3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
3.1.2. Tình hình kinh tế xã hội
3.1.2.1. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trong điều kiện nền kimh tế còn nhiều khó khăn, đi lên từ phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, là huyện còn tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh; tiềm lực phát triển kinh tế- xã hội còn nhiều hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa phát triển đồng bộ. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy kinh tế của huyện vẫn tiếp tục phát triển; từng bước khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội có sự thay đổi căn bản so với giai đoạn trước, tiềm năng, lợi thế của huyện tiếp tục được khai thác. Gần đây đã tập trung cho đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1 ha trồng trọt đạt trung bình 110 triệu đồng/năm (giai đoạn trước khoảng 75 triệu đồng).
Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng khá; tập trung và quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới; từng bước hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển và mở rộng.
Nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa cả về trồng trọt, chăn nuôi và ngành nghề dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng trưởng bình quân là 8,98%, thương mại - dịch vụ 21,68%, công nghiệp và xây dựng 20,74%. Thu nhập bình quân hàng năm của một nhân khẩu tăng từ 20.314.080 đồng lên 36.255.720 đồng.
Cơ cấu cây trồng từng bước chuyển dịch phù hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước, đáp ứng nhu cầu thị trường, lợi thế cạnh tranh; giá trị sản phẩm thu hoạch trồng trọt đạt khoảng 110 triệu đồng/ha.
Thực hiện Chương trình phát triển cây trồng chủ theo hướng giảm dần cây điều năng suất thấp, đến nay cây cà phê, tiêu, sầu riêng đã hỗ trợ trồng mới 177,1 ha và hỗ trợ thâm canh 187,4 ha; cây cao su hỗ trợ trồng mới 320,5 ha. Cây hàng năm chỉ đạo chuyển dịch đúng hướng, tạo được bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp đối với cây ngắn ngày; bằng việc khai thác hiệu quả việc đầu tư các giếng khoan, các đập chắn nước, hệ thống điện 0,4KV, nhất là đưa cây bắp trồng vào chân ruộng 1- 2 vụ thiếu nước, từ 2 vụ tăng lên 3 vụ, xuất hiện một số mô hình rau - củ - quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Quy hoạch và từng bước xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.570 ha.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh; tỷ lệ chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 47,71%; chăn nuôi công nghiệp, trang trại chiếm 70% tổng đàn, chủ yếu trên đàn heo và gà. Nuôi trồng thủy sản được quan tâm, năng suất, sản lượng hàng năm đều tăng. Đến năm 2016 đã lập thủ tục thỏa thuận địa điểm cho 22 dự án chăn nuôi, tổng diện tích 221 ha, tập trung chủ yếu tại xã Xuân Đông, Xuân Tây, đã đầu tư được 8,99 km
đường (kinh phí 35,16 tỷ đồng) và 11,7 km đường điện (kinh phí 4,961 tỷ đồng) vào vùng phát triển chăn nuôi. Kinh tế trang trại được đẩy mạnh phát triển, hiện có 317 trang trại tổng hợp, trong đó trang trại chăn nuôi có 183 trang trại; nhìn chung các trang trại được đầu tư với quy mô lớn, làm ăn có hiệu quả, nhất là các trang trại chăn nuôi tập trung trong vùng phát triển chăn nuôi; mô hình chăn nuôi dê ở các hộ gia đình đem lại hiệu quả góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong kinh tế nông nghiệp.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng từ 380,2 tỷ năm 2010 lên 1.258 tỷ năm 2016, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 27,04%; số cơ sở sản xuất từ 665 tăng lên 775 cơ sở, tăng bình quân hàng năm 3,11%. Hoàn thành các thủ tục kêu gọi, đầu tư vào khu công nghiệp Cẩm Mỹ 300 ha tại xã Thừa Đức. Tập trung triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, kết quả các thành phần kinh tế trong ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao, một số lĩnh vực phát triển nhanh và đúng hướng như chế biến hạt điều, công nghiệp cơ khí và sơ chế nông sản xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu tập trung của huyện. Công tác khuyến nông được duy trì thường xuyên bằng việc triển khai mở các lớp đào tạo ngành, nghề cho xã viên các hợp tác xã, hướng dẫn ứng dụng công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch, hỗ trợ đầu tư hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bằng nguồn vốn dự án Lifsap.
Hoạt động thương mại và các ngành dịch vụ được củng cố và phát triển, từ 4.175 cơ sở năm 2010 lên 4.937 cơ sở năm 2016, giải quyết việc làm cho 9.210 lao động; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ (theo giá so sánh 2010) tăng từ 1.204 tỷ đồng lên 3.339 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng bình quân hàng năm 22,62%. Thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, đã mở rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân. Hàng năm, phối hợp tổ chức thành công hội chợ thương mại, triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá; hỗ trợ tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng hóa về nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, kết hợp vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các hoạt động dịch vụ tín dụng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông từng bước phát triển khá, đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của nhân dân.
Đầu tư xây dựng cơ bản luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện, cơ cấu vốn đầu tư bố trí hợp lý, tập trung ưu tiên hệ thống đường giao thông, điện và cơ sở vật chất trường học, nhà công vụ giáo viên từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Khu trung tâm hành chính huyện từng bước được đầu tư hoàn thiện, ở cơ sở đã bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, đầu tư nâng cấp sửa chữa và trang bị hệ thống máy móc, thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, bộ phận tiếp công dân góp phần làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn và nâng dần chất lượng phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện.
3.1.2.2. Dân số, lao động, việc làm và thu nhập
Năm 2016, dân số trung bình huyện Cẩm Mỹ khoảng 154.621 người, mật độ dân số là 332 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,254% năm 2010 xuống còn 1,142% năm 2016. Do sức hút từ các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa…và các khu công nghiệp ở các địa phương lân cận nên đã thu hút lực lượng lao động có sức khỏe, có trình độ di chuyển từ huyện sang làm việc ở các khu công nghiệp, khu đô thị....
Dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) năm 2016 khoảng 89.592 người, chiếm 57,94% tổng dân số, trong đó lao động đang làm việc khoảng 80.896 người, chiếm khoảng 90,2%. Chất lượng lao động tuy được nâng lên so với trước đây, nhưng số lượng lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên còn ít, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và kinh doanh giỏi còn rất thiếu. Thu nhập bình quân của một lao động trong một tháng tăng từ 1.692.840 đồng năm 2010 lên 3.016.320 đồng năm 2016.
3.1.2.3. Thực trạng phát triển đô thị, các khu dân cư nông thôn và kết cấu hạ tầng
+ Phát triển đô thị: là huyện nông nghiệp, chưa có thị trấn, nên đô thị chưa
phát triển.
+ Phát triển các khu dân cư nông thôn: Dân cư sống chủ yếu ở nông thôn tập
trung dọc các trục đường chính như: Quốc lộ 56, đường tỉnh 764, 765, các tuyến đường liên xã và các trung tâm xã. Ngoài số hộ dân sống tập trung, vẫn còn nhiều hộ dân sống rải rác trong vườn, rẫy, gây nhiều khó khăn cho đầu tư kết cấu hạ tầng, văn hóa, xã hội phục vụ đời sống người dân. Huyện đã triển khai Quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn trên địa bàn các xã nhằm định hướng phát triển các khu dân cư nông thôn theo hướng tiết kiệm đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng và quản lý sử dụng đất đai có hiệu quả.
+ Giao thông
Giao thông đường bộ khá phát triển, tổng chiều dài đường bộ là 539 km, trong đó đường quốc lộ là 12,8 km, đường tỉnh lộ là 46,4km, đường huyện là 93,7km và đường xã là 386,1km. Mật độ đường đạt 1,05 km/km2 và khoảng 3,88 km/1.000 dân.
Tuyến quốc lộ 56, đoạn đi qua huyện dài 12,8 km từ giáp ranh thị xã Long Khánh đến giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là trục đường giao thông đối ngoại quan trọng nhất, là tuyến du lịch thuận lợi cho du khách trong và ngoài tỉnh đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đường tỉnh quản lý có 02 tuyến: ĐTL 764 dài 18,1 km và ĐTL 765 dài 28,3 km. Hiện trạng là đường cấp IV, nền rộng 8m, mặt rộng 5m, đã được trải nhựa.
Đường tỉnh được nối với rất nhiều đường huyện và đường giao thông nông thôn, do đó cũng trở thành các trục giao thông đối ngoại của vùng phía Đông huyện Cẩm Mỹ.
Tỷ lệ nhựa hóa đường huyện quản lý đạt 47,4%; tỷ lệ nhựa hóa đường trục xã, liên xã đạt 50%; tỷ lệ cứng hóa đường trục thôn, xóm đạt 62%; tỷ lệ đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 60%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 28%. Tuyến Hương lộ 10 có ý nghĩa rất quan trọng, nối các xã vùng phía Đông của huyện với Quốc lộ 56 và đi đến trung tâm huyện Long Thành. Việc nối dài Hương lộ 10 đi qua các xã vùng phía Đông sẽ tác động mạnh đến phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cả hai vùng phía Đông và phía Tây của huyện.
+ Thủy lợi
Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hồ, đập chứa nước như: hồ Suối Đôi, hồ Suối Vọng, hồ Cầu Mới, Suối Sâu, Suối Cả, hồ Sông Ray…có trữ lượng nước trung bình 4-6 triệu m3/năm. Các đập dâng gồm: đập suối Nước Trong (Xuân Bảo), đập Suối Sâu (Sông Nhạn), đập Cù Nhí (Sông Ray), đập Giao Thông (Lâm San). Các hồ, đập ở Cẩm Mỹ không những cung ứng nước tưới cho địa bàn huyện mà còn có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho các địa bàn lân cận và góp phần cải tạo khí hậu và nâng cao mực nước ngầm cho toàn vùng.
+ Giáo dục - đào tạo
Toàn huyện có 64 trường học các cấp, bao gồm 20 trường mầm non có 339 lớp học, 27 trường tiểu học có 410 lớp, 13 trường THCS 264 lớp, 03 trường THPT có 126 lớp, không còn phòng học ca ba, phòng tranh tre tạm bợ. Ngoài ra còn có 01 Trung tâm GDTX; 13 Trung tâm HTCĐ và 5 cơ sở tin học, ngoại ngữ.
+ Y tế
Toàn huyện có 01 phòng khám đa khoa khu vực Sông Ray (20 giường bệnh), 11 phòng khám y tế tư nhân, 01 bệnh viện (130 giường bệnh) và 13 trạm y tế xã (có 65 giường bệnh), 15 giường của 03 trạm y tế thuộc Nông trường cao su (Xuân Mỹ, Xuân Quế, Xuân Đường). 100% trạm y tế có bác sỹ công tác thường xuyên, bình quân có 3,07 bác sĩ trên 1 vạn dân. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 2 tuổi còn 5,33%, dưới 5 tuổi còn 8,3%; hàng năm tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 99%.
Văn hóa thông tin, thể dục - thể thao: Trên địa bàn huyện hiện có 11/13 xã có Trung tâm văn hóa thể thao, 27/79 ấp có nhà văn hóa. Phong trào thể dục thể thao được phát triển rộng khắp, số người tập luyện TDTT thường xuyên trong các cơ quan, đơn vị đạt gần 90%; đơn vị xã đạt 20,5%; toàn huyện có 36 sân bóng chuyền, 16 sân
bóng đá, 28 sân cầu lông, 2 sân tennis và 9 câu lạc bộ dưỡng sinh, 7 câu lạc bộ võ thuật đang hoạt động thường xuyên.
Công tác thông tin, tuyên truyền đã được quan tâm đầu tư cả về vật chất, trang thiết bị, đến nay 13/13 xã đã có trạm truyền thanh không dây, phủ sóng 79/79 ấp. Từ đó góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân.
+ Điện
Đã có Điện lực trực thuộc huyện tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư hệ thống đường điện trên địa bàn huyện. Sản lượng điện năng tiêu thụ 98,852 triệu kw, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 97,8%. Ngành điện đã đầu tư xây dựng lưới điện trung thế với tổng chiều dài hơn 100 km và điện hạ thế trên địa bàn là 300km; xây dựng 137 trạm biến áp.
+ Bưu chính - viễn thông
Ngành bưu chính - viễn thông thường xuyên đầu tư nâng cấp, bổ sung xây dựng kết cấu hạ tầng, cập nhật công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ thấp giá thành để phục vụ tốt khách hàng; đồng thời đảm bảo cung cấp thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của huyện và phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân.
3.1.2.4. Đánh giá chung về đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
+ Những thuận lợi:
Huyện Cẩm Mỹ nằm gần các công trình lớn của vùng, của Quốc gia dự kiến đầu tư như: Sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường sắt cao tốc, Hương lộ 10... Khi các công trình này đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện để huyện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào các dự án trên địa bàn (như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi....) từ đó thu hút nguồn lao động và giải quyết việc làm.
Địa hình đất đai thuận lợi cho xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xây dựng và mở rộng đường giao thông đến các vùng giáp ranh, phát triển thương mại, dịch vụ. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm qua luôn ổn định và theo chiều hướng tích cực; diện mạo vùng nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi mới, cơ cấu kinh tế trên địa bàn các xã chuyển dịch theo hướng tích cực, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi luôn được người dân quan tâm triển khai thực hiện; đang trong quá trình xây dựng các cánh đồng lớn, vùng chuyên canh, vùng chăn nuôi tập trung và các chuổi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người ngày càng được
nâng cao là nguồn lực quan trọng và là cơ sở để huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế cùng với cả nước tiến tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Hiện tại là một huyện thuần nông với nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, có diện tích cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả với quy mô lớn cũng là một trong những lợi thế để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản - thực phẩm…
+ Những khó khăn:
Khả năng thu hút đầu tư bị hạn chế so với các huyện khác trong tỉnh, là huyện duy nhất trong tỉnh Đồng Nai chưa có khu, cụm công nghiệp và thị trấn. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu so với yêu cầu phát triển; nguồn lực và nguồn vốn đầu tư để phát