Theo Phạm Viết Vượng trong cuốn “Giáo dục học đại cương”: “Quản lý là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm chỉ huy, điều hành, hướng dẫn các quá trình xã hội và hành vi của cá nhân hướng đến mục đích hoạt động chung và phù hợp với quy luật khách quan” (Phạm Viết Vượng, 2003).
Các tác giả Bùi Minh Hiền, Vũ Ngọc Hải, Đặng Quốc Bảo trong cuốn sách “Quản lý giáo dục” cho rằng “Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra”(Bùi Minh Hiền, Vũ Ngọc Hải, Đặng Quốc Bảo, 2006).
Thuật ngữ quản lí trở nên phổ biến nhưng chưa có một định nghĩa thống nhất:
- Theo góc độ chính trị – xã hội: Quản lí là sự kết hợp giữa tri thức với lao động. Sự phát triển bao gồm 3 yếu tố: Tri thức- Sức lao động – Quản lí.
- Theo góc độ hành động: Quản lí là quá trình điều khiển-chủ thể quản lí điều khiển người dưới quyền và các đối tượng khác để đạt tới đích đặt ra (Nguyễn Thị Mỹ Lộc, 2009).
Như vậy, có thể được hiểu quản lí là một quá trình tác động gây ảnh hưởng của chủ thể quản lí đến khách thể quản lí nhằm đạt được mục tiêu chung. Bản chất của quản lí là một loại lao động để điều khiển lao động xã hội ngày càng phát triển, các loại hình lao động phong phú, phức tạp thì hoạt động quản lí càng có vai trò quan trọng.
1.2.6. Khái niệm quản lí hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS
Quản lí hoạt động dạy học là hệ thống những tác động có mục đích của chủ thể quản líđến đối tượng quản lí trong nhà trường, nhằm khai thác và tận dụng tốt nhất năng lực và các điều kiện, làm cho HĐDH trong nhà trường hướng tới việc đạt mục tiêu giáo dục. Quản líhoạt động dạy học đảm bảo thực hiện đúng chương trình dạy học: Đảm bảo tính hệ thống liên tục của chương trình (đúng tiến độ thực hiện chương trình từng môn); đảm bảo tính toàn diện trong giáo dục phổ thông (mối
quan hệ giữa các bộ môn); đảm bảo đúng nội dung đã qui định của chương trình về yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ. Trong đó thể hiện rõ tính phổ thông, cơ bản, hiện đại và phù hợp với tình hình Việt Nam (Trần Kiểm, 2002).
QL HĐDH giữ vị trí quan trọng trong QL nhà trường. Mục tiêu QL chất lượng đào tạo là nền tảng, là cơ sở để nhà QL xác định các mục tiêu QL khác trong hệ thống mục tiêu QL của nhà trường. QL HĐDH là nhiệm vụ trọng tâm của người HT. Xuất phát từ vị trí quan trọng của HĐDH, người HT phải dành nhiều thời gian và công sức cho QL HĐDH nhằm ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội (Trần Thị Hương, 2014).
Như vậy, quản lí hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS là quá trình tổ chức thực hiện hoạt động của GV, HS trên cơ sở chương trình giáo dục hướng tới hình thành và phát triển cho HS những năng lực chung về tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề thông qua hoạt động để hình thành cho HS các năng lực như: ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất và năng khiếu của HS.
1.3. Hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS ở trường THCS công lập
1.3.1. Mục tiêu, nội dung chương trình dạy học dạy học theo theo định hướng phát triển năng lực HS
Theo Chương trình giáo dục THCS mới 2018, mục tiêu dạy học theo định hướng PTNL HS giúp HS phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng; có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động. Mục tiêu dạy học theo định hướng PTNL HS chính là kết quả học tập cần đạt được mô tả chi tiết và có thể quan sát, đánh giá được; thể hiện được mức độ tiến bộ của học sinh một cách liên tục (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
Chương trình giáo dục THCS theo định hướng PTNL HS thực hiện mục tiêu giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh thông qua các nội dung giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục toán học, giáo dục khoa học xã hội, giáo dục khoa học tự nhiên, giáo dục công nghệ, giáo dục tin học, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục hướng nghiệp. Mỗi nội dung giáo dục đều được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
Căn cứ theo Chương trình giáo dục THCS 2018 mới quy định nội dung chương trình dạy học theo định hướng PTNL HS gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương và có các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Thời lượng giáo dục: Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
Hình 1.1. Phẩm chất, năng lực và các môn học, hoạt động trong chương trình giáo dục phổ thông mới(Thùy Linh, 2017).
Như vậy, chương trình dạy học định hướng năng lực không quy định những nội dung dạy học chi tiết mà quy định những kết quả đầu ra mong muốn của quá trình giáo dục, trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn chung về việc lựa chọn nội dung, phương pháp, tổ chức và đánh giá kết quả dạy học nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu dạy học tức là đạt được kết quả đầu ra mong muốn. Trong chương trình định hướng năng lực, mục tiêu học tập, tức là kết quả học tập mong muốn thường được mô tả thông qua hệ thống các năng lực. Kết quả học tập mong muốn được mô tả chi tiết và có thể quan sát, đánh giá được. Ưu điểm của chương trình giáo dục định hướng năng lực là tạo điều kiện QL chất lượng theo kết quả đầu ra đã quy định, nhấn mạnh năng lực vận dụng của HS. Tuy nhiên, nếu vận dụng một cách thiên lệch, không chú ý đầy đủ đến nội dung dạy học thì có thể dẫn đến các lỗ hổng tri thức cơ bản và tính hệ thống của tri thức.
1.3.2. Hoạt động dạy của GV theo định hướng phát triển năng lực HS
Trong dạy học theo định hướng PTNL HS, GV không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, GV trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để HS tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình. Trên lớp thì HS hoạt động là chính, nhưng trước đó, khi soạn giáo án, GV đã phải đầu tư công sức, thời gian rất nhiều so với kiểu dạy và học thụ động mới có thể thực hiện bài lên lớp với vai trò là người gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động tìm tòi hào hứng, tranh luận sôi nổi của HS. GV phải có trình độ chuyên môn sâu rộng, có trình độ sư phạm lành nghề mới có thể tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của HS mà nhiều khi diễn biến ngoài tầm dự kiến của GV (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2013).
Tổ chức dạy học nhằm giúp HS hình thành và PTNL, kỹ năng, phẩm chất, thái độ cũng không phải là mới. Tuy nhiên, quá trình tổ chức dạy học để phát huy năng lực cá nhân, tạo điều kiện cho HS được sáng tạo và tương trợ lẫn nhau trong học tập thì mỗi tiết học cần sự thay đổi và thay đổi cụ thể trong mỗi GV. Một thay đổi cần
làm cụ thể, thiết thực và quan trọng để dạy học hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của cá nhân là lập kế hoạch giảng dạy và tổ chức thực hiện còn gọi là soạn giáo án, bài giảng và tiến hành giảng dạy (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
Một cấu trúc giáo án có các hoạt động và mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu bài học: Nêu rõ mục tiêu bài học bao gồm nội dung yêu cầu HS cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Các mục tiêu được biểu đạt bằng những cụm từ cụ thể. Ngoài các yêu cầu về mức độ như nhận biết, tái hiện kiến thức cần có những mức độ khác nhau như: Cao hơn như vận dụng kiến thức trong các tình huống, các nhiệm vụ gắn với thực tế. Với các mục tiêu về kỹ năng cần yêu cầu HS đạt được ở mức độ phát triển kỹ năng thực hiện các hoạt động một cách đa dạng. Các mục tiêu này đạt được đều thông qua các hoạt động trong và ngoài nhà trường nhằm hình thành cho HS năng lực chung, năng lực chuyên môn và năng lực đặc biệt (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
- Về nội dung bài học: Lựa chọn sắp xếp nội dung dạy học (thường lựa chọn nội dung trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng bộ môn cấp THCS) cần xây dựng được các hoạt động cụ thể như chủ đề, nhiệm vụ đa dạng gắn với thực tiễn (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
- Chuẩn bị về PTDH: GV chuẩn bị các thiết bị dạy học (tranh ảnh, mô hình, hiện vật, hoá chất), các phương tiện dạy học (máy chiếu, TV, đầu video, máy tính, máy projector) và tài liệu dạy học cần thiết; Hướng dẫn HS chuẩn bị bài học (soạn bài, làm bài tập, chuẩn bị tài liệu và đồ dùng học tập cần thiết).
- Chuẩn bị về PPDH:
+ GV ở các môn học cần áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh, trong đó GV đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho HS, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích các em tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để phát triển (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
+ GV chủ yếu là người tổ chức, hỗ trợ học sinh tự lực và tích cực lĩnh hội tri thức. Chú trọng sự phát triển khả năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp. Chú trọng sử dụng các quan điểm, phương pháp dạy học thí nghiệm, thực hành (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
- Về hình thức tổ chức dạy học theo định hướng PTNL HS:
+ Hầu hết các hoạt động được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lí thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
+ GV cần tổ chức hình thức học tập đa dạng; chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
+ Một số hoạt động GV tổ chức thực hiện trong một tiết học: Hoạt động trải nghiệm (khởi động); Hoạt động hình thành kiến thức; Hoạt động luyện tập; Hoạt động vận dụng; Hoạt động bổ sung (mở rộng).
- Hướng dẫn các hoạt động tiếp nối: xác định những việc HS cần phải tiếp tục thực hiện sau giờ học để củng cố, khắc sâu, mở rộng bài cũ, hoạt động ứng dụng kết quả bài học vào cuộc sống (ở lớp, nhà, cộng đồng; có thể cùng bạn, gia đình, làng xóm, khu phố) hoặc để chuẩn bị cho việc học bài mới.
1.3.3. Hoạt động học của HS theo định hướng phát triển năng lực HS
Các trường rất quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy trong đó chú trọng đến HĐ học của HS bao gồm các hành động với tư liệu DH, sự trao đổi, tranh luận với nhau và sự trao đổi với GV. Hành động học của HS với tư liệu HĐDH là sự thích ứng của HS với tình huống học tập đồng thời là hành động chiếm lĩnh, xây dựng tri thức cho bản thân mình. Sự trao đổi, tranh luận giữa HS với nhau và giữa HS với GV nhằm tranh thủ sự hỗ trợ xã hội từ phía GV và tập thể HS trong quá trình chiếm lĩnh tri thức (Bùi Thị Hương, 2012).
Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống), được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hoá của kĩ thuật số. Hoạt động học với vai trò chủ động của HS là sự tự điều khiển tối ưu quá trình tiếp thu (lĩnh hội) một cách tự giác, tích cực, tự lực nội dung hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà GV truyền đạt nhằm phát triển và hình thành nhân cách HS. Hoạt động học do HS làm chủ thể và tác động vào đối tượng là nội dung kiến thức mới chứa đựng trong tài liệu học tập (Trần Thị Hương, 2012).
Tích cực học tập thể hiện ở chỗ: Hưởng ứng và thấy rõ bổn phận thực hiện những yêu cầu đặt ra trong tình huống học tập; chịu khó suy nghĩ trả lời câu hỏi, tự giác thực hiện các hoạt động dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo để có được những tri thức mới, nhận thức mới và kỹ năng mới; đồng thời quyết tâm hoàn thành công việc của mình, hợp tác cùng bạn học để hoàn thành mục tiêu học tập. Tính tích cực, tự giác, chủ động của HS trong hoạt động học tập không chỉ là làm theo những gì được GV yêu cầu mà hơn thế, mỗi HS còn biết xây dựng cho riêng mình về kế hoạch nhiệm vụ học tập và thực hiện tốt theo kế hoạch, biết nhìn nhận một số vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau; biết đặt ra những giả thuyết khi phải xử lí một tình huống; không máy móc áp dụng những quy tắc phương pháp đã biết, những gì đã có vào những tình huống mới (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2013).
Trong hoạt động học của HS luôn sử dụng năng lực chung, năng lực chuyên môn và năng lực đặc biệt của HS, các em có thể tiếp nhận tri thức thông qua cách thức tự học, giao tiếp, hợp tác giải quyết vấn đề, tính toán, tìm hiểu suy luận các vấn đề, sự kiện liên quan, sử dụng công nghệ thông tin truyền thông, hoạt động thực tiễn. Hoạt động học của HS theo định hướng phát triển năng lực là hoạt động mang tính tự tích lũy năng lực chung, năng lực chuyên môn và phẩm chất dưới sự hướng dẫn và tổ chức sư phạm của GV (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
Hình 1.2. Tổng hợp các năng lực, phẩm chất của học sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2019).
1.3.4. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS theo định hướng phát triển năng lực HS
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS theo định hướng PTNL HS song hành với quá trình dạy học theo hướng PTNL HS cần có chương trình giáo dục theo hướng PTNL HS:
Hình 1.3. Các yếu tố đồng bộ trong quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS(Phạm Thị Hà, 2014).
Mục tiêu kiểm tra, đánh giá là một phần không thể thiếu được của quá trình