IV. Yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chấp hành viên thi hành án dân sự
5. Yêu cầu về kiến thức pháp luật
Hệ thống pháp luật của nước ta là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, thể hiện trong các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong khi đó, hoạt động thi hành án dân sự có liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác nhau, chịu sự điều chỉnh của nhiều quan hệ pháp luật. Vì vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ một mặt đòi hỏi Chấp hành viên phải nắm vững nội dung cơ bản của hệ thống pháp luật, mặt khác cần xác định rõ những văn bản đang có hiệu lực thi hành, những văn bản hết hiệu lực thi hành. Mối tương quan giữa hệ thống pháp luật chung với các quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, việc Chấp hành viên nắm vững các văn bản pháp luật về thi hành án là hoàn toàn chưa đủ mà còn phải thấm nhuần các văn bản pháp luật khác có liên quan. Ví dụ: việc thi hành án rất nhiều trường hợp là có liên quan đến chế độ tài sản. Từ đó, phát sinh những tình huống rất đa dạng. Người phải thi hành án là tổ chức, từ đó phải phân biệt tổ chức đó là doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước; doanh nghiệp thì thuộc loại hình nào; công ty cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân hay công ty trách nhiệm hữu hạn... Mỗi loại hình doanh nghiệp có chế độ tài sản, chế độ trách nhiệm khác nhau. Nếu không nắm vững quy định của pháp luật doanh nghiệp, dân sự về các vấn đề trên, chắc chắn việc thi hành án sẽ không tránh khỏi những sai sót, thậm chí vi phạm. Tương tự như vậy, khi tổ chức việc thi hành án đối với người phải thi hành án là cá nhân, Chấp hành viên cần nắm được nghĩa vụ thi hành án là do cá nhân đó chịu trách nhiệm hay là các thành viên của gia đình người phải thi hành án trên cơ sở phân biệt trách nhiệm giám hộ,
phân biệt trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới theo pháp luật dân sự; kê biên tài sản theo thứ tự động sản kê biên trước, bất động sản kê biên sau, do đó, phải phân biệt được động sản với bất động sản; kê biên tài sản riêng của người phải thi hành án phải được kê biên trước, tài sản chung kê biên sau; Chấp hành viên được quyền kê biên tài sản của người phải thi hành án chung với người khác nhưng khi kê biên tài sản chung cần phải đảm bảo cho đồng sở hữu chung được biết, được thực hiện quyền ưu tiên mua tài sản; việc mua bán tài sản phải tuân theo quy định về hợp đồng mua bán tài sản theo quy định của pháp luật dân sự; người phải thi hành án có hành vi chống đối việc thi hành án thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của về tội danh của pháp luật hình sự và theo thủ tục của pháp luật tố tụng hình sự;
Như vậy, bên cạnh pháp luật về thi hành án dân sự, chấp hành viên phải tìm hiểu và nắm chắc các quy định của pháp luật dân sự, tố tụng dân sự, hình sự. tố tụng hình sự, pháp luật về doanh nghiệp…thì mới tổ chức thi hành án đúng pháp luật được.
* Pháp luật thi hành án dân sự là tổng thể các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại, bao gồm các quy định về quyền, nghĩa vụ của người được THA, người phải THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến THA; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý, tổ chức việc THA; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của CHV và trình tự, thủ tục THADS. Vì vậy, Chấp hành viên có nghĩa vụ phải nắm vững, hiểu sâu các quy định của pháp luật về thi ành án dân sự. Điều này thể hiện trên các khía cạnh như:
- Nắm vững các quy định về tổ chức, hoạt động của các CQQLNN về THADS; Mối quan hệ trong tổ chức và hoạt động của các CQTHADS; Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý THADS và CQTHADS; Mối quan hệ giữa CQTHADS và CHV, cán bộ THA; Mối quan hệ giữa CQTHADS và cơ quan được uỷ thác THA; Mối quan hệ giữa CQTHADS và người phải THA, người được THA, người có quyền lợi liên quan đến việc THA.
- Nắm vững các quy định về mối quan hệ giữa CQTHADS và các cơ quan tiến hành tố tụng; Mối quan hệ giữa CQTHADS và VKSND thực hiện kiểm sát THADS; Mối quan hệ giữa CQTHADS và chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc THADS.
- Nắm vững các quy định liên quan đến nội dung việc thi hành và chấp hành các BA, QĐ của TA về dân sự, phát sinh ngay sau khi BA, QĐ về dân sự có hiệu lực pháp luật như quan hệ giữa CQTHADS và người phải THA, người được THA và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Từ những quan hệ chủ yếu này sẽ phát sinh nhiều mối quan hệ khác trong quá trình THA nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình thực thi các BA, QĐ về dân sự của TA.
- Nắm vững các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án dân sự như: quan hệ phát sinh trong bước chuyển từ thủ tục tố tụng (giai đoạn xét xử) sang thủ tục THA, chủ yếu là trong việc chuyển giao BA, QĐ đã có hiệu lực của TA. Tiếp đó là trình tự, các bước tiếp theo của quá trình THA như: thụ lý THA, ra quyết định thi hành, tự nguyện thỏa thuận THA, cưỡng chế THA... Đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế như: kê biên tài sản, trừ vào thu nhập hợp pháp của người phải THA, kê biên phần tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung, cưỡng chế giao đồ vật, cưỡng chế thi hành nghĩa vụ giao vật hoặc trả nhà, chuyển quyền sử dụng đất, cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc làm hoặc không được làm một công việc nhất định...