Thứ nhất, EVFTA có khả năng giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác và sử dụng tốt những thành tựu về khoa học – công nghệ từ EU thông qua những cam kết hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
EVFTA có hiệu lực mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ cao từ EU, bởi đây là một trong những trung tâm công nghệ của cả thế giới. Theo Báo Đầu tư (09/09/2019), một nghiên cứu cứu về lợi ích từ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 với nền kinh tế Việt Nam cho thấy, nếu áp dụng những công nghệ mới, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tạo được thêm 30 - 60 tỷ USD đến năm 2030. Hiện nay, Chính phủ đã và đang đề ra rất nhiều chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính…và đã đạt được một số thành công ban đầu.
Hiệp định EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai bên và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghệ chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm, công nghiệp năng lượng, dược phẩm, chế tạo máy móc thiết bị…và nhiều lĩnh vực khác từ EU vào Việt Nam. Nhờ có những điều chỉnh trong cơ chế và chính sách kinh tế trong EVFTA mà quan hệ thương mại được mở rộng, tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận được những thành tựu mới của KHCN, từ đó đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, trình độ tay nghề của người lao động và năng suất lao động được nâng lên. Từ đó môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện.
Đối với những cam kết về Sở hữu trí tuệ, trong Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - Các cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: riêng về sở hữu trí tuệ với một chương, 63 điều và 2 phụ lục, những cam kết cụ thể mức độ bảo hộ trong hiệp định EVFTA cùng với nguyên tắc tối huệ quốc nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên dành cho bên thứ ba được cho là đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng về bảo hộ của chủ thể quyền. Đồng thời, vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi được từ bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây là một thuận lợi lớn có thể phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai bên và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, công nghệ chế biến, chế tạo máy móc thiết bị,… và các lĩnh vực khác.
Như vậy, việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp EU có thể xác lập và bảo vệ thành quả công
nghệ của mình. Ðiều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam.
Thứ hai, EVFTA tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư như liên doanh cổ phần hay mua bán và sáp nhập giúp các doanh nghiệp EU có lợi thế mà mình chưa có, tạo điều kiện tốt để thu hút lượng lớn FDI của các doanh nghiệp EU vào Việt Nam.
EVFTA với những cam kết tự do hóa cao hơn trong các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư không chỉ giúp các nhà đầu tư EU dễ dàng tiếp cận được thị trường Việt Nam với hơn 96 triệu dân mà còn tác động hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư khác. Vì thế, việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam là tất yếu. Các cam kết trong EVFTA nới lỏng các quy định về tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư trong liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam ở một số ngành dịch vụ như dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, dịch vụ vận tải,…Điều này có thể thúc đẩy hình thức liên doanh phát triển. Cụ thể, Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao hơn khi cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần (ngoại trừ các ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank) của Việt Nam trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với dịch vụ vận tải, với dịch vụ nạo vét, ta cho phép doanh nghiệp EU lập liên doanh tới 51% để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đối với dịch vụ mặt đất ở sân bay, ta cam kết sau 05 năm kể từ khi ta mở cửa cho khu vực tư nhân sẽ cho phép các doanh nghiệp EU lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó vốn của phía nước ngoài không quá 49%, để đấu thầu cung cấp dịch vụ này. 03 năm sau đó, hạn chế vốn nước ngoài sẽ là 51%.
Đối với hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua M&A, Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho biết, trong thời gian vừa qua cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động M&A ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do trong đó có EVFTA, giúp thu hút làn sóng đầu tư từ nước ngoài và một trong những hình thức để hiện thực hóa điều đó là phương thức M&A đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn rót vốn đầu tư. Tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP đòi hỏi Việt Nam cải cách thể chế pháp luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư. Do đó, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động M&A tại Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực so với vài năm trước. Điển hình là việc ban hành Thông tư số 06/2019/TT-NHNN (năm 2019) nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong quá trình thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn. Cơ chế pháp lý và thủ tục hành chính đơn giản, hiệu quả sẽ là những yếu tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, Luật Đầu tư (năm 2020) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 có nhiều thay đổi mang tính điểm nhấn, đó là: sửa đổi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; nêu bật những điều kiện cụ thể cho các ngành được hưởng ưu đãi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê duyệt chủ trương đầu tư, thủ tục đầu tư; nới rộng định nghĩa doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo quyền lợi cho cổ đông thiểu số trong nhiều ngành nghề kinh doanh được hưởng ưu đãi đầu tư. Ngoài ra,
Luật Đầu tư (năm 2020) cũng đưa một số ngành nghề kinh doanh ra khỏi danh sách ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán (năm 2019), có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Luật này thắt chặt các tiêu chuẩn và điều kiện phát hành công khai chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin, đơn giản hóa các thủ tục, quy trình thực hiện. Nếu tất cả yếu tố trên được thực hiện đúng quy định, chất lượng của cổ phiếu sẽ được cải thiện đáng kể thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới. Như vậy, EVFTA là cú huých cho Việt Nam ban hành các luật nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, từ đó thúc đẩy hoạt động M&A. Việc thi hành các Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2020 cũng được nhận định là dấu mốc quan trọng, góp phần vào việc đơn giản hóa và đồng bộ các thủ tục hành chính cũng như pháp lý có liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam nói chung trong đó có hình thức M&A.
Thứ ba, EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, EVFTA góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, thúc đẩy thu hút FDI.
Theo nhận định của Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, lợi ích mà EVFTA mang lại đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Các chuyên gia HSBC kỳ vọng Hiệp định có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm (dao động từ 0-0,3%) chỉ nhờ vào các tác động thương mại tích cực. Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách các nước... tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA góp phần làm GDP tăng thêm mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).
Hiệp định EVFTA với 17 chương, 8 phụ lục, 2 nghị định thư, 2 biên bản ghi nhớ và 4 tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.
Với quy mô như vậy, EVFTA là một FTA thế hệ mới, mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, qua đó đều có tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Các tác động đó có thể kể đến như:
EVFTA có tác động tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác phát triển thị trường xuất khẩu và nhập khẩu. Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong hiệp định EVFTA sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
EVFTA cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong thời gian ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN tại thị trường EU. Là đối tác thương mại lớn với nhiều nước ASEAN, nhưng đến nay, mới chỉ có Việt Nam và Singapore đã kết thúc đàm phán FTA với EU. Thực tế, lĩnh vực thương mại hàng hóa, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Singapore sang EU khác nhau. Đối với các nước ASEAN khác, tiến trình đàm phán FTA với EU hiện đang tạm dừng hoặc bắt đầu chậm hơn Việt Nam. Như vậy, trong giai đoạn 10 đến 15 năm tới, với việc được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại ưu đãi hơn từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hẳn so với các nước ASEAN khi tiếp cận thị trường EU. Doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt là có nhiều cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó giúp nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình.
EVFTA tạo điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu với khu vực châu Á (chiếm khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu và 50% kim ngạch xuất khẩu). EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập, khai thác các thị trường mới, thị trường còn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam.
EVFTA tạo cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. EVFTA là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh... Sau khi mở rộng thị trường thông qua tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt sẽ thu hút được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ đó, EVFTA hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, chuyển giao công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.
EVFTA tạo động lực phát triển công nghiệp phụ trợ. Quy tắc xuất xứ trong EVFTA đối với hàng dệt may là quy tắc tương đối chặt “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại hiệp định. Tuy nhiên, EVFTA cho phép sử dụng linh hoạt 10% (theo trọng lượng) sợi hoặc xơ và 8% (theo giá trị) nguyên liệu dệt may khác không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất. Đây là thách thức không nhỏ của ngành do hiện nay ngành vẫn phải chủ yếu dựa vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu do chưa chủ động nguồn cung trong nước, trong khi các đơn hàng chủ yếu làm gia
công và việc sử dụng vải và nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng nước ngoài. Quy tắc xuất xứ là thách thức cho xuất khẩu nhưng cũng bao hàm cơ hội khi tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.
Như vậy, dưới tác động của EVFTA, Việt Nam không chỉ mở rộng quy mô thị trường nhờ việc xuất khẩu mà còn mở rộng quy mô sản xuất trong nước thông qua nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh. Đồng thời, giúp doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà những lợi thế cạnh tranh như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên hiện đã dần bị thu hẹp, không có tính bền vững trong khi những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần một chiến lược phát triển và thời gian. Tất cả những tác động tích cực nêu ở trên tạo điều kiện không nhỏ để các nhà đầu tư nước ngoài trong và ngoài EU rót vốn đầu tư vào Việt Nam.
Thứ tư, EVFTA làm chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực đầu tư giúp phân bổ nguồn vốn FDI đồng đều qua các ngành khác nhau, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ nhất, EVFTA thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ. Cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA về thương mại dịch vụ đầu tư hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên, trong đó