1.2.2.1. Một số đặc điểm tâm lý học sinh THCS
a. Đặc điểm nhận thức
Ở lứa tuổi thiếu niên, các em bắt đầu hòa mình vào thế giới mới, thế giới của người lớn với biết bao điều mới lạ dẫn đến việc các em rất thích khám phá, óc tò mò, ham hiểu biết cũng tăng lên nhanh chóng. Nhận thức của các em bắt đầu có sự phát triển tương đối
mạnh mẽ với đặc trưng nổi bật là tính mục đích, tính chủ định trong tất cả các quá trình nhận thức: tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng.
Tri giác
Tri giác ở lứa tuổi thiếu niên bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ: tri giác có chủ định dần thay thế tri giác không chủ định, các loại tri giác không gian, thời gian, tri giác vận động, tri giác con người cũng tăng lên rõ rệt về chất lượng. Các em tri giác có trình tự, có mục đích, có kế hoạch và hoàn thiện hơn so với nhi đồng. Sự phát triển tri giác này tạo tiền đề cho việc phát triển năng lực cảm xúc – xã hội ở lứa tuổi thiếu niên, giúp quá trình nhận thức bản thân và nhận thức xã hội ở các em trở nên chính xác, khách quan hơn. Tuy phát triển mạnh nhưng nhìn chung tri giác của các em vẫn còn chưa hoàn thiện, thể hiện qua những hạn chế như: tính hấp tấp, vội vàng, tính tổ chức, tính hệ thống tri giác còn yếu. Những hạn chế này có thể dẫn đến việc các em tri giác không đầy đủ, thiếu chính xác hoặc thậm chí sai lệch đi nội dung cần tri giác [17].
Tư duy
Bước sang lứa tuổi THCS, tư duy của các em đã có những thay đổi quan trọng, từ tư duy hình tượng - cụ thể sang tư duy trừu tượng. Thế nhưng, tư duy hình tượng - cụ thể vẫn tiếp tục phát triển, giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc tư duy ở đầu cấp THCS. Cho đến những năm cuối cấp, tư duy trừu tượng mới dần phát triển mạnh mẽ. Khả năng phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa và khái quát hóa phát triển mạnh. Khả năng hiểu được các khái niệm không gian và thời gian một cách chính xác hơn, hiểu và sử dụng được các kí hiệu, biểu tượng, ẩn dụ... Các em có khả năng phân tích tài liệu khá đầy đủ, sâu sắc, biết phân biệt những dấu hiệu bản chất và không bản chất, nhận biết được mối liên hệ, quan hệ của sự vật hiện tượng, tuy nhiên vẫn có nhiều em còn hay nhầm lẫn. Có trường hợp các em dù nắm được các dấu hiệu bản chất của đối tượng nhưng lại không phân biệt được những dấu hiệu đó trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau [17].
Thực tế cho thấy tư duy của lứa tuổi thiếu niên phát triển không đồng đều. Có những em phát triển tư duy đạt chuẩn hay vượt chuẩn của độ tuổi tuy nhiên cũng có những em còn bộc lộ nhiều hạn chế trong tư duy như: học bài nhưng không hiểu bài, chỉ nhận biết
được dấu hiệu bên ngoài của khái niệm hay hiểu bản chất của khái niệm nhưng lại không phân biệt được nó trong những trường hợp khác nhau, một số em còn gặp khó khăn khi phân tích mối liên hệ nhân quả.
Từ những phân tích trên, có thể thấy sự phát triển tư duy ở lứa tuổi THCS có tác động mạnh mẽ đến năng lực cảm xúc – xã hội của các em. Khả năng phân tích, suy luận, phê phán trong tư duy góp phần quan trọng trong việc giúp các em nhận thức bản thân, nhận thức xã hội một cách khách quan, biết tôn trọng sự đa dạng, biết phân tích vấn đề, cân nhắc, đánh giá hiệu quả, từ đó đưa ra những quyết định mang tính trách nhiệm ở lứa tuổi này.
Tưởng tượng
Ở lứa tuổi thiếu niên, tưởng tượng có chủ định phát triển mạnh, khả năng sáng tạo các hình ảnh mới trong tưởng tượng rất đa dạng, óc tưởng tượng vô cùng phong phú. Các em có nhiều mơ mộng, ước mơ tuy nhiên đôi khi lại rất viển vông và xa rời thực tế. Nhiều em muốn trở thành thần tượng, người nổi tiếng, anh hùng, siêu nhân. Các em thích chơi game, đọc truyện, xem phim và đắm mình vào các nhân vật trong đó. Đôi khi những nhân vật các em thần tượng lại là tên ăn cướp, sát thủ, tay đua xe, quái vật... dẫn đến việc các em có những hành vi bắt chước khá tiêu cực như bạo lực với bạn bè, ăn cắp, đua xe, hút thuốc... Nhiều em thích chơi game để xây dựng nhân vật của riêng mình và đồng hóa với chính các em (ví dụ như các em hay gọi tên nhau như trong game, nói năng cư xử và cho mình quyền lực như nhân vật “ảo” của các em) [17].
Nhìn chung các em đã biết xây dựng cho mình những hình mẫu lý tưởng nhưng còn mang tính viển vông, xa rời thực tế. Cuối tuổi thiếu niên, hình mẫu lý tưởng mới trở nên thiết thực hơn, có tác dụng thúc đẩy các em vươn lên.
Tưởng tượng ảnh hưởng đến năng lực cảm xúc – xã hội của các em, thông qua tưởng tượng, các em phát triển, xây dựng hình ảnh bản thân mình, từ đó biết điều khiển những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi cho phù hợp với hình tượng xây dựng.
Đặc điểm nổi bật trong sự phát triển chú ý của lứa tuổi thiếu niên là tính chủ định đã được tăng cường, cùng với sự phát triển về chất các thuộc tính cơ bản của chú ý so với tuổi nhi đồng. Sức tập trung chú ý cao hơn, lâu hơn. Sự phân tán chú ý ít hơn, khả năng duy trì chú ý được bền vững hơn.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy khối lượng chú ý ở thiếu niên tăng lên rõ rệt, khả năng di chuyển chú ý từ đối tượng này sang đối tượng khác, từ thao tác này sang thao tác khác, từ hoạt động này sang hoạt động khác được tăng cường rõ rệt.
Tính lựa chọn trong chú ý cũng được thể hiện rõ ở lứa tuổi thiếu niên. Tùy vào tính chất của đối tượng và mức độ hứng thú của các em với các đối tượng đó mà các em có những biểu hiện chú ý rất khác nhau. Chẳng hạn có những môn học các em không thích, các em sẽ không chú ý, không tập trung, hay quên nhưng ở những giờ học các em có hứng thú thì các em sẽ học tập rất nghiêm túc và tập trung chú ý cao độ.
Sự phát triển của chú ý đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác, chẳng hạn những ấn tượng và rung động mạnh mẽ, phong phú cũng có thể làm cho chú ý của các em không bền vững. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện học tập, nội dung tài liệu, tâm trạng và thái độ của các em đối với việc học [17].
Việc chú ý đến cảm xúc của mình và của người khác là yêu cầu quan trọng trong đặc điểm tâm lý của học sinh THCS. Điều này dựa trên nền tảng của khả năng chú ý, quan sát, tư duy…
Ngôn ngữ
So với tuổi nhi đồng, ngôn ngữ của thiếu niên bắt đầu phát triển mạnh. Vốn từ tăng lên rõ rệt, đặc biệt là vốn từ khoa học. Khả năng nói, viết, sử dụng ngữ pháp đúng hơn. Các em thích nói những từ trào phúng, từ lóng… Nhiều em có thể làm thơ, viết những truyện ngắn có giá trị.
Tuy nhiên ngôn ngữ của thiếu niên cũng còn những hạn chế: khả năng dùng từ để diễn đạt ý nghĩ còn hạn hẹp, nhiều khi dùng từ chưa chính xác, nhiều em viết lách còn cẩu thả, sai chính tả, sai ngữ pháp. Một số em còn thích dùng những từ hoa mĩ, bóng bẩy, nhưng sáo rỗng, một số em thích sử dụng từ dung tục… [17]. Vì vậy, giáo viên và gia
đình nên chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ của các em để có những biện pháp rèn luyện, uốn nắn thích hợp với yêu cầu giao tiếp cũng như sự chuẩn mực của ngôn ngữ thực hành trong đời sống.
Sự phát triển ngôn ngữ sẽ tạo tiền đề cho khả năng giao tiếp phát triển ở các em học sinh, từ đó giúp các em xây dựng và làm chủ được các mối quan hệ trong cuộc sống. Đó chính là một biểu hiện của năng lực cảm - xã hội ở học sinh THCS.
b. Đặc điểm xúc cảm - tình cảm
Bước sang tuổi thiếu niên, đời sống xúc cảm - tình cảm của các em phát triển mạnh, dần hình thành nên những loại tình cảm cấp cao đa dạng, phong phú, có chiều sâu. Xúc cảm - tình cảm mang tính bồng bột giảm dần đi, nhường chỗ cho các loại xúc cảm - tình cảm biết phục tùng ý chí. Xúc cảm - tình cảm có nhiều thay đổi về nội dung và các hình thức biểu hiện.
Về nội dung:
Các mức độ của đời sống xúc cảm - tình cảm phát triển mạnh, dần hình thành các loại tình cảm cấp cao, được củng cố và phát triển sâu sắc theo năm tháng.
Các loại tình cảm đạo đức: tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè (tình bạn cùng giới,
tình bạn khác giới), tình cảm tập thể… phát triển mạnh. Trong tình cảm gia đình, các em hiểu được công lao cha mẹ, có ý thức phụ giúp cha mẹ. Đối với anh em của mình, trẻ có ý thức nhường nhịn, yêu thương nhau.
Trong tình cảm đối với bạn bè, trẻ biết giúp đỡ nhau, chia sẻ những tâm tình. Hoạt động giao tiếp với bạn bè là hoạt động mang tính chủ đạo ở lứa tuổi này. Do đó giao tiếp
với bạn bè và sự phát triển của tình bạn ở thiếu niên có giá trị rất lớn, nhiều khi giá trị này chiếm hết vị trí của học tập, của quan hệ đối với người thân, ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập và những mối quan hệ khác. Các em có nhu cầu kết bạn rất cao và những mối quan hệ tình bạn dần trở nên sâu sắc, gắn bó với nhau hơn, hình thành những nhóm bạn thân. Người mẹ sẽ cảm nhận sớm nhất cái cảm giác con mình đang tách xa dần khỏi vòng tay của mình. Và chính ở đây dễ xảy ra những thắc mắc, những mâu thuẫn trong giao tiếp giữa mẹ con. Một điều rất đáng quan tâm là quan hệ của thiếu niên và người lớn càng
không suôn sẻ thì sự giao tiếp với bạn bè càng lớn và sự ảnh hưởng đến thiếu niên càng mạnh mẽ. Sự bất hòa trong quan hệ bạn bè cùng tuổi, sự thiếu bạn thân hoặc tình bạn bị phá vỡ đều sinh ra những cảm xúc nặng nề, được đánh giá như một bi kịch của cá nhân.
Trong tình cảm trí tuệ, những rung động liên quan đến nhu cầu nhận thức, nhu cầu
khám phá, phát hiện cái mới được phát triển, vượt ra khỏi lĩnh vực học tập và trường học, đem lại cho thiếu niên nhiều trải nghiệm cảm xúc khác nhau. Nếu ở tuổi nhi đồng, các em đa số chỉ thích đọc truyện, xem hình thì đến tuổi thiếu niên, các em bắt đầu biết tìm đến thư viện để đọc những loại sách khoa học về những vấn đề mà các em quan tâm, hay tìm kiếm thông tin trên báo chí, trên mạng internet để thỏa mãn nhu cầu khám phá của bản thân [17].
Về hình thức biểu hiện:
Điểm đặc trưng trong biểu hiện của đời sống tình cảm trên các phương diện sinh lý, nhận thức, hành vi là tính mâu thuẫn, chưa ổn định, dễ thay đổi. Các trạng thái xúc cảm - tình cảm thường có cường độ khá mạnh, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, cảm xúc tích cực và tiêu cực nhanh chóng thay thế nhau.
Biểu hiện sinh lý:
Thiếu niên dễ mất cân bằng, dễ bị kích động, hay xúc động… Những biểu hiện sinh lý thường theo hướng xung động, quyết liệt khi không được đáp ứng nhu cầu.
Biểu hiện trên phương diện nhận thức:
Thiếu niên nhận biết được các xúc cảm - tình cảm của bản thân, có thái độ nhất định đối với tình cảm của bản thân, biết kiềm chế bản thân. Thiếu niên đã có thể ý thức được các tình cảm của mình và dùng ngôn ngữ mô tả lại các trải nghiệm đó một cách khá chính xác. Đây cũng là một nét mới trong tình cảm của thiếu niên, giúp các nhà giáo dục có thể phân tích được tình cảm của thiếu niên đang ở mức độ nào. Tất nhiên, trong nhận thức của thiếu niên cũng có nhiều mâu thuẫn, dễ thay đổi.
Biểu hiện hành vi, cử chỉ, điệu bộ:
Tất nhiên, xúc cảm – tình cảm còn nhiều mâu thuẫn thì biểu hiện của xúc cảm - tình cảm trên phương diện hành vi, cử chỉ, điệu bộ cũng hay thay đổi. Thiếu niên vừa vui đó,
rồi buồn đó, khi vui thì ồn ào, náo nhiệt, khi buồn thì ủ rũ, lặng thinh. Đối với cha mẹ, vừa mới biểu hiện “ngoan” đó, rồi lại “hư” đó [17].
Tóm lại, đời sống xúc cảm - tình cảm của lứa tuổi thiếu niên chính là sự phát triển mạnh mẽ của các loại tình cảm cấp cao như như tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ. Tuy nhiên, do sự phát triển quá mạnh mẽ nên xúc cảm - tình cảm của thiếu niên khi biểu hiện ra thường có cường độ khá mạnh, chưa ổn định, còn chứa nhiều mâu thuẫn và dễ thay đổi. Vì vậy, trong quá trình giáo dục cần chú ý tác động đến xúc cảm - tình cảm của các em một cách có chừng mực, tránh tạo ra những cơn xúc động mạnh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe hoặc gây ra những hành vi tiêu cực cho bản thân các em và người khác. Muốn được như vậy người giáo dục cần phải biết tôn trọng những nhu cầu và mong muốn chính đáng của thiếu niên, tôn trọng những xúc cảm - tình cảm của các em, tổ chức, hướng dẫn giúp đỡ để nâng cao đời sống xúc cảm - tình cảm được lành mạnh và phong phú hơn.
c. Đặc điểm nhân cách
Trong sự phát triển nhân cách của thiếu niên, cần phải kể đến hai nét cấu tạo tâm lý mới đặc trưng cho lứa tuổi này là “cảm giác mình là người lớn” được biểu hiện rõ trong xu hướng vươn lên làm người lớn và “nguyện vọng hòa mình vào tập thể, tìm một chỗ đứng trong lòng tập thể”. Hai nét cấu tạo tâm lý này có tác động nhất định đến năng lực cảm xúc – xã hội của các em thông qua những biểu hiện cụ thể.
“Cảm giác mình là người lớn” biểu hiện lập trường sống mới của thiếu niên đối với người lớn và thế giới xung quanh. Các em cảm thấy mình không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng chưa phải là người lớn thực sự. Cảm giác mình là người lớn được thể hiện rất phong phú về nội dung và hình thức: về hình thức, các em bắt đầu quan tâm đến cách ăn mặc, đi đứng, nói năng… về nội dung, các em quan tâm đến những phẩm chất và năng lực riêng,... Trong học tập, các em muốn độc lập lĩnh hội tri thức, muốn có lập trường và quan điểm riêng. Trong gia đình và xã hội, các em muốn được độc lập và không phụ thuộc nhiều vào người lớn. Trong giao tiếp các em có nhu cầu được độc lập, được tự khẳng định mình.
Đặc trưng thứ hai trong nhân cách của thiếu niên chính là “nguyện vọng hòa mình vào tập thể, tìm một chỗ đứng trong lòng tập thể”. Ở lứa tuổi này, các em có nhu cầu kết
bạn rất cao, khao khát tìm kiếm một vị trí trong lòng bạn bè sẽ biến thành động cơ chủ đạo trong các hành động của thiếu niên. Nếu không tìm được vị trí thích hợp, thiếu niên thường khó thích nghi với đời sống xã hội và dễ có hành vi lệch chuẩn (L.I. Bagiôvich) [17].
Ngoài hai nét đặc trưng trên, sự phát triển nhân cách thiếu niên còn có những đặc điểm nổi bật:
*Sự hình thành tự ý thức của thiếu niên
Sự phát triển của tự ý thức là một trong những phẩm chất nhân cách nổi bật ở tuổi thiếu niên. Thiếu niên có mối quan hệ phong phú với hiện thực xung quanh. Các em ý