Vấn đề nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 27 - 30)

6 Trần Ngọc Tuấn, Giọng điệu nghệ thuật trong truyện ngắn Nam Cao, Luận văn tốt nghiệp, TP.Hồ Chí Minh 1997.

2.2. Vấn đề nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn

Từ những điều khảo sát trên, chúng ta thấy rằng tác phẩm văn học nói chung không thể thiếu một yếu tố quan trọng, đấy là nhân vật. Đây cũng chính là yếu tố khiến truyện ngắn thành công. Nói như nhà văn Vũ Thị Thường: Truyện ngắn sống bằng nhân vật. Do đó vấn đề xây dựng nhân vật trong truyện ngắn được quan tâm và được đề cập theo thiên hướng của mỗi người cầm bút. Song, có thể tập trung vào mấy đặc điểm sau:

Trước hết, nhân vật trong truyện ngắn không được xây dựng hoàn chỉnh như trong tiểu thuyết. Nếu như trong tiểu thuyết, nhân vật được miêu tả trong quá trình của một đời người trong quan hệ của nhiều sự kiện, nhiều vấn đề chồng chéo, đan xen thì ở truyện ngắn, nhân vật chỉ thể hiện rõ mình "vào một tình thế phải bộc lộ cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại." P6F

7

P Như vậy, nhân vật trong truyện ngắn phải được xây dựng gắn với tình huống đặc biệt, tạo ấn tượng với hàng loạt chi tiết đậm đặc của đời sống. Cuộc đời của nhân vật theo ý nghĩa một đời người, nếu có, chỉ là những nét phác thảo đơn sơ, còn đặc biệt chỉ tập trung vào một thời điểm bất ngờ, đó là giây phút nhân vật phát hiện ra mình là ai, tạo điểm xoáy trong tâm trí người đọc.

Bởi truyện ngắn là một thể loại yêu cầu cao về tính cô đúc và phải đạt được dung lượng nghệ thuật thật cao, cho nên số lượng nhân vật phải được chọn lựa nghiêm ngặt. Tiểu thuyết có thể xây dựng một hệ thống nhân vật dày đặc của cả một xã hội rộng lớn (nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi, trong Tấn trò đời của H. Banzac, trong tiểu thuyết Minh Thanh...) nhưng truyện ngắn thì chỉ có một đến hai nhân vật có cá tính đặc sắc. Nhân vật trong truyện ngắn là những con người bình thường như mọi người với những mơ ước đời thường, giản dị, sống gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ, được nhà văn phát hiện dưới góc nhìn mới lạ, tinh tế. Thi thoảng cũng xuất hiện những nhân vật không bình thường với một tính cách, một

hoàn cảnh rất đặc biệt gây dấu ấn khó quên.

Nhân vật trong truyện ngắn không phức tạp theo kiểu truyện dài nhưng người đọc cảm thấy nó không đơn giản. Điều đó được tập trưng thể hiện ở việc biểu hiện nội tâm. Do giới hạn của dung lượng truyện ngắn, nhân vật thường ít đối thoại mà nếu có thể thì "một mảnh con người họ tồn tại ở đây, đang đối thoại, song con người đích thực và toàn vẹn có khi không xuất hiện qua đối thoại."9 Độc thoại nội tâm thường được dùng như một thủ pháp đặc biệt quan trọng để khắc họa nhân vật trong truyện ngắn, có khi nó là biến thể của đối thoại: đối thoại với chính mình. Biểu hiện nội tâm còn được thể hiện qua những chuỗi hồi ức lẫn lộn, đan xen, qua những giấc mơ và qua quá trình tự phân thân của nhân vật. Chính lúc này, nhân vật mới thể hiện mình rõ nhất, sống đúng với mình nhất, từ đó bộc lộ tính cách và lý giải được hành động của mình.

Xây dựng nhân vật trong truyện ngắn, nhà văn còn chọn lọc ngôn ngữ, hành động và ngoại hình nhân vật sao cho giản dị nhưng ấn tượng và sắc nét nhất. Trong một tác phẩm, "chữ không phải là cái áo, chữ là làn da, dưới làn da có hàng nghìn mạch máu li ti lưu thông từ tim đến", do vậy, việc khắc họa nhân vật để tạo chỗ đứng trong lòng người đọc là cả một vấn đề. Thông thường, ở truyện ngắn, ngoại hình nhân vật là những nét chấm phá, song nó có thể phác thảo sơ bộ về nhân vật; hành động và ngôn ngữ của nhân vật không bề bộn, dày đặc như tiểu thuyết mà chỉ tập trung vào những tình tiết cần thiết để làm rõ chủ đề của tác phẩm.

Truyện ngắn rất coi trọng nhân vật người kể chuyện, đó là thủ pháp xây dựng nhân vật ở ngôi thứ nhất của nhà văn. Điều này cho phép tác giả chỉ kể những gì mình biết, bỏ qua những gì không biết hoặc do điều kiện nào đó không thể biết được. Đây thường là loại nhân vật có cá tính và câu chuyện được gầy dựng bởi nhân vật này dễ đạt đến sự thật một cách đầy đặn nhất.

Điều cuối cùng là dù nhân vật có được xây dựng theo kiểu nào thì cũng đều mang đậm dấu ấn của tác giả, "ở đó giọng nói của người kể chuyện phải hòa lẫn với giọng điệu của nhân vật ngay tại cái vỏ của ngôn từ." Nhân vật có thể có một cuộc

đời riêng, đối lập với nhà văn nhưng cuối cùng đều phục vụ cho vấn đề tư tưởng của truyện và chủ ý của tác giả.

Vấn đề mở ra là truyện ngắn ngày nay càng có xu hướng tiến gần tới tiểu thuyết. Vì vậy cuộc sống phức tạp càng được thể hiện bộn bề trong những câu chữ cô đúc của truyện ngắn. Điều đó cũng lý giải rằng, nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn không phải bó hẹp trong khuôn khổ, nguyên tắc cứng nhắc nào mà ngược lại nó uyển chuyển, linh động như dòng chảy vốn có của cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)