- Vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất dầu tràm được thu mua từ người dân khai thác tràm trong tự nhiên chủ yếu trên địa bàn các huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy và từ tỉnh Quảng Trị (bán tại địa bàn huyện Phú Lộc).
- Về số lượng lò chưng cất, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 54 lò chưng cất, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Phú Lộc và Phong Điền, đa số là lò loại nhỏ (khoảng 1-2 tạ nguyên liệu), chỉ có một vài cơ sở sử dụng lò chưng cất loại lớn như: Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Nhân Tín (1 lò 6 tạ và 1 lò 3 tạ nguyên liệu); Cơ sở sản xuất dầu tràm Anh Chiến (01 lò 2 tấn nguyên liệu); HTX Dầu tràm Lộc Thủy (3 lò 5-6 tạ nguyên liệu) và Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Kim Vui (loại lò 3 tạ nguyên liệu).
- Sản lượng dầu tràm trên địa bàn ước tính khoảng trên 16 nghìn lít dầu/năm, trong đó tập trung chủ yếu ở các cơ sở sử dụng lò chưng cất loại lớn như: Cơ sở Dầu tràm Anh Chiến (năm 2015
khoảng 2000 lít); Công ty TNHH MTV Nhân Tín (khoảng 1.300 lít/năm); Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Kim Vui (khoảng 3.500 lít/năm); HTX Dầu tràm Lộc Thủy (khoảng 4.500 lít/năm).
- Doanh thu: theo số liệu điều tra sơ bộ, hiện nay trên thị trường khoảng 50% sản lượng dầu tràm đã đóng gói với các dung tích khác nhau có giá 1 triệu đồng/lít (một số cơ sở đã chế biến dưới dạng cao dầu tràm) và khoảng 50% dầu tràm được bán dưới dạng nguyên liệu với giá khoảng 750-800 nghìn đồng/lít, như vậy thì doanh thu từ việc sản xuất và kinh doanh dầu tràm trên địa bàn tỉnh ước khoảng 14 tỷ đồng/năm.
- Hình thức kinh doanh:
+ Việc kinh doanh sản phẩm dầu tràm được thực hiện nhiều hình thức khác nhau như: bán sỉ (chiếm khoảng 50% tổng sản lượng dầu sản xuất), đóng chai với các chủng loại khác nhau như: 40ml; 50ml; 80ml; 100ml, đèn xong dầu tràm, dạng cao dầu tràm.
+ Sự hỗ trợ của Sở Công Thương trong việc
CHUYÊN ĐỀ DẦU TRÀM HUẾ
xây dựng website phục vụ kinh doanh, bán hàng qua mạng (thương mại điện tử) đã cho thấy hiệu quả trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm dầu tràm Huế; một số cơ sở đã được bảo hộ nhãn hiệu dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu thông thường.
Một số tồn tại hạn chế
- Vùng nguyên liệu chưa được chủ động: + Nguyên liệu sản xuất chủ yếu là thu mua từ người dân khai thác rừng tràm trong tự nhiên (vùng nguyên liệu ngày càng thu hẹp, đặc biệt là tại Lộc Thủy vùng nguyên liệu tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 40%);
+ Đã có tình trạng tranh chấp vùng nguyên liệu (do người dân từ nơi khác đến khai thác hoặc khai thác tràm non);
+ Chưa đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu (hiện chỉ có HTX Dầu tràm Lộc Thủy có đầu tư trồng khoảng 4ha);
+ Các hộ chưng cất dầu tràm đang sử dụng tràm nguyên liệu khai thác trong tự nhiên.
- Tình trạng hàng kém chất lượng được rao bán nhiều:
+ Tình trạng dầu kém chất lượng bán rất nhiều với giá từ 15 đến 30 nghìn đồng một chai 120ml, còn nếu đúng dầu tràm thì lên đến 130 nghìn đồng;
+ Theo một số cơ sở sản xuất, thì hóa chất phục vụ pha chế nhằm tăng sản lượng dầu tràm được rao bán đến tận cơ sở SX-KD nhưng cơ sở không mua;
+ Trên thị trường đã xuất hiện dầu tràm pha chế hóa chất mang nhãn hiệu Lộc Thủy (bán tại thị trường thành phố Huế và huyện Phú Lộc).
ii. Mục tiêu định hướng phát triển sản phẩm dầu tràm huế
Sản phẩm chiết xuất dầu tràm được người dân trong và ngoài nước ưa chuộng và đã có chỗ đứng trên thị trường trong quá khứ và đang có xu hướng phát triển, tuy nhiên vì lợi ích kinh tế, trong thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều sản phẩm dầu tràm kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của sản phẩm dầu tràm Huế, đồng thời làm giảm sản lượng khách tiêu thụ trong tương lai, do vậy việc xây dựng thương hiệu dầu tràm Huế là cần thiết.
- Mục tiêu: Xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm dầu tràm Huế, trong đó mục tiêu cụ thể là đa dạng hóa sản phẩm dầu tràm Huế (cao dầu tràm; dầu nước; hơi dầu…); đến năm 2020 đạt doanh thu 50 tỷ đồng/năm.
- Vùng nguyên liệu:
+ Quy hoạch, xây dựng rừng tràm (chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp);
+ Hình thành vùng nguyên liệu (tại Phú Lộc; Phong Điền và thị xã Hương Trà) với diện tích khoảng 1.200 đến 1.300 ha (tách chiết được khoảng 50.000 lít dầu tràm).
- Tài sản trí tuệ, chỉ dẫn thương mại:
+ Xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm dầu tràm Huế.
+ Thành lập Hội dầu tràm Huế;
+ Xây dựng dự án về quản lý khai thác nhãn hiệu tập thể dầu tràm Huế;
- Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm: + Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về dầu tràm Huế;
+ Sản phẩm đóng chai ở các thể tích khác nhau; + Đa dạng hóa sản phẩm dầu tràm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất;
+ Hạn chế bán dầu tràm dưới dạng dầu nguyên liệu (hiện một số cơ sở bán dầu tràm dưới dạng nguyên liệu cho các cơ sở tại Đà Nẵng).
- Ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao năng suất và chất lượng dầu tràm:
+ Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong canh tác nhằm tăng năng suất và chất lượng vùng nguyên liệu;
+ Nghiên cứu lò chưng cất tinh dầu tràm cho năng suất cao và có hiệu quả kinh tế;
+ Nghiên cứu sử dụng các loại phế thải từ quá trình sản xuất dầu tràm;
+ Nghiên cứu, chọn giống tràm phù hợp để phục vụ trồng vùng nguyên liệu.
- Thương mại hóa sản phẩm:
+ Bán hàng qua mạng (thương mại điện tử), xuất khẩu, giới thiệu qua trang web các đặc sản của Huế;
+ Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Trần duy Chiến
CHUYÊN ĐỀ DẦU TRÀM HUẾ
Dầu tràm được người dân Huế sử dụng từ lâu đời và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt rất tốt cho những đối tượng tương đối nhạy cảm như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Dầu tràm gồm hai loại: dầu tràm gió và dầu tràm trà. Dầu tràm gió được sản xuất từ nguyên liệu chính là cây tràm gió. Cây tràm gió được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, vùng đất chịu nhiều nắng gió khô cằn của cả nước. Chính vì đặc tính đó nên cây tràm ở miền Trung chứa tỷ lệ dầu tràm cao hơn các tỉnh khác. Trong đó, Phong Điền và Phú Lộc được xem là cái nôi của quê hương nấu dầu tràm truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế. Với những lợi ích thiết thực như vậy, thiết nghĩ tỉnh nhà cần có chính sách để bảo tồn và phát huy những nét tinh hoa của địa phương cũng như làng Nghề truyền thống của cha ông.
Hiện nay trên thị trường đang bán rất nhiều loại dầu tràm khác nhau từ giá cả, mẫu mã, kiểu dáng đến chất lượng. Và rất khó để người tiêu dùng nhận biết được đặc điểm dầu tràm nguyên chất. Thực tế, qua hàng chục mẫu dầu tràm gửi đến kiểm tra chất lượng, rất nhiều mẫu dán mác “Dầu tràm nguyên chất” cũng với các tính chất cảm quan như: có màu vàng thiên thanh, trong suốt, mùi dịu nhẹ nhưng đến
khi tiến hành thử nghiệm bằng các phương pháp lý hóa khác nhau thì rõ ràng mẫu thử đã không đạt được chất lượng như công bố của các cơ sở.
Trong 2 năm trở lại đây, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm tra chất lượng 20 mẫu dầu tràm từ các cơ sở gửi đến để công bố chất lượng sản phẩm. Tiêu chuẩn kỹ thuật chúng tôi áp dụng để kiểm nghiệm là các phương pháp từ chuyên luận “Tinh dầu Tràm” của Dược điển Việt Nam. Trong đó, các chỉ tiêu “Tính chất”, “Độ trong”, “Sai số thể tích”, Tỷ trọng”, “Góc quay cực riêng”, “Giới hạn Aldehyd” và “Định tính” theo DĐVN IV, riêng phần định lượng “Hàm lượng Cineol trong tinh dầu” thì theo DĐVN III.
Hầu hết các mẫu gửi đến kiểm tra đều đạt chất lượng như công bố, chỉ có số ít không đạt một hoặc nhiều chỉ tiêu, phần lớn các mẫu không đạt do chỉ tiêu “Góc quay cực riêng” và “Hàm lượng Cineol trong tinh dầu”. Trong khi “Góc quay cực riêng” từ DĐVN IV yêu cầu: “từ -30C đến -10C” thì có mẫu góc quay cực riêng quá âm (> -50C), hoặc dương. Hàm lượng Cineol trong tinh dầu yêu cầu ≥40% thì có mẫu không đạt được mức công bố. Sau khi có kết luận không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo mức công bố ban đầu thì những cơ sở tiếp tục gửi mẫu lại để kiểm tra chất lượng đạt các tiêu chí theo bản công bố.
Nhằm xây dựng được một thương hiệu dầu tràm uy tín và chất lượng, góp phần củng cố và phát huy những nét đặc sản của địa phương thì cần thiết phải xây dựng một Quy chuẩn kỹ thuật địa phương chung cho “Dầu tràm Huế”. Chúng tôi đề xuất bản công bố Quy chuẩn kỹ thuật địa phương và tất cả các cơ sở khi công bố chất lượng phải đáp ứng các tiêu chí của Quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Đồng thời trong quá trình sản xuất và lưu thông phải định kỳ kiểm tra sản phẩm. Các đơn vị kiểm tra nhà nước định kỳ hay đột xuất lấy mẫu kiểm tra theo bản công bố.
Cần xây dựng một Quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho sản phẩm “Dầu tràm Huế”