Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng
hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, chủ trương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN trong các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương, trong đó chú trọng ứng dụng KH&CN để khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của địa phương nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ là một bước đi đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên hiện nay, hiệu quả đầu tư cho KH&CN ở Việt Nam, đặc biệt là ở các địa phương còn thấp do một số nguyên nhân như: (i) tổng mức đầu tư hàng năm cho KH&CN ở nước ta còn thấp, mức đầu tư phân bổ cho từng địa phương rất khiếm tốn (khoảng 0,5% tổng chi ngân sách); (ii) Việc phân bổ nguồn vốn cho KH&CN ở các địa phương còn dàn trải và chưa được sử dụng hiệu quả. Do vậy, đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương là chưa cao.
Trong khi đó, tại các nước có nền KH&CN phát triển trong khu vực, như Thái Lan, Hàn Quốc…, việc ưu tiên khuyến khích phát triển KH&CN cho các vùng miền, địa phương nhằm phát huy một cách hiệu quả nhất các lợi thế vùng miền, tăng khả năng cạnh tranh của các hàng hóa và dịch vụ của địa phương là vấn đề rất được chú trọng. Các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia này rất quan tâm đến việc xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KH&CN cho các vùng miền, địa phương. Việc xác định ưu tiên trong phát triển KH&CN của họ đã thực hiện ra sao? Hàn Quốc với kinh nghiệm ưu tiên phát triển các cụm liên kết ngành (Cluster development), các doanh nghiệp tập trung về địa lý có liên kết với nhau, các nhà sản xuất chuyên môn hóa, các nhà cung cấp dịch vụ và các thể chế liên quan về một lĩnh vực nhất định liên kết với nhau có thể là bài học kinh nghiệm cho các địa phương trong việc ưu tiên các nhiệm vụ phục
vụ công tác quy hoạch phát triển vùng. Liệu những kinh nghiệm của Thái Lan trong việc xác định các ngành ưu tiên phát triển trước tiên, sau đó đối với từng ngành, trong những điều kiện thực tế, họ xác định các lĩnh vực ứng dụng cụ thể có thể là bài học phù hợp cho việc xác định ưu tiên của địa phương Việt Nam không?
Thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về ưu tiên trong đầu tư phát triển KH&CN địa phương và đề xuất giải pháp áp dụng cho Việt Nam”, nhóm thực hiện đề tài thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập KH&CN quốc tế tiến hành nghiên cứu xu thế cũng như những kinh nghiệm quốc tế về quá trình xác định ưu tiên trong phát triển KH&CN; đồng thời trên cơ sở phân tích hiện trạng đầu tư phát triển KH&CN địa phương tại Việt Nam nói chung.
Cụ thể ở 2 địa phương thí điểm là Bắc Giang và Hải Dương sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần giúp các địa phương trả lời một số câu hỏi trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển KH&CN ở địa phương mình như: (i) những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nào có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương? (ii) công nghệ sản xuất các sản phẩm đó đã phù hợp chưa? (iii) nếu chưa phù hợp thì nên đổi mới ở công đoạn nào trong quá trình sản xuất và phương án đổi mới có khả thi hay không? (iv) trong thời gian tới nên ưu tiên đổi mới KH&CN trong lĩnh vực nào, sử dụng công nghệ gì? Từ đó địa phương sẽ có phương án sử dụng nguồn vốn cho phát triển KH&CN hiệu quả nhằm phát huy một cách tốt nhất các lợi thế vùng miền, tăng khả năng cạnh tranh của các hàng hóa và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội ở địa phương.
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ