Nguyễn Văn Tiên Tiền Giang

Một phần của tài liệu Bàn giao Website: http://gmasdanang.com (Trang 36 - 37)

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có 5 ý kiến góp ý về dự thảo luật này. Trước hết, chúng tôi nhất trí với Ban soạn thảo và sự cần thiết ban hành luật này. Chúng tôi thấy trong luật này quy định rất nhiều các vấn đề quảng cáo liên quan đến các luật, nhưng chúng tôi thấy luật này quy định về các thủ tục, hành vi, còn các đối tượng cụ thể thì các luật khác quy định. Chúng tôi thấy quy định như thế này là phù hợp, không trùng lắp với các luật khác như một số ý kiến đã nêu. Ví dụ khi thảo luận về Luật thuốc lá, Luật dược, trong luật đó người ta buông một câu là cấm quảng cáo loại này, loại này còn quảng cáo như thế nào, hình thức nào, thủ tục nào luật này quy định, tôi thấy quy định như thế này là phù hợp. Luật này tôi thấy viết rất ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng.

Vấn đề thứ hai, như một số đại biểu Quốc hội phát biểu trước tôi, để tránh tình trạng xin phép xong rồi chúng ta xem quảng cáo thấy không vừa ý với người cấp phép lắm. Mặc dù hàng năm chúng ta có hàng chục triệu các loại quảng cáo nhưng theo tôi phải có một cơ chế giống như duyệt phim, đặc biệt là cơ chế này áp dụng đối với một số loại quảng cáo hạn chế, ví dụ quảng cáo thuốc chữa bệnh, quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh, quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ để tránh tình trạng người ta đọc rất nhanh câu về sữa mẹ như đại biểu Khá đã nói. Theo tôi một số loại hạn chế quảng cáo, chúng ta phải duyệt trước nội dung và cơ quan chỉ cần xem nếu không đúng như lúc duyệt thì chúng ta phạt, như vậy đảm bảo được tính sát thực, tính nghiêm minh và đảm bảo được hiệu quả xã hội. Theo tôi nên bổ sung một quy định có tính nguyên tắc này.

Vấn đề thứ ba liên quan đến các điều cấm, tại Điều 8 có rất nhiều đại biểu Quốc hội trước tôi đã phát biểu, những vấn đề về thuốc chữa bệnh, những vấn đề về vắc xin, những vấn đề về quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ. Chúng tôi cũng hiểu ý ở đây là cấm một số loại còn cho quảng cáo, vì vậy theo tôi nên quy định theo nguyên tắc ví dụ đối với thuốc thì các đồng chí chỉ cần quy định chung là những loại thuốc nào được quảng cáo theo quy định của Luật dược. Sắp tới Luật dược sửa có khi chúng ta lại co lại, chúng ta không cho quảng cáo loại này nữa thì lúc này chúng ta lại phải chạy theo. Theo tôi loại thuốc nào được quảng cáo phải do pháp luật về dược quy định. Ở đây chúng ta quy định khi quảng cáo loại thuốc được quảng cáo phải có những thông tin gì, chúng ta không nên quy định như thế này sẽ xảy ra trường hợp trên thì cấm vacxin nhưng ở dưới cho thi hành, hoặc là trên cấm quảng cáo các loại sản phẩm thay thế sữa mẹ nhưng ở dưới lại có. Theo tôi phải quy định theo nguyên tắc đó mới đảm bảo được.

Vấn đề thứ tư, điều kiện quy định về chính sách quảng cáo, tôi đọc kỹ điều này toàn thấy bảo vệ quyền lợi, khuyến khích quảng cáo, không thấy có quy định nào mà các đại biểu Quốc hội nói rất nhiều, chúng ta có chính sách hạn chế quảng cáo như thế nào, cấm như thế nào phải có khoản quy định trong điều về chính sách. Tôi ví dụ, chúng ta phải có quy định Nhà nước có chính sách cấm, hạn chế quảng cáo một số loại hàng hóa, dưới quy định điều cấm là gì. Nhiều đại biểu Quốc hội đã nói nhưng trong luật này không thể hiện, đó là chính sách cho phép quảng cáo theo giờ một số loại hàng hóa, trong luật này không đề cập gì đến loại đó. Nhiều nước quy định quảng cáo một số loại đặc biệt chỉ được quảng cáo trong thời gian ban đêm, một số quảng cáo ban ngày thì không được quảng cáo trên tivi vì 96% dân số xem tivi. Do đó, trong luật này tôi đề nghị cũng phải thể hiện nguyên tắc này.

Vấn đề cuối cùng, về quảng cáo rượu bia, đối với vấn đề này, Quốc hội ta rất gay gắt về an toàn giao thông nhưng không ai nhớ 40% tai nạn giao thông là do lạm dụng rượu bia, 60% xét nghiệm máu ở các người chết có cồn. Chúng ta cứ loanh quanh thảo luận cái gì, đây là biện pháp rất cơ bản mà chúng ta không quan tâm. Tại sao bây giờ chúng ta lại khuyến khích quảng cáo rượu từ 15 độ lên rượu 30 độ, trước kia chúng ta hạn chế bia loại chỉ quảng cáo trên tivi, trên báo bao nhiêu lần trong 1 tuần, giờ chúng ta "thả cỏ". Vậy Bộ y tế có đề án chống quá tải, Bộ giao thông thì đề án chống tai nạn giao thông, chống các loại thế mà chúng ta không ai để ý đến vấn đề này. Tôi không hiểu Chính phủ khi thảo luận chỉ nghe ý kiến của Bộ công thương thôi, vì tôi nghĩ Bộ Công thương thì rất khuyến khích việc sản xuất rượu bia. Thực tế trên thế giới chứng minh rằng việc rượu bia thì Nhà nước thu được một thì dân mất hai. Nhưng không có ai quan tâm đến vấn đề này. Bây giờ trong luật chúng ta quy định như vậy là quá ưu ái cho cái này. Tôi đề nghị sắp tới khi các cơ quan đề xuất Luật kiểm soát rượu bia chúng ta nên cấm quảng cáo bia, rượu, như vậy sẽ phù hợp hơn và chúng ta bảo vệ được sức khỏe, hoặc chúng ta chỉ cho phép quảng cáo rượu, bia loại nào đó với nồng độ thấp và chỉ trong thời gian ban đêm. Chứ bây giờ chúng ta cứ cho thả cỏ như thế này thì khác gì là thôi thì bệnh viện ơi chúng ta cứ xây nhiều bệnh viện, có nhiều giường bệnh lên để đón bệnh nhân quá tải, đón bệnh nhân tai nạn giao thông, đồng thời bảo hiểm y tế phải có nhiều tiền, quỹ bảo hiểm ý tế thì chi tất cả cho các loại tai nạn giao thông mặc dù người ta vi phạm pháp luật uống rượu bia. Ủy ban an toàn giao thông thì cứ hô hào, kêu gào nhưng không được ai để ý đến gốc gác này cả. Theo tôi, chúng ta phải có quy định rất chặt về quảng cáo bia, rượu. Nếu không thì lợi nhuận chảy vào các túi của nhà sản xuất còn tác hại thì người dân gánh chịu, đất nước gánh chịu.

Mong rằng các đồng chí quan tâm đến vấn đề này và đặc biệt tôi đề nghị Bộ Y tế, Bộ giao thông phải có tiếng nói góp ý xây dựng luật này như thế nào đó đúng nguyên tắc để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ lợi ích của toàn dân. Tôi có một số ý kiến như vậy. Xin hết.

Một phần của tài liệu Bàn giao Website: http://gmasdanang.com (Trang 36 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(51 trang)
w