trị đạo đức của phụ nữ hiện nay
* Sự tác động của nền kinh tế thị trường
Năm 1986, với đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế nước ta bước đầu chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. ở nước ta, việc chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước đi tất yếu, hợp quy luật quan hệ sản xuất phù hợp tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và cơ chế thị trường đã tác động tích cực đến tính sáng tạo của mọi người trong việc mưu lợi cho đất nước và cho bản thân. Kinh tế thị trường với sự tác động mạnh mẽ của quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh... nó tạo ra không gian giao tiếp rộng lớn và phong phú cho từng cá nhân có dịp bộc lộ mình, thay đổi phương thức và nội dung tư duy cho phù hợp với cơ chế mới. Kinh tế thị trường đem lại cái nhìn mới về mối quan hệ giữa kinh tế với đạo đức; khắc phục quan niệm tách rời đạo đức với kinh tế. Dĩ nhiên, không phải đời sống kinh tế được nâng cao thì đời sống đạo đức tự nó trở nên tốt đẹp hơn, mà còn tùy thuộc vào cách giải quyết các quan hệ lợi ích thông qua
việc thực thi các chính sách kinh tế, xã hội cho phù hợp quy luật phát triển xã hội.
Việt Nam là nước vốn có lịch sử lâu đời với truyền thống đạo đức của người phương Đông, lại vừa trải qua mấy chục năm phát triển kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp nên khi đi vào kinh tế thị trường có người cho rằng, kinh tế thị trường và đạo đức là hai mặt luôn đối lập, nó không thể dung hòa. Nếu như kinh tế thị trường phát triển thì đạo đức truyền thống sẽ bị suy thoái. Có người đưa ra ý kiến rằng, kinh tế thị trường làm cho con người hoạt động năng động, sáng tạo hơn, sẽ thúc đẩy sự tiến bộ trong đời sống đạo đức.
Cả hai ý kiến trên đều tuyệt đối hóa mặt tích cực hoặc tiêu cực của kinh tế thị trường tác động đến đạo đức mà không thấy được mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau giữa chúng. Kinh tế thị trường là phương tiện hữu hiệu để phát triển kinh tế, là một nhân tố tác động tích cực đến sự phát triển đạo đức. Nhưng bản thân kinh tế thị trường tự nó không thể giải quyết được các vấn đề xã hội, thậm chí còn làm nảy sinh những tiêu cực, suy thoái đạo đức xã hội. Vì vậy, khi nói đến tác động của kinh tế thị trường đối với đạo đức phải thấy được tính tích cực và tiêu cực của nó đối với đời sống xã hội nói chung, đời sống đạo đức nói riêng.
Sự tác động của kinh tế thị trường trong lĩnh vực đạo đức nói chung, đạo đức phụ nữ nói riêng làm biến đổi các giá trị đạo đức. Bên cạnh những biến đổi mang ý nghĩa tích cực, tiến bộ,
cũng xuất hiện không ít những hiện tượng xuống cấp về đạo đức đáng báo động. Sự tác động của kinh tế thị trường đến đạo đức của người phụ nữ được thể hiện:
Kinh tế thị trường làm tăng năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhưng nó cũng đẩy nhanh sự phân hóa giàu nghèo, làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng xã hội, phá vỡ sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội. Trong nền kinh tế đó sự phân công lao động theo ngành nghề, lĩnh vực, theo giới và theo trình độ phân cực rõ nét. Phụ nữ thường lao động trong những ngành nghề, lĩnh vực có thu nhập thấp. Trong điều kiện như vậy, việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, truyền thống đạo đức phụ nữ trong quá trình hình thành đạo đức mới của người phụ nữ không tránh khỏi những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với đạo đức của người phụ nữ hiện nay.
Kinh tế thị trường bằng lợi ích vật chất, kích thích mọi sự suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo, điều này có ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, những suy nghĩ cá nhân, những tâm trạng ích kỷ cũng đang tạo ra tâm lý tiêu cực, khát vọng làm giàu dẫn đến sự thoái hóa trong quan hệ giữa người với người trong xã hội nói chung, phụ nữ nói riêng. Kinh tế thị trường đã thúc đẩy không ít cán bộ, kể cả cán bộ có chức có quyền rơi vào tình trạng tha hóa biến chất, dùng quyền lực mưu lợi riêng, lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước để vơ vét tiền của nhân dân chi cho tiêu dùng ăn chơi sa đọa, trác táng, kéo theo một bộ phận phụ nữ vào con đường ăn chơi, đua
đòi, sống hưởng lạc, đang làm xói mòn truyền thống đạo đức, lối sống lành mạnh, quan hệ tình nghĩa của dân tộc. Mặc dù, không phải kinh tế thị trường là nguyên nhân duy nhất tác động đến đạo đức, nhưng ảnh hưởng của nó tới những tiêu cực trên là rất lớn, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở nước ta còn đang ở giai đoạn đầu, khi mà hệ thống pháp luật của ta chưa hoàn thiện thì những hiện tượng tiêu cực đó càng có nguy cơ phát triển.
Mặt trái của kinh tế thị trường dẫn tới sự tha hóa về phẩm cách, đạo đức, lối sống của một bộ phận phụ nữ nước ta, từ chỗ đề cao các giá trị tinh thần sang coi trọng các giá trị vật chất, coi trọng cá nhân, tôn sùng đồng tiền, lấy đồng tiền là thước đo giá trị của con người, thay cho các giá trị đạo đức truyền thống. Đồng tiền thâm nhập vào các mối quan hệ xã hội, thậm chí chi phối các nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp của không ít người. Đồng tiền vốn chỉ là phương tiện của cuộc sống, giờ đây trở thành mục đích, lý tưởng của một số người. Họ xem tiền có thế lực vạn năng, có giá trị gạt bỏ mọi giá trị khác, tiền là giá trị chân thực duy nhất dùng để đo giá trị của bản thân và của người khác, "có tiền thì có tất cả". Với tư tưởng đó làm cho không ít phụ nữ nước ta đánh mất nhân phẩm của mình, chạy theo đồng tiền bất chấp luân thường đạo lý, toan tính làm sao để có tiền. Nhiều phụ nữ có quan niệm về giá trị nằm ở những đồ vật và tiện nghi sang trọng mà đồng tiền đem tới. Vì thế, ngay trong quan niệm về tình yêu, và hôn nhân vấn đề được xem là thiêng liêng, cao cả thì ngày nay, ở họ nó
không còn có ý nghĩa truyền thống như trước mà đã mai một trước sức mạnh của đồng tiền.
* Sự giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, quá trình mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế đã tạo điều kiện cho nhân dân ta nói chung, phụ nữ nói riêng, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên thế giới để bổ sung, làm phong phú và nâng cao nền văn hóa nước nhà. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập cũng xuất hiện những sách, báo, phim ảnh không lành mạnh, những ấn phẩm có nội dung bạo lực, tự do tình dục... bằng nhiều con đường ngõ ngách thông qua mở cửa đã xâm nhập vào nước ta, tuyên truyền cho lối sống thực dụng, hiện sinh, ảnh hưởng tiêu cực tới lối sống, đạo đức của phụ nữ, làm băng hoại nhân phẩm của chị em. Đồng thời làm cho nhiều giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, truyền thống đạo đức phụ nữ bị xâm phạm, bị bào mòn trong thời gian vừa qua. Những ấn phẩm phản văn hóa đó dẫn đến các hoạt động lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em, đáng chú ý là tệ nạn xã hội trước đây chỉ diễn ra tự phát, quy mô nhỏ thì nay có nguy cơ lan rộng và có tính tổ chức cao như hình thành các nhóm chủ chứa, môi giới, tổ chức các đường đây buôn bán gái mại dâm, ma túy v.v... với quy mô quốc gia và quốc tế. Hoạt động mại dâm khá phổ biến trong các khách sạn, nhà hàng, điểm karaokê, masseger, các quán "cà phê vườn", mại dâm cùng với ma túy là những tác nhân làm lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tới tính mạng con
người, chúng làm tổn thương nặng nề đến tâm hồn, phẩm giá của người phụ nữ, tác động tiêu cực đến tâm lý, đạo đức của họ trong cuộc sống.
Từ những nhân tố tác động đến đạo đức của phụ nữ, cho thấy, bản thân các giá trị đạo đức của người phụ nữ luôn luôn bị thử thách trước tác động của nền kinh tế thị trường, của các hiện tượng phản văn hóa từ việc nhỏ đến việc lớn, từ gia đình đến xã hội. Điều đó làm cho đạo đức của người phụ nữ đứng trước nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng. Dĩ nhiên, điều này cũng có nguyên nhân từ chính chị em phụ nữ, đó là, phụ nữ còn hạn chế về trình độ kiến thức mọi mặt, sự hiểu biết về giới và pháp luật, khả năng tiếp nhận và chọn lọc thông tin còn chưa nhanh nhạy nên rất dễ thay đổi khi hoàn cảnh và điều kiện đổi thay, nhiều trường hợp người phụ nữ trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội một cách không tự giác. Nói cách khác, họ bị cuốn hút vào cơn lốc của nền kinh tế thị trường, vào các hiện tượng phản văn hóa và nhiều người đã không tự ý thức và không tự chống đỡ nổi.
Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa, mở rộng quan hệ quốc tế đã tạo ra những cơ hội về vốn, khoa học công nghệ... để chúng ta phát triển đất nước. Nhưng đây cũng là môi trường đầy khó khăn, thử thách đối với phụ nữ, khi tham gia thị trường người phụ nữ chưa trang bị được cho mình lượng kiến thức cập nhật thời đại mới, mặt khác trong môi trường văn hóa mở cửa dễ bị các phần tử xấu, làm ăn phi pháp lợi dụng gây tác hại không nhỏ tới đời sống
đạo đức phụ nữ, làm mờ nhạt truyền thống đạo đức dân tộc. Trước những thử thách đó, để xây dựng phẩm chất đạo đức mới của người phụ nữ, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi chúng ta phải phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trên cơ sở phát triển kinh tế văn hóa, xã hội. Trong sự phát triển xã hội thì kinh tế và đạo đức có mối quan hệ biện chứng, ý thức đạo đức mới ra đời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nhưng tăng trưởng kinh tế cũng phụ thuộc vào tác động trở lại của ý thức xã hội trong đó có đạo đức. Nếu tăng trưởng kinh tế mà suy thoái về đạo đức, mai một về giá trị truyền thống thì kinh tế không thể phát triển bền vững được. Vì vậy, để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với việc hình thành, xây dựng đạo đức mới của mọi người dân nói chung, phụ nữ nói riêng phải kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, đó là một yêu cầu tất yếu. Qua đó, từng bước khắc phục sự suy thoái về đạo đức, sự bào mòn về giá trị truyền thống dân tộc đang có nguy cơ gia tăng, làm cản trở quá trình xây dựng đạo đức mới, đạo đức cách mạng của người phụ nữ hiện nay.
Mặt khác, những quan điểm, chính sách của Đảng đối với phụ nữ luôn đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho họ được học tập, được tham gia hoạt động xã hội, điều đó đòi hỏi người phụ nữ phải tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong gia đình và xã hội, trau dồi giá trị đạo đức truyền thống, truyền thống phụ nữ. Vì vậy, việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong
việc xây dựng đạo đức mới của người phụ nữ là tất yếu khách quan.
Đạo đức mới mà chúng ta xây dựng cho người phụ nữ hiện nay có tiền đề từ đạo đức truyền thống, song phải chú ý tránh thái độ bảo thủ, đề cao quá mức truyền thống, xem nhẹ hoặc phủ nhận đổi mới cũng như thái độ hư vô chủ nghĩa, gạt bỏ mọi giá trị truyền thống đều là phản khoa học. Thực tế những giá trị trong sáng và tiến bộ của đạo đức truyền thống dân tộc nói chung, đạo đức truyền thống phụ nữ nói riêng đã từng tạo nên ý nghĩa tích cực trong sự phát triển phẩm chất đạo đức phụ nữ nước ta khi xưa, thì giờ đây các giá trị ấy vẫn không ngừng được phát huy những ảnh hưởng tích cực của mình trong quá trình xây dựng đạo đức mới của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.