phải chú ý tới đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi
Giáo dục đạo đức là hoạt động chung tác động đến nhiều đối tượng: học sinh, sinh viên, cán bộ... và ngay chính bản thân những nhà giáo dục. C.Mác viết:
Cái học thuyết duy vật chủ nghĩa cho rằng con người là sản phẩm của những hoàn cảnh và của giáo dục, rằng do đó con người đã biến đổi là sản phẩm của những hoàn cảnh khác và của một nền giáo dục đã thay đổi, - cái học thuyết ấy quên rằng chính những con người làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục [41, tr. 10].
Sinh viên Việt Nam hiện nay phần lớn có độ tuổi trung bình từ 19 tuổi đến 23 tuổi, đây là giai đoạn hai của lứa tuổi thanh niên, và là giai đoạn con người có sự trưởng thành về mặt sinh học cũng như mặt xã hội.
Về mặt sinh học, giai đoạn này bộ não con người phát triển khá hoàn thiện. Các nhà chuyên môn cho rằng, trọng lượng của bộ não người lúc này đã đạt tới mức tối đa trọng lượng não của người bình thường (khoảng 1.400gam) và chứa khoảng 14-16 tỷ nơron thần kinh. So với lứa tuổi thiếu niên, lúc này nơron thần kinh của sinh viên có khả năng dẫn truyền luồng thông tin tốt hơn (nhanh hơn, chính xác hơn, sức chịu đựng cao hơn).
Về mặt xã hội, ở giai đoạn này sinh viên đã biết suy nghĩ đến tương lai của mình, của dân tộc và họ đã có ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Họ đã có những trăn trở trước những khó khăn của đất nước, họ đã có những hoài bão và ước mơ làm một việc gì đó để có thể góp phần làm thay đổi vận mệnh của Tổ quốc, với ý chí "dời non lấp biển" và tinh thần xả thân vì nghĩa.
Sinh viên hiện nay ngày càng tỏ rõ vai trò của mình trong xã hội. Càng ngày chúng ta càng thấy sinh viên năng động hơn, hăng hái và tích cực, táo bạo hơn trong cuộc sống. Họ hăng hái tham gia vào các hoạt động xã hội và góp phần đáng kể trong đời sống xã hội cũng như trong sự phát triển của bản thân.
Tuy vậy, nhìn vào mặt trái của sinh viên chúng ta thấy cũng còn nhiều điều đáng quan tâm, suy nghĩ. Đó là những biểu hiện của lối sống hưởng thụ, lười biếng, chuộng hình thức, coi thường những người xung quanh kể cả pháp luật, dẫn đến sa đà vào những tệ nạn xã hội, thậm chí tham gia vào những vụ giết người cướp của, mại dâm, ma túy, rượu chè, cờ bạc... Tất cả những cái đó ảnh hưởng rất lớn tới quá trình hình thành và phát triển nhân
cách của
sinh viên.
Từ khi còn ngồi trên ghế trường tiểu học, trường phổ thông, học sinh đã được nhà trường, gia đình và xã hội giáo dục các chuẩn mực đạo đức truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, sự giáo dục này chỉ phù hợp với lứa tuổi học sinh, bước vào trường đại học và cao đẳng, sinh viên đã có nhiều thay đổi. Do đó, trong các trường đại học và cao đẳng cần có những phương pháp giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên mới hơn, hấp dẫn hơn, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của họ. Làm sao khắc phục được những mặt hạn chế và khơi dậy những mặt tích cực của sinh viên, giúp họ củng cố niềm tin và tự ý thức được hành vi trách nhiệm của mình đối với xã hội với cộng đồng.
Trong nhiều năm qua, công tác giáo dục đạo đức trong các trường đại học và cao đẳng chưa được quan tâm một cách đúng mức. Môn đạo đức còn bị coi nhẹ. Gần đây tình trạng đó đã từng
bước được khắc phục, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tình hình hiện tại. Do đó, cần có sự bổ sung tích cực vào chương trình giáo dục lý luận chính trị bộ môn khoa học này, cần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh bổ ích, vì dư luận xã hội lành mạnh sẽ có tác dụng to lớn trong việc điều chỉnh hành vi của con người sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng. Đồng thời, dư luận cũng lên án mạnh mẽ những thói hư tật xấu những hành vi tàn ác vô lương tâm và nêu các tấm gương đạo đức để sinh viên học tập noi theo.
Ngoài ra, có thể áp dụng các hình thức sân khấu hóa hoạt động giáo dục truyền thống, tạo ra các sân chơi lành mạnh bổ ích cho sinh viên để sinh viên vừa học mà chơi, chơi mà học, để giúp cho họ hướng tới những ước mơ, hoài bão, lớn lao.