2.2.4.1. Bệnh viêm tử cung ở lợn nái
Theo Trần Tiến Dũng (2002) [6] viêm tử cung là một quá trình bệnh lý thường xảy ra ở gia súc cái sinh sản sau đẻ. Quá trình viêm phá hủy các tế bào tổ chức của các lớp hay các tầng tử cung gây rối loạn sinh sản ở gia súc là ảnh hưởng lớn, thậm chí khả năng sinh sản ở gia súc cái.
Đào Trọng Đạt và cs. (2000) [7] cho biết: bệnh viêm tử cung ở lợn nái thường do các nguyên nhân sau:
- Công tác phối giống không đúng kỹ thuật, nhất là phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo làm sây sát viêm mạc tử cung, dụng cụ thụ
tinh không được vô trùng khi phối giống có thể đưa vi khuẩn từ ngoài vào tử cung lợn nái gây viêm.
- Lợn nái phối giống trực tiếp, lợn đực mắc bệnh viêm bao dương vật hoặc mang vi khuẩn từ những con lợn nái khác đã viêm tử cung, viêm âm đạo truyền sang cho lợn khỏe.
- Lợn nái đẻ khó phải can thiệp bằng thủ thuật gây tổn thương niêm mạc tử cung, vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, viêm tử cung kế phát.
- Lợn nái sau khi đẻ bị sát nhau xử lí không triệt để cũng dẫn đến bệnh viêm tử cung.
Ngoài các nguyên nhân kể trên viêm tử cung còn có thể là biến chứng nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào dạ con gây nên trong thời gian động đực (vì lúc đó cổ tử cung mở), vi khuẩn xâm nhập vào tử cung theo đường máu và viêm tử cung là một trong những triệu chứng lâm sàng chung (Lê Văn Năm, 1997) [17].
Trần Tiến Dũng và cs. (2002) [6], Trần Thị Dân (2004) [3], khi lợn nái bị viêm tử cung sẽ dẫn tới một số hậu quả chính sau:
- Khi lợn bị viêm tử cung dẫn đến sảy thai.
- Sau khi sinh con lượng sữa giảm hoặc mất hẳn sữa nên lợn con trong giai đoạn theo mẹ thường tiêu chảy.
- Lợn nái bị viêm tử cung mãn tính sẽ không có khả năng động dục trở lại. Theo Nguyễn Văn Điền (2015) [8], khi lợn nái bị viêm tử cung sẽ dẫn tới một số hậu quả chính như: lợn dễ bị sảy thai, bào tai phát triển kém hoặc thai chết lưu, lợn nái giảm sữa hoặc mất sữa, nếu lợn nái bị viêm tử cung mãn tính sẽ không có khả năng động dục trở lại.
Theo Lê Minh và cs. (2017) [14], bệnh viêm tử cung ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sản xuất, có những trường hợp nặng gia súc mất khả năng sinh sản, vô sinh vĩnh viễn, còn nhẹ hơn là làm cho gia súc mất sữa, chậm động dục trở lại, không thụ thai, làm giảm năng suất.
* Các thể viêm tử cung
- Viêm nội mạc tử cung (Endomestritis)
Nguyễn Văn Thanh và cs. (2003) [21], Black (1983) [29]; Debois (1989) [31] cho rằng viêm nội mạc tử cung là viêm lớp niêm mạc của tử cung, đây là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng sinh sản của gia súc cái, nó cũng là thể bệnh phổ biến và chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh của viêm tử cung. Viêm nội mạc tử cung thường xảy ra sau khi gia súc sinh đẻ, nhất là trong trường hợp đẻ khó cần phải can thiệp làm niêm mạc tử cung bị tổn thương, tiếp đó vi khuẩn xâm nhập và tác động lên lớp niêm mạc gây viêm.
Theo Nguyễn Hữu Ninh và cs. (2000) [16], viêm nội mạc tử cung có thể chia làm 2 loại, đó là: viêm nội mạc tử cung thể cata cấp tính và viêm nội mạc tử cung thể màng giả.
- Viêm cơ tử cung
Viêm cơ tử cung thường kết phát từ viêm nội mạc tử cung thể màng giả. Niêm mạc tử cung bị thấm dịch thẩm xuất, vi khuẩn xâm nhập và phát triển sâu vào tổ chức làm niêm mạc bị phân giải, thối rữa gây tổn thương cho mạch quản và lâm ba quản, từ đó làm lớp cơ và một ít lớp tương mạc của tử cung bị hoại tử. Nếu bệnh nặng, can thiệp chậm có thể dẫn tới nhiễm trùng toàn thân (Nguyễn Hữu Ninh và cs. 2000) [16].
- Viêm tương mạc tử cung
Viêm tương mạc tử cung thường kế phát từ viêm cơ tử cung. Thể viêm này thường cấp tính cục bộ, toàn thân xuất hiện những triệu chứng điển hình và nặng. Lúc đầu lớp tương mạc tử cung có màu hồng, sau chuyển sang đỏ sẫm, sần sùi mất tính trơn bóng, sau đó các tế bào bị hoại tử và bong ra dịch thẩm suất tăng tiết. Nếu bị viêm nặng nhất là viêm có mủ, lớp tương mạc có thể dính với các tổ chức xung quanh gây nên tình trạng viêm mô tử cung, thành tử cung dày lên có thể kế phát viêm phúc mạc.
Xuất phát từ quan điểm lâm sàng thì bệnh viêm tử cung thường biểu hiện vào lúc đẻ và thời kỳ tiền động đực, vì đây là thời gian cổ tử cung mở nên dịch viêm có thể chảy ra ngoài. Số lượng mủ không ổn định, từ vài ml cho tới 200 ml hoặc hơn nữa. Tính chất mủ cũng khác nhau từ dạng dung dịch màu trắng loãng cho tới màu xám hoặc vàng, đặc như kem có thể có màu máu cá. Người ta có thể thấy rằng thời kỳ sau sinh đẻ hay xuất hiện viêm tử cung cấp tính,viêm tử cung mãn tính thường gặp trong thời kỳ cho sữa. Hiện tượng chảy mủ ở âm hộ có thể cho phép nghi viêm nội mạc ở tử cung.