Tổng quan về các công trình nghiên cứu liên quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích chuỗi giá trị chè xanh tại vườn quốc gia xuân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 32 - 36)

5. Những đóng góp mới, ý nghĩa khoa học và thực tiễn

1.3. Tổng quan về các công trình nghiên cứu liên quan

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về chuỗi giá trị đã được công bố trong thời gian qua. Tại Việt Nam, chuỗi giá trị sản phẩm chè cũng đã được quan tâm nghiên cứu với phạm vi vùng và đối tượng tiếp cận đa dạng, từ đó đã đạt được những kết quả nhất định trong nỗ lực hệ thống hóa lý luận nhằm định hướng ngành chè phát triển bền vững. Dưới đây là một số nghiên cứu:

(1). Nghiên cứu của Tô Linh Hương (Đại học quốc giá Hà Nội - năm 2017) với đề tài “Chuỗi giá trị ngành hàng chè toàn cầu và sự tham gia của Việt Nam”.

Tác giả Tô Linh Hương chỉ ra Việt Nam đang tham gia chuỗi giá trị chè toàn cầu với tư cách là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới nhưng chủ yếu xuất khẩu chè thô, chè nguyên liệu (98%), do vậy giá trị kim ngạch thu về là không tương xứng. Một số yếu kém của các nhân tố trong chuỗi giá trị chè Việt Nam được đưa ra. Với người trồng chè, đó là sự thiếu hụt về kiến thức liên quan tới sản xuất chè sạch, chè theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị cho sản phẩm chè của mình. Đối với thương lái, thu gom, sự hiểu biết về chuỗi giá trị và chuỗi giá trị toàn cầu cũng là rất ít. Các cơ sở chế biến thô được cho rằng đã có kiến thức nhất định về phát triển thương hiệu, song họ cần quan tâm hơn tới việc cập nhật khoa học kĩ thuật, đảm bảo chất lượng quốc tế của chè, chú ý tới việc bảo quản và từ đó làm vững chắc thêm thương hiệu của mình. Các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu chè đều có hiểu biết nhất định về chuỗi giá trị song không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm tới việc phát triển thương hiệu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tác giả kết luận ngành hàng chè Việt Nam có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành chè và chủ yếu nằm ở khâu canh tác.… Nghiên cứu của Tô Linh Hương có phạm vi rộng, phân tích khá tổng quan, các kiến nghị được đưa ra là tương đối thực tế.

(2) Đề tài “Nghiên cứu chuỗi giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” của Lê Thanh Hải - Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2012;

Tác giả đã lập được bản đồ chuỗi và mô tả được các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị chè tại Phú Thọ; bản đồ chuỗi giá trị chè tại Công ty Cổ phần chè Khánh Hòa. Tác giả đã cho thấy sự phức tạp, tính chất liên kết lỏng lẻo của các tác nhân tham gia chuỗi. Từ phân tích chi phí, lợi nhuận cho các khâu, tác giả khẳng định công đoạn có khả năng gia tăng giá trị cho sản phẩm chè là chế biến và bán lẻ. Và để gia tăng giá trị cho sản phẩm chè, tác giả đưa ra hệ thống các giải pháp gồm cơ chế chính sách, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng nhân lực ngành chè.

(3) Đề tài “Nghiên cứu chuỗi giá trị chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu” của Trần Thị Lan - Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm 2018:

Tác giả đã hệ thống hóa một cách ngắn gọn cơ sở lý luận và thực tiễn về chuỗi giá trị; bản đồ chuỗi giá trị chè Lai Châu được đưa ra. Tác giả đã nghiên cứu chi tiết tình hình của các tác nhân tham gia chuỗi bằng công cụ SWOT. Đặc biệt, từ việc phân tích chi phí trong chuỗi, tác giả đã lập được biểu đồ cơ cấu kinh tế trong toàn chuỗi, đây là kết quả quan trọng nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế trên khía cạnh đầu tư của các tác nhân. Một lần nữa, nhóm nông dân trồng chè được cho là nhóm yếu thế với lợi ích thu được chưa tương xứng. Các giải pháp tổng hợp được tác giả đề xuất, và đúng như mục tiêu của nghiên cứu, tác giả đi sâu vào nhóm giải pháp giúp tăng cường mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, điển hình là tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở chế biến với hộ trồng chè, xây dựng liên kết ngang bằng việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác,…

(4) Đề tài “Vận dụng mô hình chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực cốt lõi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” của Đào Thị Hương năm 2014; Đề tài “Phân tích chuỗi giá trị sản phẩm chè

tại HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên” của Hoàng Thị Huyến năm 2017.

Để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trong ngành chè hoạch định chiến lược, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, một số tác giả đã lựa chọn giải pháp phân tích chuỗi giá trị mà doanh nghiệp, hợp tác xã đó tham gia. Tác giả Đào Thị Hương khẳng định vai trò, vị trí của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị ngành chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, từ đó đề xuất các giải pháp củng cố năng lực nội tại của doanh nghiệp cũng như kiến nghị các chính sách hỗ trợ phát triển cho thành phần kinh tế này, đó là tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, tác giả Hoàng Thị Huyền tập trung so sánh sự khác nhau giữa các hộ có tham gia hợp tác xã và không tham gia hợp tác xã, từ đó khẳng định vai trò của kinh tế tập thể và đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè cho hợp tác xã.

(5) “Báo cáo Phân tích chuỗi giá trị chè Shan ở Yên Bái và Điện Biên dưới tác động được dự báo của biến đổi khí hậu của MCG năm 2014.

Nghiên cứu của MCG (Management Consulting - một công ty tư vấn độc lập chuyên về quản lý phát triển hướng đến các giá trị xã hội) là một nghiên cứu khá thú vị về dòng sản phẩm chè xanh gắn liền với thương hiệu chè vùng miền núi Tây Bắc, đó là chè Shan tuyết ở Yên Bái, Điện Biên.

Với giao thức riêng, bản báo cáo đã tổng quan được tình hình sản xuất, kinh doanh chè Shan tại Yên Bái, Điện Biên, cho thấy năng lực cạnh tranh cao của ngành chè tại đây do có giống chè Shan chỉ sinh trưởng, phát triển được tốt ở vùng này. Tuy vậy, mặt bằng dân trí thấp là một rào cản đòi hỏi sự can thiệp thiết thực từ phía nhà nước và các tổ chức xã hội. Trên thực tế đã có không ít dự án hỗ trợ được triển khai nhằm thúc đẩy cây chè Shan trở thành cây trồng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế tại các địa phương này.

MCG đã đưa ra được sơ đồ chuỗi tương ứng và phân tích chuỗi theo dòng sản phẩm, dòng thông tin, dòng tiền trong chuỗi, đi sâu phân tích chức

năng của các tác nhân trong chuỗi là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, nhà nông trồng chè, người thu gom, cơ sở chế biến, thương nhân, người tiêu dùng và các đơn vị hỗ trợ. Chúng tôi đồng tình với MCG khi họ thực hiện nghiên cứu độc lập chuỗi giá trị giữa chè nội tiêu và chè xuất khẩu. Điều này là cần thiết khi hai thị trường này về cơ bản tiêu thụ các dòng sản phẩm khác nhau.

Như vậy, thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến chuỗi giá trị ngành hàng chè ở phạm vi và các khía cạnh khác nhau. Các nghiên cứu cơ bản đều có ý nghĩa thiết thực từ củng cố lý luận cho đến thực tiễn, song vẫn còn tồn tại những khoảng trống đòi hỏi cần có thêm những nghiên cứu mới.

Đề tài này cố gắng kế thừa có chọn lọc kết quả đã đạt được từ các nghiên cứu trước đó, song hướng tiếp cận vấn đề sẽ có một số điểm mới:

Một là, đề tài sẽ tập trung nghiên cứu một dòng sản phẩm trong ngành chè là sản phẩm chè xanh (green tea), trong bối cảnh cụ thể của địa phương là “gắn với phát triển du lịch” tại Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Hai là, xem xét đầy đủ hơn các các yếu tố cấu thành giá trị của sản phẩm chè xanh.

Ba là, coi trọng nghiên cứu thị trường, xác định kết quả phân tích thị trường đóng vai trò quyết định trong việc hoạch định chiến lược và các giải pháp nâng cấp chuỗi.

Chương 2

ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích chuỗi giá trị chè xanh tại vườn quốc gia xuân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)