tiễn huyện Cần Đước, tỉnh Long An
3.1.1. Quan điểm hoàn thiện công tác đánh giá công chức từ các quy định của Đảng cộng sản Việt Nam được thực hiện dựa trên sự lãnh đạo thống nhất của Đảng
Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo đất nước thực hiện đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã được khẳng định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013“Đảng cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” [24]. Đảng lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mỗi cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ của mình luôn đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Hiệu quả hoạt động của công chức sẽ phản ánh chất lượng và uy tín lãnh đạo của Đảng.
Đánh giá công chức là một khâu quan trọng trong công tác quản lý công chức. Việc đánh giá công chức có ý nghĩa tác động đến hoạt động của công chức, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công vụ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đổi mới đánh giá công chức phải đảm bảo phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, không thể tách
rời sự lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ “Đảng tập trung lãnh đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức” [16, tr. 180]
Có thể nói, ở nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, thống nhất lãnh đạo mọi mặt, mọi lĩnh vực với mục tiêu chung xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, do đó, mọi công tác của Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội phải đảm bảo theo chủ trương, chính sách của Đảng; quan điểm này luôn tồn tại, là phương châm trong mọi hoạt động của các cơ quan. Tuy nhiên, không đồng nhất vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác quản lý của Nhà nước, cần có sự phân định rõ ràng giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động quản lý công chức của các cơ quan Nhà nước. Đảng phải ban hành chủ trương, chính sách hợp lý về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nói chung, và công tác đánh giá cán bộ công chức nói riêng. Trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng thành những văn bản pháp luật nhằm đảm bảo tính pháp lý, làm cơ sở cho công tác quản lý, đánh giá cán bộ, công chức.
3.1.2. Đánh giá cán bộ, công chức phải dựa trên công cuộc cải cách hành chính hiện nay và xu thế thời đại, hiệu quả côngviệc.
Cải cách hành chính nhà nước được Đảng và nhà nước ta tổ chức triển khai thực hiện nhiều năm qua trên hầu hết các mặt, bao gồm, cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính. Trong các nội dung cải cách nêu trên, cải cách tổ chức bộ máy và con người được xem là nội dung quan trọng, bởi lẽ, mọi việc đều do con người thực hiện, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mặt khác, thời đại hiện nay là thời đại của toàn cầu
hóa, hội nhập quốc tế, thời đại của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật. Quá trình này, đòi hỏi bộ máy hành chính của các quốc gia phải vận động nhanh nhạy hơn để tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia; cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật - công nghệ có ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động quản lý, yêu cầu đặt ra đòi hỏi phải cải cách nền hành chính, sắp xếp lại bộ máy, đổi mới phương pháp quản lý công chức để theo kịp những tiến bộ chung của thế giới; bên cạnh đó, sự đòi hỏi của công dân và xã hội đối với Nhà nước ngày càng cao, Nhân dân đòi hỏi và mong muốn được thực hiện quyền làm chủ hợp pháp một cách đầy đủ, được yên ổn sinh sống, làm ăn trong môi trường an ninh, trật tự và dân chủ, không bị phiền hà, sách nhiễu, được đảm bảo cung cấp các dịch vụ công một cách đầy đủ và có chất lượng. Chính vì vậy hoạt động của nhà nước nói chung và của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, không nhũng nhiễu, vòi vĩnh, mang tính chất phục vụ là chủ yếu.
Những yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính và xu thế thời đại đặt ra những thách thức trong công tác quản lý, sử dụng công chức. Phải quản lý sử dụng công chức như thế nào để phát huy được năng lực, sở trường của từng cá nhân, tạo động lực để mỗi cá nhân phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng vừa chuyên”, đạo đức tốt, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Để thực hiện điều đó, một trong những cách thức đặt ra là phải đảm bảo công tác đánh giá cán bộ, công chức được khách quan, công tâm, chính xác, sử dụng kết quả đánh giá công chức để sử dụng, bố trí, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, … thật hợp lý. Công tác đánh giá công chức phải luôn quan tâm gắn liền với công cuộc cải cách hành chính và xu thế thời đại, những nội dung, quy trình đánh giá công chức phải trên cơ sở yêu cầu của cải cách hành chính, lấy hiệu quả công việc, thái độ phục vụ nhân dân làm thước đo trong đánh giá.
3.1.3. Đánh giá công chức phải gắn liền với đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của tổ chức.
Quản lý công chức bao gồm nhiều nội dung, đó là ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về công chức; xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, công chức; quy định chức danh và cơ cấu cán bộ; quy định ngạch, chức danh, mã số công chức; mô tả, quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức để xác định số lượng biên chế. Mỗi nội dung trong công tác quản lý công chức nêu trên đều có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau. Trong thời gian qua, công tác đánh giá công chức cơ bản đi vào nề nếp, tuy nhiên việc sử dụng kết quả đánh giá công chức vẫn còn chưa gắn chặt với các nội dung khác của công tác quản lý công chức; dẫn đến việc đánh giá công chức còn chưa được quan tâm đúng mức. Những chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý công chức đều có ảnh hưởng đến công tác đánh giá công chức. Điều này đòi hỏi sự thống nhất trong các quy định, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù riêng của từng cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, vị trí công tác của công chức tại các cơ quan, đơn vị khác nhau thì cần có nội dung đánh giá khác nhau để đảm bảo phù hợp với tính chất và đặc thù công việc. Hiện nay, Chính phủ quy định những nội dung mang tính chất chung trong công tác đánh giá công chức. Tùy vào đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị mà có cụ thể hóa tiêu chí đánh giá sao cho thật sự phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác đánh giá công chức. Chính vì vậy, đổi mới công tác đánh giá công chức phải gắn liền với đổi mới đồng bộ về cơ chế, chính sách liên quan đến công chức, nhất là chính sách trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, …, đồng thời phải gắn liền với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị.