6. Kết cấu của luận văn
3.2.6.4. Phát triển truyền thông nhóm
Truyền thông nhóm là hình thức tiếp cận một nhóm người cùng chia sẻ những thông tin giữa người cung cấp và người tiếp nhận, đồng thời có sự phản hồi trực tiếp ngay trong cuộc nói chuyện, mang tính hai chiều. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của ngành BHXH, cũng như khi chưa thiết lập mạng lưới đại lý BHXH tự nguyện và chưa bố trí cán bộ phụ trách ở các xã, phường, thị trấn thì quá trình tập hợp người dân tham gia vào buổi truyền thông nhóm cần có sự vào cuộc của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ở địa phương.
Để tổ chức thực hiện một cuộc truyền thông nhóm chuyên đề BHXH tự nguyện, trước hết BHXH huyện đã ký kết chương trình liên tịch với Hội nông dân, Hội LHPN, hội Cựu chiến binh, huyện đoàn về tuyên truyền, vận động NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, mỗi ngành chủ động lồng ghép hoạt động của đơn vị mình để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện phù hợp với từng địa bàn và từng đối tượng. Tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, đã đưa hình thức truyền thông nhóm áp dụng từ đầu năm 2017, BHXH huyện vĩnh Thuận đã phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức truyền thông nhóm tại 04 xã, với Hội Nông dân 05 xã và Hội cựu chiến binh 03 xã; mỗi điểm tổ chức thu hút từ 20 đến 30 người là cán bộ, hội viên, xã viên HTX. Như vậy, nếu tính số đơn vị được truyền thông đã chiếm trên 50% số xã, phường, thị trấn trong huyện. Hầu hết số người dân tham dự buổi truyền thông đã có nhận thức đồng thuận hơn với chính sách BHXH tự nguyện. Sau khi hiểu được về chính sách, họ thấy mình được quyền thụ hưởng chính sách ASXH của Đảng và Nhà nước công bằng như bất kỳ một cán bộ, công chức hay NLĐ ở DN nào; Họ thấy số tiền bỏ ra hàng tháng để đóng phí hiện nay để thu hưởng chế độ khi hết tuổi lao động tuy còn hơi cao so với thu nhập và mức sống hiện tại; Họ nhận ra sự nhất quán trong mục tiêu thực hiện BHXH cho mọi NLĐ của
Đảng và Nhà nước ta. Một số đối tượng đã thuộc diện sẵn sàng tham gia và có thể là những người ủng hộ, tuyên truyền chủ trương, chính sách BHXH tự nguyện đến người khác. Nhờ đó, một số địa phương có tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đạt cao như: Xã Vĩnh Bình Bắc, đạt 125% kế hoạch; Vĩnh Phong, đạt 137% toàn huyện đạt trên 115% kế hoạch giao trong năm 2017. Số đối tượng lần đầu tiên tham gia BHXH TN (không thuộc đối tượng liên thông với BHXH bắt buộc) tăng dần, trong đó đáng mừng là số đông thuộc cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn. Điều đó chứng tỏ phương thức triển khai tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đã đến được với lực lượng cốt cán của các Hội, đoàn thể ở cấp cơ sở và chính họ là những người vừa thực thi vừa tuyên truyền, lan tỏa thông tin đến đông đảo mọi người dân, ở tất cả các địa bàn.
Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp của ngành, hình thức tuyên truyền này khá phù hợp vì chi phí thực hiện tiết kiệm, dễ tổ chức ở cấp cơ sở và thông tin đến được tới các tổ chức, hội ở địa phương và NLĐ. Thông thường một buổi truyền thông từ 1 giờ đến 2 giờ và diễn ra ở bất kỳ địa điểm nào tại địa phương như: nhà văn hóa thôn, hợp tác xã, hội trường ủy ban nhân dân xã, trường học… có thể tổ chức ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tất nhiên, hoạt động nhất thiết phải có sự đồng thuận của chính quyền, sự hỗ trợ của các đoàn thể địa phương và sự hưởng ứng của người dân lao động.