Hủy hợp đồng là hệ quả pháp lý nặng nhất mà bên vi phạm phải gánh chịu khi có vi phạm hợp đồng MBHHQT, thể hiện ở chỗ: hợp đồng chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm giao kết (hay hủy hợp đồng có hiệu lực hồi tố), bên nào đã thực hiện toàn bộ hay một phần có thể đòi bên kia hoàn trả những gì họ đã cung cấp hay đã thanh toán theo hợp đồng. Hủy hợp đồng sẽ giải phóng hai bên khỏi việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của họ, trừ khi có thiệt hại phải bồi thường. Chính vì các bên không tiếp tục thực hiện hợp đồng kể từ thời điểm hợp đồng bị hủy bỏ và hoàn trả cho nhau tất cả những gì đã nhận được từ nhau, nên hủy hợp đồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh bình thường của các bên xác lập và thực hiện hợp đồng. Với ý nghĩa đó, trừ khi các bên có thỏa thuận về hủy hợp đồng, Công ước Viên cũng như pháp luật của một số nước trên thế giới không cho phép các bên “tùy tiện” hủy hợp đồng khi không có cơ sở, căn cứ hợp pháp.Vi phạm cơ bản hợp đồng chính là căn cứ quan trọng đó để người bán và người mua có thể tuyên bố hủy hợp đồng.
Hủy hợp đồng là một trong những quy định quan trọng của Công ước Viên, là biện pháp cuối cùng khi người bán hoặc người mua không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng. Điều 49 và Điều 64 Công ước Viên quy định các trường hợp để người bán hoặc người mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng khi vi phạm hợp đồng của bên kia là vi phạm cơ bản theo Điều 25 Công ước Viên, đó là: (i) Người bán hoặc người mua không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; (ii) Người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng; (iii) Một bên có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng dự đoán trước theo khoản 1 Điều 72 và khoản 2 Điều 73 Công ước Viên khi có lý do xác đáng để cho rằng có thể có vi phạm cơ bản hợp đồng giao hàng từng phần trong tương lai.
4.2.1.1. Hủy hợp đồng khi một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản
Hợp đồng MBHHQT được giao kết hợp pháp và có hiệu lực làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên hợp đồng đối với nhau. Các bên có quyền và nghĩa vụ
tương đương nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vì vậy, không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào mà hợp đồng hoặc Công ước quy định là hành vi vi phạm hợp đồng.
(i) Đối với người bán
Theo Công ước Viên, người bán có nghĩa vụ giao hàng (Điều 30, 31) và giao hàng phù hợp với hợp đồng (Điều 30, 35), chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho người mua đảm bảo không bị ràng buộc bởi bất cứ quyền hạn hay khiếu nại nào của bên thứ ba (Điều 30, 41), chuyển giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho người mua theo hợp đồng hoặc tập quán (Điều 30, 34). Nếu người bán vi phạm bất kỳ nghĩa vụ nào mà các bên không có thỏa thuận về hủy hợp đồng thì người mu a có quyền tuyên bố hủy hợp đồng nhưng chỉ khi người bán không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc Công ước, tức là không giao hàng, không giao chứng từ liên quan đến hàng hoặc quyền sở hữu hàng hóa cho ngươi mua, nhưng việc không thực hiện nghĩa vụ này của người bán cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng, tức là thỏa mãn các yếu tố xác định vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25 Công ước Viên [11, điểm a khoản 1 Điều 49].
Như đã phân tích ở chương 3, tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước đều thống nhất nhận định rằng, không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng như không giao hàng, không giao chứng từ liên quan đến hàng và quyền sở hữu hàng hóa cho người mua đều thỏa mãn yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25. Khi giao kết hợp đồng, người mua kỳ vọng nhận được hàng – đối tượng hợp đồng, vì thế những hành vi vi phạm này xem như đã gây ra cho người mua tổn hại đáng kể, không cần phải là tổn hại trong thực tế, tước đi của người mua những gì người mua có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Ví dụ: Hành vi không giao hàng của người bán trong vụ “Rabbit skin” [209], vụ “Compound fertilizer” [196], vụ Ostroznik savo [248], vụ “Cheese” [235], vụ Black melon seeds [199], vụ used printing press [240]
và vụ Silicon-carbide [202] đều bị coi là vi phạm cơ bản hoặc hành vi không giao chứng từ liên quan đến hàng hóa bị coi là cấu thành vi phạm cơ bản và người mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng trong các vụ Fluorite [210], vụ Medical equipment [262]. Tòa án, trọng tài không chỉ xem xét hành vi vi phạm của người mua khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc Công ước mà tòa án, trọng tài còn xem xét cả việc không thực hiện nghĩa vụ của người bán trong thời hạn mà người mua đã gia hạn thêm để làm cơ sở xác định những gì người mua có
quyền kỳ vọng từ hợp đồng đã bị tước đi đáng kể, từ đó xác định vi phạm cơ bản hợp đồng và cho phép người mua áp dụng chế tài hủy hợp đồng.
Hành vi không giao hàng của người bán đôi khi còn được thể hiện dưới hình thức từ chối giao hàng. Đối với trường hợp người bán từ chối giao hàng, Tòa án Đức kết luận là không giao hàng và việc từ chối giao hàng cũng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Quan điểm này của Tòa án được thể hiện trong vụ “Furniture leather” [225], vụ tranh chấp giữa người bán Ý và người mua Đức, theo đó người bán đã từ chối giao mặt hàng da để làm đồ gia dụng vì họ cho rằng họ không có trách nhiệm thực hiện hợp đồng do đại lý của họ ký kết. Tuy nhiên, trên thực tế, người bán đã giao một phần hàng hóa cho người mua. Chính vì vậy, Tòa phúc thẩm Munchen (Đức) đã không đồng tình với luận điểm của người bán và cho rằng: “việc người bán từ chối giao hàng do cho rằng hợp đồng bị hủy không chỉ mâu thuẫn với việc anh ta đã giao một phần hàng hóa mà còn cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều 49(1)(a) Công ước Viên”. Do đó, Tòa phúc thẩm Munchen (Đức) phán quyết rằng người mua có quyền tuyên hủy hợp đồng.
Bên cạnh đó, giao hàng đúng thời gian là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Công ước đối với người bán [11, Điều 33]. Trong thực tiễn, giao hàng không đúng thời gian không phải lúc nào cũng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng cho dù hợp đồng quy định giao hàng vào một thời điểm cụ thể. Tòa án hoặc trọng tài đều thống nhất rằng, ngày giao hàng cụ thể là yếu tố cơ bản của hợp đồng khi và chỉ khi người bán đề cập trong hợp đồng. Nếu việc giao hàng vào một ngày cụ thể không được nhấn mạnh, không thể hiện rõ lợi ích của người mua trong việc người bán giao hàng đúng ngày cụ thể quy định trong hợp đồng thì người bán không giao hàng vào ngày cụ thể đó không cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Chẳng hạn, vụ “Mobile car phones” [228]: Tranh chấp hợp đồng mua bán điện thoại ô tô giữa người bán Đức và người mua Israel. Trong tranh chấp này, về việc người bán không giao hàng đúng thời gian quy định, Tòa án tỉnh Düsseldorf (Đức) đã phán quyết rằng: Vi phạm trong việc giao hàng không đúng thời gian hợp đồng quy định được coi là vi phạm cơ bản hợp đồng theo tinh thần của Điều 25 Công ước Viên nếu hai bên đã quy định trong hợp đồng rằng thời gian giao hàng là một thời điểm cố định và nếu hai bên đều nhận thức rõ ràng rằng việc giao hàng cần phải được thực hiện ở thời điểm cụ thể đó. Tòa án cũng nhấn mạnh rằng, một vi phạm cơ bản hợp đồng thường không chỉ đơn thuần được xác định căn cứ
vào hành động giao hàng không đúng thời điểm quy định mà hơn thế nữa, việc tuân thủ chính xác thời hạn giao hàng phải thực sự cần thiết đối với người mua, hay cụ thể hơn, người mua thà rằng không nhận được hàng còn hơn là nhận được hàng giao không đúng thời gian (giao chậm) và người bán phải ý thức được việc này từ thời điểm giao kết hợp đồng. Tòa án tỉnh Düsseldorf (Đức) trong vụ “Shoes” [231] đã từng nhấn mạnh rằng, tính quan trọng đặc biệt của thời gian giao hàng có thể được xác định từ chính trong quy định của hợp đồng, chẳng hạn trong trường hợp một giao dịch khi thời gian là thiết yếu hay trong những tình huống như hàng giao là hàng thời vụ. Trong vụ “Shoes”, rõ ràng hai bên đã không quy định đây là một giao dịch rất quan trọng về mặt thời gian. Đối tượng của hợp đồng không phải là hàng thời vụ và việc giao hàng không đúng thời gian quy định cũng sẽ không tước đi của người mua các lợi ích mà người mua mong đợi từ hợp đồng. Điều này có thể thấy rõ ràng từ thực tế rằng người mua đã chấp nhận một phần hàng giao theo hợp đồng thậm chí 4 tháng sau thời điểm giao hàng quy định ban đầu.
Quan điểm tương tự Tòa sơ thẩm tỉnh Düsseldorf (Đức) được Trọng tài CIETAC đưa ra trong Vụ Cold-rolled coils [201] (tranh chấp giữa người bán Đức và người mua TQ), theo đó ngày giao hàng cụ thể là yếu tố cơ bản của hợp đồng chỉ khi người bán đề cập trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong vụ việc này người bán lại không nhấn mạnh ngày giao hàng trong hợp đồng.
Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù hợp đồng quy định một thời gian giao hàng cụ thể và người bán đã giao hàng không đúng thời gian quy định đó nhưng Tòa án không coi việc vi phạm đó là vi phạm cơ bản dựa trên việc xem xét lợi ích của người mua có bị tước đi do hành vi giao hàng chậm hay không. Cụ thể, vụ “Clothes” [229]: tranh chấp hợp đồng mua bán quần áo giữa người bán Pháp và người mua Đức. Trong tranh chấp này, người bán đã giao hàng chậm hơn hai ngày cho người chuyên chở theo quy định hợp đồng. Người mua cho rằng, việc người bán giao hàng không đúng thời gian quy định đã khiến hàng hóa trở nên “vô dụng” vì không thể được đem trưng bày tại cửa hàng vào đầu mùa hè. Tuy nhiên, Tòa AG Ludwigsburg (Đức) đã bác lại quan điểm của người mua khi cho rằng vi phạm của người bán không phải là vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của Điều 25 Công ước Viên bởi lẽ hàng hóa không hề mất chút giá trị nào do việc giao hàng không đúng thời gian quy định và việc người mua có thể giới thiệu hàng cho khách hàng chậm hơn hai ngày chỉ ảnh hưởng rất ít tới lợi ích của họ.
Quan điểm này của Tòa AG Ludwigsburg (Đức) cũng tương tự quan điểm của Tòa Oldenburg (Đức) trong vụ “Clothes” [233]. Đây là tranh chấp giữa người bán Ý và người mua Đức, theo đó người bán đã giao hàng chậm hai ngày. Tòa án Oldenburg (Đức) đã cho rằng do thiếu các quy định cụ thể hơn trong hợp đồng, việc giao hàng chậm hai ngày không bị coi là vi phạm cơ bản vì việc giao hàng chậm như vậy đã không làm cho người mua bị tước đi bất kỳ lợi ích gì (tương tự vụ Bullet-proof vest [242] và vụ Macromex Srl. v. Globex International, Inc [264]).
(ii) Đối với người mua
Đối với người mua, nghĩa vụ của người mua theo Công ước Viên là thanh toán tiền hàng và nhận hàng [11, Điều 53]. Vì vậy, khi người mua vi phạm nghĩa vụ này mà các bên không có thỏa thuận về hủy hợp đồng thì người bán có quyền tuyên bố hủy hợp đồng khi người mua không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc Công ước, tức là không thanh toán tiền hàng và nhận hàng, nhưng việc không thực hiện nghĩa vụ này của người mua phải cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng, tức là thỏa mãn các yếu tố xác định vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25 Công ước Viên [11, Điều 61].
Như đã phân tích ở chương 3, tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước đều thống nhất nhận định rằng, không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng như không nhận hàng hoặc không thanh toán cho người bán đều thỏa mãn yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25 Công ước Viên. Khi giao kết hợp đồng, người bán mong muốn nhận được tiền thanh toán, hàng giao được nhận, vì thế những hành vi vi phạm này xem như đã gây ra cho người mua tổn hại, không nhất thiết phải có tổn hại trong thực tế, đã tước đi đáng kể của người bán những gì người bán có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Ví dụ, hành vi không thanh toán tiền hàng của người mua trong các vụ vụ tranh chấp “Hat” [186], vụ tranh chấp “New Zealand raw wool” [205], vụ “Styrene monomer” [200] hay người mua không nhận hàng trong vụ Mung bean [192], vụ Horse bean [206]. Tương tự đối với người bán, đối với người mua, tòa án, trọng tài cũng không chỉ xem xét hành vi vi phạm của người bán khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc Công ước mà tòa án, trọng tài còn xem xét cả việc không thực hiện nghĩa vụ của người mua trong thời hạn mà người bán đã gia hạn thêm để làm cơ sở xác định những gì người bán có quyền kỳ vọng từ hợp đồng đã bị tước đi đáng kể, từ đó xác định vi phạm cơ bản hợp đồng và cho phép
người bán áp dụng chế tài hủy hợp đồng. Tòa án, Trọng tài cũng xác định việc người mua không thanh toán tiền hàng (không mở L/C), không nhận hàng theo quy định của hợp đồng hoặc trong thời gian gia hạn thêm là vi phạm cơ bản hợp đồng trong nhiều vụ tranh chấp như vụ Chrome plating production line equipment [187], vụ Steel coil [197], vụ Chemicals [211], vụ Mono Ethylene glycol [207], vụ Polyester spinning machine [190], vụ Alumina [194], vụ Peanut kernel [212], vụ Australian raw wool [203], vụ Yam-dyed fabric [191], vụ Childrens jackets [198].
4.2.1.2. Hủy hợp đồng khi người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản
Theo điểm a khoản 1 Điều 35 Công ước Viên, người bán buộc phải đảm bảo giao hàng đúng số lượng, phẩm chất và mô tả trong hợp đồng. Như vậy, việc cung cấp hàng hóa không đúng số lượng, phẩm chất và mô tả trong hợp đồng đến một giới hạn nào đó sẽ bị xem là vi phạm cơ bản hợp đồng và do đó người mua được quyền hủy hợp đồng. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để xác định vi phạm đó đã đến mức là vi phạm cơ bản hay chưa?
(i) Trường hợp hàng hóa không phù hợp về số lượng
Trước hết, vì đây là một vi phạm mang tính hình thức, sự không phù hợp được chia thành hai dạng: giao hàng thiếu và giao hàng thừa. Đối với trường hợp giao hàng thiếu, vi phạm này thường bị xem là giao hàng chậm hoặc không giao hàng tùy theo tình huống cụ thể và thường không bị xem là một vi phạm cơ bản. Bên cạnh đó, Công ước Viên đã quy định các biện pháp xử lý thay vì áp dụng ngay chế tài hủy hợp đồng như buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại (nếu có). Đối với trường hợp hàng hóa bị giao thừa, theo tinh thần Công ước Viên thì vi phạm này cũng không bị xem là vi phạm cơ bản. Vì theo lẽ thường hàng hóa vẫn phù hợp với các tiêu chí khác như khả năng bán lại được (thương mại), khả năng sử dụng được, do đó vẫn tồn tại khả năng người mua bán lại phần hàng thừa cho bên thứ ba. Tuy nhiên, lý do này không làm mất đi quyền của người mua được quy định tại khoản 2 Điều 51 Công ước Viên: đó là người mua có thể chấp nhận hay từ chối số lượng hàng giao thừa. Trong trường hợp người mua chấp nhận toàn bộ hoặc một phần số lượng hàng giao thừa, người mua phải trả thêm số tiền tương đương với phần hàng đó. Dựa trên nguyên tắc thiện chí quy định tại Điều 7 và nguyên tắc áp dụng tập quán, thói quen thương mại theo Điều 9 Công ước Viên, phần hàng thừa có thể được người mua giữ lại và bảo
quản một cách phù hợp trước khi hai bên có biện pháp xử lý khác. Nếu vì lý do đảm