b. Ý nghĩa thực tiễn
3.1.2. Tình hình phát triển kinh tế xã hội
3.1.2.1. Tình hình phát triển kinh tế
Với điều kiện vị trí nằm ở trung tâm huyện lỵ, thuận lợi việc giao lưu với các địa phương lân cận kể cả thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ, tình hình kinh tế tại thị trấn Nam Phước phát triển theo nhiều ngành, nhiều nghề, nhiều thành phần kinh tế khác nhau.
Ngành nông nghiệp
Ngành nông nghiệp thị trấn Nam Phước phát triển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá cả thị trường biến động, nên mặc dù năng suất, sản lượng ngành nông nghiệp trong những năm qua có tăng, nhưng tổng giá trị nông nghiệp tăng không đáng kể. Xu hướng chung trong những năm tới là tiến tới sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngành tiểu thủ công nghiệp
Thị trấn Nam Phước là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh cả về kinh tế tập thể và hộ gia đình, cá thể. Tốc độ tăng trưởng hằng năm khá, nhiều cơ sở đạt mức doanh thu cao. Ngoài hai hợp tác xã cơ khí Nam Phước và hợp tác xã ươm dệt Châu Hiệp, ngành tiểu thủ công nghiệp của hộ gia đình cá nhân sản xuất đa dạng nhiều nghề như may mặc, dệt vải, dệt khăn, cơ khí và nghề xây dựng,...
Ngành dịch vụ thương mại
Trên địa bàn thị trấn Nam Phước có các đơn vị quốc doanh như Công ty thương mại Duy Xuyên, công ty lương thực Nam Phước, Bưu điện Duy Xuyên, chi nhánh
điện Duy Xuyên, Ngân hàng nhà nước Duy Xuyên, ngành dịch vụ thương mại chủ yếu là các hộ cá thể. Những hộ cá thể làm dịch vụ thương mại ở thị trấn buôn bán đa dạng và đủ các mặt hàng có trên thị trường, địa bàn buôn bán rộng như Đà Nẵng, Tam Kỳ những vùng khác trong và ngoài tỉnh. Mặt hàng bán ra chủ yếu là sản phẩm nông sản và hàng hóa sản xuất từ các làng nghề trên địa phương như dệt may, chiếu cói, tơ lụa,…
Các cửa hàng kinh doanh tập trung dọc theo quốc lộ 1A, tỉnh lộ 610 và 3 chợ của thị trấn.
3.1.2.2. Dân số
Theo số liệu thống kê năm 2012, toàn thị trấn có 5.909 hộ gồm 22.462 nhân khẩu, trong đó: nam 10.777 người, nữ 11.685 người. Mật độ dân số 1.549 người/km. Dân số lao động thị trấn Nam Phước phân bổ không đều trên 16 khối phố và thôn. Tập trung đông đúc chủ yếu ở các khối phố nằm trên khu trung tâm thuận lợi gần quốc lộ 1A và tỉnh lộ 610 như các khối phố Xuyên Tây, Long Xuyên 1, Long Xuyên 2, Long Xuyên 3,... Lao động thị trấn dồi dào, phong phú gồm lao động sản xuất nông nghiệp, lao động tiểu thủ công nghiệp, lao động dịch vụ thương mại, lao động là cán bộ công nhân viên [15].
Do điều kiện ngành nghề tại địa phương kém phát triển, diện tích sản xuất thu hẹp dần, nên hằng năm có gần 1000 lao động đi làm ăn xa quê, với các nghề như thợ hồ, nghề mộc, nghề dệt may…
3.1.2.3. Giáo dục
Trên địa bàn thị trấn Nam Phước, ngoài 2 trường chung của huyện đó là Trường Trung học phổ thông Sào Nam và Trung tâm dạy nghề của Huyện đóng trên địa bàn, thị trấn Nam Phước có 3 hệ thống trường học như sau:
- Hệ phổ thông cơ sở có 2 trường, là trường trung học cơ sở Chu Văn An và trường trung học cơ sở Trần Cao Vân với 45 phòng học, có 4 khối lớp (từ lớp 6 đến lớp 9) với gần 2000 học sinh.
- Hệ tiểu học có 3 trường có Trường tiểu học Nam Phước 1, trường tiểu học Nam Phước 2, trường tiểu học Nam Phước 3 với 7 điểm trường, có 51 phòng học, có 5 khối lớp với gần 3000 học sinh.
- Hệ mẫu giáo nhà trẻ có 3 trường gồm trường mẫu giáo Nam Phước I, trường mẫu giáo Nam Phước II, trường mẫu giáo Nam Phước III với 10 điểm trường, có 27 phòng học thu nhận hơn 2000 cháu theo học.
Hệ thống trường lớp thời gian qua đã được Nhà nước và địa phương nâng cấp tu sửa, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học tại địa phương [15].
3.1.2.4. Y tế
Trung tâm y tế huyện đóng trên địa bàn thị trấn với hơn 40 phòng khám và chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, hiện nay đang được đầu tư để mở rộng và cải tạo trung tâm ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sức khỏe của người dân.
Việc khám chữa bệnh cho nhân dân thị trấn như hiện nay có nhiều thuận lợi, tuy nhiên quy mô của trạm y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng nên cần đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới.
3.1.2.5. Văn hoá - Thông tin
Thị trấn Nam Phước có một đài truyền thanh, có đủ hệ thống loa phục vụ cho nhân dân địa phương nghe đài 4 cấp.
Hệ thống cơ sở hạ tầng cho thông tin liên lạc được đầu tư rộng khắp. Địa phương thường xuyên tổ chức các phong trào thể dục thể thao, các hội thi chào mừng các ngày lễ lớn trong năm.
Hoạt động văn hoá, thể dục thể thao trong thời gian qua diễn ra rất sôi nổi góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Công tác chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, các đối tượng khó khăn, hộ nghèo được địa phương quan tâm đúng mức, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội.
3.1.2.6. Cơ sở hạ tầng
Tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn thị trấn có chiều dài 4km giới hạn bởi 2 đầu cầu Câu Lâu và Bà Rén, cùng với đường tỉnh lộ 610 và 610B đi trở thành trục giao thông chính của thị trấn, hệ thống đường liên thôn liên xã được bê tông hóa hoàn toàn nhờ các chương trình “nông thôn mới” “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Hệ thống thủy lợi đã được bê tông hóa với 8 trạm bơm cung cấp nước tưới cho hơn 550ha đất canh tác. Đảm bảo nước tưới cho hơn 90% diện tích đất canh tác. Đây cũng chính là điều kiện để ngành nông nghiệp địa phương phát triển và đi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Hệ thống lưới điện trên địa bàn thị trấn có 12 trạm biến áp với tổng công suất 1400kw phục vụ sinh hoạt và sản xuất, 100% các hộ có điện để sinh hoạt và đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất. Địa phương đang đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện từ nguồn vốn ưu đãi nhà nước với mục tiêu đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng của nhân dân [15].
3.1.2.7. Nhận xét về điều kiện kinh tế, xã hội
Thị trấn Nam Phước với ưu thế về vị trí, thuận lợi với việc giao lưu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển vượt trội so với các khu vực lân cận, nơi tập trung đông đảo tầng lớp trí thức, công nhân viên chức… là các điều kiện cần thiết làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cho toàn huyện trong tương lai.