Vi phạm hợp đồng

Một phần của tài liệu 40.-Luận-án-Vi-phạm-hợp-đồng-theo-Công-ước-Viên-1980 (Trang 33 - 41)

(a) Khái niệm vi phạm hợp đồng

Trong khoa học pháp lý, lý thuyết về vi phạm hợp đồng đã ra đời và tồn tại lâu dài trong tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo nghĩa thông thường, vi phạm là “không tuân theo hoặc làm trái những điều quy định” [52, tr.1466]. Vì thế, vi phạm hợp đồng có thể hiểu là không tuân theo

hoặc làm trái những gì các bên đã thỏa thuận, thống nhất ý chí với nhau. Theo Từ điển Black’Law (phiên bản lần thứ 9), vi phạm hợp đồng là vi phạm các nghĩa vụ hợp đồng bằng việc không thực hiện lời hứa của ai đó, từ chối thực hiện hoặc ngăn cản việc thực hiện của bên kia [91, tr.213].

Về phương diện học thuật, trên thế giới có khá nhiều học giả đưa ra khái niệm về vi phạm hợp đồng. Chẳng hạn, theo Giáo sư Treitel, vi phạm hợp đồng xảy ra khi một bên không hoặc từ chối thực hiện những gì anh ta có nghĩa vụ thực hiện theo hợp đồng mà không có lý do hợp pháp hoặc thực hiện không đúng hoặc không có khả năng thực hiện [106, tr.389]. Như vậy, theo cách hiểu về vi phạm hợp đồng này, trong mọi trường hợp việc không thực hiện những gì đã cam kết, “đã hứa” chỉ bị xem là vi phạm khi “không có lý do hợp pháp”. Hay, vi phạm hợp đồng xảy ra nếu một bên giao kết hợp đồng thiếu sót trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng [150, tr.235]. Với khái niệm này thì chỉ đơn thuần là sự “thiếu sót”, dù là mức độ nhỏ hay lớn, đều cấu thành “vi phạm hợp đồng”. Tương tự, tác giả David Kelly cho rằng “vi phạm hợp đồng xảy ra khi một trong các bên tham gia hợp đồng không thực hiện, hoàn toàn hoặc thỏa đáng, nghĩa vụ hợp đồng. Một vi phạm hợp đồng có thể xảy ra dưới 3 dạng:

(1) Khi một bên, trước thời hạn thực hiện hợp đồng, tuyên bố rằng họ sẽ không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm trước thời hạn); (2) khi một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; (3) khi một bên thực hiện không đúng (có khiếm khuyết) nghĩa vụ hợp đồng”[103, tr.182]. Tác giả Dương Anh Sơn cho rằng “hành vi vi phạm hợp đồng là những biểu hiện khách quan dưới dạng hành động hoặc không hành động trái với các nội dung mà các bên đã thỏa thuận” [60, tr.34] hay tác giả Phạm Duy Nghĩa cho rằng “vi phạm hợp đồng là hành vi của một bên không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ theo các điều kiện hợp đồng” [47, tr.373].

Vi phạm hợp đồng là thuật ngữ được nhắc đến và sử dụng khá nhiều trong quy định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng khái niệm về vi phạm hợp đồng lại không được định nghĩa trực tiếp trong các đạo luật của các quốc gia này mà thay vào đó pháp luật của nhiều quốc gia quy định các dạng vi phạm hợp đồng.

- Bộ luật dân sự năm 2002 của Đức điều chỉnh tương đối cụ thể hai dạng vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, đó là loại vi phạm dưới hình thức “chậm thực hiện nghĩa vụ” và “không thể thực hiện được nghĩa vụ” hay “không có khả năng thực hiện nghĩa vụ”.

Bộ luật dân sự năm 1804 của Pháp coi chậm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là vi phạm hợp đồng.

- Điều 11(5) Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh quy định “Ở Scotland, người bán không thực hiện bất kỳ phần quan trọng nào của hợp đồng mua bán là vi phạm hợp đồng…”. Quy định này cho thấy nội hàm của vi phạm hợp đồng khá hẹp vì luật chỉ thừa nhận không thực hiện phần quan trọng của hợp đồng mua bán mới xem là vi phạm hợp đồng.

- Điều 1-201(b)(17) Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ năm 1952 không đưa ra khái niệm vi phạm nhưng quy định “lỗi là khiếm khuyết, vi phạm hay hành động sai trái hoặc không làm đầy đủ”. Từ quy định này có thể hiểu vi phạm là lỗi, là sự khiếm khuyết hay hành động sai trái hay không làm đầy đủ.

- Vi phạm hợp đồng theo Luật hợp đồng Trung Quốc năm 1999 có thể hiểu thông qua quy định tại Điều 107, cụ thể: “nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc thực hiện không phù hợp thì phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng”. Như vậy, vi phạm hợp đồng theo Luật hợp đồng Trung Quốc bao gồm không thực hiện hoặc thực hiện không phù hợp (không đúng) nghĩa vụ hợp đồng.

Dù được định nghĩa, giải thích theo các cách khác nhau nhưng nhìn chung cách hiểu về vi phạm hợp đồng của pháp luật một số quốc gia là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Điều này cũng phù hợp với khái niệm về vi phạm hợp đồng cũng được quy định trong điểm d khoản 3 Điều 1 Công ước về thời hiệu MBHHQT năm 1974, theo đó “vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện hợp đồng hoặc bất kỳ sự thực hiện nào mà không phù hợp với hợp đồng”.

Với vai trò là luật quốc tế thống nhất về hợp đồng MBHHQT và dung hòa các hệ thống pháp luật khác nhau, các nhà soạn thảo Công ước Viên không tiếp cận khái niệm vi phạm hợp đồng dựa trên sự phân loại vi phạm nghĩa vụ hợp đồng như pháp luật một số quốc gia nói trên, mà thay vào đó họ tiếp cận khái niệm vi phạm hợp đồng dưới góc độ chung nhất. Mặc dù không đưa ra định nghĩa, Công ước Viên tiếp cận khái niệm “vi phạm hợp đồng” theo nghĩa rộng nhất, bao gồm tất cả các hành vi không tuân thủ quy định của hợp đồng như không thực hiện nghĩa vụ, chậm thực hiện nghĩa vụ, thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ hoặc không phù hợp mà không phân biệt đó là nghĩa vụ chính hay phụ, kể cả những trường hợp được miễn trách nhiệm [94, tr.18].

Trong một số trường hợp, Công ước Viên sử dụng thuật ngữ “không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng” theo nghĩa tương đương với thuật ngữ “vi phạm hợp đồng” [11, Điều 79, 80].

Nghĩa vụ của người bán và người mua trong hợp đồng MBHHQT không chỉ phát sinh từ thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà còn từ những quy định của Công ước Viên nếu thuộc các trường hợp áp dụng Công ước quy định tại Điều 1 Công ước. Các nghĩa vụ của người bán và người mua có thể phát sinh từ tập quán mà các bên đã thỏa thuận hoặc thói quen mà các bên đã thiết lập với nhau [11, khoản 1 Điều 9]. Công ước Viên nhấn mạnh rằng, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng MBHHQT có thỏa thuận khác, các bên được coi là ngụ ý áp dụng trong hợp đồng hoặc trong việc giao kết hợp đồng một tập quán mà các bên đã biết hoặc phải biết và được biết đến phổ biến trong thương mại quốc tế và được các bên áp dụng một cách thường xuyên đối với các hợp đồng cùng chủng loại trong lĩnh vực thương mại cụ thể liên quan [11, khoản 2 Điều 9]. Bên cạnh đó, khi Công ước Viên được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng MBHHQT giữa các bên, nghĩa vụ giữa các bên còn có thể được xác định theo các quy tắc của Công ước. Chẳng hạn, khi xác định ý chí của một bên cần phải tính đến mọi tình tiết liên quan, kể cả các cuộc đàm phán, mọi thói quen mà các bên đã thiết lập với nhau, các tập quán và mọi hành vi sau đó của các bên [11, khoản 3 Điều 8].

Như vậy, có thể thấy, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng theo Công ước Viên được xác lập ở 3 cấp: (i) nghĩa vụ dựa trên sự thống nhất ý chí thể hiện ở các điều khoản trong hợp đồng mua bán hàng hoá có liên quan, (ii) nghĩa vụ dựa trên các thói quen hình thành trước đó và ngụ ý áp dụng tập quán thương mại quốc tế; và (iii) nghĩa vụ được xác định theo các quy tắc của Công ước Viên. Bất cứ khi nào Công ước Viên là luật điều chỉnh của hợp đồng, Công ước luôn luôn tuân thủ thứ tự áp dụng hai cấp độ đầu tiên của cấu trúc [127]. Tất nhiên, nếu các bên quả quyết loại bỏ (hoàn toàn) việc áp dụng Công ước Viên, tức là họ sẽ không tuân thủ các điều khoản dẫn tới áp dụng Công ước một cách tự động [11, Điều 6]. Khi đó, Công ước sẽ không ảnh hưởng gì đến các hợp đồng mua bán hàng hoá giữa họ.

Do đó, vi phạm hợp đồng theo quy định cùa Công ước Viên được hiểu là việc không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bao gồm cả những nghĩa vụ được quy định rõ ràng trong hợp đồng mua bán và cả việc một trong hai bên

không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ nào đó của họ phát sinh từ các tập quán mà các bên đã thỏa thuận và từ các thực ti n đã được các bên thiết lập trong mối quan hệ tương hỗ giữa họ và từ quy định của chính Công ước Viên.

Hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm có thể là vi phạm thực tế hoặc vi phạm dự đoán trước. Hành vi vi phạm thực tế có thể là người bán không giao hàng, không giao chứng từ liên quan đến hàng hóa, giao hàng không phù hợp (về số lượng, về chất lượng…) với hợp đồng và Công ước hoặc người mua không thanh toán tiền hàng, không nhận hàng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng và của Công ước. Những hành vi vi phạm này đã xảy ra trong thực tế và gây hoặc có khả năng gây ra những hậu quả pháp lý nhất định đối với bên bị vi phạm.

Trong luật thực định của Việt Nam, trước năm 2005, khái niệm “vi phạm hợp đồng” chưa được định nghĩa ở bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào. Thậm chí, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hợp đồng kinh tế, cũng không đưa ra định nghĩa về vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, từ quy định tại khoản 1 Điều 29 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 có thể hiểu vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng kinh tế [50, khoản 1 Điều 29].

Đến năm 2005, khi Luật Thương mại ra đời, các nhà làm luật đã định nghĩa vi phạm hợp đồng tại khoản 12 Điều 3, theo đó vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật Thương mại. Với quy định này, “vi phạm” được hiểu là “không thực hiện”, “thực hiện không đầy đủ” hoặc “thực hiện không đúng”. Khoản 1 Điều 302 Bộ luật dân sự không sử dụng thuật ngữ “vi phạm hợp đồng” mà thay vào đó là “trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự”, trong đó đề cập đến “không thực hiện” hoặc “thực hiện không đúng” nghĩa vụ của người có nghĩa vụ.

Bằng dấu “phẩy” ở giữa các cụm từ “không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng” có thể hiểu theo các nghĩa sau:

- Vi phạm hợp đồng bao gồm không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, trong đó thực hiện không đầy đủ là một sự giải thích, làm rõ thêm của không thực hiện hợp đồng. Với cách hiểu này, Luật Thương mại quy định phạm vi vi phạm hợp đồng rộng hơn Bộ luật dân sự khi xem “thực hiện không đầy đủ” là một dạng cụ thể của không

thực hiện hợp đồng. Quy định của Luật Thương mại là khá phù hợp với xu hướng quy định của một số văn bản quốc tế.

Trong PICC và PECL, thuật ngữ “vi phạm hợp đồng” không xuất hiện mà thay vào đó là “không thực hiện hợp đồng”. Điều 7.1.1 PICC quy định: “Không thực hiện hợp đồng là việc một bên không thực hiện một nghĩa vụ nào đó phát sinh từ hợp đồng, kể cả việc thực hiện hợp đồng không đúng hay chậm tr ”. Điều 1.301 PECL quy định:

“Không thực hiện hợp đồng có nghĩa là việc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, bao gồm thực hiện chậm, thực hiện không đúng và không hợp tác để làm cho hợp đồng có hiệu lực”. Như vậy, không thực hiện hợp đồng là một thuật ngữ có nội hàm rộng chứa trong nó các hình thức thực hiện không đầy đủ hợp đồng, không đúng hợp đồng.

- Vi phạm nghĩa vụ hợp đồng bao gồm không thực hiện và thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng. Cách hiểu này thì không thực sự thuyết phục bởi “không thực hiện” có thể bao gồm trong đó “thực hiện không đầy đủ” như cách hiểu của một số văn bản quốc tế nhưng nó không thể và không bao giờ “song hành” cùng thực hiện không đầy đủ. Không thực hiện một hành vi nhất định thì không thể có cơ sở xác định hành vi đó có được thực hiện là đầy đủ hay không đầy đủ bởi ngay từ đầu đã không xảy ra việc thực hiện hành vi đó.

Vì vậy, để tránh nhầm lẫn và tạo thuận lợi trong cách hiểu về “vi phạm hợp đồng” theo Luật Thương mại, người viết kiến nghị bỏ thuật ngữ “thực hiện không đầy đủ” để có sự thống nhất với Bộ luật dân sự. Ở đây, thuật ngữ “thực hiện không đầy đủ” là thừa và không cần thiết bởi vì thực hiện không đầy đủ cũng chính là thực hiện không đúng như giao hàng thiếu, thanh toán thiếu, đơn giản, cũng chính là việc thực hiện không đúng số hàng cam kết giao, số tiền cam kết thanh toán. Ví dụ, các bên ký hợp đồng MBHHQT, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao cho bên mua 500 bộ ghế văn phòng nhưng bên bán chỉ giao 450 bộ. Rõ ràng, người bán đã giao không đúng số lượng hàng theo thỏa thuận hợp đồng hay cũng chính là thực hiện giao không đầy đủ số lượng 500 bộ ghế văn phòng.

Như vậy, các quy định trên cho thấy các bên phải thực hiện đúng hợp đồng, trái lại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng [41, tr.61], tức là vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, ở đây, yếu tố hợp đồng không chỉ bao gồm “thỏa thuận, cam kết” của các bên xác lập và thực hiện hợp đồng mà còn “thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên mà các bên đã biết hoặc phải biết” [40, Điều 12], quy định

của pháp luật điều chỉnh hợp đồng và “tập quán thương mại” [40, Điều 13] bởi có rất nhiều vấn đề pháp luật quy định gắn liền với hợp đồng nên thực hiện các quy định này thực chất cũng là thực hiện hợp đồng và ngược lại, vi phạm các quy định này thực chất cũng là vi phạm hợp đồng.

Từ nhận thức trên, tác giả xin đưa ra khái niệm vi phạm hợp đồng như sau:

Vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận, theo thói quen trong thương mại giữa các bên, pháp luật điều chỉnh hợp đồng hoặc tập quán thương mại quy định.

(b) Đặc điểm của vi phạm hợp đồng

- Vi phạm hợp đồng là hành vi vi phạm “luật” giữa các bên

Hợp đồng được giao kết hợp pháp thì “có hiệu lực như pháp luật”, nhưng “là pháp luật của các bên” [1, tr.7]. Có nghĩa, hiệu lực của hợp đồng là tạo ra quyền và nghĩa vụ “riêng” cho các bên chứ không có hiệu lực bắt buộc chung như pháp luật [16, tr.43]. Nói cách khác, hợp đồng như các quy phạm tư nhân được tạo ra từ “ý chí của tư nhân” [39, tr.244] để ràng buộc chỉ đối với các bên tham gia hợp đồng đó mà thôi.

Sở dĩ nói hợp đồng có giá trị như luật đối với các bên là nói đến việc thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên đã tạo ra quyền và nghĩa vụ để ràng buộc giữa họ với nhau, và các bên cũng bị buộc phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó giống như các quyền và nghĩa vụ luật định. Như vậy, tuy các bên tham gia hợp đồng không phải là những người có thẩm quyền sáng tạo luật (ví dụ như nhà lập pháp trong các nước theo luật thành văn, hoặc Tòa án trong các nước theo luật án lệ), nhưng lại có thể tự nguyện

Một phần của tài liệu 40.-Luận-án-Vi-phạm-hợp-đồng-theo-Công-ước-Viên-1980 (Trang 33 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w