2.2.2.1.Kinh tế trang trại tại tỉnh Vĩnh Phúc
Hiện nay, mô hình kinh tế trang trại đã và đang được nhiều hộ gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế nông nghiệp khu vực nông thôn. Thực tế những
mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung, hiện đại.
Hiện toàn tỉnh có gần 1000 trang trại trồng trọt, chăn nuôi đang hoạt động, trong đó có 314 mô hình đã được thẩm định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Phát triển kinh tế trang trại được xem là một bước phát triển vượt trội của kinh tế hộ, kinh tế gia trại. Những năm qua, hình thức phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều bước chuyển biến tích cực. Trong tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại được xem là một trong những mũi nhọn, tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập và việc làm cho lao động nông thôn.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm đã trở thành thế mạnh của tỉnh. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi; nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, tăng giá trị gia tăng.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn tại Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc huyện Tam Dương và Tam Đảo; chăn nuôi nuôi bò sữa tại huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch,… Nhiều trang trại áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đã xây dựng được 3 mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ thịt lợn.
2.2.2.2.Kinh tế tranng trại tại tỉnh Đồng Nai
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, năm 2016 có khoảng 2.600 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, giải quyết việc làm cho hơn 8.800 lao động.
Như vậy, so với năm 2010, năm 2016 số trang trại ở Đồng Nai đã tăng hơn 1.000 trang trại. Các trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai phần lớn là nuôi lợn
và gà, vịt, tập trung ở các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Định Quán và thị xã Long Khánh.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh này đang tiến hành cấp giấy chứng nhận trang trại cho các trang trại trên địa bàn nhằm hỗ trợ các chủ trang trại thực hiện sản xuất theo hướng an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để tiến tới sản xuất theo chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đã có khoảng 1.000 trang trại của Đồng Nai được cấp chứng nhận.
2.2.2.3.Kinh tế trang trại tại tỉnh tuyên quang
Những năm qua, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh được đánh giá tăng nhanh về số lượng, đa dạng hình thức tổ chức sản xuất, dần khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…
Số liệu từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hết tháng 6 - 2019, toàn tỉnh có 805 trang trại, trong đó huyện Yên Sơn 242 trang trại, Sơn Dương 238 trang trại, Hàm Yên 215 trang trại, Chiêm Hóa 101 trang trại; các huyện Lâm Bình, Na Hang, TP. Tuyên Quang mỗi địa phương 3 trang trại. Phân theo loại hình, thì số trang trại tổng hợp hiện có 321 trang trại, 209 trang trại trồng trọt, 268 trang trại chăn nuôi, 6 trang trại lâm nghiệp, 1 trang trại thủy sản. So với thời điểm năm 2014, số lượng trang trại đã tăng thêm 656 trang trại.
2.2.2.4. Kinh tế trang trại tại tỉnh Bắc Giang
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2000/NQ- CP ngày 02/2/2000 của Chính phủ Kinh tế trang trại Bắc Giang đã có những bước phát triển, đa dạng về hình thức tổ chức sản xuất, góp phần chuyển dịch nhanh nền kinh tế sang sản xuất hàng hoá, tập trung và theo hướng chuyên canh tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, khai thác các tiềm năng và thế mạnh của tỉnh...
Theo tổng hợp của các huyện, thành phố, toàn tỉnh hiện có 672 trang trại (trong đó trang trại trồng trọt 08, trang trại lâm nghiệp 04, trang trại chăn nuôi
605, trang trại nuôi trồng thủy sản 03, trang trại tổng hợp 52), tăng 52 trang trại so với năm 2014. Số trang trại đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chí mới là 538 trang trại tăng 58 trang trại so với năm 2014, số còn lại các huyện, thành phố đang tiếp tục thẩm định và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Qua theo dõi, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã khai thác tốt hơn về tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn và khoa học kỹ thuật góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa, đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung lớn phục vụ chế biên, xuất khẩu như: Vùng sản xuất cây ăn quả: vải, nhãn, bưởi, cam, na...; vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn; vùng chăn nuôi tập trung: gà, lợn,... và vùng gỗ nguyên liệu; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn góp phần tích cực cho địa phương xây dựng nông thôn mới thực hiện hoàn thành tiêu chí số 10 (thu nhập) của bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mỗi năm các trang trại có doanh thu bình quân gần 3 tỷ đồng; doanh thu lớn nhất là các trang trại chăn nuôi (trên 10 tỷ đồng). Thu nhập bình quân của trang trại/năm ước tính đạt trên 200 triệu đồng, thu hút trên 2.000 lao động.
2.2.3. Kinh nghiệm nuôi gà của một số trang trại
2.2.3.1.Trang trại nuôi gà công nghiệp tỉnh Vĩnh phúc
Trang trại của anh Lại Hữu Chín, thôn Đồng Bông, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.
Năm 1988, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Chín được bố mẹ cho một mảnh vườn rộng gần 1 ha để lập nghiệp. Ban đầu, anh trồng đủ các loại cây, song hiệu quả kinh tế chẳng được là bao. Sau nhiều đêm trăn trở, cùng với sự giới thiệu của một vài người bạn, anh Chín quyết định đầu tư, phát triển mô hình nuôi gà công nghiệp. Nói là làm, cuối năm 2002, anh Chín vay AgriBank chi nhánh huyện Tam Dương 170 triệu đồng để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín với tổng diện tích hơn 1.000 m2.
Trong thời gian chờ xây dựng chuồng trại, anh Chín xin đi làm thuê cho Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà công nghiệp. 2 tháng làm việc tại công ty, anh Chín chăm chỉ quan sát, tìm hiểu thực tế về quy trình nuôi gà, từ cách chọn con giống đến chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Khi chuồng trại đã xây dựng xong, đầu năm 2003, anh Chín xin nghỉ làm ở công ty và bắt tay ngay vào nuôi gần 5.000 con gà trắng. Nhờ kinh nghiệm học hỏi được ở công ty, cùng với sự chăm chỉ, chịu khó lứa gà đầu tiên của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu lãi gần 30 triệu đồng.
Mặc dù có điểm xuất phát khá thuận lợi, song đến đầu năm 2004, trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm, đàn gà của gia đình anh hơn 5.000 con bị buộc đem đi tiêu hủy. Cả năm ấy gia đình anh Chín bị thất thu nặng. Không nản chí, khuất phục trước khó khăn, sau khi dịch cúm gia cầm đi qua, anh bắt tay ngay vào việc vệ sinh chuồng trại để vào lứa gà mới với hơn 5.000 con.
Vừa nuôi, anh Chín vừa đầu tư nâng cấp chuồng trại theo hướng hiện đại như: Lắp đặt hệ thống quạt thông gió, đèn sưởi giúp điều hòa nhiệt độ trong chuồng nuôi; hệ thống máng nước tự động để tiết kiệm nhân công… Với hệ thống nuôi khép kín, hiện đại, lúc nào trang trại của anh Chín cũng duy trì khoảng 5.000 con gà trắng. Với 5 lứa gà/năm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Chín thu lãi gần 150 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà trắng, anh Chín cho biết: “Để đảm bảo gà sinh trưởng và phát triển tốt, từ khâu chọn con giống, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đến việc phòng bệnh đều được gia đình thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ. Vào mùa đông, gà trắng chịu rét rất kém nên tôi lắp đặt hệ thống đèn sưởi để đảm bảo nhiệt độ chuồng nuôi luôn duy trì ổn định từ 25 - 30 độ C. Ngoài ra, để gà có chất lượng thịt thơm, ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình tôi cho gà ăn các loại cám chất lượng mang thương hiệu Con Voi Vàng”.
Trang trại của chị Dương Thị Sáng xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lang sơn thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nhiều năm qua, chị Dương Thị Sáng (sinh năm 1981), xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn đã thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi gà trang trại, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Toàn bộ diện tích chuồng nuôi rộng trên 2.000 m2 được gia đình chị được dựng nổi trên diện tích mặt ao 4.000 m2, với hệ thống xử lý vệ sinh chuồng nuôi khá hiện đại. Tìm hiểu được biết, những năm trước gia đình chị Sáng chỉ chăn nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ. Nhận thấy, nuôi gà theo mô hình trang trại ở một số địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng chị đã bàn bạc, tìm hướng phát triển nuôi gà với quy mô trang trại.
Sau khi thống nhất, năm 2010, chị Sáng mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, anh em, bạn bè đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống, thức ăn cho gà. Khi mới mở rộng quy mô, gia đình chị nuôi khoảng 1.000 con gà đẻ, 300 đến 500 con gà thịt. Trong quá trình nuôi, thấy hiệu quả, chị Sáng mạnh dạn tăng đàn theo từng năm. Đến nay, mô hình nuôi gà của chị đã được mở rộng, việc chăn nuôi áp dụng theo hướng an toàn sinh học. Chuồng nuôi của gia đình luôn duy trì 2.000 con gà đẻ, khoảng 10.000 gà thịt/lứa, trung bình mỗi tháng, cung cấp ra thị trường trên 50.000 quả trứng và 2.000 con gà thịt. Từ nuôi gà, gia đình chị thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm.
Phần 3
ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH 3.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu