luật về lao động là người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay
2.3.1. Những kết quả đạt được
Năm 2019 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Nhờ sự nổ lực về chính sách và pháp luật mà toàn xã hội đã có cách nhìn nhận tích cực hơn đối với người khuyết tật. Hàng loạt các văn bản ra đời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như tạo nhiều cơ hội việc làm, văn hóa, giáo dục đã giúp NKT từng bước hòa nhập vào cộng đồng. Kể từ ngày 1/1/2011 cho đến nay, pháp luật về lao động là NKT và thực tiễn thực hiện các quy định đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
Thứ nhất, LNKT năm 2010 đã thay đổi tên gọi cũ từ “tàn tật” sang “khuyết tật”. Điều này được xem là một bước nhảy quan trọng trong quá trình tái hòa nhập vào cộng đồng cho NKT. Vì “tàn tật” là chỉ tình trạng người bị khiếm khuyết mất khả năng sinh hoạt, lao động và tương tác với xã hội bên ngoài. Thay thế bằng từ “người khuyết tật” là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Đồng thời nâng cao trách nhiệm đối với toàn thể xã hội trong tạo việc làm, hỗ trợ học nghề, dạy nghề và không phân biệt đối xử thay vì chỉ có trách nhiệm phúc lợi xã
hội, trách nhiệm của các gia đình có NKT như các văn bản pháp luật trước đây.
Thứ hai, các quy định pháp luậtđược xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đặt ra của thực tiễn và sự tương thích với các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định của các Công ước, thì quốc gia thành viên phải có trách nhiệm xây dựng, thực hiện và định kỳ xem xét lại chính sách quốc gia trong lĩnh vực đảm bảo các quyền của người khuyết tật, phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật. Thì hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành và rà soát các chính sách, các quy định pháp luật liên quan đến NKT trên cơ sở các nội dung của Công ước. Nhờ vậy mà hệ thống pháp luật về lao động là NKT được cải thiện. Tạo nhiều cơ hội hơn cho NKT được học tập, dạy nghề và tìm kiếm việc làm. NKT giờ đây đã dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để học nghề, tìm việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ nguồn vốn ưu đãi cho hàng nghìn dự án của NKT và cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT. Nhiều địa phương thành lập và bố trí kinh phí từ Quỹ việc làm cho NKT để hỗ trợ, tạo việc làm cho NKT. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như số lượng NKT được nhận vào làm việc đã tăng lên rất nhiều so với trước đây. Nhờ đó mà NKT tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thứ ba, các quy định trong LNKT 2010 và BLLĐ 2012 đã tạo điều kiện tốt nhất cho lao động là NKT được bảo vệ một cách toàn diện. Cụ thể thông qua các quy định về nâng cao chất lượng dạy nghề, tư vấn tìm việc miễn phí, khuyến khích và hỗ trợ điều chỉnh môi trường làm việc phù hợp với sự khiếm khuyết của NKT đã tạo nên một làn sóng việc làm mạnh mẽ trong thị trường lao động Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thành lập để dành riêng cho lao động là người khuyết tật. Đặc biệt các quy định ràng buộc trách nhiệm về an toàn lao động và yêu cầu về khám chữa bệnh định kì cho lao động thuộc về trách nhiệm của người sử dụng lao động đã giúp giảm gánh nặng tài chính cho người khuyết tật, đảm bảo cho họ yên tâm làm việc và cống hiến. Ngoài ra, các quy định và chính sách về nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đảm bảo quyền tham gia giao thông và tiếp cận
thông tin của NKT cũng góp phần không nhỏ giúp đỡ lao động là NKT trong đi lại, giao tiếp và hòa nhập.
2.3.2. Một số tồn tại và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng mong đợi thì hiện nay, pháp luật về lao động là NKT cũng như việc thực hiện các quy định đó cũng còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể:
Một là, tỷlệ NKTchưa biết chữvà không tham gia học nghề còn cao, đặc biệt là khu vực nông thôn. Theo khảo sát của Tổng cục thống kê Việt Nam, hiện có 81,69% trẻ khuyết tật được đi học tiểu học. Tức là có đến gần 20% trẻ em không được đi học và biết chữ. Và con số này giảm dần theo các cấp học: Trung học cơ sở là 67,43% và THPT là 33,56% [42, tr.78, 79]. Về đào tạo nghề, thì theo con số điều tra của Ủy ban Quốc gia về NKT thì tỷ lệ NKT không được tham gia học nghề còn rất cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm giữa NKT với những lao động thông thường khác. Bên cạnh đó, dù đã có nhiều quy định pháp luật và chính sách giúp NKT tiếp cận vốn vay ưu đãi để học nghề hoặc mở các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2014 đến nay không được bổ sung nguồn vốn từ Nhà nước cũng như sự hỗ trợ từ các nguồn tư nhân khác. Ngân hàng chỉ thực hiện bằng nguồn vốn quay vòng. Nên chưa đáp ứng hết được tất cả nhu cầu cần vay vốn để học nghề và tự kinh doanh, sản xuất của người khuyết tật. [41]
Hai là, mặc dù đã có nhiều quy định khuyến khích và ưu đãi cho người sử dụng lao động trong tuyển dụng và tạo việc làm, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc vẫn không cao. Theo khảo sát của tổng cục thống kê, khoảng 55% số người được hỏi đưa ra câu trả lời là chủ sử dụng lao động sẽ không muốn thuê lao động là người khuyết tật. Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thường hạn chế tuyển dụng người khuyết tật, chỉ có 1.4% là bày tỏ thái độ thích thuê NKT hơn người không khuyết tật [5, tr.80].
Ba là, lao động là NKT khi tham gia làm việc tại doanh nghiệp gặp nhiều rào cản trong giao tiếp, bày tỏ quan điểm và ít nhận được sự hỗ trợ về điều chỉnh môi
trường làm việc phù hợp với nhu cầu. Rất nhiều trường hợp bị cô lập dẫn đến khả năng trụ lâu dài với một công việc không cao. Người sử dụng lao động chưa thật sự cân nhắc đến các hoạt động chăm sóc và khám sức khỏe định kỳ dành riêng cho người khuyết tật. Chủ yếu đều chỉ tiến hành mang tính hình thức, không có sự khác biệt gì về các chế độ giữa NKT và người không khuyết tật.
Số lượng NKT đang ngày càng có xu hướng tăng cao. Kinh tế phát triển cũng kéo theo nhiều mối hiểm họa dễ khiến con người gặp tai nạn dẫn đến khiếm khuyết chứ không chỉ còn tồn tại nguyên nhân khuyết tật bẩm sinh như trước. Thế nên, mỗi quốc gia đòi hỏi cần phải nổ lực hơn nữa trong bảo vệ và sử dụng nguồn nhân lực là NKT nói chung và lao động là NKT nói riêng. Thế nhưng, là một nước đang phát triển, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn cũng như còn nhiều thiếu sót trong ban hành và thực hiện các quy định pháp luật về lao động là người khuyết tật. Nguyên nhân của những bất cập đó xuất phát từ những lý do chính sau đây:
Một là, các quy định pháp luật về sử dụng lao động là NKT thiếu tính khả thi và chưa đủ mạnh để tác động đến thay đổi nhận thức và công tác tuyển dụng, tiếp nhận lao động là NKT của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân
Thứ nhất, quy định về việc Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc tại khoản 1 Điều 35 LNKT năm 2010 chưa có tính ràng buộc. Ở thời điểm hiện tại, cải thiện việc làm cho NKT chủ yếu vẫn thông qua các chính sách vận động, khuyến khích, điều này là chưa đủ mạnh để doanh nghiệp cân nhắc tuyển dụng. Vì thực tế là, để tuyển dụng một lao động khuyết tật thì yêu cầu đòi hỏi sẽ cao hơn rất nhiều với một người bình thường nhưng chính sách ưu đãi từ Nhà nước thì khó tiếp nhận, do đó không một nhà kinh doanh nào khi thực hiện bài toán tuyển dụng mà lại cân nhắc chọn đáp số thiệt hại cho mình.
Thứ hai, quy định tại Điều 34 LNKT năm 2010 về tỷ lệ được hưởng chính sách ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% lao động là NKT trở lên là chưa khả thi. Trước tình trạng nền kinh tế và sự phát triển xã hội như hiện nay, có thể thấy thất nghiệp là một vấn nạn chung. Và nguyên nhân dẫn đến việc không tiếp nhận NKT không chỉ xuất phát từ sự khiếm khuyết của họ mà còn phụ
thuộc vào trình độ học vấn, tay nghề của người khuyết tật. Hiện nay, tỷ lệ NKT được học tập và dạy nghề vẫn chưa cao, nếu nhận lao động không có năng lực vào làm việc vô hình chung trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì vậy để một doanh nghiệp có thể tuyển dụng được 30% trong tổng số lao động trở lên là điều khó thực hiện.
Hai là, quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn thực hiện
Thứ nhất, quy định về đối xử công bằng giữa người lao động bình thường và lao động là NKT tại chương VII của BLLĐ năm 2012 được xem là ưu việt, giúp doanh nghiệp không phân biệt đối xử trong hoạt động tuyển dụng nhưng lại thiếu tính hiệu quả lâu dài. Định nghĩa “Người khuyết tật” trong công ước số 159 của ILO về tài thích ứng nghề nghiệp và việc làm của NKT năm 1983: “Thuật ngữ người có khuyết tật dùng để chỉ người mà triển vọng tìm được một việc làm thích hợp, cũng như triển vọng tiến bộ về mặt nghề nghiệp, đều bị giảm sút một cách rõ rệt, do một sự khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần được Công nhận rõ ràng”. Dựa vào định nghĩa này ta có thể thấy, lao động là NKT bản thân họ đã có sức khỏe giảm sút hơn người bình thường do đó để làm việc và nghỉ ngơi như thời gian của người bình thường về lâu dài sẽ khiến họ không thể trụ lại lâu dài với một công việc, đặc biệt là những công việc yêu cầu nhiều năng lượng và sức lực. Nếu như vậy, so với Công ước số 159 của ILO là thiếu sự tương thích.
Thứ hai, quy định về cấm sử dụng lao động là NKT suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm vừa là nhân văn nhưng cũng vừa mang tính thách thức. Thách thức ở đây chính là thách thức người sử dụng lao động phải rất cân nhắc khi nhận nhiều lao động là NKT thì tương lai khi cần tăng ca, thêm giờ để kịp tiến độ sản xuất là câu chuyện không được tiến hành vì bị cấm. Điều này vô hình làm nhà tuyển dụng e dè, hạn chế nhận người khuyết tật. Có nên chăng chuyển đổi từ cấm sang cho phép nhưng có điều kiện về lương thưởng, chế độ ưu đãi. Như vậy sẽ vừa đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp vừa tăng thêm thu nhập cho lao động là người khuyết tật.
Ba là, công tác đào tạo nghề vẫn chưa tỷ lệ thuận với cơ hội được học nghề và tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật
Hiện nay, số cơ sở dạy nghề và giáo dục chuyên biệt cho NKT được thành lập khá nhiều bao gồm cả nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia học chưa cao vì nhiều rào cản xuất phát từ tài chính và phân bố không đồng đều của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc học nghề với cơ hội tìm được việc làm còn chưa đảm bảo, khoảng 60% NKT sau khi học nghề không tìm được việc làm hoặc không đủ trình độ chuyên môn như yêu cầu của nhà tuyển dụng [42, tr.84].
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, thông tin và truyền thông chưa bảo đảm cho NKT đi lại, tìm việc và làm việc. Nhận thức của xã hội về NKT nói chung và lao động là NKT nói riêng còn chưa được cải thiện tích cực do đó NKT vẫn còn phải chịu nhiều sự phân biệt, kì thị, cô lập dẫn đến họ bị tách biệt tại môi trường lao động.
Tiểu kết Chương 2
Trên cơ sở những vấn đề lý luận được nghiên cứu ở chương 1, chương 2 tập trung nghiên cứu thực trạng quy định pháp luật về lao động là NKT ở Việt Nam và thực tiễn thực hiện các quy định đó trong giai đoạn hiện nay. Bao gồm những nội dung sau đây:
- Bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật;
- Bảo đảm bình đẳng và không phân biệt đối xử về khuyết tật, cụ thể về: đảm bảo bình đẳng và không phân biệt đối xử về việc làm cho lao động là NKT và đảm bảo bình đẳng và không phân biệt đối xử trong giáo dục và dạy nghề cho người khuyết tật. - Bảo hộ lao động đối với lao động là người khuyết tật, cụ thể về: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động và vệ sinh lao động.
khuyết tật.
Trên cơ sở đó, Luận văn đã đưa ra được những đánh giá ưu và nhược điểm cũng như nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế trong ban hành và thực hiện các quy định pháp luật. Đây là cơ sở để đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật về lao động là NKT ở chương 3.
CHƯƠNG 3
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY