2.4.1. Cơ sở đề xuất biện pháp
Nghiên cứu lý luận đã chỉ ra năng lực chính là sự kết hợp của các kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp ở cá nhân để đáp ứng các yêu cầu đặc trưng của hoạt động, đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động. Do vậy, để phát triển một năng lực nào đó, cần tập trung vào các thành tố của nó, cụ thể đó chính là việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của năng lực cảm xúc – xã hội được thể hiện qua các mặt: Nhận thức bản thân; Làm chủ bản thân; Nhận thức xã hội; Làm chủ các mối quan hệ; Quyết định có trách nhiệm…
Bên cạnh đó, khi phân tích những đặc điểm của năng lực cảm xúc – xã hội ở học sinh THCS đã chỉ ra năng lực này chịu sự ảnh hưởng bởi những nét tâm lý đặc trưng của lứa tuổi thiếu niên. Sự phát triển về các mặt nhận thức, tình cảm, ý chí ở lứa tuổi thiếu niên tạo nên những nét độc đáo riêng mà chỉ có ở lứa tuổi này mới được thể hiện rõ nét nhất. Do đó năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh THCS chủ yếu tập trung và được thể hiện thông qua hoạt động chủ đạo của các em là hoạt động giao tiếp bạn bè, học tập, quan hệ với giáo viên và gia đình… Năng lực cảm xúc – xã hội còn thể hiện một cách độc đáo ở từng cá nhân học sinh tùy thuộc vào những điều kiện về thể chất, tinh thần, môi trường, văn hóa, giáo dục…
Năng lực cảm xúc – xã hội có thể được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động giáo dục tại gia đình, nhà trường và xã hội, thể hiện vai trò quan trọng của người giáo viên và phụ huynh học sinh. Học sinh cũng có thể tự lĩnh hội và phát triển năng lực này trong những môi trường tích cực để có thể vận dụng thuần thục và hiệu quả trong cuộc sống.
2.4.1.2. Cơ sở thực tiễn
Kết quả khảo sát năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh một số trường THCS tại TP.HCM cho thấy:
- Năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh THCS theo thang đo SDQ có ĐTB = 3.63, thuộc mức độ trung bình
- Có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh THCS trên phương diện giới tính, trường học và khối lớp
- Năng lực cảm xúc – xã hội biểu hiện rõ nhất ở mặt “Nhận thức bản thân” (ĐTB = 3.57, thuộc mức độ thường xuyên), thấp nhất là “Làm chủ bản thân” (ĐTB = 2.91, thuộc mức thỉnh thoảng).
Dựa vào cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, người nghiên cứu đề xuất một số biện pháp phát triển năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh THCS tại TP.HCM theo 4 nhóm tác động chính:
- Nhóm biện pháp tác động đến nhận thức - Nhóm biện pháp tác động đến kỹ năng - Nhóm biện pháp tác động đến thái độ - Nhóm biện pháp xây dựng điều kiện hỗ trợ
2.4.2. Các nhóm biện pháp phát triển năng lực cảm xúc – xã hội 2.4.2.1. Nhóm biện pháp tác động đến nhận thức
Mục đích
- Giúp các em nhận thức đầy đủ về năng lực cảm xúc – xã hội và biết cách phát triển năng lực này nhằm giúp ích cho các em trong cuộc sống và thành công sau này - Giúp các em có thêm những tri thức khoa học, những hiểu biết về các chuẩn mực xã
hội, giá trị cuộc sống.
Cách thực hiện
Học sinh cần chủ động trong việc cập nhật những kiến thức về năng lực cảm xúc – xã hội bằng những phương thức như đọc sách chuyên đề, nghe báo cáo, tham dự những hoạt động trải nghiệm… để phát triển bản thân mình, có phương pháp tự rèn luyện những phẩm chất còn hạn chế.
Tận dụng những phương tiện truyền thông như ti vi, sách báo, internet… và các công cụ hỗ trợ như: test, trắc nghiệm uy tín để tăng thêm sự hiểu biết về năng lực, tính cách cũng như những ưu – khuyết điểm của bản thân.
Các em cần cởi mở trong việc trò chuyện, trao đổi với bạn bè, ba mẹ hay thầy cô về những vấn đề cá nhân như: hình thức bên ngoài, mong muốn, hứng thú, lý tưởng, tính
cách, năng lực hay vai trò trách nhiệm của mình trong các mối quan hệ nhằm phát triển nhận thức một cách toàn diện.
Bên cạnh đó, việc dung nạp thêm những tri thức khoa học cũng sẽ giúp các em có cái nhìn khách quan hơn trong cuộc sống khi bản thân được mở rộng hiểu biết và trải nghiệm với nhiều góc nhìn khác nhau. Những hiểu biết về chuẩn mực xã hội, giá trị cuộc sống cũng cần thiết trong việc xây dựng tinh thần kỷ luật và nhận thức vấn đề đúng đắn ở học sinh, giúp các em biết phân tích vấn đề và ra quyết định có trách nhiệm hơn.
2.4.2.2. Nhóm biện pháp tác động đến kỹ năng
Mục đích
- Bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết cho các em trong học tập và giao tiếp
- Phát triển những kỹ năng kiểm soát cảm xúc, hành vi góp phần giúp các em vượt qua những khủng hoảng trong tâm lý lứa tuổi
Cách thực hiện
Chủ động bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng lắng nghe để giúp các em giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ tốt hơn với mọi người xung quanh, điều này sẽ giúp các em hạn chế được những mâu thuẫn không đáng có trong giao tiếp, các em biết cách ứng xử, làm việc cùng nhau, biết cảm thông và chia sẻ, từ đó mà năng lực cảm xúc – xã hội của các em sẽ dần được nâng cao.
Rèn luyện các kỹ năng xác lập mục tiêu, kiểm soát cảm xúc, hành vi, kỹ năng đánh giá, phân tích vấn đề, rút kinh nghiệm sẽ giúp các em trở nên độc lập và tự tin với những quyết định của mình. Các em hiểu hơn về bản thân, những xúc cảm, những rung động và có hướng ứng xử phù hợp, hạn chế những hành vi lệch chuẩn. Các em biết cách xác định mục tiêu và những bước đi để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Điều này sẽ khiến các em bản lĩnh hơn trong quá trình học tập và cuộc sống của các em sau này.
Bên cạnh việc dung nạp kiến thức, cần có những hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao các kỹ năng sống cần thiết cho các em. Giúp các em có thêm trải nghiệm về những giá trị của cuộc sống, cân bằng hơn trong suy nghĩ, cảm xúc và hành động.
2.4.2.3. Nhóm biện pháp tác động đến thái độ
Mục đích
- Giúp các em có thái độ tích cực, khách quan trong suy nghĩ và hành động
- Các em cần nhận biết được ý nghĩa của việc thể hiện những thái độ tích cực và ảnh hưởng của chúng đến các mối quan hệ xung quanh và thành công sau này.
Cách thực hiện
Các em cần học cách tôn trọng người khác, tôn trọng những quan điểm khác nhau. Thông qua các tình huống ứng xử, gia đình và nhà trường cần có phản hồi và góp ý tích cực để các em nhận thức, tự giáo dục và hoàn thiện mình.
Thông qua các chương trình giáo dục, các môn học,… cần có các bài tập tình huống, các chủ đề để rèn luyện tính khách quan trong đánh giá của các em, giúp các em nhìn nhận sự việc một cách đa diện, nhiều chiều, từ đó có thái độ cảm thông, chân thành trong việc góp ý xây dựng và hành vi tích cực.
Thái độ tích cực còn có thể được hình thành và phát triển thông qua những mối quan hệ giao tiếp tích cực xung quanh các em. Giáo viên và phụ huynh học sinh cần là tấm gương để phản ánh những thái độ tích cực, góp phần định hình quan điểm, lý tưởng của các em về thế giới quan.
2.4.2.4. Nhóm biện pháp xây dựng điều kiện hỗ trợ
Mục đích
- Tạo môi trường tích cực tại gia đình và nhà trường
- Xây dựng các điều kiện, công cụ, nguồn lực hỗ trợ cho quá trình phát triển, giáo dục năng lực cảm xúc – xã hội ở các em.
Cách thực hiện
Nhà trường có thể giúp học sinh trong việc phát triển năng lực cảm xúc – xã hội ở những hành động cụ thể như: Trang bị những đầu sách về năng lực cảm xúc – xã hội tại thư viện, tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề về năng lực cảm xúc – xã hội nhằm nâng cao hiểu biết của các em về năng lực này, định hướng các em trong việc tự rèn luyện và phát triển năng lực một cách hiệu quả thông qua những hướng dẫn cụ thể.
Trường học cần có phòng tham vấn để giúp các em giải tỏa những gút mắc, những khó khăn về mặt tinh thần mà em đang gặp phải. Cần tổ chức đánh giá và tìm hiểu những trường hợp đặc biệt nhằm có kế hoạch can thiệp và phát triển riêng cho các em.
Đội ngũ giáo viên phải là những tấm gương, người hướng dẫn chủ chốt trong việc giáo dục năng lực cảm xúc – xã hội cho các em học sinh. Giáo viên cần được đào tạo và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc giảng dạy, tạo môi trường học tập an toàn cho các em được thể hiện bản thân một cách tích cực, phát huy tinh thần tự giác, sáng tạo.
Gia đình cần tạo môi trường an toàn để các em có thể thoải mái sẻ chia, cảm nhận được tình yêu thương một cách toàn vẹn. Điều này sẽ giúp đời sống tình cảm của các em được phát triển một cách đầy đủ. Các em biết cách yêu thương và tôn trọng mọi người xung quanh.
Gia đình cần quan tâm đến con cái của mình và hiểu về những khó khăn mà các con đang gặp phải, nhất là trong giai đoạn đầy biến động của lứa tuổi thiếu niên. Việc giáo dục con cái cần được lưu tâm và xây dựng trên tinh thần tôn trọng, đồng hành cùng các em trong việc lĩnh hội những chuẩn mực đạo đức, những giá trị trong cuộc sống, truyền thống, nếp sống của gia đình.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh THCS theo thang đo SDQ có ĐTB = 3.63, thuộc mức độ trung bình. Có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh THCS trên phương diện giới tính, trường học và khối lớp.
Năng lực cảm xúc – xã hội biểu hiện rõ nhất ở mặt “Nhận thức bản thân” (ĐTB = 3.57, thuộc mức độ thường xuyên), thấp nhất là “Làm chủ bản thân” (ĐTB = 2.91, thuộc mức thỉnh thoảng).
Về mặt “Nhận thức bản thân” học sinh nhận biết mình rõ nhất ở vấn đề “Tôi biết được mình có phải là người sống vì cảm xúc hay không” (ĐTB = 4.00, thuộc mức thường xuyên), ít xuất hiện nhất là nội dung “Tôi có thể chia sẻ về niềm tin, lý tưởng, quan niệm sống của mình” (ĐTB = 3.07, thuộc mức thỉnh thoảng).
Về mặt “Làm chủ bản thân”, ĐTB cao nhất là nội dung “Tôi thể hiện cảm xúc tích cực như niềm vui và sự nhiệt huyết để động viên mọi người” (ĐTB = 3.24, thuộc mức thỉnh thoảng), thấp nhất là nội dung “Tôi giữ được bình tĩnh khi một người nào đó xúc phạm mình” với ĐTB = 2.68 (thuộc mức độ thỉnh thoảng).
Về mặt “Nhận thức xã hội”, ĐTB cao nhất ở nội dung “Tôi tin rằng mỗi người đều có những giá trị của riêng mình” (ĐTB = 3.50, thuộc mức độ thường xuyên), thấp nhất ở nội dung “Tôi cảm thấy khó tiếp thu ý kiến trái với mình” (ĐTB = 2.60, thuộc mức hiếm khi). Về mặt “Làm chủ các mối quan hệ”, đứng đầu là nội dung “Tôi có nhiều bạn bè và mọi người thích tâm sự cùng tôi” có ĐTB = 3.33, thuộc mức độ thường xuyên. Thấp nhất là nội dung “Tôi thường để ý đến cảm xúc của người khác khi muốn yêu cầu điều gì” (ĐTB = 2.76, thuộc mức độ thỉnh thoảng).
Về mặt “Ra quyết định có trách nhiệm” thể hiện rõ ràng nhất qua nội dung “Tôi tự chịu trách nhiệm cho quyết định của mình” có ĐTB = 3.47 (thuộc mức thường xuyên). Còn nội dung “Tôi hành xử mà không cân nhắc đến hậu quả của nó” có ĐTB thấp nhất là 2.78 (thuộc mức thỉnh thoảng).
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận
Năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh THCS là khả năng sử dụng hiệu quả các kiến thức, thái độ, kỹ năng phù hợp để thấu hiểu và quản lý cảm xúc, thiết lập và hoàn thành mục tiêu, cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm với người khác, xây dựng, củng cố các mối quan hệ tích cực và ra quyết định có trách nhiệm, tạo bước tiến cho thành công sau này của học sinh.
Khảo sát 421 học sinh cho kết quả mức độ năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh theo thang đo SDQ có ĐTB = 3.63, trong đó các yếu tố về cảm xúc, hành vi, tăng động, mối quan hệ hay hành vi xã hội đều có trên 70% thuộc mức độ trung bình và giữa các yếu tố tỷ lệ % mức độ trung bình cũng như ĐTB chênh lệch không nhiều. Từ đó, có thể kết luận mức độ năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh THCS chủ yếu thuộc mức trung bình. Có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh THCS trên phương diện giới tính, trường học và khối lớp. Bên cạnh đó, thang đo cũng cho ta biết được tổng điểm SDQ (tổng điểm số khó khăn) của học sinh THCS có ĐTB = 3.65, tỷ lệ % mức độ trung bình chiếm 79.6%, hơn ¾ khách thể khảo sát. Như vậy, có thể thấy khá nhiều học sinh THCS đều có khó khăn về một hoặc nhiều mặt: cảm xúc, hành vi, tính tăng động và mối quan hệ, nhưng tỉ lệ khó khăn thường vào khoảng 20% mẫu khảo sát.
Về các mặt biểu hiện của năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh rõ ràng nhất là ở mặt nhận thức bản thân, sau đó đến mặt nhận thức xã hội, ra quyết định có trách nhiệm, làm chủ các mối quan hệ và cuối cùng là làm chủ bản thân. Phân tích sâu ở các mặt cho thấy biểu hiện năng lực cảm xúc – xã hội của thiếu niên mang đặc trưng tâm lý của lứa tuổi khá rõ.
Phát triển năng lực cảm xúc – xã hội ở lứa tuổi THCS cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và quan trong hơn hết chính là sự nỗ lực của bản thân các em. Một số biện pháp được đề ra như: học sinh cần chủ động trong việc tìm hiểu và rèn luyện năng lực cảm xúc – xã hội bằng việc tiếp những thu tri thức khoa học, phát triển những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp và cuộc sống, có thái độ tôn trọng và khách quan trong đánh giá;
nhà trường và gia đình cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các em trong việc rèn luyện năng lực cảm xúc – xã hội, tạo môi trường tích cực để các em được thể hiện bản thân, điều này sẽ giúp các em trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trong các mối quan hệ và có hành vi ứng xử phù hợp.
2. Kiến nghị
Xuất phát từ kết quả nghiên cứu của đề tài, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị sau:
2.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cần có nhiều nghiên cứu về năng lực cảm xúc – xã hội trên đối tượng học sinh, trên cơ sở đó xây dựng nội dung, phương pháp giáo dục thích hợp, tạo điều kiện để học sinh được rèn luyện và phát triển năng lực cảm xúc – xã hội vì đây là yếu tố quan trọng mang lại thành công và hạnh phúc cho các em sau này.
Cần có những chỉ đạo lồng ghép phát triển năng lực cảm xúc – xã hội cho học sinh THCS thông qua việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như triển khai chương trình này theo định hướng phát triển năng lực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có chủ trương trong việc áp dụng mô hình SEL nhằm giáo dục năng lực cảm xúc – xã hội cho các em học sinh THCS nói riêng và học