Nội dung trách nhiệm xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công bố thông tin về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong ngành vận tải niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 32 - 37)

6. Kết cấu luận văn

1.2.3. Nội dung trách nhiệm xã hội

Phù hợp với cách tiếp cận về khái niệm đề cập ở phần trước, trong giới hạn nhất định, luận văn tập trung vào một số nội dung chính TNXH của DN như sau:

Trách nhiệm với cộng đồng: doanh nghiệp góp phần vào việc cải thiện cũng như phát triển đời sống cộng đồng, đầu tiên là cộng đồng địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động, và đóng góp cho sự phát triển bền vững của môi trường văn hóa - kinh tế - xã hội. Trách nhiệm này được thể hiện thông qua một số hoạt động như:

đóng góp xây dựng quốc phòng an ninh; đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng cho địa phương; tham gia các hoạt động từ thiện; xóa đói giảm nghèo; đầu tư vào giáo dục, tài trợ các hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương, xã hội; trợ giúp cho những đối tượng bảo trợ, cần được hỗ trợ như người gặp thiên tai, người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, éo le,... Trong nhận thức, một số

người đứng đầu doanh nghiệp có thể bất bình với việc tại sao mình phải thực hiện nhiều loại trách nhiệm như vậy. Có một sự không công bằng đối với chủ thể doanh nghiệp hay chăng? Tuy nhiên, đó là nhận thức của chủ thể chưa hiểu đúng đắn về bản chất của việc thực hiện TNXH. Ở đây, tác giả luận án luôn nhấn mạnh quan điểm chủ đạo của mình khi xem xét việc thực hiện TNXH của DN là mối quan hệ biện chứng giữa các sự vật, hiện tượng trong xã hội (giữa chủ thể doanh nghiệp với những tư cách khác nhau như thiết chế kinh tế, chủ thể xã hội và các chủ thể khác

trong xã hội) và đứng trên quan điểm quan hệ lợi ích xem xét vấn đề TNXH của DN (thực hiện TNXH của DN không chỉ đem lại lợi ích cho xã hội mà là cách doanh nghiệp đem lại lợi ích cho chính mình). Nếu như doanh nghiệp thờ ơ với những TNXH cốt yếu này thì có nghĩa là doanh nghiệp đã tự loại bỏ mình ra khỏi tồn tại xã hội.

Trách nhiệm với môi trường: Trách nhiệm bảo vệ môi trường xung quanh. Cơ bản, doanh nghiệp cần đảm bảo các hoạt động thân thiện với môi trường sinh thái, ít nhất không vì lý do kinh tế mà gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và nhiều yếu tố khác. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện các chương trình góp phần bảo vệ môi trường cũng như nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng của môi trường cho các đối tượng khác. Ngày nay, trách nhiệm môi trường không còn dừng lại ở mỗi cá nhân hay tổ chức cụ thể, mà nó trở thành trách nhiệm vừa mang tính pháp lý vừa mang tính quy phạm xã hội của toàn nhân loại. Vấn đề bảo vệ môi trường được nhìn nhận như là một trong những yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Đó là vấn đề có tính toàn cầu. Bảo vệ môi trường vẫn đang là cuộc chiến nóng bỏng và phức tạp. Cuộc đấu tranh này diễn ra cả trên lĩnh vực tư tưởng, pháp lý, lẫn đạo đức. Thành công của cuộc chiến này trước hết phụ thuộc nhiều vào lương tâm của doanh nhân trong ứng xử với môi trường; sự quản lý của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế trong việc hình thành hành lang pháp luật và kiểm soát thực thi pháp luật bảo vệ môi trường và tiếp theo là sức ép của cộng đồng (dư luận xã hội).

Doanh nghiệp phải thực hiện tốt pháp luật của quốc gia và quốc tế về môi trường. Trách nhiệm môi trường thể hiện qua những hoạt động cụ thể như:Tuân thủ pháp luật, yêu cầu, tiêu chuẩn môi trường; dự báo tác hại với môi trường có thể có, xây dựng phương án, kế hoạch và lập báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý của nhà nước và trên phương tiện thông tin đại chúng; cam kết không khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường (môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn…); sử dụng công nghệ, trang thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất đúng quy định của pháp luật và theo hướng thân thiện với môi trường; có quy trình xử lý nước thải, chất thải đúng quy định, không xả chất thải

rắn, chất thải độc hại hủy hoại môi trường; tham gia hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái bằng các hoạt động tái đầu tư các dự án bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư,v.v…

Trách nhiệm với người tiêu dùng: doanh nghiệp đảm bảo các thông tin đáng tin cậy và sự an toàn sản phẩm cho người sử dụng, gây dựng sự hài lòng cho khách hàng, tập trung phát triển sản phẩm theo các xu hướng tiêu dùng tương lai, nắm bắt được nhu cầu ngắn hạn cũng như dài hạn của người tiêu dùng. Doanh nghiệp là chủ thể tạo ra của cải, vật chất cho xã hội đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên và tốt hơn về vật chất và văn hóa của mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. TNXH của DN là trên cơ sở nguồn lực đầu vào, sản xuất hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng nhằm phát triển thị trường hàng hóa góp phần tạo ra sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Trách nhiệm này cụ thể bao gồm: Tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phong phú có tiêu chuẩn về chất lượng nhất định, an toàn với người tiêu dùng. Các thông số trên hàng hóa luôn đúng với chất lượng của nó. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đều chứng tỏ doanh nghiệp sản xuất ra nó không có TNXH; Các thông tin về quảng cáo sản phẩm phải đảm bảo độ chính xác cao. Cho phép cạnh tranh trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm nhưng cạnh tranh phải lành mạnh, công bằng; áp dụng khoa học công nghệ mới để tạo ra sản phẩm. Việc thành lập bộ phận nghiên cứu và triển khai là rất cần thiết để tạo ra sự đa dạng của các sản phẩm trên thị trường; Xây dựng sản phẩm có thương hiệu quốc gia và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Trách nhiệm sản phẩm: là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng. Nó dựa trên nguyên tắc là các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm, từ cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, người phân phối sản phẩm, phải đảm bảo an toàn sản phẩm khi đưa vào lưu thông và họ phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ thiệt hại nào gây ra cho người tiêu dùng do sản phẩm không đảm bảo mức độ an toàn hợp lý. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hàng hóa, khi người sản xuất không đồng thời đóng vai trò là người bán, trực tiếp thực hiện việc bán hàng cho người sử dụng, xuất hiện những khâu trung gian thực hiện hoạt động thương mại sẽ rất khó khăn cho người tiêu dùng xác định chủ thể phải bồi

thường. Trách nhiệm này ở mỗi quốc gia quy định khác nhau.

Trách nhiệm đối với người lao động: hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp về thực chất là khai thác và đáp ứng nhu cầu của con người. Trong nền kinh tế thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp suy cho cùng là do người lao động và khách hàng tạo ra. Sự thành bại của doanh nghiệp nói riêng và tổ chức nói chung hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ người lao động. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp này cạnh tranh với doanh nghiệp khác không chỉ ở vốn đầu tư, ở công nghệ hiện đại mà còn ở chất lượng của người lao động. Chính sách đãi ngộ, điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi, có văn hóa, có cơ hội nghề nghiệp phát triển tạo ra “sức hút” người lao động giỏi về doanh nghiệp. Người lao động gắn bó, yêu thích công việc của mình phần lớn là do điều kiện, môi trường làm việc, chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi hợp lý. Doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu này đồng nghĩa với việc tạo ra đội ngũ người lao động trung thành và phấn đấu hết mình, đồng hành cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện TNXH sẽ tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần do họ được đảm bảo các chế độ, quyền lợi lao động, điều kiện, môi trường lao động. Các nội dung chính trong TNXH của DN đối với người lao động bao gồm: trách nhiệm với nâng cao chất lượng môi trường sống của người lao động và trách nhiệm nâng cao chất lượng môi trường lao động.

Trách nhiệm nâng cao chất lượng môi trường sống của người lao động:Trách nhiệm về chế độ tiền lương, tiền thưởng, các chế độ phúc lợi (BHXH, BHTN, BHYT…), các chế độ khác cho người lao động (hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể): Trong trách nhiệm này, ngoài việc doanh nghiệp cần có lộ

trình, chiến lược đãi ngộ rõ ràng với tập thể, từng cá nhân người lao động theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp phải có quy định, quy chế rõ ràng cho lĩnh vực này, công khai cho tập thể người lao động được biết. Doanh nghiệp phải trích phần trăm từ các chế độ này để đóng đầy đủ và đúng hạn cho các cơ quan chức năng theo luật định. Người lao động phải được hưởng quyền lợi chính đáng mà doanh nghiệp đã cam kết thực hiện.

Trách nhiệm đối với về vấn đề lao động cưỡng bức, việc sử dụng lao động trẻ em, lao động khuyết tật…: khi đề cập đến vấn đề lao động cưỡng bức, phần lớn các tiêu chuẩn TNXH của DN đều yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo không sử dụng lao động cưỡng bức như sử dụng tù nhân, ràng buộc người lao động để trừ nợ; bắt người lao động đặt cọc nộp giấy tờ cam kết mới được làm việc. Trong các Bộ Quy tắc ứng xử CoC về TNXH đều nhấn mạnh đến những quy định về lao động trẻ em. Doanh nghiệp cam kết không được thuê mướn lao động trẻ em hoặc ủng hộ việc sử dụng lao động trẻ em trừ những trường hợp được pháp luật cho phép. Với lao động vị thành niên, doanh nghiệp cũng phải có những biện pháp sử dụng thích hợp. Doanh nghiệp không được sử dụng lao động vị thành niên làm việc ở nơi, ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, không an toàn hoặc có hại cho thể chất, tinh thần của trẻ. Doanh nghiệp phải thiết lập, viết thành văn bản đảm bảo duy trì và thông tin một cách hiệu quả đến các bên liên quan về chính sách và thủ tục đối với vấn đề lao động trẻ em.

Trách nhiệm đào tạo và phát triển người lao động: Doanh nghiệp cần nhận thức được rằng, người lao động là tài sản, nguồn vốn (capital resources) cần được đầu tư và phát triển nhằm tạo sự tồn tại bền vững của doanh nghiệp. Kỹ năng của người lao động không chỉ hình thành bằng sự nỗ lực của bản thân người lao động mà còn bởi sự định hướng, đào tạo, phát triển của doanh nghiệp với tư cách là đơn vị sử dụng lao động. Nhu cầu được đào tạo về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, thái độ là một nhu cầu cần được doanh nghiệp đáp ứng để người lao động có thể hoàn thành công việc ngày một hiệu quả hơn, đem lại giá trị cho doanh nghiệp nhiều hơn.

Trách nhiệm thành lập và đảm bảo hoạt động của tổ chức độc lập đại diện cho quyền lợi của người lao động: Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động được thành lập theo pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước; quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh - kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ví dụ theo pháp luật Việt Nam, chậm nhất 6 tháng kể từ ngày thành lập và đi vào hoạt động,

công đoàn cấp trên phải thành lập tổ chức công đoàn cơ sở để đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Trách nhiệm nâng cao chất lượng môi trường lao động:trách nhiệm này liên quan đến việc đảm bảo các điều kiện làm việc, an toàn sức khỏe nghề nghiệp, an toàn vệ sinh lao động. Cụ thể, doanh nghiệp phải cung cấp những điều kiện, trang thiết bị làm việc theo tiêu chuẩn mà pháp luật quy định. Doanh nghiệp cần phổ biến kiến thức ngành và các nguy hiểm có thể xảy ra cho người lao động, phải đảm bảo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, vệ sinh để phòng ngừa những tai nạn và thương tích có hại đến sức khỏe của người lao động. Doanh nghiệp cần hướng dẫn cán bộ, công nhân viên về an toàn lao động trong sản xuất, có những biện pháp và hệ thống quản lý thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công bố thông tin về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong ngành vận tải niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)