Tình hình phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng công tác giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại huyện a lưới, tỉnh thừa thiên huế (Trang 48 - 51)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

3.1.6. Tình hình phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng

Dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ, Uỷ ban nhân dân huyện A Lưới, cùng với lợi thế về tiềm năng thiên nhiên, nguồn lực con người nền kinh tế của huyện A Lưới đã có những bước phát triển nhất định đó là: Giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm trên 10,8%. Nông nghiệp chiếm 38,7%; Công nghiệp, tiểu thủ cong nghiệp – xây dựng 30,7%; Dịch vụ chiếm 30,6% trong cơ cấu kinh tế. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 135 tỷ đồng, phần giao huyện thu đạt 22,4 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với năm 2014; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt gần 4.115 tỷ đồng, bình quân đạt gần 823 tỷ đồng/ năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,28 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển.

- Về lĩnh vực kinh tế nông - lâm - thủy sản, xây dựng Nông thôn mới: Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng đầu tư thâm canh, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất tập trung gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, cải thiện môi trường sản xuất, sinh hoạt và không ngừng nâng cao đời sống của dân cư nông thôn, tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

+ Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 6.226,2/6.000 ha, tăng 194,4 ha so với năm 2014. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 18.427/17.300 tấn, tăng

1.243,5 tấn so với năm 2014. Năng suất một số loại cây trồng tăng so với năm 2014. Năng suất lúa nước cả năm đạt 51,6 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; tỷ lệ dùng giống lúa xác nhận 70,3% tăng 30%; năng suất cây ngô đạt 54,4 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ ha so với năm 2015; năng suất sắn đạt 166,2 tấn/ha, tăng 5,3 tạ/ha so với năm 2014.

+ Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc 46.000 con, tăng 3.733 con so với năm 2014. Tổng đàn gia cầm 357.000 con, tăng 18.739 con so với năm 2018. Làm tốt công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và kiểm soát giết mổ.

+ Thủy sản: Tổng diện tích ao hồ toàn huyện 324,8 ha, trong đó diện tích thâm canh 134 ha, quảng canh 190,8 ha, sản lượng 842 tấn. Đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 130.925 con cá giống cho 135 hộ nghèo thuộc “ Đề án phát triển nuôi cá nước ngọt huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020”.

- Về xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả quan trọng. Đến hết năm 2018, có 4/20 xã đạt 19/19 tiêu chí (chiếm 20%); 16/20 xã đạt từ 12 – 17 tiếu chí (80%). Tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng phát triển của huyện, tỉnh. Giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác được nâng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên; tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn đã giảm xuống còn 31%. Môi trường sinh thái khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh được tập trung đầu tư. Dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào toàn dân chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, người dân nông thôn đã nhận thức vai trò chủ thể của mình, tích cực đóng góp công sức, tiền của, đất đai để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện thực hiện Chương trình với tổng vốn đầu tư 312.840 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 79,4%, còn lại là nhân dân và các tổ chức khác tham gia đóng góp.

- Lĩnh vực kinh tế công nghiệp - xây dựng - giao thông vận tải:

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển, tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 10,6%/năm. Nhà máy gạch Tuynel (công suất 10 triệu viên/năm), dây chuyền sản xuất gạch không nung (gạch Bloc), nhà máy chế biến viên nén gỗ, nhà máy chế biến tinh bột sắn triển khai tích cực. Hạ tầng Cụm công nghiệp-TTCN A Co (giai đoạn 1) từng bước đầu tư hoàn thiện. Phát triển các ngành nghề thủ công, truyền thống

như xay xát, chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản, rèn, mộc, nề, đan lát, chổi đót,... Từng bước phục hồi và khuyến khích phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Có 11 doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác có sản phẩm tham gia các kỳ hội chợ.

Giao thông vận tải, quản lý đô thị: Trong những năm vừa qua ngành vận tải ô tô phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng phương tiện đã được cải thiện, nhiều xe chất lượng tốt được đưa vào khai thác và sử dụng, dịch vụ vận tải được nâng lên rõ rệt. Sản lượng vận chuyển hàng hóa và doanh thu tăng là do các công trình đầu tư xây dựng cơ bản các năm gần đây tăng, đường sá đã tương đối thuận lợi hơn, các doanh nghiệp hay các hộ kinh doanh cá thể đều có phương tiện vận tải để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

- Lĩnh vực kinh tế dịch vụ:

Dịch vụ, thương mại ở huyện A Lưới cũng đang phát triển rất khả quan, đây là khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng thấp nhất trong GDP. Tuy nhiên, hiện nay khu vực dịch vụ thương mại đang phát triển rất tốt, nhất là dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, vận tải, xăng dầu... tăng nhanh về số lượng và chất lượng dịch vụ. Hệ thống dịch vụ phân phối hàng hoá ngày càng đa dạng về chủng loại, phong phú về hình thức, phục vụ tốt nhu cầu cho người dân và du khách trên địa bàn.

Ngoài ra, với ưu thế về điều kiện tự nhiên cũng như đời sống văn hóa độc đáo của các tộc người thiểu số tại chỗ và sự đầu tư phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng. Các điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng đã bước đầu thu hút khách đến tham quan như suối nước nóng A Roàng, làng Việt Tiến - A Nôr, đồi A Bia, chứng tích sân bay A So, du lịch cộng đồng A Ka 1 - A Chi (A Roàng), A Hưa (Nhâm). Hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm Thông tin du lịch huyện, xúc tiến và kêu gọi đầu tư một số hạng mục tại điểm du lịch sinh thái A Nôr (Hồng Kim).

- Dân số:

Theo niên giám thống kê năm 2018, dân số trung bình toàn huyện là 50.460 nghìn người, trong đó nam có 25.212 nghìn người, nữ có 25.248 nghìn người.

Mật độ dân số trung bình 41,18 người/km2, là huyện có dân cư thưa thớt nhất trong toàn tỉnh. Trong huyện thì thị trấn có mật độ dân cư cao nhất 543,89 người/km2, thấp nhất là 2 xã Hương Nguyên 4,13 người/km2

và Hương Phong 6,38 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2018 so với năm 2017 của huyện ở mức cao là 1,24%, do A Lưới có tới 75% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn thấp nên tỷ lệ gia tăng tự nhiên cao so.

- Lao động và việc làm:

Tổng số lao động trong toàn huyện tính đến năm 2018 là 22.501 người chiếm 47,64% dân số. Cơ cấu lao động theo giới tính: nam 11.307 người chiếm 50,25% số

lao động, nữ 11.194 người chiếm 49,75% số lao động. Cơ cấu lao động theo nhóm ngành: Nông nghiệp 1.257 người chiếm 76,0%, công nghiệp 141 người chiếm 8,5 %, Dịch vụ 257 người chiếm 15,5 %.

Giai đoạn 2014-2018, huyện đã đào tạo nghề cho hơn 2.590 người, giải quyết việc làm mới cho trên 600 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27%, tăng 8% so với năm 2014.

Nhìn chung, huyện có nguồn lao động dồi dào, nhưng lao động đã qua đào tạo rất ít. Lực lượng lao động được đào tạo chủ yếu ở ngành nông nghiệp, đối với ngành công nghiệp dịch vụ hầu như không qua đào tạo.

- Thu nhập và mức sống:

Toàn huyện có 2892 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,51%; có 412 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,33% (năm 2018). Trong tổng số hộ nghèo toàn huyện, số hộ dân tộc thiểu số chiếm 96,43%. Đây là số hộ không chỉ có mức thu nhập thấp mà còn thiếu hụt nhiều chỉ số về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, như: giáo dục, nhà ở, y tế, nước sạch sinh hoạt, nhà vệ sinh,… năm 2016 số xã chiếm tỷ lệ hộ nghèo trên 25% với 17 xã, trong đó có 6 xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% (Hồng Kim: 255 hộ, 50,40%; Hồng Thái: 190 hộ, 65,52%; Hồng Nguyên: 180 hộ, 58,06%; Hồng Trung: 334 hộ, 63,02%, Hồng Vân: 441 hộ, 56,47%; Hương Nguyên: 180 hộ, 58,06%; Nhâm: 278 hộ, 52,95%). Đến năm 2018 số xã không còn hộ nghèo trên 50%. Thu nhập bình quân đầu người 24,28 triệu đồng /năm, tăng gần hai lần so với năm 2010. Mức sống của người dân A Lưới đã tăng lên đáng kể nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh.

Đến nay 100% xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ dùng điện là 99,1 %; tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 98%.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng công tác giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại huyện a lưới, tỉnh thừa thiên huế (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)