bán lại cho người mua khác để người mua này sử dụng làm vật liệu chèn lót. Như vậy, nếu người bán giao hàng kém phẩm chất cho người mua, hàng kém phẩm chất vẫn sử dụng để sản xuất được nhưng không phù hợp để bán lại. Lúc này, có thể có 2 kết luận: (i) Mục đích của việc giao kết hợp đồng của người mua không đạt được vì hàng giao kém phẩm chất và người mua không thể sử dụng để sản xuất được (hay tái chế để xuất khẩu như lập luận của người mua trong vụ thứ 2); (ii) Mục đích bán lại hàng của người mua vẫn đảm bảo. Vấn đề xác định mục đích của việc giao kết hợp đồng càng trở nên khó khăn hơn với hợp đồng cung ứng dịch vụ khi mà các bên không thỏa thuận rõ ràng nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ là nghĩa vụ theo kết quả công việc hay nghĩa vụ theo nỗ lực và khả năng cao nhất. Với sự biến động liên tục của hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi thì khả năng thay đổi mục đích của các bên hợp đồng là rất có thể. Đối với các hợp đồng thương mại, vì môi trường kinh doanh biến thiên liên tục, các bên cần phản ứng linh hoạt – ý chí vào thời điểm giao kết cũng không thể bất biến.
5.1.3. Bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng hợp đồng
Khi có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng, bên vi phạm phải gánh chịu hậu quả bất lợi, đó là việc bên vi phạm có thể bị áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng. Đây là các chế tài giống nhau về điều kiện áp dụng theo hướng trao cho các bên xác lập và thực hiện hợp đồng quyền tự do thỏa thuận về việc áp dụng các chế tài này. Nếu các bên không có thỏa thuận về điều kiện để tạm ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng thì hợp đồng chỉ có thể bị tạm ngừng thực hiện, bị đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ khi một bên có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Tuy nhiên, ba chế tài nói trên có sự khác biệt cơ bản về hậu quả pháp lý, cụ thể: Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn có hiệu lực nhưng khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ thì hợp đồng không còn hiệu lực (chấm dứt) từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ (đối với đình chỉ thực hiện hợp đồng) hoặc hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết (đối với hủy bỏ hợp đồng) và các bên không phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Khi áp dụng các chế tài nói trên, bên bị vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
Luật Thương mại tuy quy định hệ quả pháp lý do vi phạm cơ bản hợp đồng rộng hơn Công ước Viên ở chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đình chỉ thực hiện hợp đồng nhưng đều có điểm chung với Công ước Viên là căn cứ áp dụng các chế tài nói trên đều dựa vào vi phạm cơ bản hợp đồng (vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng). Ngoài ra, Công ước Viên lại khác Luật thương mại khi quy định bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm giao hàng thay thế [40, Điều 297] như một chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng. Từ kết quả nghiên cứu Công ước Viên cho thấy, quy định của Luật Thương mại về các chế tài nói trên còn một số bất cập, cụ thể:
5.1.3.1. Quy định tại Điều 293 là thừa, không cần thiết
Luật Thương mại phân biệt vi phạm cơ bản và vi phạm không cơ bản bằng quy định tại Điều 293, theo đó trừ khi các bên có thỏa thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.
Tuy nhiên, quy định như trên là thừa và không cần thiết bởi lẽ Điều 308, 310 và 312 đã quy định: trừ trường hợp miễn trách nhiệm hoặc xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng, bên bị vi phạm chỉ được áp dụng các chế tài này khi bên kia vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Điều này có nghĩa là, các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng sẽ không được áp dụng với những vi phạm không cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Quy định thừa và không cần thiết này dễ dẫn đến rối rắm, lung túng khi áp dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng. Nếu các bên có thỏa thuận về việc áp dụng các chế tài nói trên thì không cần phải xác định có hay không có vi phạm cơ bản mà chỉ cần xác định bên vi phạm vi phạm thỏa thuận nào của các bên làm cơ sở áp dụng các chế tài nói trên. Nhưng nếu các bên không có thỏa thuận cụ thể thì đương nhiên quy định tại khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 310 và khoản 4 Điều 312 sẽ được áp dụng mà không cần dẫn chiếu tới Điều 293.
5.1.3.2. Quyền thay thế hàng hóa quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 297 là chưa hợp lý
Giao hàng thay thế là một trong những nội dung của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong trường hợp có hành vi vi phạm hợp đồng. Đây là biện pháp mà bên bị vi phạm sử dụng để yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng để hợp đồng
được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. Như vậy, bản chất pháp lý của quyền thay thế hàng hóa là tiếp tục duy trì quan hệ hợp đồng của các bên, đảm bảo mục tiêu hợp đồng được giao kết không phải để bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, Điều 297 về buộc thực hiện đúng hợp đồng lại quy định quyền thay thế hàng hóa bao gồm cả việc thay thế do chính bên vi phạm thực hiện và do chính bên bị vi phạm thực hiện thông qua giao dịch với chủ thể khác là chưa thực sự hợp lý, cụ thể:
(i) Đối với việc thay thế do chính bên vi phạm thực hiện (bên không thực hiện đúng hợp đồng)
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu một bên không thực hiện đúng hợp đồng như bên bán giao hàng kém chất lượng thì bên bán, theo yêu cầu của bên mua, có thể loại trừ khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác của bên bán để thay thế [40, khoản 2 Điều 297]. Quyền yêu cầu giao hàng thay thế, lúc này, thuộc nội dung của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Tuy nhiên, hệ quả pháp lý mà bên vi phạm phải gánh chịu do vi phạm hợp đồng dẫn đến bị buộc thực hiện đúng hợp đồng cũng rất nặng nề bởi bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh, đặc biệt là khi phải giao hàng thay thế. Mọi chi phí vận chuyển hàng hóa ban đầu từ địa điểm của người mua về địa điểm của người bán và từ địa điểm của người bán đến địa điểm của người mua (đối với lô hàng thay thế) sẽ do người bán chịu. Trong khi đó, Luật Thương mại lại chỉ cho phép áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao hàng thay thế đối với vi phạm không cơ bản – giao hàng, cung ứng dịch vụ kém chất lượng [40, Điều 293].
Như vậy, kết hợp với Điều 293, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng bị yêu cầu giao hàng thay thế phải đảm bảo không thỏa mãn các yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại. Nếu hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng thì dẫn tới hệ quả pháp lý hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ mặc dù các bên không có ý định triệt tiêu hiệu lực hợp đồng bằng các chế tài này. Quy định như khoản 1 Điều 297 hiện nay dễ dẫn đến tùy tiện của bên bị vi phạm trong việc yêu cầu bên vi phạm giao hàng thay thế và gánh chịu chi phí bởi chỉ với vi phạm nhỏ nhất (hàng kém phẩm chất dù rất ít) cũng dẫn đến hệ quả pháp lý là phải giao hàng thay thế. Về mặt kinh tế, lúc này, bên vi phạm sẽ gánh chịu hậu quả rất nặng nề do
việc giao hàng thay thế. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thuật ngữ mang tính diễn giải cho chất lượng của hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với hợp đồng như “khiếm khuyết”, “khuyết tật”, “thiếu sót” càng làm tăng thêm sự bất hợp lý của điều luật này và sự rối rắm trong diễn đạt.
Cơ chế pháp luật điều chỉnh vi phạm cơ bản hợp đồng, một mặt, để bảo vệ hiệu lực của hợp đồng, mặt khác, tránh sự tùy tiện chấm dứt hiệu lực hợp đồng của các bên. Vì vậy, quy định như hiện nay tại Điều 297 vừa thể hiện sự không hợp lý trong việc duy trì hiệu lực của hợp đồng mà có nguy cơ tạo nên sự tùy tiện trong việc thực hiện quyền yêu cầu giao hàng thay thế, vừa không tương thích với Công ước Viên – văn bản pháp luật quốc tế mà Chính phủ đã đồng ý chủ trương gia nhập. Quy định về yêu cầu giao hàng thay thế như hiện nay của Luật Thương mại là quá rộng, dễ tạo “lạm dụng” cho bên bị vi phạm khi hàng hóa được giao có chất lượng không phù hợp với hợp đồng dù là rất nhỏ. Bên cạnh chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, người mua luôn có quyền đòi bồi thường thiệt hại nếu nhận hàng có chất lượng không phù hợp, vì vậy quyền yêu cầu giao hàng thay thế chỉ nên được trao cho người mua khi hàng hóa được giao có chất lượng không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Nói cách khác, người mua muốn yêu cầu giao lại hàng phải là người chịu thiệt hại đến mức bị tước đi đáng kể mục đích hay kỳ vọng từ hợp đồng.
Bên cạnh việc trao quyền yêu cầu giao hàng thay thế cho bên vi phạm với những vi phạm rất nhỏ, Luật Thương mại lại không có quy định nào bảo vệ quyền lợi của người bán khi bị áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng là không hợp lý. Chẳng hạn, khi người bán giao hàng có chất lượng không phù hợp với hợp đồng và người mua áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao hàng thay thế nhưng người mua lại không thể hoàn trả lại hàng hóa như nguyên trạng ban đầu cho người bán thì quyền lợi của người bán sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính vì thế, cần có giải pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho người bán hay nói cách khác là hậu quả pháp lý của buộc thực hiện đúng hợp đồng.
(ii) Đối với việc thay thế do chính bên bị vi phạm thực hiện (bên không được thực hiện đúng hợp đồng)
Khoản 3 Điều 297 cho phép bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hóa, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có.
Như vậy, khi bên bị vi phạm mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ từ bên thứ ba là bên bị vi phạm đã xác lập quan hệ hợp đồng khác thay thế quan hệ hợp đồng với bên vi phạm. Điều này, xét về mặt bản chất pháp lý, là hợp đồng giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm bị hủy bỏ một phần (thay thế một phần) hoặc toàn bộ (thay thế toàn bộ), đi ngược với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Ở đây, những gì bên bị vi phạm nhận được từ việc mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ không phài từ bên vi phạm (bên có nghĩa vụ), do đó, không thể là nội dung của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và việc đặt quy định này tại khoản 3 Điều 297 về buộc thực hiện đúng hợp đồng là điều bất hợp lý cần phải khắc phục. Nếu chấp nhận việc thay thế thì buộc phải xác định hợp đồng bị thay thế đã chấm dứt hoặc hủy bỏ nhưng chấp nhận việc thay thế cũng đồng nghĩa với việc buộc các bên tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng theo Điều 297 trong khi đó đây là hai chế tài không đồng hành cùng nhau (không thể vừa buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng vừa đình chỉ hay hủy bỏ hợp đồng theo khoản 1 Điều 299 Luật Thương mại).
5.1.3.3. Quyền khắc phục vi phạm cơ bản hợp đồng của bên vi phạm chưa được bảo đảm
Trong giao dịch dân sự nói chung, hoạt động thương mại nói riêng, các bên đều bị chi phối bởi nguyên tắc thiện chí trong kinh doanh. Tức là, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có những biện pháp tương hỗ cho nhau để cùng thực hiện tốt hợp đồng. Chẳng hạn, hết thời hạn giao hàng nhưng người bán chưa giao hàng thì người mua có thể gia hạn thêm thời gian để người bán có thể giao hàng hoặc nếu người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng, người mua có thể cho phép người bán một khoảng thời gian để khắc phục sự không phù hợp đó với chi phí của người bán. Vì vậy, dù là khi một bên vi phạm cơ bản hợp đồng, chế tài hủy bỏ hay đình chỉ thực hiện hợp đồng chỉ nên được phép áp dụng khi bên vi phạm không khắc phục được hoặc khắc phục nhưng gây tổn hại cho bên bị vi phạm.
Quyền khắc phục vi phạm của bên vi phạm cũng đã được công nhận trong Luật Thương mại nhưng là quyền khắc phục với vi phạm không cơ bản khi chưa hết thời hạn thực hiện hợp đồng. Chẳng hạn, Điều 41 Luật Thương mại quy định cho phép người bán khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng trước khi hết thời hạn giao hàng, khắc phục thiếu sót của các chứng từ trong thời hạn còn lại nếu giao chứng từ trước thời hạn thỏa thuận. Người mua có quyền tạm
ngừng thanh toán tiền mua hàng cho đến khi người bán đã khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa nếu người mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng [40, Điều 51].
Người viết cho rằng, quyền yêu cầu khắc phục vi phạm đúng nhất nên được hiểu là một dạng tổng quát hơn của quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng. Theo Luật thương mại, quyền khắc phục vi phạm cũng được quy định trong chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thể hiện ở nội dung: giao đủ hàng (đối với giao thiếu hàng), loại trừ khuyết tật hoặc giao hàng khác thay thế (đối với giao hàng kém chất lượng) trong thời hạn do bên bị vi phạm ấn định nhưng các hành vi vi phạm như giao thiếu hàng hoặc giao hàng kém chất lượng không cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Bởi vì, nếu đó là vi phạm cơ bản thì chế tài được sử dụng sẽ là tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ hợp đồng. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng không được áp dụng cùng với các chế tài nói trên.
Quyền khắc phục của người bán đối với giao thiếu hàng và giao hàng kém chất lượng là chưa bao quát hết các trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng quy định tại Điều 39, theo đó sự không phù hợp của hàng hóa có thể về số lượng, về chất lượng hoặc về bao bì, đóng gói. Ngoài ra, khoản 2 Điều 39 Luật Thương mại quy định “người mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng” mâu thuẫn với quy định tại Điều 56 “người mua có nghĩa vụ nhận hàng”.
Hợp đồng được giao kết không phải để hủy bỏ mà để các bên tôn trọng và thực hiện. Chấm dứt hiệu lực hợp đồng là giải pháp cuối cùng khi các bên đã nỗ lực duy trì hợp đồng. Vì vậy, các bên xác lập và thực hiện hợp đồng cần có quyền lựa chọn giữa việc áp dụng tạm ngừng, đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng hoặc tiếp tục duy trì hợp đồng.