Cũng như các nước trên thế giới, việc thống kê một cách chính xác số lượng người đồng tính tại Việt Nam không phải là điều dễ dàng do việc nhận diện người đồng tính gặp nhiều khó khăn. Một người đồng tính hay không đồng tính không thể xác định tại thời điểm sinh ra, cũng không thể xác định thông qua tổng thể bên ngoài hay một giai đoạn cụ thể. Đối với cá nhân đồng tính, họ sẽ bộc lộ và phát hiện xu hướng tính dục của mình ở một giai đoạn
khác nhau trong cuộc đời, có thể sớm hoặc có thể muộn. Tuy nhiên, lý do chính cho việc không công khai xu hướng tính dục xuất phát từ sự kỳ thị xã hội nên nhiều người đồng tính vẫn chưa thể công khai xu hướng tính dục của mình.
Ở Việt Nam chưa tiến hành cuộc điều tra mang tính quy mô quốc gia để xác định số lượng chính xác người đồng tính. Tuy nhiên nhiều cuộc khảo sát về thực trạng việc làm, vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử và các cuộc khảo sát xã hội khác đã được tiến hành để thống kê về thực trạng người đồng tính ở nước ta. Thực trạng nghiên cứu về người đồng tính đã chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất
đối với những người đồng tính đó là sự phân biệt, đối xử và kì thị của xã hội. Nhiều người bị từ chối công việc hoặc bị sa thải do công khai xu hướng tính dục của mình; nhiều người khác đã công khai xu hướng tính dục của mình, muốn sống chung gắn bó lâu dài với người đồng tính khác nhưng không thể kết hôn; nhiều người khác thì nhập quốc tịch một số nước cho phép kết hôn đồng giới để kết hôn với bạn đời của mình.
Để xác định số lượng người đồng tính tương đối khó khăn, vì ngoài việc không công khai bộc lộ xu hướng tính dục thì đối với người song tính họ có cả 2 xu hướng tính dục vừa đồng tính và dị tính, do đó vẫn có sự ràng buộc, mối liên hệ mật thiết giữa người song tính và người đồng tính nên rất khó thống kê một cách chính xác nhất. Theo như báo cáo khoa học của WTO, có khoảng 3% dân số có xu hướng tính dục đồng tính [52]. Nếu áp dụng mức này ở Việt Nam thì nước ta có khoảng 2,8 triệu người đồng tính (theo Tổng cục thống kê Việt Nam, dân số Việt Nam tính đến thời điểm ngày 11/7/2019 là 96,2 triệu người) và số lượng có thể sẽ tăng lên qua các năm trong sự cởi mở và đón nhận của xã hội, nhất là giới trẻ trong giai đoạn hiện nay. Những thế hệ trẻ sinh ra trong giai đoạn này được tiếp xúc nhiều hơn và dần quen với sự xuất hiện, tồn tại của những người đồng tính. Số lượng các chương trình
truyền hình có sự tham gia của người đồng tính ngày càng được tăng lên, số người và các tổ chức ủng hộ người đồng tính cũng ngày càng đông đảo. Các chương trình tổ chức có sự tham gia của người đồng tính như: Người ấy là ai, “Come out” và các chương trình quen thuộc với khán giả như: Bạn muốn hẹn hò, Just Love, Yêu là cưới cũng mở rộng đối tượng cho các khách mời là người đồng tính với hàng triệu lượt xem và nhận được các bình luận tích cực từ phía cộng đồng mạng cũng như những người yêu thích các chương trình này.
Trong cuộc khảo sát “Sống chung cùng giới, trải nghiệm thực tế và Mưu cầu hạnh phúc lứa đôi” được thực hiện bởi Nguyễn Thị Thu Nam, Vũ Thành Long, Phạm Thanh Trà của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) vào năm 2013 điều tra về lĩnh vực việc làm của người LGBT cho thấy công việc và thu nhập của 2.483 người LGBT được phỏng vấn với độ tuổi khảo sát trung bình là hơn 20 tuổi, hiện đang học tại các trường trung học phổ thông và cao đẳng, đại học, nên công việc chủ yếu chưa có thu nhập (39.6%), đang làm việc làm toàn thời gian 32%, phần còn lại có thu nhập nhưng mức thu nhập chỉ trong khoảng từ 1 đến 5 triệu đồng [15, Tr11.]
Cũng trong một cuộc khảo sát khác được tiến hành năm 2016 bởi Lương Thế Huy, Phạm Quỳnh Phương và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường với tiêu đề “Có phải vì tôi là LGBT? Phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới tại Việt Nam” với độ tuổi của những người tham gia khảo sát đa phần thuộc độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi (67%), nhóm dưới 18 tuổi chiếm 22%, nhóm từ 25 đến 34 tuổi chiếm 10%, số người còn lại trên 35 tuổi chiếm số lượng rất nhỏ [42, Tr.32] thì đa phần những người khảo sát
đang sống cùng gia đình (68.7%), độc thân (98%), đang học sinh, sinh viên (61.1%) hoặc đang làm việc cho các DN tư nhân (77.7%) [42, Tr.36]. Vấn đề việc làm của người đồng tính cũng tương đối đa dạng. Người đồng tính đang
làm việc trong các ngành nghề như kinh doanh (19.6%), làm việc trong các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống (11.6%), trong lĩnh vực giáo dục (8.7%), sản xuất (6.9%), tự do (6.8%), truyền thông và quảng cáo (4.9%0, lĩnh vực nghệ thuật, giải trí (4.5%), lĩnh vực y tế, y dược (4.5%), máy tính viễn thông (4.2%), các ngành nghề còn lại dưới 4.0% [42, Tr.36].
Với những người tham gia khảo sát cứ 10 người thì có đến 9 người đã công khai xu hướng tính dục của mình với ít nhất một người bạn, một nửa số người tham gia đã công khai với ít nhất một thành viên trong gia đình. Tỉ lệ công khai với đồng nghiệp và hàng xóm chiếm tỉ lệ rất ít. Độ tuổi trung bình của khảo sát là 19.1 tuổi nên xu hướng công khai với bạn bè cao hơn do sự tiến bộ với việc tiếp xúc với người đồng tính nên sẽ có cách nhìn đồng cảm hơn [42, Tr.37]. Với những người tham gia khảo sát thì có đến 13.3% những người tham từng trải qua các hành vi bạo lực trong gia đình như nhốt, cầm giữ; hành hung, đánh đập (12.7%), bị gây áp lực bằng lời nói (60.2%), hay không nói chuyện khi công khai xu hướng tính dục (46.9%) [42, Tr.95].
Trường học là môi trường để học tập, tuy nhiên người đồng tính cũng đang phải chịu đựng sự phân biệt đối xử, thậm chí là bạo lực ngay trong môi trường giáo dục. Cũng theo khảo sát trên, cứ ba người thì có hai người từng nghe, thấy những nhận xét, hành động tiêu cực từ bạn bè. Kỳ thị không chỉ đến từ bạn bè mà giáo viên cũng là một trong những người có hành động tiêu cực đối với người đồng tính khi cứ ba người thì có một người (chiếm 38.2%) những người từng nghe những nhận xét, hành động tiêu cực từ giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường. Người đồng tính còn bị phân biệt đối xử trong môi trường làm việc như bị hạn chế thăng tiến (22.6%), bị trả với mức lương thấp hơn với những người lao động khác cùng vị trí, năng lực (13.8%), bị chuyển công tác (13.5%). Trong đó nơi diễn ra bạo lực cao nhất là trường học (36.8%), trong gia đình (16.2%), nơi làm việc và môi trường
công sở (14%), ở các môi trường khác (7.7%). Sự kì thị có thể xảy ra trong bất kỳ môi trường nào có sự xuất hiện của người đồng tính làm ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần, sức khỏe của người đồng tính [42, Tr.95].