3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN
1.2.4. Nghiên cứu về tái sinh tự nhiên
Thái Văn Trừng (1963, 1978) [27] đã nêu 2 phương thức tái sinh của các xã hợp thực vật rừng nhiệt đới nguyên sinh hay thứ sinh là tái sinh tự nhiên liên tục dưới tán rậm của những loài chịu bóng và tái sinh theo vệt để hàn gắn các lỗ trống đầu tiên
với các loài cây tiên phong. Qua đó, tác giả cũng khẳng định ánh sáng là nhân tố sinh thái đã khống chế và điều khiển quá trình tái sinh tự nhiên.
Phương pháp định lượng cũng đã được nhiều tác giả áp dụng trongkhi nghiên cứu tái sinh tự nhiên, điển hình là các tác giả: Đinh Quang Diệp (1993) đã sử dụng phân bố khoảng cách để mô phỏng phân bố N/H của cây tái sinh rừng Khộp - Đắc Lăk.
Ngô Kim Khôi (1999) dùng tiêu chuẩn U của Clark và Evans để nghiên cứu hình thái phân bố cây tái sinh trên bề mặt đất rừng, chọn hàm Meyer để mô hình hóa quy luật cấu trúc tần số phân bố số cây, số loài tái sinh theo cấp chiều cao cho rừng vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát - Nghệ An [30].
Rừng nhiệt đới Việt Nam mang đặc điểm tái sinh của rừng nhiệt đới nói chung nhưng do bị tác động của con người nên nhưng quy luật tái sinh bị thay đổi.
Trần Ngũ Phương (1965) kết luận: “Trong quá trình một tầng nào đó của rừng bắt đầu già cỗi thì tầng ấy đã chuẩn bị cho bản thân nó một lớp cây con tái sinh để sau này sẽ thay thế nó sau khi nó tiêu vong”. Tác giả cũng rút ra các quy luật tái sinh tự nhiên này biểu hiện không đều, khi có, khi không, chỗ thưa, chỗ dày, chỗ tốt, chỗ không tốt. Như vậy mô phỏng theo thiên nhiên một cách thông minh và mô phỏng theo phương pháp nhân tạo, làm như vậy, cấu trúc phân tầng của rừng luôn luôn đảm bảo về lượng cũng như về chất [14].
Phùng Ngọc Lan (1964) đã nêu kết quả tra dặm hạt Lim xanh dưới tán rừng ở lâm trường Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ngay từ giai đoạn nảy mầm, Bọ xít là nhân tố gây ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ nảy mầm [11].
Theo Vũ Đình Huề (1969) từ các kết quả điều tra tái sinh tự nhiên ở rừng miền Bắc Việt Nam dựa vào mật độ tái sinh, Ông đã phân chia khả năng tái sinh rừng thành 5 cấp: Rất tốt, tốt, trung bình, xấu và rất xấu.
Thái Văn Trừng (1978) đã nhấn mạnh tới ý nghĩa của điều kiện ngoại cảnh đến các giai đoạn phát triển của cây tái sinh [27].
Nguyễn Văn Trương (1983) khi nghiên cứu mối quan hệ giữa cấu trúc rừng với lớp cây tái sinh tự nhiên trong rừng hỗn loài đã rút ra kết luận: Muốn cho rừng phát triển liên tục trong điều kiện quy luật đào thải tự nhiên hoạt động rõ ràng lớp cây dưới phải nhiều hơn lớp cây kế tiếp nó ở phía trên.
Nghiên cứu đặc điểm quá trình tái sinh của rừng tự nhiên ở Hữu Lũng - Lạng Sơn và vùng Ba Chẽ - Quảng Ninh, Vũ Tiến Hinh (1991) nhận xét: Hệ số tổ thành tính theo phần trăm số cây của tầng tái sinh và tầng cây cao có liên hệ chặt chẽ. Đa phần
các loài có hệ số tổ thành tầng cây cao càng lớn thì hệ số tổ thành của tầng cây tái sinh của những loài cây đó cũng tăng theo [11].
Nguyễn Thế Hưng (2003) [8]: Trong lớp cây tái sinh tự nhiên ở rừng non phục hồi thành phần loài cây ưa sáng cực đoan giảm nhường chỗ cho nhiều loài cây ưa sáng sống định cư và có đời sống dài chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí trong tổ thành cây tái sinh đã xuất hiện một số loài cây chịu bóng sống dưới tán rừng như: Bứa, Ngát…Sự có mặt với tần số khá cao của một số loài cây ưa sáng định cư và một số loài cây chịu bóng là dấu hiệu chuyển biến tích cực của diễn thế rừng.
1.2.5. Nghiên cứu về phục hồi
1.2.5.1. Quan điểm nhận thức về phục hồi rừng
Quá trình hình thành nên rừng thứ sinh (Secondary forest) do diễn thế thứ sinh (Secondary succession) ở nơi đã bị mất rừng là phục hồi rừng.
Theo Trần Đình Lý (1995), phục hồi rừng là một quá trình sinh địa phức tạp gồm nhiều thời gian và kết thúc bằng sự xuất hiện một thảm thực vật cây gỗ (hoặc tre nứa) bắt đầu khép tán. Nói một cách khác, phục hồi rừng là quá trình tái tạo lại một hệ sinh thái, một quần xã sinh vật mà trong đó cây gỗ là yếu tố cấu thành chủ yếu, nó chi phối các quá trình biến đổi tiếp theo [10].
Như vậy, phục hồi rừng là một quá trình bao gồm nhiều các biện pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng liên hoàn nhằm mục đích thiết lập lại hệ sinh thái rừng, những hiểu biết này được biểu hiện qua quá trình lịch sử hình thành các biện pháp kỹ thuật phục hồi rừng được trình bày ở phần sau.
1.2.5.2. Lược sử hình thành và phát triển các biện pháp kỹ thuật phục hồi rừng
Trong khoảng những năm 1970 của thế kỷ XX, ý tưởng "khoanh núi nuôi rừng" đã xuất hiện và về sau này từng bước ý tưởng đó được hoàn thiện và được áp dụng phổ biến cho đến nay thông qua "kỹ thuật phục hồi rừng bằng khoanh nuôi" giải pháp này được hiểu là sự "tận dụng triệt để khả năng tái sinh và diễn thế rừng tự nhiên để tạo lại rừng thông qua các biện pháp ngăn chặn có tính chất hành chính các tác động từ bên ngoài như khai thác, chặt phá, chăn thả, lửa rừng...” Theo cách định nghĩa này phục hồi rừng bằng khoanh nuôi thực chất là một giải pháp Kinh tế - Xã hội trong đó bao hàm ý nghĩa lâm sinh học ở chỗ phải xác định được tiêu chuẩn và điều kiện cho khoanh nuôi.
Khi phân tích tiêu chuẩn khoanh nuôi rừng, Nguyễn Luyện (1993) có đưa ra 3 nội dung: Tiêu chuẩn về điều kiện tự nhiên; Tiêu chuẩn về điều kiện sinh vật học; Tiêu chuẩn về điều kiện Kinh tế - Xã hội. Trong 3 tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn về Kinh tế - Xã hội là tiêu chuẩn khó xác định nhất. Phục hồi rừng bằng khoanh nuôi là một biện
pháp ít chi phí nhưng mang lại lợi ích kinh tế và lợi ích sinh thái cao, đặc biệt là phục hồi tính đa dạng sinh học của rừng. Đây còn là biện pháp áp dụng cho những nơi không có điều kiện áp dụng các giải pháp kỹ thuật, cho những nơi có địa hình khó khăn, những nơi không có kinh phí đầu tư để phục hồi rừng…
1.2.5.3. Nghiên cứu về khoanh nuôi và phục hồi rừng
Vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX vấn đề phục hồi rừng ở nước ta đã được đặt ra với thuật ngữ ban đầu của nó “Khoanh núi nuôi rừng”. Mãi đến giữa những năm 80 của thế kỷ XX cái được gọi là “khoanh núi nuôi rừng” mới được định hình và chuyển hướng theo cụm thuật ngữ mới là: “ phục hồi rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh” hay “khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng”.
Trần Đình Lý và các cộng sự (1995) Nghiên cứu xác định diện tích và hệ thống biện pháp kỹ thuật cho việc khoanh nuôi phục hồi rừng. Nghiên cứu đưa ra một cách nhìn hệ thống và toàn diện về biện pháp kỹ thuật khoanh nuôi, phục hồi rừng [9].
Trần Xuân Thiệp (1995) [25], nghiên cứu “Vai trò tái sinh phục hồi rừng tự nhiên ở các vùng miền Bắc” đề tài tập trung vào sự biến đổi về lượng, chất lượng của tái sinh tự nhiên và rừng phục hồi..
Thái Văn Trừng đã nghiên cứu các trạng thái thực bì kiểu IA, IB, IC, IIA, IIB đưa ra nhận xét, trong suốt quá trình phục hồi tự nhiên thảm thực vật rừng trước khi đạt tới giai đoạn thuần thục, thành phần loài và số lượng cây gỗ trên một diện tích nhất định có xu hướng giảm dần, đơn giản hóa để tái ổn định.
Lê Đồng Tấn (1993-1999) [29] nghiên cứu quá trình phục hồi tự nhiên một số quần xã thực vật sau nương rẫy tại Sơn La theo phương pháp kết hợp điều tra ô tiêu chuẩn 400m2
cho các đối tượng là thảm thực vật phục hồi sau nương rẫy và theo dõi ô định vị 2000m2
.
Nguyễn Văn Thông (2000) [31], đưa ra kết quả phục hồi rừng tự nhiên tại trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Cầu Hai, Phú Thọ.
Phạm Đình Tam (2001) [22], nghiên cứu khả năng tái sinh phục hồi rừng sau khai thác tại Kon Hà Nừng.
Phạm Xuân Hoàn (2002) tiến hành nghiên cứu phục hồi rừng bằng cây bản địa. Nghiên cứu đã đưa ra được những cơ sở khoa học và thực tiễn cho kỹ thuật xử lý lớp cây tạo môi trường ban đầu nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sinh trưởng cho lớp cây bản địa được trồng dưới tán rừng Thông và Keo.
Phạm Ngọc Thường (2003) [30] đề xuất giải pháp kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng sau nương rẫy ở hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn trên một số mô hình. Mô hình
khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, mô hình này có thời gian phục hồi 7 – 8 năm cho biết được mật độ cây tái sinh và số lượng cây tái sinh có triển vọng trên héc ta.
Phạm Quốc Hùng (2005) tiến hành đề tài “Đánh giá khả năng tái sinh phục hồi rừng vùng Đông Bắc Việt Nam”. Nghiên cứu tập trung vào đối tượng rừng phục hồi ở độ cao < 700m trong đất liền.
1.2.5.4. Thống kê các biện pháp kỹ thuật phục hồi rừng
Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên kết hợp trồng bổ sung: Đây là một giải pháp sử dụng triệt để khả năng diễn thế tái sinh tự nhiên để phục hồi rừng thông qua các biện pháp khoán bảo vệ, biện pháp kỹ thuật lâm sinh và trồng bổ sung khi cần thiết.
Kỹ thuật làm giàu rừng: Làm giàu rừng được hiểu là một giải pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm cải thiện tỷ lệ cây mục đích ở rừng nghèo mà không loại bỏ thảm rừng cũ và các cây non mục đích có sẵn.
Mục đích của làm giàu rừng là tạo ra một lâm phần mới với cây trồng làm giàu chiếm ưu thế được trồng hỗn giao với các loài cây có giá trị kinh tế có sẵn trong thảm rừng cũ.
Cải tạo rừng: Cải tạo rừng là việc thay thế thảm thực vật gốc bằng một thảm thực vật hoàn toàn mới có năng suất và chất lượng cao hơn thảm thực vật gốc.
Cũng tương tự như làm giàu rừng, cải tạo rừng có thể dựa vào thảm thực vật cũ để điều chỉnh ánh sáng cho cây trồng và cũng có thể để lại các cây có giá trị kinh tế của thảm rừng cũ.
Khai thác đảm bảo tái sinh:Bản chất của việc khai thác rừng là lấy ra khỏi rừng những thế hệ cây già cỗi bắt chước quá trình chết đi tự nhiên để tác động sớm hơn nhằm tận dụng gỗ và tạo điều kiện cho thế hệ cây tái sinh phát triển.