Sản phẩm tinh dầu tràm có giá trị lớn cả về dược liệu và kinh tế, là một loại sản phẩm vừa truyền thống, vừa đặc thù của Thừa Thiên Huế.
Phát triển sản phẩm tinh dầu tràm trên địa bàn cần có các giải pháp tổng hợp, đồng bộ cho cả về chính sách, kỹ thuật cũng như các vấn đề về chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị mới bền vững. Phát triển vùng nguyên liệu chủ động, chuẩn hóa công nghệ và thiết bị quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít đồng thời với tổ chức đăng ký thương hiệu hàng hóa, kiểm định chất lượng… là những vấn đề cần hỗ trợ ngay cho các cơ sở sản xuất.
Cần có giải pháp xử phạt nặng một số cơ sở hoặc tư thương trên địa bàn đưa ra thị trường các sản phẩm giả, pha chế tinh dầu hóa chất hoặc không bảo đảm chất lượng theo quy chế làm dược liệu, dược phẩm của Bộ Y tế.
Việc sử dụng công nghệ chưng cất tinh dầu tràm bằng hơi nước là phù hợp quy mô và điều kiện sản xuất hiện nay trên địa bàn, tuy nhiên cần cải tiến đồng bộ cả về lò đốt, nồi chưng cất, thiết bị ngưng, chế độ chưng cất phù hợp để có hiệu suất cao hơn và bảo đảm chất lượng.
Trong tương lai gần, khi đã phát triển ổn định vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn hơn mới có thể hỗ trợ đầu tư (hoặc do cơ sở sản xuất tự đầu tư) đồng bộ các hệ thống chưng cất theo công nghệ và thiết bị mới, hiện đại hơn; chỉ khi đó mới cho phép nâng cao được hiệu suất thu tinh dầu, sản lượng và chất lượng hàng hóa ổn định.
TS. đinh vương hùng và các cộng sự
(Khoa Cơ khí-Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Huế)