Quan điểm về tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về văn hóa từ thực tiễn quận hoàng mai, thành phố hà nội (Trang 64 - 68)

THÀNH PHỐ HÀ NỘI

3.1. Quan điểm về tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bànquận Hoàng Mai quận Hoàng Mai

3.1.1. Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng

Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Quận ủy Hoàng Mai cần chỉ đạo xuyên suốt các cấp ủy Đảng, cơ sở Đảng trực thuộc, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng văn hóa trong các cơ quan của Đảng, các đoàn thể chính trị, chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước, các cơ quan, đơn vị, trường học thuộc quận, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Tập trung vào yếu tố con người, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tâm, có tầm, có ý thức thượng tôn pháp luật, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, hết lòng phụng sự tổ quốc, đầy lùi các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, về tư tưởng tự diễn biến, tự chuyển hóa của một số cán bộ, đảng viên.

Chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo quản lý, có năng lực, có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức làm công tác quản lý ở các cơ quan của ngành Văn hóa - Thông tin thuộc quận để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả.

3.1.2. Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa phải nhận thức đúng đắn vai trò của văn hóa

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, là năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người; trụ cột phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và nhân loại.

Quận ủy, UBND quận cần thường xuyên chỉ đạo, giám sát chặt chẽ các hoạt động quản lý văn hóa trên địa bàn, khu dân cư, tổ dân phố cụ thể, sẽ giúp kiểm soát sự tùy tiện, sai lệch trong khi thực thi các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quận, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị cơ sở và nhân dân trong toàn quận về tầm quan trọng hoạt động QLNN về văn hóa nhận thức đúng đắn về vai trò của văn hóa, không thể xem nhẹ, buông lỏng QLNN về văn hóa sẽ dẫn đến hệ lụy về tư tưởng, nhận thức, lối sống buông thả, suy thoái đạo đức của một số cán bộ, đảng viên, ý thức chấp hành pháp luật, làm ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển chung của quận, thành phố và đất nước.

Nêu cao tính gương mẫu của tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị, cơ quan, đơn vị, trường học, “Nói phải đi đôi với làm”, cư xử, ứng xử văn hóa, làm gương đi tiên phong cho quần chúng nhân dân noi theo để lan tỏa rộng dãi tới từng hộ gia đình, từng người dân, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thế hệ trẻ và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

3.1.3. Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước

Đại hội XII của Đảng đưa quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Quận ủy, UBND quận cần chỉ đạo quyết liệt về tinh giảm biên chế, yêu cầu rà soát chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc quận, sáp nhập các cơ quan, đơn vị theo luật định, đổi mới, hoàn thiện đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị với đổi mới thể chế kinh tế, phù hợp với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Chỉ đạo, định hướng sự phát triển văn hóa, tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển văn hóa, điều tiết sự cân bằng với kinh tế, nâng cao sự thụ hưởng văn hóa của

người dân, khắc phục, ngăn ngừa những yếu tố tiêu cực du nhập từ văn hóa nước ngoài, bảo tồn duy trì, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của địa phương.

Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước; gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính của bộ, ngành, Thành phố Hà Nội với cải cách hành chính của các phòng, ban, đơn vị thuộc quận, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Riêng lĩnh vực văn hóa, cải cách hành chính mạnh mẽ, có hiệu quả, thống nhất, hoàn chỉnh, tinh gọn bộ máy, cán bộ, công chức phù hợp với công tác QLNN về văn hóa thuộc quận. Hệ thống cơ quan QLNN về văn hóa phải tinh gọn, hiệu quả, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế, phản ứng nhanh với những biến động mới, phát sinh mới của thành phần văn hóa, vì thành phần văn hóa luôn thay đổi liên tục.

Cải cách hành chính trong lĩnh vực văn hóa sẽ tạo điều kiện về hành lang pháp lý được luật hóa, các thủ tục pháp lý đơn giản hóa, hiệu lực, hiệu quả, các quy định cũ, lạc hậu bị bãi bỏ, yếu tố con người đổi mới, trình độ ngang tầm với nhiệm vụ, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các nguồn lực đóng góp, đầu tư, xây dựng, xã hội hóa vào lĩnh vực văn hóa.

3.1.4. Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa phải gắn với nâng cao dân trí, tiếp nhận, cảm thụ văn hóa của xã hội

Văn hóa là nơi sự đoàn kết, thống nhất các lực lượng làm văn hóa và đoàn kết toàn dân hướng vào thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ nhất định. Để phát huy sức mạnh và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, Nhà nước và nhân dân cùng có trách nhiệm tham gia quản lý văn hóa, quản lý xã hội và coi đây là một mặt trận của văn hóa. Đồng thời mặt trận văn hóa cũng là nơi chiến đấu chống cái ác, cái xấu, cái giả để khẳng định và xây dựng cái đúng, cái tốt, cái đẹp, bảo vệ đời sống tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Quận ủy, UBND quận cần chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan có chức năng QLNN về văn hóa của quận phải gắn việc quản lý với việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc ở địa phương làm cho nhân dân nhận thức đúng đắn, hiểu về giá trị văn hóa, để nhân dân tự giác, tự nguyện tham gia vào việc phát triển và giữ gìn bảo tồn văn hóa, nhân dân đón nhận và cảm thụ được văn hóa và coi văn hóa là sản phẩm, thành quả của mình tạo nên, để sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Cần chỉ đạo cấp ủy và chính quyền các phường thuộc quận, thực hiện tốt các quy định, tiêu chuẩn, hương ước, quy ước về văn hóa tại địa phương. Đồng thời mọi người dân được hưởng thụ từ những sản phẩm văn hóa được xây đắp, vun trồng của quê hương mình tạo ra, nhân dân cùng nhà nước bảo vệ các hoạt động văn hóa chính thể, đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan, biểu hiện lợi dụng văn hóa của các thế lực thù địch trên địa bàn quận.

Như vậy cả hệ thống chính trị cở sở và nhân dân trong toàn quận, gắn kết giữa QLNN về văn hóa và nâng cao dân trí, tiếp nhận, cảm thụ văn hóa của xã hội, trở thành phong trào rộng rãi, lớn mạnh, đi vào nề nếp, góp phần cho sự phát triển bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

3.1.5. Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa phải gắn liền với chủ trương xã hội hóa trong hoạt động quản lý văn hóa

Xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Với chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa là nhằm biến việc xây dựng nền văn hóa mới của đất nước trở thành công việc của toàn xã hội.

Quận ủy, UBND quận cần ban hành Nghị quyết và kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực văn hóa trên địa bản quận đó là: Đi đôi với việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, coi văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, gắn giữa nhiệm vụ phát triển văn hóa, làm cho văn hóa tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của đất nước.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự giác, tự nguyện, đóng góp, xây dựng các thiết chế văn hóa, các phong trào hoạt động văn hóa tại cơ sở. Xã hội hóa càng phát triển thì nhu cầu văn hóa của con người càng cao. Văn hóa có tác động lớn trong sự phát triển, trong chiến lược xây dựng con người. Nếu như không cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa thì sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng trong đời sống tinh thần của xã hội tại địa phương.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa trên toàn địa bàn quận. Xã hội hóa và định hướng hoạt động văn hóa là hai vấn đề có liên quan mật thiết với nhau. Nếu không có định hướng tốt thì hoạt động xã hội hóa dễ rơi vào con đường thương mại hóa. Nếu cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu định hướng, thiếu quản lý chặt chẽ đã làm cho các yếu tố tiêu cực như mê tín dị đoan kèm theo các tệ nạn xã hội khác phát triển. Vì vậy, xã hội hóa càng mạnh thì việc định hướng càng nghiêm ngặt, cụ thể để cho các hoạt động văn hóa đều hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tại địa phương. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa không có nghĩa là khoán trắng việc này cho xã hội. Quận ủy, UBND quận vẫn luôn luôn giữ vai trò chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động văn hóa, cần tăng cường đầu tư cho các hoạt động này như là việc cấp vốn ban đầu. Đầu tư có trọng điểm, đúng lúc, đúng chỗ, để việc đầu tư như chất xúc tác, đẩy quá trình xã hội hóa nhanh hơn, mạnh hơn.

UBND quận cần ban hành các văn bản hướng dẫn về chủ trương, chính sách, pháp luật làm cho ngành Văn hóa - Thông tin, các phường, các cơ quan đơn vị, trường học và nhân dân trong toàn quận nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Bản thân ngành văn hóa phải nâng cao chất lượng hoạt động quản lý của mình tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao đáp ứng đời sống tinh thần của xã hội. Huy động các nguồn tài trợ phi nhà nước bằng chính sách giảm thuế, ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức xã hội trong việc xã hội hóa, khuyến khích các cơ sở làm tốt việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa và phổ biến rộng rãi những hình thức xã hội hóa tốt để phát triển văn hóa gắn liền với QLNN trên địa bàn quận.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về văn hóa từ thực tiễn quận hoàng mai, thành phố hà nội (Trang 64 - 68)