Kính thưa Quốc hội.
Tôi cơ bản đồng tình với nhiều ý kiến thẩm tra của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tôi cho rằng quảng cáo là một nhiệm vụ rất cần thiết trong đời sống xã hội hiện nay, nhưng có lẽ chúng ta tính quảng cáo phải đảm bảo một sự minh bạch, rõ ràng, cụ thể và không nên phản cảm và cũng phải thể hiện sự lành mạnh, có văn hóa. Nhiều ý kiến đã phát biểu tôi rất đồng tình, tôi xin phát biểu thêm một số ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo ở Điều 9. Theo tôi cần phải nghiên cứu qui định cụ thể về việc quảng cáo bằng tiếng nước ngoài, mức độ dùng tiếng nước ngoài như thế nào cho hợp lý, chúng ta không nên qua mức suy tôn tiếng nước ngoài đưa lên rất khó chịu và mục đích như vậy để đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt của chúng ta. Đồng thời trong Điều 9, tôi đề nghị nên bổ sung thêm một khoản qui định có tính chất mở cho các hành vi cấm trong hoạt động
quảng cáo. Vì có thể chúng ta sau này sẽ có những hành vi mới xuất hiện thì không phải bổ sung.
Thứ hai, trong Chương II, quyền và nghĩa vụ tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo. Tôi cho đây là một chương rất quan trọng về mặt nội dung, cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu qui định cho chặt chẽ hơn và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất hơn trong dự thảo luật. Tôi đề nghị nên quy định rõ trách nhiệm và phân định trách nhiệm của các cơ quan hoạt động quảng cáo khi có các sai phạm xảy ra. Tôi thấy trong quy định như thế này mà khi sai phạm xảy ra thì người ta không biết là người ta khiếu nại, kiến nghị đến cơ quan, tổ chức nào. Ở đây trong dự thảo luật mới quy định trách nhiệm pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước nhưng tôi thấy cũng cần phải làm rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm như thế nào và điều kiện bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia quảng cáo để có căn cứ quy định trong các văn bản dưới luật.
Vấn đề thứ ba, về quy hoạch quảng cáo ngoài trời ở Điều 40 và Điều 41. Tôi thấy nên bổ sung thêm quy định việc quy hoạch cho quảng cáo ngoài trời phải gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư chính là lý lẽ mà các đại biểu đã nêu để đảm bảo cho sự an toàn, đảm bảo làm sao cho phù hợp, hiệu quả mà không lãng phí.
Vấn đề thứ tư trong Điều 20, Điều 21. Điều 20 quy định về yêu cầu nội dung quảng cáo, Điều 21 yêu cầu về hình thức quảng cáo. Tôi thấy hai nội dung này có quan hệ rất mật thiết với nhau. Đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu ghép lại thành một điều.
Vấn đề thứ năm, tôi thấy mặc dù trong quy định thu chi tài chính có lẽ đã có trong hợp đồng khi chúng ta tiến hành quảng cáo và cũng đã có những văn bản pháp luật khác đã quy định, trong dự thảo luật này tôi thấy nên quy định có tính nguyên tắc về thu chi tài chính, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài chính như thế nào và tác động đến quá trình phát triển công tác quảng cáo của chúng ta.
Vấn đề cuối cùng về quản lý nhà nước về quảng cáo ở Điều 6. Tôi thấy đã có nhiều ý kiến của các đại biểu đã phát biểu. Nhưng quan điểm của tôi là giao cho Bộ văn hóa, thể thao và du lịch là phù hợp, vì đây là cơ quan thẩm định về nội dung của sản phẩm, cho nên việc quản lý Nhà nước về nội dung để đảm bảo nội dung không sai phạm thì chính xác hơn, không nên giao cho cơ quan thực hiện mà chúng ta cho đến 80% các phương tiện quảng cáo như Bộ Thông tin và truyền thông. Tôi xin cảm ơn Quốc hội.