2.3.3.1. Nhóm nguyên nhân khách quan
❖ Nguyên nhân từ phía khách hàng
Một là, do năng lực kinh doanh, năng lực quản lý của người đi vay còn thấp. Năng lực quản lý của người đi vay kém thể hiện trong khâu tổ chức nhân sự, quản lý và sử dụng vốn, tổ chức phát triển mạng lưới chưa được tốt. Khách hàng của VCB chủ yếu là các Tập đoàn, các Tổng công ty lớn và các doanh nghiệp nhà nước. Đây là những đối tượng có lượng vốn khá lớn nhưng bộ máy quản lý cồng kềnh, hoạt động thiếu hiệu quả, không linh hoạt trước những biến động của thị trường. Các doanh nghiệp này còn có hạn chế trong việc ứng dụng các khoa học công nghệ vào sản xuất, đội ngũ cán bộ hạn chế về năng lực, và tính năng động trong kinh doanh. Đặc biệt, những khách hàng là DNNN còn có tâm lý “ỷ lại” vào Nhà nước, năng lực kinh doanh không được đảm bảo.
Hai là, do khách hàng không có thiện chí trả nợ. Mặc dù năng lực tài chính, năng lực kinh doanh quản lý của khách hàng được đảm bảo nhưng bản thân khách hàng không có thiện chí trả nợ, yếu kém về đạo đức, gian lận để chiếm dụng vốn ngân hàng. Điển hình như khách hàng vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng trên thực tế chỉ một phần vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phần khác thì dùng cho mục đích khác như là: mua sắm vật dụng, thậm chí là tiêu xài cá nhân.. .Điều này rất nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp và làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay cho ngân hàng; hay như trường hợp khách hàng vay ngắn hạn để đầu tư trung dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh, do đó đến kỳ không trả được nợ cho ngân hàng. Thậm chí có cả trường hợp là sau khi kết thúc chu kỳ kinh doanh, mặc dù có lợi nhuận nhưng khách hàng vẫn cố tình chây ỳ, không chịu trả nợ nhằm mục đích chiếm dụng vốn ngân hàng và điều này đã gây khó khăn cho nhân viên tín dụng trong quá trình thu hồi nợ.
Ba là, do sự thay đổi loại hình sở hữu doanh nghiệp. Hiện nay, tại Việt Nam quá trình cổ phần hóa các DNNN đang diễn ra mạnh mẽ. Khách hàng chủ yếu của VCB là DNNN, do vậy một số khách hàng tiến hành cổ phần hóa, hay việc sáp nhập, tách ra khỏi tổng công ty gây ra ảnh hưởng nhất định tới hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng phải tiến hành đánh giá lại các doanh nghiệp về vốn, năng lực quản lý.Thêm vào đó, quá trình cổ phần hóa DNNN hình thành nên công ty cổ phần với lượng cán bộ công nhân viên phần lớn yếu kém về năng lực quản trị, điều hành, ít am hiểu về tình hình kinh doanh, khả năng cạnh tranh thấp, lạc hậu về khoa học công nghệ dẫn đến sản xuất kinh doanh không hiệu quả, từ đó không có nguồn trả nợ cho ngân hàng.
Bốn là, do sự thiếu minh bạch thông tin trong quá trình kinh doanh của khách hàng: Thông tin về khách hàng và phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng là cơ sở để ngân hàng đưa ra quyết định tín dụng đúng đắn, hay
quyết định thu hồi vốn trước thời hạn khi cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp chưa minh bạch, công khai, số liệu không được kiểm toán nên ít tác dụng. Một số doanh nghiệp hạn chế về trình độ kế toán, hay cố tình hạch toán không theo quy định nhằm trốn thuế... gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong công tác thẩm định.
Năm là, việc thiếu một hệ thống thông tin tài chính mang tính trung thực, minh bạch và hệ thống kiểm soát hiệu quả, đồng bộ trong các DN, làm cho các nhà đầu tư và cho vay, chẳng hạn như ngân hàng, khó đánh giá được thực trạng, tình hình tài chính, khả năng sinh lời và thanh toán các khoản nợ vay của doanh nghiệp, do đó cản trở việc ra các quyết định cho vay. Công tác hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của một bộ phận doanh nghiệp còn yếu về trình độ và kém về ý thức chấp hành các quy định của luật pháp, vì vậy không đủ làm cơ sở cho các NHTM đánh giá chính xác về hiệu quả SXKD của doanh nghiệp. Việc công khai tài chính của doanh nghiệp còn rất thiếu minh bạch, phần lớn các DNTN không có hệ thống kế toán tiêu chuẩn. Báo cáo của doanh nghiệp không được kiểm toán hàng năm, do đó, không đủ độ tin cậy. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp thường có song song hai hệ thống kế toán là kế toán thuế và kế toán nội bộ. Nếu dựa vào báo cáo thuế thì sẽ không phản ánh chính xác kết quả hoạt động kinh doanh của DN bởi vì để tránh thuế doanh nghiệp thường để doanh thu, lợi nhuận theo báo cáo thuế thấp, còn nếu dựa vào báo cáo nội bộ thì DNTN có thể tự thay đổi theo mục đích chủ quan nên ngân hàng không đủ cơ sở tin cậy để đánh giá, chấm điểm xếp hạng doanh nghiệp. Điều này làm tăng tính rủi ro của các khoản vay, do đó các ngân hàng có xu hướng dựa vào điều kiện về tài sản bảo đảm để giảm thiểu rủi ro hoặc phải dựa trên sự tin cậy và các mối quan hệ cá nhân với chủ doanh nghiệp để đánh giá mức độ rủi ro hợp lý từ đó mới đưa ra quyết định có cho vay hay không. Và đó không phải luôn là cơ sở khoa học để đưa ra quyết định
giải ngân của ngân hàng, dựa trên các yếu tố chủ quan làm cho các ngân hàng dễ thất thoát vốn khi nền kinh tế biến động hoặc phía đối tác vay vốn không hoạt động theo như dự tính của phía ngân hàng.
❖ Nguyên nhân từ phía môi trường, xã hội
Một là, do môi trường pháp lý chưa thuận lợi; môi trường kinh tế thiếu ổn định. Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới thì môi trường pháp lý của Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân gây ra RRTD. Môi trường pháp lý chưa đồng bộ, chưa ổn định, nhiều khi còn chồng chéo, bất cập nên đã ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của ngân hàng. Hành lang pháp lý cho các ngành nghề kinh doanh trong đó có ngân hàng còn chưa thống nhất, xuyên suốt. Trong điều kiện pháp luật vừa thiếu, vừa không đồng bộ, quy định không rõ ràng, công tác phổ biến còn nhiều bất cập, do vậy mỗi người hiểu và vận dụng một cách khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện. Cụ thể như việc xử lý tài sản đảm bảo của ngân hàng, luật pháp và các công cụ thực thi pháp luật chưa thực sự nghiêm minh, chưa hỗ trợ đầy đủ cho ngân hàng chủ động xử lý tài sản đảm bảo mà không có sự can thiệp của Tòa án. Do đó, dù có phán quyết của Tòa ngân hàng vẫn còn gặp trở ngại vì khâu thi hành án còn chậm. Tiếp đến là sự phối hợp không đồng bộ giữa cơ quan thẩm định, cơ quan bán đấu giá.. ..Từ lúc khởi kiện đến cưỡng chế, thì hành một vụ mất ít nhất 2 năm, trung bình mất 8-9 năm.
Hai là, trong thời gian dài phát triển theo chiều rộng nền kinh tế cần rất nhiều vốn để tăng trưởng tín dụng quá nóng, các tổ chức tín dụng xuất hiện ồ ạt và cạnh tranh tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nên hoạt động thẩm định cho vay còn sơ sài. Bên cạnh đó là chính sách, cơ chế của NHNN nhiều năm qua ít đổi mới, chưa theo kịp diễn biến và chưa định hướng cho dòng vốn tín dụng, hoạt động thanh tra giám sát nhiều lúc chưa hiệu quả là những nguyên ngân chính gây nên nợ xấu tăng mạnh nói chung và VCB nói riêng
Ba là, các doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tượng được ưu đãi khi tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng, cũng như các nguồn vốn nước ngoài. Trên thực tế không có một văn bản hay quyết định nào ngăn cản các DN tư nhân tiếp cận vốn ngân hàng cũng như việc chịu nhiều sức ép nên việc giảm cơ cấu tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Bốn là, thế chấp quyền sử dụng đất là một vấn đề phức tạp và không rõ ràng do đặc điểm của các quy định pháp luật của Việt Nam về đất và sở hữu tài sản. Đánh giá quyền sử dụng đất là vướng mắc chính hiện nay. Trên thực tế, các kết quả tố tụng và phán quyết tại toà án cho thấy các cơ quan pháp lý ở các tỉnh đánh giá giá trị quyền sử dụng đất không nhất quán. Ở một số tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền pháp lý đánh giá giá trị quyền sử dụng đất dựa trên khung giá đất do Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh qui định. Nhưng ở một số tỉnh khác, các cơ quan có thẩm quyền pháp lý lại đánh giá giá trị quyền sử dụng đất dựa trên giá của quyền sử dụng đất ở thị trường địa phương. Vì vậy, trong một số trường hợp, quyền hợp pháp và lợi ích của người đi thế chấp và người nhận thế chấp không được bảo vệ.
Năm là, hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp ở Việt Nam chưa nhất quán và có hiệu quả. Hiện nay các NHTM thường sử dụng hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) thuộc ngân hàng nhà nước để tìm hiểu về quan hệ tín dụng của khách hàng song các thông tin về các doanh nghiệp tư nhân đặc biệt là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng vẫn chưa được cập nhật liên tục và đầy đủ. Mặt khác, do chưa có các chế tài bắt buộc các doanh nghiệp phải công khai thông tin giúp các tổ chức xếp hạng có đánh giá hiệu quả nhất nên chất lượng đầu vào của hệ thống xếp hạng còn thấp. Các NHTM tự xây dựng tiêu chí đánh giá, chấm điểm xếp hạng doanh nghiệp của riêng ngân hàng vì vậy vẫn còn yếu tố chủ quan, dựa theo cảm
tính dẫn đến tình trạng không nhất quán giữa các NHTM, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đến quan hệ và chất lượng tín dụng của ngân hàng. Chính vì vậy các ngân hàng có tâm lý e ngại khi thực hiện cho vay đối với khối doanh nghiệp tư nhân này đặc biệt khi nền kinh tế có biến động khủng hoảng như hiện nay, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp với nhiều yếu tố chưa được cập nhật và khách quan sẽ gây ra những tổn thất lớn do khả năng thu hồi vốn từ phía doanh nghiệp.
Sáu là, do sự thay đổi môi trường tự nhiên. Việt Nam là một nước nhiệt đới gió mùa, liên tục phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Những thiên tai này ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp đó, do vậy gây ra RRTD cho ngân hàng.
2.3.3.2. Nhóm nguyên nhân chủ quan
Một là, công tác thẩm định còn sơ sai. Trừ một số ít khách hàng có phát sinh nợ xấu bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan như kinh doanh thua lỗ, công nợ khó đòi, khó khăn do thay đổi cơ chế, thay đổi chính sách tăng trưởng của Nhà nước thì hầu hết các khoản nợ xấu, nợ quá hạn bắt nguồn từ khâu thẩm định quá hời hợt của cán bộ tín dụng. Do không xác định được quy mô kinh doanh thực sự của khách hàng, khả năng cạnh tranh của khách hàng đối với ngành nghề mà khách hàng đang kinh doanh, không xác định được nguồn thu của khách hàng từ đâu và về đâu để có thể đưa ra một mức cho vay và cách thức giám sát hợp lý. Cán bộ tín dụng đối khi còn hời hợt trong phần kiểm tra sử dụng vốn, dẫn đến không phát hiện kịp thời những khó khăn của khách hàng ngay từ khi nhen nhóm. Không ít khách hàng, khi được kiểm tra về việc sử dụng vốn sau khi vay cho biết một phần vốn vay thực sự vào kinh doanh, một phần khác dung cho mục đích cá nhân như mua sắm vật dụng, sửa nhà,.... Đến khi phần vốn đầu tư kinh doanh thua lỗ, không còn nguồn khác
để trả nợ ngân hàng dẫn đến rủi ro tín dụng. Mặt khác, tư cách khách hàng là yếu tố quan trọng gắn liền với thiện chí hoàn trả tiền vay của khách hàng thường bị lãng quan trong quá trình thẩm định ban đầu.
Hai là, công tác thu nhập và phân tích thông tin tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp có quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng dẫn đến tình trạng thông tin bất cân xứng làm không định giá tín dụng đúng, lãi suất và chất lượng các khoản vay tách rời nhau, định lãi suất thường dựa vào một số chỉ tiêu chung không phản ánh đủ chi phí, dẫn đến hạn chế chất lượng tín dụng.. Để lấy thông tin về DN, ngoài tìm hiểu trực tiếp từ DN, ngân hàng chỉ có thể thu thập từ các kênh trung gian như các Hiệp hội Ngành nghề, Cơ quan Thuế, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Tuy nhiên, đến nay, gần như ngân hàng sử dụng được rất ít thông tin từ các tổ chức này vì vai trò của Hiệp hội rất mờ nhạt, tổ chức nhiều hội chồng chéo, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng không tin tưởng vào vai trò của Hiệp hội. Vì vậy, các Hiệp hội gần như không có thông tin, thông tin từ một số Hiệp hội về thực trạng DN chưa chính xác, không đưa ra được số liệu, địa chỉ rõ ràng. Mặt khác, thông tin tín dụng từ CIC chưa cập nhật, chưa phản ánh chính xác quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp với các ngân hàng tại thời điểm ngân hàng cần thẩm định hồ sơ vay vốn cho khách hàng. Mặc dù, đã có văn bản hướng dẫn liên quan đến cung cấp thông tin giữa ngân hàng và cơ quan thuế, tuy nhiên thực tế thời gian qua, việc hợp tác này rất mờ nhạt và không hiệu quả, các ngân hàng gần như không khai thác được kênh thông tin này.
Mặt khác, tính bắt buộc của việc sử dụng thông tin không mong muốn, chất lượng thông tin thấp và vai trò của trung gian trong việc cung cấp thông tin tài chính của các DNNVV có ảnh hưởng tiêu cực đến tính hữu ích của thông tin đối với ngân hàng. Sự tác động của những nhân tố này dẫn đến kết quả là các ngân hàng phải đối mặt với sự thiếu ổn định trong các quyết định
cho vay, do đó làm tăng độ rủi ro các khoản vay của các doanh nghiệp và trong rất nhiều các trường hợp, các ngân hàng phải chấp nhận rủi ro cao khi quyết định giải ngân.
Thêm nữa, tâm lý một số cán bộ tín dụng muốn đẩy phần rủi ro cho ngân hàng khác bằng cách chỉ cung cấp thông tin tốt của khách hàng khi ngân hàng bạn hỏi thăm. Ngân hàng vẫn chưa có sự lien thông với các cơ quan như Thuế, hải quan... để kiểm chứng những thông tin tài chính do khách hàng cung cấp.
Ba là, quy trình chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ chưa hoàn thiện. Kỳ chấm điểm và thời hạn chấm điểm xếp hạng tín dụng còn dài dẫn đến việc chốt thông tin xếp hạng ảnh hưởng đến việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Việc nhập thông tin khách hàng từ hệ thống Host lên hệ thống chấm điểm XHTD chưa đồng bộ.
Bốn là, do sự hạn chế về trình độ của cán bộ.
Đối với lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm như tín dụng ngân hàng thì yếu tố con người là yếu tố quan trọng. Nó đòi hỏi sự hiểu biết, nhiệt tình, cẩn thận và tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ tín dụng. Trên thực tế, trình độ nghiệp vụ của cán bộ tín dụng chưa thật sự vững, các cán bộ còn thiếu kinh nghiệm, chưa nắm bắt thông tin về mọi mặt hoạt động của khách hàng vay vốn và năng lực giám sát cũng như xử lý tình huống còn hạn chế, hay bất cập