Chăm sóc, nuôi dưỡng là một trong những quy trình không thể thiếu của bất kỳ trại chăn nuôi nào. Chính vì vậy, trong thời gian thực tập tại trại, em đã được kỹ thuật trại phân công trực tiếp chăm sóc cho đàn lợn nái mang thai.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của đàn lợn mang thai.
- Hàng ngày, em vệ sinh, dọn phân không để cho lợn nằm đè lên phân, lấy thức ăn cho lợn ăn, rửa máng, phun thuốc sát trùng hàng ngày, xịt gầm, cuối giờ chiều phải chở phân ra khu xử lý phân. Lợn nái mang thai được ăn loại thức ăn hỗn hợp 9054/GF08 và 9044/GF07 của công ty Cổ phần Greenfeed với chế độ ăn chia như sau:
Từ ngày phối giống đến 21 ngày mang thai cho ăn thức ăn 9054/GF08 (tỷ lệ protein thô tối thiểu 16,5%, năng lượng trao đổi tối thiểu 3200 kcal/kg), đối với nái hậu bị ăn 1,6 - 1,8 kg/con/ngày, còn với nái dạ ăn 2,0 - 2,2 kg/con/ngày.
Từ ngày 22 đến ngày 84 mang thai cho ăn thức ăn 9044 /GF07 (tỷ lệ protein thô tối thiểu 14%, năng lượng trao đổi tối thiểu 3000 kcal/kg), đối với nái hậu bị ăn từ 2,0 - 2,2 kg/con/ngày, còn nái dạ ăn 2,2 - 2,5 kg/con/ngày.
Từ ngày 85 đến 110 ngày mang thai cho ăn thức ăn 9044/GF07 (tỷ lệ protein thô tối thiểu 14%, năng lượng trao đổi tối thiểu 3000 kcal/kg), đối với nái hậu bị cho ăn từ 2,2 - 2,4 kg/con/ngày và nái dạ cho ăn từ 2,5 - 3,0 kg/con/ngày.
Đối với nái chửa từ 110 đến 113 ngày cho ăn thức ăn 9054/GF08 (tỷ lệ protein thô tối thiểu 16,5%; năng lượng trao đổi tối thiểu 3200 kcal/kg), với tiêu chuẩn 2,0 kg/con/ngày.
* Chăm sóc và quản lý lợn
Chuồng trại đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật ấm về mùa Đông, thoáng mát về mùa Hè.
Công việc hàng ngày cần làm ở chuồng bầu là: kiểm tra nguồn nước, cho lợn ăn, làm vệ sinh chuồng, máng ăn, đồng thời quan sát hành vi, biểu hiện của đàn lợn nái.
* Công tác theo dõi chăm sóc lợn nái
Hàng ngày, tiến hành quan sát, kiểm tra để có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của đàn lợn nái và giúp phân biệt lợn nái khỏe, lợn nái ốm để kịp thời tách lợn nái ốm ra một ô riêng để có kế hoạch điều trị và phương pháp chăm sóc riêng.
Sáng sớm em tiến hành kiểm tra tình hình bệnh tật, sau đó cho lợn ăn, vệ sinh chuồng trại và tham gia điều trị bệnh cho đàn lợn nếu có.
Tùy vào thời tiết mà điều chỉnh nhiệt độ trong chuồng cho phù hợp, bằng các phương pháp như: sử dụng dàn mát, hệ thống tưới mái, tăng quạt thông gió vào mùa Hè, vào mùa Đông che chắn bạt phía đầu chuồng tránh gió lùa trực tiếp vào lợn nái.
Kết quả cụ thể được trình bày ở bảng 4.2.
Bảng 4.2: Kết quả thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái mang thai tại trại
Công việc Đơn vị tính (lần) Số lượng Kết quả hoàn thành (%)
Cho lợn ăn Lần/ngày 2 100
Vệ sinh máng ăn Lần/ngày 2 100
Vệ sinh chuồng (dọn phân) Lần/ngày 2 100
Tắm cho lợn Lần/ngày 1 100
Qua bảng 4.2, cho thấy: Em đã thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái tại cơ sở đã đạt kết quả cao 100%. Trong 6 tháng thực hiện công việc, em đã học tập, tích lũy kinh nghiệm về xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của đàn lợn mang thai. Cân đối dinh dưỡng cho phù hợp với lợn ở từng giai đoạn khác nhau. Cho ăn đúng khẩu phần, đảm bảo chất dinh dưỡng, đặc biệt chú ý cho ăn đủ vitamin và khoáng chất.Tuy nhiên, trên thực tế còn tùy thuộc vào thể trạng của nái mà điều chỉnh mức ăn cho nái mang thai: nái quá gầy thì phải cho ăn thêm thức ăn tinh, còn những nái quá béo phải giảm thức ăn tinh. Và điều quan trọng là thức ăn của lợn nái phải đảm bảo, không được mốc, không nhiễm độc tố,… và phải cho lợn uống nước tự do.