Các nguồn tài nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả ở công ty lâm nghiệp phú lộc, tỉnh thừa thiên huế (Trang 62 - 66)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.1.2. Các nguồn tài nguyên

1) Tài nguyên đất

Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên là 72.092,03 ha. Đất đai hình thành phát triển trên địa hình phức tạp và nhiều loại đá mẹ khác nhau vì vậy các loại đất theo nguồn gốc phát sinh cũng đa dạng, phong phú, bao gồm 19 loại đất được chia thành 8 nhóm đất chính

* Nhóm đất cát và cồn cát biển

Diện tích 10.776 ha chiếm 18,75% diện tích điều tra, được hình thành ven biển và các cửa sông, phân bố chủ yếu ở các xã thuộc khu II và khu III. Do hoạt động của biển và sông đã tạo thành những dòng chảy khá mạnh, cát hạt lắng đọng tạo thành những dải có mức độ dài ngắn khác nhau, sự tác động của gió đã làm xuất hiện hiện tượng cát lấn, cát tràn.

Đặc điểm nhóm đất này là sự phân hoá phẫu diện không rõ, thành phần cơ giới tơi, rời rạc, hạt thô, khả năng giữ nước, độ phì kém.

Trong nhóm này đất cát biển là có giá trị nhất trong sản xuất nông nghiệp chiếm gần 90% (9.633 ha) tập trung ở vùng ven biển, có thành phần cơ giới thô, không có kết cấu, dung tích hấp thụ thấp, các chất dinh dưỡng, mùn, đạm, lân đều nghèo, kali tổng số cao nhưng kali trao đổi thấp, loại đất này thích hợp cho trồng các loại hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày như khoai, lạc, đỗ, dâu tằm, cam, chanh...

Hiện nay đất cát và cồn cát biển đang được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp trong đó chủ yếu là trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất để bảo vệ vùng đất nội đồng, chống cát tràn, cát lấn và giữ nguồn nước ngọt.

* Nhóm đất mặn

Diện tích 1.509 ha chiếm 2,63% diện tích điều tra phân bố ở vùng ven biển, ven các cửa sông, được hình thành do ảnh hưởng của nước mặn biển theo thuỷ triều tràn vào hoặc do nước mạch mặn.

Đặc điểm nhóm đất này có màu xám nhạt đến nâu tươi, thành phần cơ giới nặng, kết cấu cục tảng rất vững chắc, lớp đất mặt có nhiều vệt muối trắng kết tinh. Hàm lượng hữu cơ trung bình, đạm, lân dễ tiêu trung bình đến khá. Diện tích này đang được sử dụng vào trồng lúa nhưng năng suất kém.

* Nhóm đất phèn mặn

Diện tích 1.355,00 ha bằng 2,36% diện tích điều tra, tập trung ở địa hình thấp, do sản phẩm bồi tụ phù sa với vật liệu sinh phèn (xác sinh vật chứa lưu huỳnh) phát triển ở môi trường đầm mặn, khó thoát nước. Đất thường có màu xám xanh hoặc xám đen, hàm lượng chất hữu cơ khá, đạm, lân tổng số khá nhưng kali rất nghèo, thành phần cơ giới trung bình đến nặng. Diện tích này có thể đưa vào nuôi trồng thuỷ sản hoặc cải tạo trồng lúa nước.

* Nhóm đất phù sa

Được hình thành do sự bồi tụ của các sông với diện tích là 3.926,00 ha chiếm 6,85% diện tích điều tra, phân bố chủ yếu ở địa hình vàn cao và vàn, thành phần cơ giới chủ yếu là thịt nhẹ, thịt trung bình. Do sự phân bố địa hình nên các sông trong địa bàn thường ngắn, dốc chảy ra biển qua các đầm vì vậy các sản phẩm bồi tụ ít, diện tích không tập trung, chất lượng đất kém so với phù sa ở những nơi khác. Tuy nhiên đây vẫn là phần diện tích có giá trị nhất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp huyện Phú Lộc. Hiện nay, diện tích này đang được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chính là cây lúa và các loại hoa màu khác.

* Nhóm đất Feralit (đất đỏ vàng)

Diện tích 34.596,00 ha chiếm 60,3% diện tích điều tra được phát triển trên sản phẩm phong hoá của đá mácma bazơ và trung tính, đá vôi... phân bố ở địa hình tương đối cao đến bằng thoải lượn sóng. Đất có thành phần cơ giới nặng đến trung bình, hàm lượng dinh dưỡng trung bình thấp, tầng đất trung bình đến dày, thoát nước tốt. Diện tích này rất thích hợp cho việc trồng cây ăn quả, nông lâm kết hợp... Hiện nay đang được khai thác chủ yếu vào mục đích lâm nghiệp, một phần nhỏ được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.

* Đất dốc tụ

Diện tích nhỏ, chỉ chiếm 0,25% diện tích điều tra (145,00 ha) phân bố ở địa hình thấp trũng trong các thung lũng, là sản phẩm tích tụ của quá trình rửa trôi xói mòn. Thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt nhẹ, hàm lượng dinh dưỡng khá, độ dày tầng đất > 100 cm. Diện tích này rất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trồng lúa cho năng suất cao.

* Đất mùn vàng đỏ trên đá mácma axít

Diện tích 729,00 ha chiếm 1,27% diện tích điều tra, phân bố trên các đỉnh núi cao thuộc dãy Bạch Mã, độ dốc lớn (trên 250), tầng đất mỏng (<30 cm). Đất này được phát triển trên nhiều loại đá mẹ khác nhau: Granít, mácma axít, trầm tích và biến chất... đá phong hoá yếu, có nhiều mảnh đá vụn nguyên sinh. Trên cùng là lớp thảm

nghèo. Nhìn chung đây là nhóm đất tốt, nhưng phân bố ở địa hình cao, độ dốc lớn nên ít có khả năng sản xuất nông nghiệp. Cần được khoanh nuôi trồng rừng để tránh xói mòn, bảo vệ nguồn nước và môi trường.

* Đất xói mòn trơ sỏi đá

Diện tích 4.290,00 ha chiếm 7,48% diện tích điều tra, phân bố trên đất dốc (<250), lớp mùn trên mặt thưa thớt, lẫn nhiều đá, đây là kết quả của sự xói mòn, là hậu quả của nạn phá rừng và canh tác không đúng kỹ thuật. Diện tích này cần được phủ xanh sớm bằng các chương trình phát triển lâm nghiệp.

* Diện tích đất còn lại chủ yếu là đất mặt nước và một số loại đất chưa sử dụng nằm rãi rác ở các xã.

Tài nguyên đất ở Phú Lộc khá đa dạng trên nhiều địa hình khác nhau, thích hợp với nhiều loại cây trồng, song tính chất không đồng đều ấy cũng tạo cho sự canh tác phân tán manh mún, điều kiện cơ giới hoá, thuỷ lợi hoá gặp khó khăn. Bên cạnh đó sự canh tác không đúng quy trình làm độ phì bị giảm kiệt, hiện tượng chua hoá, sỏi sạn hoá bạc màu nghiêm trọng. Khu vực ven biển hiện tượng mặn tràn, mặn ngấm quanh năm, cát bay và biển lấn vào đất liền cũng thường xảy ra. Đòi hỏi phải khắc phục kịp thời những hiện tượng thay đổi về môi trường đất, bên cạnh đó phải bảo vệ và làm cho đất đai ngày càng tốt hơn.

2) Tài nguyên nước

- Nước mặt:

Nguồn nước mặt của huyện chủ yếu nhờ vào nước trời và nước của hệ thống sông suối, hồ đầm cung cấp. Lượng mưa hàng năm tuy lớn nhưng phân bố không đều trong năm, mùa mưa quá tập trung lại trùng vào mùa lũ nên thường gây ra ngập úng, ngược lại mùa khô thì hạn hán nắng nóng lượng mưa ít làm cho mật nước ở các sông ở vùng hạ lưu xuống thấp và bị nhiễm mặn do đó việc sử dụng nước vào sản xuất và sinh hoạt vào mùa này rất hạn chế.

Diện tích hồ đầm nhiều nhưng các đầm chính chủ yếu là nước lợ nên không thể cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất mà chỉ dùng vào nuôi trồng thuỷ sản và điều tiết môi trường.

- Nước ngầm:

+ Qua khảo sát thăm dò sơ bộ nguồn nước ngầm của huyện tương đối dồi dào và chất lượng tốt có thể đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của dân cư.

+ Riêng khu III và các xã nằm ven đầm Cầu Hai, Lăng Cô nguồn nước ngầm có chất lượng kém hơn vì thường bị nhiễm mặn.

3) Tài nguyên rừng

Rừng và thảm thực vật của Phú Lộc phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại quý hiếm. Phú Lộc có diện tích đất rừng (bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) chiếm 53,85% diện tích tự nhiên. Rừng tự nhiên phát triển tốt, còn nhiều khu rừng nguyên sinh, có nhiều loại gỗ quý như lim, kiền kiền, sến, chò. Đặc biệt có các loại dược liệu quý và các loại thú như: hưu, nai, lợn, khỉ... hiện đang được khoanh nuôi bảo vệ (vườn quốc gia Bạch Mã). Rừng trồng được phát triển trên đất cát, đất gò đồi, bán sơn địa... Hiện nay đã có một số diện tích đang ở thời kỳ khai thác và trồng bổ sung các loại cây bản địa.

Với một vùng có đặc trưng về địa hình, khí hậu như Phú Lộc thì rừng và thảm thực vật tự nhiên không những có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ đất đai, tài nguyên môi trường, mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ, bảo tồn nguồn gen (vườn quốc gia Bạch Mã).

4) Tài nguyên biển và đầm phá

Phú Lộc có bờ biển dài 60 km, có 4 cửa lạch với lượng hữu cơ khá lớn hàng năm theo các sông và triền núi đổ ra biển do đó vùng biển nơi đây có nhiều loại hải sản quý như mực, tôm hùm, sò huyết... và có khoảng 80 loại cá có giá trị kinh tế cao, trong đó có các loại cá nổi như: trích, cơm, nục, thu, bạc má... với trữ lượng lớn.

Kết hợp với hệ thống đầm phá có lượng hữu cơ rất dồi dào, các loại thủy, hải sản phát triển tốt, có trữ lượng lớn. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào của biển và đầm phá là lợi thế của Phú Lộc trong phát triển đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản trở thành ngành đem lại thu nhập kinh tế cao cho huyện.

Sự phân bố địa hình của Phú Lộc đã tạo thành eo, vịnh trên biển có mật nước sâu, ít bị ảnh hưởng của gió bão. Đây là một tiềm năng lớn để phát triển cầu cảng và công nghiệp cao (như cảng Chân Mây), tạo thành nơi trung chuyển hàng hoá lớn khu vực miền Trung, tạo đà phát triển cho các ngành công nghiệp, dịch vụ.

5) Tài nguyên khoáng sản

Phú Lộc có 3 loại tài nguyên khoáng sản chủ yếu là: titan, vỏ hàu (Đầm Lăng Cô), đá granit và Gabro (Lộc Điền), ngoài ra còn có mỏ sét, mỏ vàng ở Núi Bông, Núi Nghệ (Lộc An), sắt và đá grabô. Đây là nguồn lợi có giá trị kinh tế cao cần phải đầu tư khai thác với quy mô hợp lý vừa tạo ra giá trị hàng hoá lại giải quyết một phần lao động và thu nhập cho nhân dân.

6) Tài nguyên du lịch

Huyện Phú Lộc có nguồn tài nguyên phong phú, địa hình đa dạng: núi đồi, đồng bằng, đầm phá, sông biển, có bề dày lịch sử văn hoá. Trên địa bàn huyện có nhiều

cảnh quan kỳ thú với những danh thắng nổi tiếng như Vườn quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân, đầm phá Cầu Hai, Lăng Cô, bãi biển Cảnh Dương... Đặc biệt vịnh Lăng Cô được đánh giá là một trong những vịnh đẹp của thế giới. Trên địa bàn Phú Lộc còn có một số di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của đất nước và địa phương, có giá trị du lịch nhân văn rất lớn như Chùa Thánh Duyên, Hải Vân Quan, đường mòn Hồ Chí Minh, làng dân tộc Vân Kiều và một số đình miếu với những lễ hội truyền thống thể hiện những nét độc đáo của phong tục tập quán của nhân dân địa phương. Những di tích này cùng với tài nguyên du lịch tự nhiên sẽ tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đây chính là thế mạnh để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

7) Tài nguyên nhân văn

Trải qua hàng ngàn năm có sự định cư của con người, Phú Lộc đã hình thành những nét văn hoá đặc sắc, đặc trưng của người dân vùng sông biển. Đó là các lễ hội: Đua thuyền trên đầm Cầu Hai và sông Nông, sông Truồi; lễ hội đu quay, đua ghe của dân biển Lăng Cô (tổ chức vào dịp lễ tết và ngày 2/9); lễ hội Cầu Ngư, đua chiêng trống, đua thuyền (tổ chức 3 năm 1 lần) ở xã Vinh Mỹ.

Nằm trong dải đất miền Trung anh hùng, huyện Phú Lộc cũng rất giàu truyền thống cách mạng, nơi đây còn lưu giữ những di tích lịch sử cách mạng như: Đình Bàn Môn (Lộc An), Đình Mỹ Lợi (Vinh Mỹ) là nơi sinh hoạt Chi bộ đầu tiên của tỉnh vào những năm 1930. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhiều xã và huyện Phú Lộc được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Tiếp nối những truyền thống xưa, trong những năm đổi mới của đất nước người Phú Lộc, đất Phú Lộc đang chuyển mình hoà nhập vào sự đổi mới chung. Trong những năm tới Phú Lộc sẽ không còn là một huyện nông nghiệp thuần tuý, đất đai của huyện sẽ có sự thay đổi cơ bản trong cơ cấu sử dụng và người dân Phú Lộc sẽ biết sử dụng đất có hiệu quả và hợp lý hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả ở công ty lâm nghiệp phú lộc, tỉnh thừa thiên huế (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)