Nguyên nhân của tình hình oan, sai trong hoạt động xét xử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền con người của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 52 - 56)

Theo Nguyên Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Ung Thị Xuân Hương, kết quả thực hiện công tác xét xử, giải quyết án của Tòa án nhân dân hai cấp thành phố chưa đạt yêu cầu cũng như chỉ tiêu công tác đề ra. Một trong những nguyên nhân là do gia tăng lượng án thụ lý mới, bên cạnh án tồn đọng của những năm trước, trong đó có nhiều vụ án có yếu tố nước ngoài nên phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp, tạm đình chỉ nên mất nhiều thời gian. Trong khi đó, vào những tháng cuối năm 2017, Tòa án nhân dân thành phố vẫn phải thụ lý một lượng lớn các vụ việc chuyển thẩm quyền của các Tòa án nhân dân cấp quận, huyện. “Số lượng các loại vụ án thụ lý lớn, tính chất các vụ tranh chấp ngày càng phức tạp, trong khi đó số lượng cán bộ, Thẩm phán, nhất là Thẩm phán sơ cấp chưa đủ để đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, nhiều Bộ luật, Luật mới có hiệu lực thi hành nhưng phần lớn chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Cá biệt có nhiều vấn đề vướng mắc về công tác chuyên môn và Tòa án nhân dân hai cấp thành phố đã gửi văn bản yêu cầu hướng dẫn đến Tòa án nhân dân tối cao nhưng chưa nhận được phản hồi kịp thời” [27]

Ngoài những nguyên nhân chủ quan kể trên thì nguyên nhân khác là do một bộ phận Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; yếu

kém về năng lực, trình độ, nôn nóng trong giải quyết vụ án, việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện; chưa bảo đảm đúng nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Một bộ phận người tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ. Một số địa phương xảy ra nhiều án còn thiếu Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Luật sư, tính chuyên nghiệp của đội ngũ những người tiến hành tố tụng, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự chưa cao, tỷ lệ vụ án hình sự có NBC tham gia tố tụng còn rất thấp, chất lượng bào chữa của NBC chưa đáp ứng nhu cầu thực tế ...

Theo báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì: Năm 2010 có 55.221 vụ án sơ thẩm, 12.971 vụ án phúc thẩm; năm 2011 có 60.925 vụ sơ thẩm, 13.896 vụ án phúc thẩm; năm 2012 có 67.369 vụ án sơ thẩm, 14.119 vụ án phúc thẩm; năm 2013 là 68.751 vụ án sơ thẩm, 15.094 vụ án phúc thẩm. Trong khi đó số vụ án hình sự có Luật sư tham gia bào chữa trong năm 2010 là: 14.727 vụ (trong đó: 7.608 vụ được mời, 7.119 vụ theo yêu cầu của CQTHTT); Năm 2011 là: 17.507 vụ (trong đó: 9.740 vụ được mời, 7.767 vụ theo yêu cầu của CQTHTT): Năm 2012 là: 14.375 vụ (trong đó: 5.946 vụ được mời, 8.429 vụ theo yêu cầu của CQTHTT).

Nhìn vào số liệu trên cho thấy tỷ lệ vụ án hình sự có NBC tham gia TTHS để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị can, bị cáo là quá thấp. Vẫn còn rất nhiều vụ án hình sự không có sự tham gia bào chữa của NBC dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo không được bảo đảm; hiện tượng án oan, sai vẫn còn nhiều. Thực tiễn xét

xử cho thấy rằng chất lượng tranh tụng tại một số phiên tòa còn hạn chế, một số phiên tòa việc tranh luận còn mang tính hình thức. Chất lượng bào chữa tại phiên tòa nhìn chung vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn này, tác giả chỉ tập trung vào phân tích nguyên nhân khách quan chủ yếu về những bất cập trong các quy định của pháp luật, đặc biệt là luật TTHS 2015 trong việc bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo với một số nội dung như sau:

Một số quy định của BLTTHS còn hạn chế, bất cập như: nguyên tắc suy đoán vô tội như đã phân tích, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa; khái niệm chứng cứ, các nguyên tắc đánh giá, sử dụng và loại trừ chứng cứ; chủ thể thu thập chứng cứ…..như đã phân tích ở trên.

Thực tiễn cho thấy định kiến chung khi nhìn nhận những người bị buộc tội như là người có tội. Vì vậy, trong giải quyết vụ án nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đi theo hướng suy đoán vô tội mà có khuynh hướng suy đoán có tội, cố tìm ra chứng cứ để buộc tội dẫn đến oan sai, bức cung….Trong vài trường hợp khi xét xử không đủ chứng cứ Tòa án thường có quan niệm trả tòa hồ sơ điều tra lại, việc trả hồ sơ điều tra lại vô hình dung cố tình ghép tội bị cáo bằng cách điều tra lại để củng cố chứng cứ buộc tội, chứ ít khi Tòa án tuyên bị cáo vô tội. Đối với bị cáo bị truy tố với mức hình phạt cao nhất, quan niệm Thẩm phán xét xử thường chọn phương án an toàn là tuyên phạt tù chung thân khi nhận thấy chứng cứ chưa đủ mạnh.

Theo Điều 87, Bộ Luật TTHS 2015 quy định nguồn chứng cứ được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội có thể là lời khai, lời trình bày của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Chính quy định lời khai của bị can bị cáo cũng là chứng cứ nên thực tế đã xảy ra tình trạng là Cơ quan điều tra hay HĐXX thay vì đi tìm các tài liệu bằng chứng xác thực khác, trước tiên họ thực hiện bắt giam sau đó truy bức nhục hình, đe dọa cho người này khai nhận hành vi phạm tội [28].

Mặt khác, quy định điều 86 Bộ luật TTHS 2015 quy định về chứng cứ vẫn chưa chi tiết, cụ thể quy định “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này”, điều này sẽ dẫn đến rất nhiều thứ được coi như là chứng cứ để chứng minh, làm “nhiễu” quá trình xác minh bản chất sự thật của vụ án. Xét trên phạm trù tâm lý học, khi có bản cáo trạng hoặc lời khai của bị cáo, thì tư duy “án tại hồ sơ” luôn chi phối ít nhiều đến tư tưởng của HĐXX.

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI CỦA BỊ CÁO TRONG XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ.

Nghị quyết số 09/NQ - TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" đã đề ra nhiệm vụ "Hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người".

Từ những nguyên nhân đã phân tích ở trên có nhiều cách bảo đảm quyền con người trong xét xử. Theo Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết quả thực hiện công tác xét xử, giải quyết án của Tòa án nhân dân thành phố chưa đạt yêu cầu cũng như chỉ tiêu công tác đề ra là do gia tăng lượng án thụ lý mới, bên cạnh án tồn đọng của những năm trước, vì vậy ngoài việc tăng cường đội ngũ cán bộ Tòa án, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, cơ sở vật chất, tài chính, nâng cao chế độ lương, phụ cấp, công tác phí để cán bộ công chức Tòa án có thể bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình ở mức trung bình, quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán dài hơn hoặc vô thời hạn để Thẩm phán yên tâm công tác, quy định rõ mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Kiểm sát viên, Luật sư……Ở đây tác giả không đi sâu vào phân tích tất cả các nguyên nhân mà chỉ tập trung vào phân tích những hạn chế và đưa ra giải pháp liên quan đến quy định pháp luật trong việc bảo đảm quyền con người trong xét xử hình sự sơ thẩm. Từ những lý luận và nguyên nhân thực trạng như đã phân tích ở trên, tác giả đưa ra những giải pháp để hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật TTHS trong xét xử hình sự sơ thẩm như sau:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền con người của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 52 - 56)