3.1.1. Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gia công phải tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam
Nguyên tắc tự do ý chí trong pháp luật hợp đồng được hiểu là các bên được tự do giao kết hợp đồng hay thỏa thuận về việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự theo ý chí của mình miễn là nó không trái với trật tự công cộng. Nguyên tắc này khi chiếu vào việc thực hiện nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hợp đồng lại mang một sắc thái khác, làm phát sinh một tiểu nguyên tắc là nguyên tắc hiệu lực ràng buộc của hợp đồng. Lý thuyết này ủng hộ tự do ý chí vô giới hạn, tự do thương lượng giữa các cá nhân với nhau để ràng buộc chính mình sẽ mang lại công bằng và sự tự do cạnh tranh sẽ mang lại sự thịnh vượng về kinh tế, đã dẫn tới hệ quả là coi hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương là một nguồn gốc quan trọng của nghĩa vụ (đề cao nghĩa vụ dân sự thay vì nghĩa vụ pháp định) vì nó đến từ chính ý chí của chủ thể bị ràng buộc. Điều 3 BLDS Việt Nam năm 2015 quy định về nguyên tắc tự do ý chí như sau: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Nguyên tắc thiện chí không được định nghĩa bởi luật, mang nghĩa về mặt luân lý nhiều hơn với liên hệ gần gũi về sự trung thực, không có sự ác ý hay
tư lợi bất chính. Điều 3 BLDS năm 2015 đã có nguyên tắc thiện chí: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Trong lĩnh vực luật hợp đồng, đặc biệt là ở giai đoạn giao kết, nguyên tắc thiện chí được giải thích gần gũi với nguyên tắc tự do ý chí, có nghĩa là việc xác lập hợp đồng và các điều kiện của nó phụ thuộc vào ý chí của các bên. Trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, nguyên tắc này có thể không gắn với ý chí của các bên lúc đầu mà lại gắn với sự công bằng về lợi ích giữa các bên. Hoặc với việc chấp nhận sự thực hiện chủ yếu chứ không phải thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của hợp đồng, thiện chí là sự thông cảm cho những thiếu sót khi thực hiện nghĩa vụ của đối phương. Đặc biệt sự vận dụng nguyên tắc này trong một số hoàn cảnh đặc thù có thể coi là tạo ra ngoại lệ cho nguyên tắc hiệu lực ràng buộc của hợp đồng, đó là trong trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Nguyên tắc thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ hợp đồng là quan trọng nhất và được ưu tiên hàng đầu: “Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác”.
Nguyên tắc tập quán được đề cập như là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng nói riêng và pháp luật dân sự nói chung. Một nền pháp luật theo hệ thống dân luật thường có hai nguồn cơ bản là luật thành văn và tập quán pháp. BLDS Việt Nam đặt thứ tự ưu tiên áp dụng của tập quán chỉ sau thỏa thuận của các bên và luật thành văn. Đặc điểm chính yếu của tập quán là có nội dung rõ ràng đủ để xác định quyền và nghĩa vụ của chủ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài và được mọi người cùng thừa nhận như là những quy tắc ràng buộc.
Khi xây dựng chế định hợp đồng của BLDS các nhà làm luật đều tôn trọng quyền những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện pháp luật về HĐGC, cần phải đảm
bảo nguyên tắc tự do ý chí, nguyên tắc thiện chí và tập quán, là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
3.1.2. Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gia công phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa BLDS và LTM
Để tạo điều kiện xây dựng hệ thống các quy định của pháp luật dân sự thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo và mâu thuẫn, cần giải quyết đúng đắn và dứt điểm mối quan hệ giữa BLDS với các đạo luật chuyên ngành, cụ thể là LTM. Phương hướng xử lý mối quan hệ này là phải xoá bỏ tình trạng lấy cái chung thay cho cái riêng, cái cụ thể, trộn lẫn cái chung với cái riêng hay trộn cái riêng vào cái chung như đã làm khi xây dựng BLDS; cần thiết kế ngay mô hình hệ thống các quy định, các văn bản pháp luật dân sự.
Các vấn đề dân sự vừa được quy định trong BLDS, vừa được quy định tại các đạo luật chuyên ngành, nhưng có sự phân công hợp lý theo hướng, BLDS chỉ quy định nội dung chung của tất cả các lĩnh vực, còn đạo luật chuyên ngành cụ thể hoá các quy định chung để tránh chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Thực tiễn trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động gia công cho thấy rằng, sẽ thuận lợi hơn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi áp dụng pháp luật, nếu BLDS chỉ quy định các vấn đề chung cho tất cả các lĩnh vực dân sự, còn LTM cụ thể hoá các quy định chung của BLDS vào điều kiện cụ thể. Mặt khác, BLDS là đạo luật chung nên đòi hỏi phải có sự ổn định cao, trong khi đó, LTM luôn biến đổi cùng với sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế, xã hội trong lĩnh vực thương mại. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung các văn bản thì phải đồng thời sửa đổi, bổ sung cả Bộ luật và các đạo luật chuyên ngành liên quan.
Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, các quy định pháp luật dân sự sẽ là một hệ thống thống nhất trong đa dạng, tạo điều kiện để xoá tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn đã tồn tại trong suốt thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ dân sự hết sức phong phú, đa
dạng trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, bất kỳ hệ thống quy phạm pháp luật chuyên ngành nào cũng phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Để xác định phạm vi, nội dung cụ thể của BLDS và LTM trong việc điều chỉnh các mối quan hệ dân sự, cần nghiên cứu và xử lý một cách chính xác, khoa học mối quan hệ giữa BLDS với LTM; mặt khác, cần xác định cụ thể và khoa học mô hình hệ thống các quy phạm pháp luật dân sự. Việc sửa đổi, bổ sung BLDS cũng như việc soạn thảo một loạt các văn bản mới liên quan hiện nay là dịp tốt để chúng ta xử lý dứt điểm vấn đề này, bảo đảm cho hệ thống pháp luật dân sự thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
BLDS là đạo luật cơ bản nhất của mỗi quốc gia; tại Việt Nam, BLDS có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật, là nền tảng của hệ thống luật tư mà các ngành luật khác phải tuân theo. Do đó, quá trình hoàn thiện các quy định về HĐGC phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa BLDS và LTM là tất yếu.
3.1.3. Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gia công phải đảm bảo hài hòa giữa các nhóm lợi ích
Hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản hoặc công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm; Các cá nhân, pháp nhân cùng hợp tác, liên kết với nhau bằng một hợp đồng để cùng sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn. HĐGC là một dạng của hợp đồng thương mại, vì vậy, có những điểm đáng chú ý như: (1) HĐGC ra đời trên cơ sở thỏa thuận của các bên, có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên tham gia. Các bên thỏa thuận nội dung cơ bản trong hợp đồng, quy định đối tượng, nội dung cũng như quyền và nghĩa vụ khác. (2) Chủ thể tham gia HĐGC là các cá nhân, pháp nhân. Pháp luật cho phép mọi cá nhân, pháp nhân thỏa mãn các điều kiện luật định đều được
tham gia vào ký kết hợp đồng. Các chủ thể nhằm thực hiện một công việc, cùng hưởng lợi ích từ kết quả công việc đem lại. (3) Mục đích của HĐGC là cùng thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Các chủ thể phải thỏa thuận cụ thể công việc cùng hợp tác, cách thức chia sẻ lợi ích cũng như cơ chế chịu trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia hợp đồng. Quá trình thực hiện công việc, chia sẻ lợi ích, chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại phát sinh trong quá trình thực hiện công việc tuân thủ theo các nguyên tắc mà các bên thỏa thuận. Cả BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều thừa nhận mục đích của hợp đồng hợp tác là nhằm thỏa thuận về việc cùng nhau tiến hành các hoạt động sản xuất, gia công, lắp ráp và thu lợi nhuận. Trong trường hợp, một quan hệ xã hội chỉ phát sinh tranh chấp khi lợi ích giữa các chủ thể bị xâm phạm, không được đảm bảo thì pháp luật xuất hiện nhằm điều hòa các xung đột về lợi ích bảo vệ trật tự công cộng.
3.1.4. Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gia công trên cơ sở hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế
Trong một thế giới hiện đại, sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Đây chính là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế. Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX cho đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc các lĩnh vực của đời sống xã hội và xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất. Quá trình xã hội hóa và phân công lao động ở mức độ cao đã vượt ra khỏi phạm vi biên giới quốc gia và được quốc tế hoá ngày một sâu sắc. Sự quốc tế hoá như vậy thông qua việc hợp tác ngày càng sâu giữa các quốc gia ở tầm song phương, tiểu khu vực, khu vực và toàn cầu. Về bản chất, hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế. Hội nhập quốc tế cũng như các hình thức hợp tác quốc tế khác đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hiện nay hội nhập quốc tế không chỉ dừng lại ở một vài lĩnh vực mà hội nhập một cách toàn diện, trên mọi mặt; để không đứng ngoài xu hướng đó, Việt Nam cần phải điều chỉnh pháp luật của mình xích gần hơn với pháp luật thế giới. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
3.2. Các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gia công may mặc ở Việt Nam hiện nay