Nhân vật tính cách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 44 - 48)

3. Căn cứ vào cấu trúc nội dung nhân vật, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu xây dựng các loại nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng

3.2 Nhân vật tính cách

Không dừng lại ở việc xây dựng các nhân vật loại hình, Nguyễn Minh Châu hướng sự tìm tòi, khám phá con người trong hiện thực đời sống phức tạp. Trong mạch chảy bộn bề ấy, nhà văn đã lẩy ra những nhân vật dù rất bình thường nhưng mang dấu ấn riêng. Họ chính là họ, không lẫn với ai khác, điều đó được thể hiện qua tính cách nhân vật mà cốt lõi là cá tính độc đáo, khắc họa đậm đặc trong những tình huống, những thời điểm mà đời sống nhân vật phong phú, sinh động và cụ thể nhất.

Loại hình nhân vật này không phải là khám phá mới mẻ nhưng nó vẫn cứ là sự theo đuổi thú vị của những ngòi bút luôn trăn trở, tìm kiếm, vượt qua mình ngày hôm qua. Chúng ta vẫn biết rằng, hơn hai trăm năm qua, truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du mãi in sâu trong lòng người đọc. Ở đó, các nhân vật như đang vận động,.sinh hóa, sống với cuộc sống thực tại của cuộc đời chứ không phải là hình ảnh bất động trong trang thơ. Một yếu tố quan trọng tạo nên sự tồn tại đó là sức sống mãnh liệt của mỗi nhân vật thể hiện qua tính cách của mình. Đây là một Hoạn Thư - cô tiểu thư con quan lại bộ vừa thông minh, sắc sảo lại vừa có cái tàn ác, nham hiểm của con nhà quý tộc "bề ngoài thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không dao". Đấy là một cô Kiều có tâm hồn nhạy cảm và trái tim chan chứa tình thương khi nhỏ lệ khóc Đạm Tiên, là một cô gái nhu mì đức hạnh nhưng chủ động khẳng định tình yêu, là

người dám tự quyết bán mình chuộc cha và em và mười lăm năm lưu lạc cũng biến Kiều thành một người chai sạn, dạn dầy kinh nghiệm. Cái cá tính độc đáo ấy tạo cho Kiều những tố chất mạnh mẽ và khả năng chống chọi với thói đời luôn tàn nhẫn với người. Bên cạnh, còn có Mã Giám Sinh, Tú Bà..., còn có Kim Trọng, Từ Hải... mỗi nhân vật đều có tính cách riêng hình thành nên phẩm chất đạo đức không thể lẫn lộn với người khác. Với ngòi bút Nam Cao, nhân vật Chí Phèo nghênh ngang bước vào trang văn trong những cơn say dài và những tiếng chửi choáng ngợp, với bao nhiêu phá phách và sự hành hạ thể xác, tinh thần mình. Một con người gánh chịu quá nhiều bất công đã bộc phát vùng lên chống trả. Việc đâm chết Bá Kiến và tự kết thúc đời mình là hệ quả tất yếu của một quá trình phát triển tính cách đi đến sự tự ý thức về mình.

Nhân vật tính cách trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu thấp thoáng trong dòng đời xuôi ngược. Đó là cậu bé Phác (Chiếc thuyền ngoài xa) rất mực thương yêu mẹ đã phản ứng gay gắt trước sự thô bạo của người cha. Nó lao vào giằng lấy chiếc thắt lưng mà lão đàn ông ấy dùng để đánh mẹ nó, và "thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng", chấp nhận lãnh hai cái tát tai làm nó lảo đảo ngã dúi xuống đất. Từ một đứa bé thân mật, dễ gần gũi, nó đâm ra xa lạ, thù ghét người đã biết được cái bí mật bất hạnh của gia đình nó - một con người tự trọng. Từ sự câm lặng, lạnh lùng không một lời lý giải dần hình thành trong Phác một quyết định táo bạo: thủ dao để đâm người cha tàn ác và khốn khổ ấy. Tuy là một đứa bé nhưng hoàn cảnh khắc nghiệt và cảnh sống ngột ngạt ấy với cá tính bộc trực, gan góc đã tạo cho Phác ý thức bảo vệ người bị áp bức, thành sức mạnh để che chở cho cái yếu đuối mà bản thân người phụ nữ chỉ biết cam chịu chấp nhận.

Đó là Hạnh - một tính cách mạnh mẽ, bướng bỉnh nhưng cũng rất sôi nổi, chủ động, biết bảo vệ tình yêu qua hành động "đánh ghen" khi mới ở tuổi 15, khi ý thức được rằng mình bị chạm vào điều "sở hữu" thiêng liêng. Đấy là việc Hạnh đã hất thẳng gàu nước vào mặt cô gái đã lẳng lơ, chọc ghẹo An: "Em giặt áo cho anh An nhé!", rồi chạy vào giữa bầy trâu đứng thủ thố. Một "con nhóc tản cư" mà lại dám "đành hanh, láo xược, táo tợn" làm tẽn tò các cô gái lớn ấy quả là một điều khó ngờ!

Chi tiết này đã lý giải được tình cảm son sắc của Hạnh dành cho An(Thụy) trong suốt 30 năm nhưng rất thầm kín và pha chút lạnh lùng.

Trong truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành , Quỳ là một nhân vật có cá tính mới lạ, có thể nói là cá biệt, là tâm điểm thu hút nhiều sự chú ý. Chị là một người phụ nữ rất sôi nổi, nhiệt tình, chân thành quan tâm tới mọi người, lại là người rất đa năng, giỏi giang và sốt sắng. Thế nhưng, chính khả năng đặc biệt đó, tạo cho chị một đòi hỏi cao đến mức rồ dại: người chị yêu không là con người đang sống giữa cuộc đời thường mà phải là một thánh nhân! Cái bàn tay "dấp dính và lạnh lùng" của người yêu lại là nguyên nhân chính để chị từ bỏ mối tình say đắm để rồi đến lúc sắp mất anh, tình yêu cuồng nhiệt ây mới có dịp bùng lên nhưng tất cả sự níu kéo của chị đã muộn màng. Chính sự mất mát của người yêu và của biết bao đồng đội đã dành tình cảm cho chị nhưng không được đáp lại, chị nhận chân ra nhiều điêu, đã thay đổi hắn cách đáng giá, nhìn nhận về con người. Quyết định lấy kỹ sư Ph để đưa một con người tội lỗi, chối bỏ cuộc đời trở về với cuộc sống đích thực và đóng góp cho đời là cả một quá trình trải nghiệm cuộc sống của một tính cách sinh động ấy. Quỳ là một nhân vật điển hình của con người luôn khao khát trăn trở đi tìm bản ngã đích thực của mình.

Lão Khúng trong Khách ở quê ra là một nhân vật rất có cá tính, rất "lão Khúng". Đây là một con người rất ngang tàng. Sự ngang tàng của lão Khùng bắt đầu từ việc ngang nhiên nhặt về làng một mụ đàn bà có chửa về làm vợ mình; ngang nhiên làm nhà trên đất đình làng, là nơi tôn nghiêm với những tập tục khắt khe; dám một mình đưa vợ con đến vùng đất rừng sâu ma thiêng nước độc để bới đất, nhặt đá, xua hổ, vạch rừng..., tạo dựng một cuộc sống mới có của ăn của để. Lão Khúng là người có công trong việc khai phá đầy gian nan mảnh đất "chó ăn đá gà ăn sỏi" này. Bên cạnh, lão Khúng còn là đại diện cho những người nông dân cũ cắm rất sâu vào các tầng đất trong quá khứ, một con người rất bảo thủ với những nếp suy nghĩ lâu đời. Với lão Khúng, con người ta chỉ nên sống với cái hòn đất, và cái quý báu nhất trong gia đình đó là có được một bầy con đông đúc - nguồn lao động dồi dào và cũng chính là sức mạnh để chống lại bất cứ sự lấn áp, đe nẹt nào. Đó là con người có nhiều tham vọng

và có tính tự quyết cao. Lão Khúng ham làm giàu, có đầu óc tư hữu và khôn khéo tính toán, sắp đặt cuộc sống và đề đạt được điều đó, lão "bóc lột" chính công sức của mình, một mình cật lực gầy dựng những mầm xanh trên đất chết, tạo một cuộc sống sung túc, đầy đủ thay thế cho "ổ gấu chó" ban đầu còn chân ướt chân ráo. Với tính cách táo bạo độc đáo ấy, Khung đã thể hiện được điển hình của người nông dân cố hữu của nông thôn Việt Nam trên bước đường đi lên chủ nghĩa xã hội, là sản phẩm của một nền nông nghiệp cũ kỳ, lạc hậu và bảo thủ. Một con người năng động, sáng tạo nhưng rất nông dân ấy là con dao hai lưỡi trong việc phát triển, xây dựng cuộc sống đô thị mới.

Nhân vật tính cách của Nguyễn Minh Châu còn được khắc họa đậm nét trong hoàn cảnh lửa đạn chiến tranh. Nếu trước đây hoàn cảnh chỉ để thử thách,và khẳng định thêm tính cách thì giờ đây hoàn cảnh buộc con người bộc lộ tính cách, thể hiện bản chất của mình. Bên cạnh những con người tốt, những con người tốt, những nhân cách đẹp, vẫn còn đó những con người kém cỏi về đạo đức, hèn yếu về nhân phẩm. Quang trong Cơn giông là loại người phản bội. Từng là một người lính sát cánh với đồng đội, hắn đã nhanh chóng tráo trở quay lưng. "Sự phản bội của hắn nằm ngay trong tính cách của hắn. Đấy là tính cách một con người luôn luôn tìm cách thỏa mãn mọi thèm khát. Hắn chẳng yêu một cái gì cả, ngoài nỗi thèm khát được sống sung sướng, được ăn ngon mặc đẹp, được mọi người xung quanh chiều chuộng và tôn kính. Vốn đã là một con người tài hoa cho nên hắn nghĩ hắn không thể sống thiếu thốn, không thể làm những công việc nặng nhọc, không thể chịu nổi những cảnh nghiệt ngã. Đứng ở bên nào cũng được, miễn là chỗ hắn đứng có đàn bà lúc nào cũng rối rít, có đầy đủ thức uống ăn và tiếng đàn, giọng hát...". Nguyễn Minh Châu đã nói như thế về loại người này, một hạng người hay ngả nghiêng dao động với tính cách đê hèn, bạc nhược. Người đọc tởm lợm vì tính cách ấy thường trực trong con người từ nếp sống, cách nghĩ và những biểu hiện hành động nhơ nhớp của hắn. Đây là loại người gây không ít khó khăn cho công cuộc kháng chiến của dân tộc ta.

Bên cạnh Quang, Toàn trong Mùa trái cóc ở miền Nam là một tính cách điển hình của loại người đê tiện, cơ hội. Đấy là con người biết cách lèo lái, chớp thời cơ

tạo chỗ đứng cho mình rồi nghiễm nhiên, lạnh lùng, bất chấp để đàn áp kẻ khác - những đồng đội, đồng chí của mình, những chiến sĩ giải phóng. Điều đó cũng lý giải được vì sao hắn đối xử rất bệnh hoạn đối với người mẹ của mình, cái hành động đưa lên mũi ngửi nước mắt của mẹ mình là chi tiết bộc lộ tính cách khốn nạn trong con người hắn. Hắn đã đánh mất lương tâm, đạp lên trên mọi ân tình, mọi giá trị đạo đức. Với hắn, chỉ có quyền lực và có thể nói nỗi đau của người khác chính là sự thỏa mãn niềm vui của hắn, một sự tha hóa từ trong bản chất, một nhân phẩm kém cỏi, mất gốc. Ở hắn toát lên bản chất giả trá và sự mục ruỗng tâm hồn, miệng nam mô mà ruột bồ dao găm, đội lốt cách mạng và bôi nhọ cách mạng. Tôn Phương Lan nhận xét: "Quả chiến tranh là cái lò để tạo nên những tính cách người. Chiến tranh đã làm cho nhiều người trở nên anh hùng. Nhưng chiến tranh cũng làm cho nhiều người trở nôn hèn kém, bạc nhược, thậm chí đốn mạt mà không tự biết về mình".

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)