dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Qua hai năm triển khai và thực hiện QCDC ở cơ sở chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu như sau:
Một là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên kiểm tra, bám sát cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn và những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện QCDC. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng "Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét cho rõ và làm cho hợp... lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng... có như thế mới có thể kéo được quần chúng" [18, 40]. Bởi vì: nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực, đối với nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông. Phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trong nhân dân, giúp dân làm giàu hợp pháp; nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc tiếp dân; giải quyết nhanh, dứt điểm các đơn thư khiếu nại của nhân dân, sẽ làm cho dân hăng hái hơn trong việc thực hiện QCDC.
Hai là, phải hết sức coi trọng công tác tuyên truyền trong nhân dân. Sinh thời Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng công tác
tuyên truyền và Người yêu cầu tuyên truyền vận động phải bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú; Nội dung tuyên truyền phải
rõ ràng, cụ thể, thiết thực, dễ hiểu. Muốn vậy "mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng. Phải theo nguyện vọng của dân chúng" [19, 293]. Trong xây dựng và thực hiện QCDC cần phát huy vai trò tuyên truyền vận động của đội ngũ tuyên truyền viên đối với nhân dân, thu hút và lôi cuốn họ vào phong trào thực hiện QCDC ở cơ sở.
Ba là, để kích thích tính tích cực của nhân dân tham gia
vào việc thực hiện QCDC, ngoài tuyên truyền vận động khéo léo thì cần biết lồng ghép các nội dung chương trình, cần thông tin cho dân biết về những nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân nhất là trong các cuộc họp hội nghị định kỳ.
Thực tế cuộc họp nào có liên quan trực tiếp đến quyền lợi như: đền bù giải tỏa, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, giải quyết các chính sách, viện trợ nhân đạo, công khai tài chính, thì nhân dân đi dự họp rất đông đủ.
Bốn là, gắn việc tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Hiện nay tăng cường vận động
xây dựng chỉnh đốn Đảng sẽ góp phần quan trọng để thực hiện cải cách hành chính, xây dựng quy chế làm việc, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng làng văn hóa, xây dựng hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ngang tầm nhiệm vụ mới. "Cán bộ là gốc của công việc", ở đâu có cán bộ tốt thì việc
gì cũng xong. Thực tiễn quá trình triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở càng chứng minh quan niệm đúng đắn đó của Hồ Chí Minh. Cần trang bị cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt ở cơ sở những kiến thức cần thiết về mọi lĩnh vực hoạt động chính trị, xã hội, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ để họ có thể đảm đương được nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới với cương vị vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Sáu là, thực hiện QCDC ở cơ sở gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, nâng cao đời sống nhân dân. Kinh tế
xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và nhân dân được cải thiện, đó chính là thước đo kết quả thực hiện dân chủ với nhân dân một cách thiết thực nhất.
Bảy là, phải cải cách và hoàn thiện bộ máy nhà nước trước
khi kêu gọi nhân dân phát huy dân chủ ở cơ sở. Đây là một bài học
kinh nghiệm quý báu cần được vận dụng phổ biến ở các cấp chính quyền trên phạm vi cả nước. Một bộ máy hành chính quan liêu không thể và không bao giờ kêu gọi được sự ủng hộ của dân vì vậy phải cải cách thủ tục hành chính, phải xây dựng và thực hiện quy chế công chức đồng thời tạo mọi điều kiện để dân tham gia đóng góp vào tiến trình cải cách hành chính của đơn vị.
Tám là, phải xây dựng điểm để nhân ra diện rộng. Thực hiện QCDC ở cơ sở là việc làm thường xuyên, lâu dài, vì vậy cần chỉ đạo điểm trước khi nhân ra diện rộng. Phải kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương những việc làm tốt, kinh nghiệm hay, phê phán, uốn nắn và xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm, tránh làm ồ ạt, làm lướt, làm hình thức.
Những nét phác họa trên về thực tiễn quá trình xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của nước ta hiện nay qua khảo sát thực tiễn ở một số địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng cho thấy những mâu thuẫn xã hội xét từ góc độ dân chủ đó là:
- Mâu thuẫn giữa dân chủ và quan liêu biểu hiện thành mâu thuẫn giữa nhu cầu của tiến bộ xã hội của nhân dân với cơ chế tổ chức bộ máy quản lý xã hội đã không đáp ứng một cách phù hợp với nhu cầu đó mà còn kìm hãm, cản trở nó. Vì vậy yêu cầu là phải cải tạo bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, cải tạo quy chế, chính sách, luật lệ...
- Mâu thuẫn giữa dân chủ với các điều kiện thực hiện dân chủ xét một cách toàn diện từ các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đến các điều kiện thuộc về cá nhân con người - những chủ thể chính trị, kể cả chủ thể lãnh đạo và bị lãnh đạo. Trong các điều kiện đó, phải đặc biệt lưu ý điều kiện kinh tế, điều kiện văn hóa, pháp luật, thông tin, tính công khai, nguyên tắc công bằng bình đẳng...
- Mâu thuẫn giữa yêu cầu dân chủ với năng lực thực tế để thực hiện dân chủ. Nó biểu hiện thành mâu thuẫn giữa khả năng và hiện thực, giữa xã hội và cá nhân, giữa tổ chức và con người, giữ động lực và các phương tiện thực hiện động lực.
Điểm gặp gỡ chung từ những mâu thuẫn, khác biệt đa dạng trên
đây là ở đâu? Đó là pháp luật. Phải tiếp tục đưa pháp luật vào sự vận hành trong cơ chế dân chủ "nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng lãnh đạo" trong đó thiết chế dân chủ quan trọng nhất là
nhà nước và trực tiếp nhất là ở cơ sở.
Chương 3
Phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở dưới ánh sáng tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh