, tập thể dục, đo theo dõi huyết áp thường xuyên lần lượt là 61,5%; 40,4%; 95,4%; 21,9%; 20% và tỷ lệ TTĐT (tuân thủ cả 6 khuyến cáo trên) chỉ đạt 1,9%. Đây chính là kết quả trong nghiên cứu cắt ngang có phân tích của Nguyễn Hải Yến trên 260 NB THA đến khám và điều trị ngoại trú tại Khoa Khám Bệnh, bệnh viện E, năm 2011[17].
Theo tác giả Đỗ Thị Bích Hạnh (2013) nghiên cứu về thực trạng TTĐT THA và một số yếu tố liên quan của NB ngoại trú tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cho thấy: tỷ lệ TTĐT THA chung đạt thấp (33,3%); trong đó TTĐT bằng thuốc đạt 56,3%, tuân thủ chế độ ăn chỉ đạt 27,4%, tuân thủ không hút thuốc lá/thuốc lào (84,7%), tuân thủ đo HA và tái khám định kỳ đạt 31,3%; 29,8% tuân thủ chế độ tập luyện và tuân thủ hạn chế uống bia/rượu đạt được 82,6%. Tác giả cũng cho thấy việc TTĐT liên quan có ý nghĩa thống kê với yếu tố được CBYT giải thích về chế độ điều trị THA; những người được CBYT giải thích rõ có xu hướng đạt TTĐT bằng thuốc cao hơn 3,5 lần. Tuân thủ chế độ ăn liên quan có ý nghĩa thống kê với yếu tố thời gian điều trị, kiến thức về bệnh và chế độ điều trị THA. Các yếu tố như nhóm tuổi, nghề nghiệp, thời gian điều trị, tiền sử bản thân có biến chứng, trình độ của CBYT và hỗ trợ của cơ quan hay đoàn thể xã hội có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với TTĐT [7].
Theo tác giả Lý Huy Khanh, nghiên cứu tại bệnh viện Trưng Vương cho thấy tỷ lệ NB THA bỏ trị sau 6 tháng điều trị là 79% [12].
Năm 2017, với nghiên cứu về thực trạng TTĐT THA của NB ngoại trú tại Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Trà Vinh và tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng, tác giả Kiên Sóc Kha đã cho thấy NB THA có tỷ lệ TTĐT chung là 48,57%, trong đó: tỷ lệ NB giảm ăn mặn khi bắt đầu điều trị THA đạt 72,57%; 95,4% là tỷ lệ NB hạn chế rượu bia và tỷ lệ bỏ thuốc lá hoặc không hút thuốc lá khi điều trị THA đạt 74,3%; tuân thủ chế độ tập luyện từ 30-60 phút mỗi ngày đạt tỷ lệ khá cao (89,71%); Hầu hết NB được quản lý và điều trị tại ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, được tái khám định kỳ hàng tháng và tỷ lệ tái khám đạt 99,10%; NB tuân thủ dùng thuốc điều trị THA là 94,86%, tuy nhiên tỷ lệ theo dõi HA tại nhà mỗi ngày chỉ đạt 28%; có 52,57% NB được khám, theo dõi và điều trị THA đạt được trị số huyết áp mục tiêu [22].
Các nghiên cứu trong nước thấy: Vẫn còn tỷ lệ khá cao chưa tuân thủ với điều trị thuốc, chế độ ăn, không hút thuốc, hạn chế uống rượu/bia, tập thể dục, đo theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà. Một số yếu tố quan trọng được xác định có liên quan đến các loại tuân thủ chế độ điều trị THA là giới tính, trình độ học vấn, được CBYT hướng dẫn chế độ điều trị, mức độ được CBYT nhắc về TTĐT, biến chứng của bệnh THA, mức độ THA.
Chương 2
MÔ TẢ VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT
2.1. Thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh THA có tổn thương thận điều trị ngoại trú tại KKB - BVBM tháng 9, 10 năm 2020