ngân hàng
Đối với các NHTM, quản trị RRTD thực sự cần thiết, bởi vì:
Thứ nhất: RRTD là một trong những vấn đề mà tất cả các NHTM phải đương đầu. Phòng ngừa hạn chế RRTD là vấn đề khó khăn phức tạp, bởi lẽ RRTD mang tính tất yếu khách quan, luôn gắn liền với hoạt động tín dụng, đồng thời lại rất đa dạng phức tạp, RRTD thường khó kiểm soát và dẫn đến những thiệt hại, thất thoát về vốn và thu nhập của ngân hàng.
Thứ hai: Nếu như hoạt động phòng ngừa hạn chế RRTD được thực hiện tốt thì sẽ đem lại những lợi ích cho ngân hàng như: (1) giảm chi phí, nâng cao được thu nhập, bảo toàn vốn cho NHTM; (2) tạo niềm tin cho khách hàng gửi tiền và nhà đầu tư; (3) tạo tiền đề để mở rộng thị trường và tăng uy tín, vị thế, hình ảnh, thị phần cho ngân hàng.
Thứ ba: Hoạt động phòng ngừa hạn chế rủi ro tín dụng tốt sẽ đem lại lợi ích cho cả nền kinh tế. Trong thời đại nền kinh tế như hiện nay, các định chế tài chính có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nếu như một NHTM gặp vấn đề thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các ngân hàng khác. Vì vậy, quản trị RRTD đem lại sự an toàn, ổn định cho thị trường.
Thứ tư: Do vốn chủ sở hữu của ngân hàng so với tổng giá trị tài sản là rất nhỏ nên chỉ cần một tỷ lệ nhỏ danh mục cho vay có vấn đề sẽ đẩy một ngân hàng tới nguy cơ phá sản. Đặc biệt với những khoản vay doanh nghiệp
do thường có giá trị lớn nên tổn thất xảy ra nếu khoản vay không thu hồi được sẽ gây thiệt hại tới ngân hàng hết sức nặng nề.
Ý nghĩa:
Thứ nhất: Hạn chế tổn thất về vốn và tài sản của NHTM, góp phần tăng lợi nhuận cho ngân hàng.
Rủi ro xảy ra tác động trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng. Khi rủi ro xảy ra ở mức độ nhỏ thì ngân hàng có thể dung lợi nhuận của mình hoặc vốn tự có để bù đắp. Xong nếu rủi ro ở mức độ lớn thì lợi nhuận không đủ bù đắp thì ngân hàng sẽ ở bên bờ phá sản. Vì vậy phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong quan hệ tín dụng sẽ giúp cho ngân hàng hạn chế những tổn thất về vốn và tài sản của ngân hàng tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cũng như nâng cao được lợi nhuận của mình.
Thứ 2: Đảm bảo an toàn tài sản cho người gửi tiền và các doanh nghiệp. Rủi ro là yếu tố gắn liền với mọi hoạt động đầu tư nói chung, trong đó có hoạt động cho vay của ngân hàng. Trong nỗ lực nhằm thu được lợi nhuận, các ngân hàng không thể chối bỏ rủi ro, nghĩa là không thể không cho vay, mà có thể tìm cách làm cho hoạt động này trở nên an toàn và hạn chế tối đa tổn thất có thể có bằng cách đề ra cho mình một chiến lược quản trị rủi ro thích hợp. Như vậy ngân hàng mới có thể bảo đảm an toàn tài sản cho người gửi tiền và các doanh nghiệp.
Thứ 3: góp phần ổn định kinh tế-xã hội: hoạt động ngân hàng liên quan đến hoạt động các doanh nghiệp, các nghành và các cá nhân, vì vậy khi một ngân hàng gặp rủi ro tín dụng hay bị phá sản thì người gửi tiền ở các ngân hàng khác hoang mang, lo sợ và kéo nhau ồ ạt đến rút tiền ở các ngân hàng khác, làm cho toàn bộ hệ thống các ngân hàng gặp khó khăn. Ngân hàng phá sản sẽ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không có tiền trả lương dẫn đến đời sống công nhân gặp khó khăn. Hơn nữa sự
hoảng loạn của các ngân hàng ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Nó làm cho nền kinh tế bị suy thoái, giá cả tăng, sức mua giảm, thất nghiệp tăng, xã hội mất ổn định.