Nội mạc tử cung được chuẩn bị tốt đóng vai trò quan trọng góp phần cho sự làm tổ thành công của phôi. Có một số phác đồ chuẩn bị NMTC cho chu kỳ CPT được sử dụng như: chu kỳ tự nhiên, chu kỳ nhân tạo và chu kỳ gây phóng noãn. Có không ít các nghiên cứu bao gồm nghiên cứu đoàn hệ, thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (RCT) và cả phân tích gộp nhằm mục đích tìm ra phác đồ chuẩn bị NMTC tối ưu cho CPT. Nhưng nhìn chung, với các dữ liệu nghiên cứu cho tới thời điểm này, không thể khẳng định được phác đồ nào có hiệu quả vượt trội. Việc ưu tiên lựa chọn phác đồ chuẩn bị NMTC tùy thuộc vào từng trung tâm thụ tinh ống nghiệm và phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân. Bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt đều có thể theo dõi chu kỳ tự nhiên để chọn thời điểm đặt phôi. Chu kỳ tự nhiên là lựa chọn ưu tiên ở một số trung tâm IVF [50]. Tuy nhiên, ở trường hợp bệnh nhân có chu kỳ kinh không đều, rối loạn phóng noãn hoặc suy buồng trứng thì không có lựa chọn nào khác ngoài sử dụng chu kỳ nhân tạo.
Tại trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia, chu kỳ nhân tạo là phác đồ chuẩn bị NMTC được sử dụng phổ biến nhất. Cho tới thời điểm tháng 7 năm 2018 khi nghiên cứu này bắt đầu thực hiện thì E2 uống được chỉ định thường quy cho các bệnh nhân được chuẩn bị NMTC bằng chu kỳ nhân tạo. Estrogel thoa da hàng ngày chưa bao giờ được dùng đơn độc trong chuẩn bị NMTC cho CPT, mà đôi khi được sử dụng kết hợp với E2 uống trong một số trường hợp NMTC mỏng. Tìm hiểu y văn trên thế giới và trong nước về các nghiên cứu so sánh hiệu quả của các loại đường dùng E2 khác nhau trong chu kỳ CPT chúng tôi nhận thấy còn rất ít dữ kiện để có thể khẳng định được hiệu quả của
E2 thoa da hàng ngày trong chuẩn bị NMTC. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu này.
Thiết kế nghiên cứu của chúng tôi là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng. Để đảm bảo tính đồng nhất của nghiên cứu và hạn chế tối đa các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả chuyển phôi nên đối tượng nghiên cứu được tuyển chọn khá chặt chẽ.
Tiêu chí lựa chọn đối tượng nghiên cứu bao gồm: đây là lần đầu tiên bệnh nhân được chuẩn bị NMTC và cũng là chu kỳ CPT đầu tiên của bệnh nhân trong chu kỳ IVF này. Bệnh nhân có thể chuyển phôi tươi thất bại hoặc đã từng có em bé sau lần chuyển phôi tươi cũng được nhận vào nghiên cứu. Chúng tôi không nhận các bệnh nhân đã từng thất bại chuyển phôi trữ trong các chu kỳ IVF trước đó vào nghiên cứu.
Phụ nữ lớn tuổi là một trong các yếu tố tiên lượng kém đối với kết quả IVF do nguy cơ thu được ít noãn, chất lượng kém, tỷ lệ noãn chưa trưởng thành cũng như noãn bất thường cao, tỷ lệ thụ tinh thấp, phôi ít và tỷ lệ phôi bất thường cao làm giảm tỷ lệ có thai [51]. Do vậy, giới hạn tuổi của đối tượng nghiên cứu trong nghiên cứu này là từ 40 tuổi trở xuống. Polyzos và cs. nhận thấy số lượng noãn cần thiết để đạt được ít nhất một phôi lưỡng bội (euploid) tăng dần theo tuổi của phụ nữ. Khi phụ nữ <38 tuổi chỉ cần 9 noãn, 14 noãn cho nhóm tuổi từ 38 đến 40, 32 noãn cho nhóm từ 41 đến 42 tuổi và 80 noãn cho nhóm phụ nữ trên 42 tuổi [52].
Nghiên cứu của chúng tôi chỉ thực hiện trên các chu kỳ IVF bằng noãn tự thân. Các trường hợp IVF xin noãn không được nhận vào nghiên cứu do lo ngại về sự tương tác khác nhau giữa phôi từ noãn tự thân và phôi từ noãn hiến với NMTC ảnh hưởng đến kết quả của chu kỳ CPT.
Chất lượng phôi là một trong ba yếu tố quyết định đến sự thành công của một chu kỳ chuyển phôi và là yếu tố tiên lượng cơ hội thành công cho bệnh nhân. Để loại bỏ yếu tố nhiễu từ phía phôi lên kết quả chuyển phôi, các bệnh nhân trong nghiên cứu này đều phải có ít nhất một phôi chất lượng tốt cho lần chuyển phôi này. Phôi của bệnh nhân được đánh giá chất lượng dựa trên hình thái phôi và tiến hành đông phôi hai ngày sau chọc hút noãn (phôi ngày hai). Phôi được rã đông một ngày trước chuyển phôi, nuôi qua đêm và được đánh giá lại chất lượng phôi vào thời điểm trước chuyển phôi. Tất cả chu kỳ chuyển phôi trong nghiên cứu này đều là chuyển phôi ngày ba. Có hai bệnh nhân ở nhóm can thiệp bị loại khỏi nghiên cứu do chất lượng phôi sau rã đông bị kém hơn so với ban đầu. Bệnh nhân không có phôi tốt trong chu kỳ chuyển phôi này.
Một số bất thường tại tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi trong chu kỳ IVF, bao gồm có polyp buồng tử cung, u xơ tử cung và dính buồng tử cung. Do đó, đây là một trong số các tiêu chí loại trừ khi nhận đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Polype buồng tử cung có thể gây cản trở phôi làm tổ trong buồng tử cung bằng cách gây phản ứng viêm hoặc kích thích co bóp tử cung. U xơ tử cung đặc biệt là u xơ dưới niêm mạc có thể là một nguyên nhân gây thất bại làm tổ liên tiếp. Dính buồng tử cung có thể gây trở ngại cho sự làm tổ của phôi ở giai đoạn sớm bởi nó ngăn không cho phôi bám vào bề mặt của nội mạc tử cung. Bên cạnh đó có nhiều bằng chứng cho rằng lạc nội mạc trong cơ tử cung có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Lạc nội mạc tử cung thường ảnh hưởng đến vị trí dưới niêm mạc và tác động rất lớn đến quá trình làm tổ của phôi. Vì vậy, các bệnh nhân nghi ngờ có LNMTC trong cơ qua siêu âm cũng không được nhận vào nghiên cứu. Tử cung bất thường như vách ngăn tử cung cũng là một yếu tố cản trở sự làm tổ của phôi, do đó đây cũng là một tiêu chí để loại trừ đối tượng nghiên cứu.
Ứ dịch vòi tử cung được xem là một nguyên nhân của thất bại làm tổ liên tiếp do dịch từ vòi tử cung có thể chảy ngược vào trong buồng tử cung đẩy phôi ra ngoài và gây độc hoặc gây các phản ứng oxy hóa cho phôi. Dịch viêm ở vòi tử cung cũng có thể cho tác động xấu đến khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung. Nghiên cứu của Seli và cs. cho thấy sự xuất hiện của các yếu tố ức chế bạch cầu, những Cytokin cần thiết cho quá trình làm tổ bị giảm [53]. Nghiên cứu khác lại chỉ ra sau cắt vòi tử cung khả năng tiếp nhận phôi của niêm mạc tử cung trở về bình thường [54]. Các bệnh nhân được chẩn đoán có tắc giãn ứ dịch vòi tử cung trên phim chụp XQuang mà chưa mổ kẹp hoặc cắt sẽ bị loại khỏi nghiên cứu.