Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Một phần của tài liệu 40.-Luận-án-Vi-phạm-hợp-đồng-theo-Công-ước-Viên-1980 (Trang 30 - 33)

2.1.2.1. Hợp đồng MBHHQT là hợp đồng thương mại có tính quốc tế hay có yếu tố nước ngoài

Hợp đồng MBHHQT là một giao dịch có nhiều bên tham gia để tạo lập sự ràng buộc pháp lý với nhau dựa trên sự cam kết, thỏa thuận, tức là tạo ra các quyền và nghĩa vụ mới, ngoài những quyền và nghĩa vụ luật định, hoặc làm thay đổi hay chấm dứt các quyền, nghĩa vụ ấy. Mặc dù trong luật thực định và thậm chí trong lý luận có nhiều cách hiểu khác nhau về hợp đồng MBHHQT nhưng chung quy lại, tất cả các cách hiểu khác nhau đó đều nhất quán ở điểm lấy trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau hay sự di chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia là tiêu chí xác định tính chất quốc tế hay yếu tố nước ngoài hay tính chất quốc tế của hợp đồng MBHHQT [31, tr.75; 58].

Chính tính chất quốc tế hay yếu tố nước ngoài của hợp đồng MBHHQT đã tạo ra điểm khác biệt của hợp đồng MBHHQT so với hợp đồng thương mại trong nước, cụ thể:

- Chủ thể của hợp đồng MBHHQT là các bên có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau và/hoặc mang quốc tịch khác nhau. Điều đó có nghĩa, bên bán, bên mua phải có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau chứ không phải đóng trong phạm vi một nước. Nếu bên mua và bên bán đều có trụ sở thương mại ở cùng một nước mà ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với nhau thì đó là hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước. Nếu một bên có hơn một trụ sở thương mại thì sẽ tính đến trụ sở thương mại có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và đối với việc thực hiện hợp đồng đó; Nếu một bên không có trụ sở thương mại thì sẽ lấy nơi cư trú thường xuyên của họ [11, Điều 10].

- Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng có thể được chuyển qua biên giới nước người bán sang nước người mua hoặc sang nước thứ ba. Vì hợp đồng MBHHQT được ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau nên trong đa số các trường hợp hàng hóa được chuyển từ nước người bán sang nước người mua hoặc từ nước người bán sang nước thứ ba (trong trường hợp người mua hàng xuất hàng sang nước thứ ba) [26, tr.204]. Song cũng có trường hợp hàng hóa không chuyển qua biên giới nước người bán. Chẳng hạn, một Công ty Hàn Quốc đóng trụ sở thương mại tại Xơ Un, Hàn Quốc ký kết hợp đồng gia công quốc tế với một Công ty may của Việt Nam đóng trụ sở tại Hà Nội. Công ty Hàn Quốc cung cấp nguyên vật liệu và nhận sản phẩm gia công. Để thực hiện được hợp đồng này, công ty Hàn Quốc ký kết hợp đồng mua vải của công ty dệt Vĩnh Phú có trụ sở thương mại tại Vĩnh Phú. Địa điểm giao hàng tại Hà Nội, người nhận hàng là Công ty may đóng trụ sở thương mại tại Hà Nội, có nghĩa vụ gia công áo giao cho Công ty Hàn Quốc. Như vậy, vải là đối tượng của hợp đồng mua bán giữa công ty Hàn Quốc đóng trụ sở thương mại tại Hàn Quốc với Công ty dệt đóng trụ sở tại Việt Nam, không chuyển qua biên giới Việt Nam (nước người bán).

- Đồng tiền dùng để thanh toán giữa người bán và người mua có thể là ngoại tệ đối với một trong hai bên. Nếu như trong các hợp đồng mua bán trong nước, đồng tiền thanh toán phải là đồng Việt Nam (có thể dùng USD hay Euro như đồng tiền tính toán mà thôi) thì trong hợp đồng MBHHQT, các bên được tự do lựa chọn đồng tiền thanh toán, đó có thể là đồng tiền của nước người bán, của nước người mua hay của nước thứ ba. Nhìn chung, các bên thường lựa chọn các đồng tiền mạnh có thể tự do chuyển đổi như USD, Euro, DM, Yên Nhật, Bảng Anh… (ngoại lệ: các hợp đồng ký giữa các thương nhân EU thì đồng tiền thanh toán Euro sẽ là đồng tiền chung cho cả hai bên và không là ngoại tệ đối với bên nào).

- Cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng MBHHQT có thể là Tòa án hoặc Trọng tài nước ngoài đối với một hoặc cả hai bên. Ví dụ, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa một công ty của Trung Quốc đóng trụ sở thương mại ở Trung Quốc với một công ty của Đức đóng trụ sở thương mại tại Đức, trong hợp đồng quy định nếu có tranh chấp phát sinh thì giải quyết bằng thương lượng, nếu không thương lượng được thì kiện ra Tòa thương mại Beclin. Như vậy, Tòa thương mại Beclin là cơ quan giải quyết tranh chấp và cũng là Tòa án nước ngoài đối với công ty của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tính chất quốc tế của hợp đồng MBHHQT có thể dẫn đến khả năng tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan giải quyết tranh chấp đối với những tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng MBHHQT - tranh chấp có yếu tố nước ngoài [45, tr.226].

- Pháp luật điều chỉnh hợp đồng MBHHQT có thể là pháp luật nước ngoài đối với một hoặc cả hai bên. Chẳng hạn, nếu áp dụng pháp luật Việt Nam điều chỉnh hợp đồng mua bán giữa công ty Việt Nam và công ty của Singapore thì pháp luật Việt Nam là pháp luật nước ngoài đối với công ty Singapore. Nếu hai bên thỏa thuận dùng pháp luật của Pháp để điều chỉnh hợp đồng này thì pháp luật của Pháp là pháp luật nước ngoài đối với cả hai bên. Ngoài ra, nguồn luật điều chỉnh hợp đồng MBHHQT cũng rất đa dạng và phức tạp bao gồm không chỉ pháp luật nước ngoài đối với một trong hoặc cả hai bên mà còn điều ước thương mại quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và thậm chí là án lệ (tiền lệ xét xử).

2.1.2.2. Mục đích của hợp đồng MBHHQT là sinh lợi

Hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên để thực hiện một hoạt động thương mại. Xét về nội dung, sự thỏa thuận trong hoạt động thương mại được thể hiện dưới hình thức pháp lý là hợp đồng thương mại không chỉ là sự nhất trí, đồng ý chung chung mà còn phải có nội dung cụ thể, mục đích rõ ràng, tức phải xác định được bản chất quan hệ hợp đồng mà các bên muốn xác lập [19, tr.120].

Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán chuyển giao hàng hóa và quyền sở hữu đối với hàng hóa cho người mua và người mua nhận hàng và trả tiền. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng MBHHQT mà các bên giao kết hợp đồng này hướng tới. Vì thế, mục đích của các bên trong hợp đồng MBHHQT cũng gắn liền với mục đích mua hàng để sinh lợi của các bên.

Các bên giao kết hợp đồng MBHHQT chính là các thương nhân, tức là chủ thể tiến hành hoạt động thương mại. Vì vậy, có thể nói, mục đích mua hàng của người bán cũng như người mua, dù được mô tả trực tiếp hay gián tiếp, thì đó cũng là nhằm sinh lợi từ việc chuyển giao hàng, quyền sở hữu đối với hàng và thanh toán [12, tr.68]. Người mua có thể mua hàng để bán lại hay để sản xuất nhằm sinh lợi, người bán, đương nhiên, muốn bán hàng để nhận tiền (sinh lợi). Khi thiết lập một hợp đồng MBHHQT, người bán và người mua luôn hướng đến việc tạo lập “sự ràng buộc pháp

lý” đối với nhau và trông đợi bên kia cùng thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, nhằm thỏa mãn lợi ích của các bên [26, tr.142].

Tóm lại, mục đích trong hợp đồng MBHHQT được tạo nên bởi sự thỏa thuận của các bên có thể khác nhau tùy vào quan hệ, động cơ giao kết hợp đồng của các bên. Tuy nhiên, là hình thức pháp lý để thực hiện hoạt động thương mại nói chung, hoạt động mua bán hàng hóa nói riêng nên về mặt bản chất có thể thấy được các bên thống nhất với nhau ý chí rằng mục đích các bên giao kết hợp đồng MBHHQT là nhằm tìm kiếm lợi nhuận và các lợi ích kinh tế khác. Điều này tạo nên bản chất của hợp đồng MBHHQT, khác với các loại hợp đồng khác, và là yếu tố cơ bản cho sự tồn tại của hợp đồng MBHHQT. Hợp đồng MBHHQT chỉ có thể được thiết lập vì lợi ích kinh tế mà các bên hướng tới từ hợp đồng này và cũng vì lợi ích kinh tế mà các bên thực hiện hợp đồng. Nói cách khác, không có lợi ích kinh tế sẽ không có sự giao kết và thực hiện hợp đồng MBHHQT.

Một phần của tài liệu 40.-Luận-án-Vi-phạm-hợp-đồng-theo-Công-ước-Viên-1980 (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w