Ảnh chỉ số khác biệt thực vật (NDVI)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá khả năng sử dụng các loại ảnh modis trong việc xác định cơ cấu mùa vụ các vùng đất trồng lúa ở đồng bằng sông cửu long (Trang 83 - 87)

Ảnh NDVI thể hiện mức độ che phủ thực vật trên mặt đất, khu vực có độ phủ thực vật dày sẽ có chỉ số thực vật cao, ngược lại khu vực có độ phủ thấp thì có chỉ số NDVI thấp. Mỗi ảnh chỉ thể hiện trạng thái khác biệt thực vật của khu vực chụp tại một thời điểm nhất định. Ảnh chỉ số khác biệt thực vật của từng tháng trong năm 2010 được được trình bày đại diện để thấy được sự thay đổi theo thời gian của giá trị NDVI qua các tháng trong năm.

Đây là ảnh đơn phổ nên màu sắc có thể hiển thị theo nhiều cách khác nhau mỗi cấp độ sáng tối sẽ tương ứng với một giá trị NDVI nhất định. Trong các ảnh NDVI thì tone màu tối tương ứng với giá trị NDVI cao, tone màu sáng tương ứng với giá trị NDVI thấp. Những vùng có giá trị NDVI cao là nơi cây trồng phát triển tốt với mật độ dày đặc khi giá trị này giảm dần thì sự hiện diện của thực vật cũng giảm theo, ở những nơi hoàn toàn không có sự hiện diện của thực vật như đất trống hoặc đất ngập nước thì giá trị khác biệt thực vật có thể bằng 0 hoặc mang giá trị âm.

Theo kết quả nghiên cứu của Lam Dao Nguyen (2003), Chi-Farn Chen (2008) cùng một số nghiên cứu khác đã chứng minh ở những nơi trồng lúa hay các loại cây mùa vụ khác thì chỉ số NDVI sẽ biến động theo một đồ thị hình Sin, xuất hiện cực đại ở thời kỳ cây phát triển tốt nhất. Điều này có nghĩa là trên những vùng canh tác cây trồng theo mùa vụ thì cấp độ sáng của ảnh sẽ thay đổi qua các tháng trong năm, sự thay đổi ít hay nhiều tuỳ thuộc vào số mùa vụ được canh tác trong từng năm.

Như vậy từ các giá trị định lượng của NDVI ta có thể xác định được trạng thái sinh trưởng và phát triển của thực vật nói chung và cây trồng nói riêng. Trên cơ sở lý thuyết này ta có thể phân biệt được một cách cơ bản về các kiểu sử dụng trên vùng nghiên cứu. Qua phân tích ảnh NDVI trong năm 2010 thì có một số nơi tone màu ổn định (sáng hoặc tối) quanh năm nhưng phần lớn có sự biến động.

Trong 6 tháng đầu năm 2010 được trình bày ở hình 33: Vùng bán đảo Cà Mau (bao gồm tỉnh Cà Mau và một phần của tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang), vùng Ven Biển của tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh Bến Tre chỉ số NDVI rất thấp (tone màu sáng) và không có sự thay đổi rõ rệt. Ngược lại, đối với các vùng phù sa nước ngọt và vùng đất phèn (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang…) giá trị NDVI thay đổi liên tục. Chỉ số này cao vào tháng 1, tháng 2 (đặt biệt rất cao ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang và một phần tỉnh Kiên Giang) giảm dần vào tháng 3, tháng 4 sau đó tiếp tục tăng trở lại vào tháng 5, tháng. Kết hợp với khái niệm của chỉ số thực vật có thể khẳng định sự phát triển của thực vật ở ĐBSCL tốt nhất vào tháng 1, tháng 2. Sự hiện diện của thực vật thấp nhất vào khoảng tháng 3, tháng 4 do kết thúc mùa vụ sau đó cây trồng bắt đầu phát triển lại vào tháng 5, tháng 6.

Trong 6 tháng cuối năm 2010 được trình bày ở hình 33: Một phần ở bán đảo Cà Mau và vùng Ven Biển có biến động của giá trị NDVI (có xu hướng tăng dần nhưng không đạt giá trị cao). Ngược lại, phần lớn các vùng phù sa và nhiễm phèn ở tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang (trừ các huyện Thoại Sơn, Châu Đốc, Chợ Mới) giá trị khác biệt thực vật lại giảm mạnh vào các tháng 9, 10 và 11 tăng dần vào tháng 12. Qua phân tích này cho thấy có một phần nhỏ diện tích cây trồng theo mùa vụ ở bán đảo Cà Mau. Vào các tháng 9, 10 và 11 độ phủ thực vật trên cả đồng bằng thấp có thể do kết thúc mùa vụ hay do ngập lũ và bắt đầu mùa vụ mới vào tháng cuối năm.

Nhìn chung, theo kết quả phân tích các ảnh chỉ số thực vật đại diện qua 12 tháng năm 2010 cho thấy: Phần lớn đất ở ĐBSCL được sử dụng cho mục đích nông nghiệp đặc biệt là các loại cây trồng theo mùa vụ điều này phù hợp với thực tế vì lúa là cây trồng chủ lực ở ĐBSCL. Riêng vùng bán đảo Cà Mau và ven biển của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre sự hiện diện của thực vật từ thấp quanh năm. Do đó, trồng trọt không phải là thế mạnh của các vùng này, có thể đất được sử dụng cho các mục đích khác như nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối. Bên cạnh đó một số nơi thực vật phát triển quanh năm là những vùng cây ăn trái, rừng hay cây công nghiệp…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá khả năng sử dụng các loại ảnh modis trong việc xác định cơ cấu mùa vụ các vùng đất trồng lúa ở đồng bằng sông cửu long (Trang 83 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)